Những chữ khó dịch của Bapak

 Minh Thần phiếm luận

 
 

Có những chữ Bapak dùng là phải nhận thức được môi trường văn hóa của nó thì mới hiểu đúng được. Bởi những bản dịch tiếng Anh từ tiếng Indo (tiếng Việt từ tiếng Anh) thường thiếu những chú giải nên người đọc thấy rắc rối và khó nuốt. Chẳng hạn như chữ nafsu mà có thể hiểu theo nhiều cách trong những nói chuyện của Bapak như:

  1. sức mạnh hạ đẳng, dưới trình độ con người
  2. passion của tiếng Anh, từ đó tiếng Việt dịch là ham muốn, dục vong, đam mê
  3. đam mê (passion) của sức mạnh hạ đẳng, như tham sân si vv...
  4. nafsu là cái ý chí khiến muốn làm việc, tranh đua kiếm ăn vv...

Những chữ khó dịch được đặc biệt đề cập tới ở đây là nafsu, kedjiwaan và jiwa.

KEDJIWAAN

Tiếng Anh dịch là spiritual, và tiếng Việt từ đó là tâm linh. Trả lời một bức thư của hội viên, Ibu viết tháng 2 1994: ''Kedjiwaan cụ thể hơn spiritual. Nếu dịch là spiritual thì phải thêm spiritual of Subud, bởi spiritual ở Indonesia là một từ có nghĩa rất rộng. Những gì không hướng tới Thượng Đế cũng có thể gọi là spiritual.''

NAFSU

Trả lời một bức thư của một hội viên hỏi về nghĩa của nafsu, Ibu viết tháng 2 1994:

Trong tiếng Indo nafsu có nhiều nghĩa. Ví dụ:
Tidale ada nafsu maka: Hắn không thèm ăn.
Đôi khi nafsu mang nghĩa dục vọng (passion), đôi khi là thị hiếu (desire) tuỳ theo văn cảnh. Nhưng trong lĩnh vực tâm linh (kedjiwaan) có thể coi nafsu là có 4 loại:

  1. Nafsu amarah do vật chất, như thích tranh cãi.
  2. Nafsu aluamah do thực vật, như chỉ muốn làm theo ý mình.
  3. Nafsu sopiah do thú vật, như thị hiếu.
  4. Nafsu mutmainah do con người, như tình thương, tình cảm yêu mến, tình người

Trong một bài nói chuyện đăng trong Pewarta May 1965, Bapak giải thích:

Nếu các bạn muốn biết đầy đủ về thực chất của những nafsu mà ảnh hưởng có hại cho mình, Bapak giải thích như sau:

Nafsu Murka.
Ảnh hưởng của nafsu murka, hay lòng tham, là khiến cho mình có cách cư xử là không muốn nhường nhịn, hay chịu thua kém, không hài lòng với những gì mình có. Tóm lại là thích thú coi mình là cao siêu, là quyền thế, là giàu có.

Nafsu Angkