Subud và Hồi giáo

Minh Thần phiếm luận

 
 

Subud thường bị người ngoài đồng hóa với một giáo phái của Hồi giáo, bởi Bapak là người Hồi giáo và có những hội viên nhịn Ramadhan.

Ý kiến về Hồi giáo của người Subud
Theo Matthew Sullivan trong Living Religion in Subud, điều đó là do:

''Sự kiện Bapak là người Hồi giáo đã làm cho đa số chúng tôi có cảm tình với Hồi giáo, điều thông thường chúng tôi khó có được. Tập latihan mà đôi lúc được giao thiệp với người Hồi giáo có hiệu quả làm mất đi những thành kiến từ xưa tới nay, những hình dung thù nghịch với Hồi giáo trong truyền thông của Tây phương.

''Một liên hệ khác là trai giới. Nhiều người không là Hồi giáo trong chúng tôi đã thường xuyên, hay trong vài năm, theo trai giới Ramadhan mỗi năm, để làm theo điều Bapak thường nói tới là cảnh giác nội giới và kiềm chế ngoại giới. Trước đây, trai giới là cách rèn luyện tinh thần, rửa sạch và khôi phục tâm hồn, của các tôn giáo, và Subud chỉ đem trở lại những gì mà một vài phong trào trong giáo hội coi là có giá trị. Với tôi, những lúc theo Ramadan là một sự giáo dục khiến hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết của mùa chay Thiên Chúa giáo, sự trai giới mà Bapak coi là ngang hàng với trai giới Hồi giáo.

''Chính Bapak cũng chưa từng tìm cách cải hoá người ta vào Hồi giáo, điều hoàn toàn đi ngược lại tinh thần của Subud. Nhưng bởi chính mình là một gương mẫu thâm hiểu Hồi giáo, nên Bapak không thể không làm cho người khác bị ảnh hưởng. Nhiều người phương Tây chúng tôi, bởi không có gốc rễ tôn giáo, hay chán ghét Thiên Chúa hoặc Do Thái giáo, những tôn giáo theo đó mình được dạy dỗ, nên đã chọn Hồi giáo, tối thiểu là trong bước đầu đi tìm đạo của mình. Nhiều người đã xin vào Hồi giáo, điều này thì phải nói, và do đó lấy một cái tên Hồi giáo. Nhưng sau sự phấn khởi đó, họ lại nhận thấy khó theo được những đòi hỏi của một tín ngưỡng bên ngoài văn hóa mình, nên đã bỏ cuộc để lấy lại cái tên trước kia của mình.

''Nhưng với những người kiên cường tin tưởng Hồi giáo thì ra sao? Điều này thì chúng ta phải hỏi, và chính họ cũng tự hỏi mình, là quan hệ của họ ra sao đối với những thế lực bảo thủ và độc đoán một mặt hiện đang hoành hành trong Hồi giáo, và mặt khác là những khuynh hướng hiện đại hóa theo Tây phương. Một anh bạn Hồi giáo gốc Algerie của tôi, một nhà tâm lí học, có ý kiến là bởi đứng ngoài những xung đột đó, nên Subud có thể trở thành một khuôn mẫu, một trường hợp điển hình, cho sự đổi mới.''

Có người còn lo xa hơn, sợ những liên hệ với Hồi giáo là chướng ngại cho sự phát triển của Subud. Trong Subud Vision Marius Kahan viết trong bài The End of the Road:

''Theo tôi thì điều này có thể là như vậy nếu Bapak là một người đạo Hindu chẳng hạn, như vậy thì những cái tên Ruslan hay Harlinah trong Subud sẽ thành Vikram hay Parmjit. Tuy bạn có thể cho như vậy là không đúng, nhưng theo tôi nghĩ thì điều này không phải là vô lí nếu nhận xét một cách trung bình: có cái khuynh hướng thiên Hồi giáo là bởi vì Bapak là người Hồi giáo. Nhưng cái thế giới Hồi giáo ngoài đời thì lại coi Subud là một môn phái hạ cấp.

''Vậy nên, có thể nói Hồi giáo hầu như không là người bạn của Subud: kết giao chặt chẽ với Hồi giáo thì không khác gì để sau lưng mình một khẩu hiệu ''Bạn cứ việc đá đít tôi.''

''Theo sự dò xét (*) của Hồi giáo, Bapak là một kẻ dị giáo, và tuy hiện nay không hệ trọng, nhưng điều này thật đáng lo ngại, bởi cái khuynh hướng đó càng lúc càng tăng cường. Nhưng cũng phải kể cả Thiên Chúa giáo. Nhiều người Thiên Chúa giáo đã post những điều không tốt đẹp về Subud trên Internet, và hầu hết những người bạn Thiên Chúa giáo của tôi đều nói Subud chắc chắn là con đường dẫn tới địa ngục. Vậy nên, chúng ta hầu như khó gặp được những kẻ đi tìm đạo đến gặp mình để xin vào Hội, và nếu đến thì họ cũng thấy cụt hứng vì những gì dính líu tới Hồi giáo: phần đông những người Thiên chúa giáo mà tôi quen biết, đều tin rằng Hồi giáo là tôn giáo của Quỷ Vương, rằng sẽ có một cuộc đối đầu kinh thiên động địa của tôn giáo ở Trung Đông.

''Theo tôi thấy thì cái mùi vị Hồi giáo là điều hiện và sẽ còn làm hại nhiều cho sự mong muốn được bành trướng của Subud, do cái trào lưu mgấm ngầm của sự ghét sợ Hồi giáo hiện đang đang thịnh hành trong truyền thông Tây phương . Cái khuynh hướng đó có nghĩa là mình chắc phải suy nghĩ kĩ lại, trước khi post một điều như 'Ramadan Mubarak' [chúc bạn có một ramadan tốt đẹp] trong những trang web truyền thông xã hội hay Subud. Đương nhiên điều đó sẽ chỉ làm tăng cường cái quan niệm coi Subud là điều gì như một tông phái của Hồi giáo. Như bất cứ một hội viên Subud nào, tôi biết rằng làm Ramadan không có nghĩa mình là người Hồi giáo. Nhưng điều đó không hệ trọng - điều đáng quan tâm là sự cảm nhận của người ngoài: post một sự chúc mừng như vậy là một ý tốt, nhưng theo tôi thấy thì không nên làm.

''Khi tôi vào Subud giữa những năm 1970, khung cảnh của thế giới hầu như khác hẳn với tình hình hiện nay: Hồi giáo được nhiều người coi là một tôn giáo ôn hòa và văn minh (cái cảm tưởng đó vẫn còn duy trì, mặc dù bắt đầu có những sôi nổi của phong trào Hồi giáo toàn nguyên ở Iran). Tôi phải nhìn nhận điều này là cái vẻ hào quang kỳ lạ và huyền bí của Hồi giáo càng làm cho Subud trở nên hấp dẫn thêm, khi trong năm 1976 tôi mò mẫn đi tìm đạo. Nhưng hiện nay thì chắc chắn tôi sẽ lánh xa Subud vì một sự cảm nhận khác hẳn về Hồi giáo, nếu lần đầu tiên mình tìm thấy Subud.

''Nếu muốn lớn mạnh, Subud phải làm cho mình không dính líu gì tới Hồi giáo. Tôi mạo muội có ý kiến này là cái bóng tối bao quát của Hồi giáo trong Subud sẽ làm mất đi những ai muốn tìm hiều Subud ở những quốc gia Tây phương''.

(*) Muốn biết sự dò xét đó ra sao, xin bạn vào trang Web này của Hồi giáo mà đọc:

http://www.darululoomtt.org/oldsite/fatwa_444.shtml )

Nên hiểu là có những Hồi giáo khác nhau
Trong những bài nói chuyện Bapak thường đề cập tới Hồi giáo, và người đọc cũng thường coi đó là thứ Hồi giáo mình thường nghe nói tới, hay được biết qua truyền thông, một tôn giáo của hơn 1.5 tỷ người trên thế giới. Nhưng điều ít người hay được là Indonesia có hai thứ Hồi giáo: Hồi giáo trào lưu truyền thống (Abangam Islam từ thế kỉ 14) và Hồi giáo trào lưu phổ thông (Santri Islam từ thế kỉ 19).

Người đầu tiên đem Abangam Islam tới Java là Maulana Magribi, một Sufi Ba Tư. Những Sufi có tên tuổi kế nghiệp ông làm cho Hồi giáo bành trướng ở Java là các Wali Sanga (Chín Vị Thánh). Abangam Islam là một tôn giáo dung hòa đạo Hồi của các Sufi (quan niệm shariat, tarekat, hakekat, marifat) với những tín ngưỡng của dân bản địa như tín ngưỡng vật linh (quan niệm vật chất có linh hồn), đạo Phật và Hindu (quan niệm karma, susila, budhi, dharma, jiwa, kedjiwan).

Từ thế kỉ 19 người Java bắt đầu đến Mecca hành hương. Khi về nước họ đem theo thứ Hồi giáo học hỏi ở đó (Santri Islam) mà họ coi là thuần tuý. Đối với những người Hồi giáo khác, Hồi giáo của Java (Abangam Islam) là một thứ tôn giáo 'pha trộn'! Người Santri Islam không theo tục lệ selematan như người Abangam Islam. Có một sự khác biệt nổi bật này là những người tự cho mình là thuần tuý Hồi giáo tin rằng con người sinh ra trong tình trạng vô tội, nhưng đã phạm tội vì cố ý gây tội. Điều này trái ngược với những gì chúng ta thường nghe Bapak nói là latihan mình tiến bộ chậm chạp vì phải gánh chịu tội lỗi của tổ tiên.

Ngay từ lúc đầu Subud đã vạch rõ ranh giới của mình
Trong hồi kí Pak Haryono thuật lại không khí căng thẳng của Hội Nghị Subud đầu tiên tại Jogyakarta trong năm 1954. Vấn đề là sự tranh cãi về những gì phải viết trong bản hiến chương của Subud. Có một nhóm đề nghị là phải đưa vào hiến chương điều khoản sự liên hệ của Subud với Hồi giáo. Một hội viên Sumatra hăm dọa là nếu có những gì trái với Hồi giáo, mình sẽ tự tay làm cho Subud bị tiêu huỷ trên vùng đất của Sumatra. Nhưng khi Bapak cho biết ý định mình, mọi người đã cúi đầu phục tòng. Trong phần đầu của hiến chương Bapak viết:

''Chúng tôi tuyên bố nơi đây cái latihan kedjiwaan mà chúng tôi tiếp nhận và theo tập chỉ xảy ra nhờ một thái độ hoàn toàn chân thành quy thuận Thượng Đế.

''Hiển nhiên khi tâm hồn chân thành quy thuận Thượng Đế, tâm trí đột nhiên tự ý ngưng hoạt động. Đồng thời chúng ta cảm thấy một sự 'rung động' trong cơ thể, cảm xúc và ý thức, và đó là những gì biểu lộ qua động tác và năng lực mà chúng tôi gọi là latihan kedjiwan.

''Bởi latihan kedjiwan mà chúng tôi tiếp nhận là do lòng nhân từ của Thượng Đế, nên latihan kedjiwan có thể bành trướng trên khắp thế giới nhờ thái độ chân thành quy thuận của những người nam và nữ thuộc mọi quốc gia và tôn giáo.''

 
     
 
  © 2018 Góc Nhỏ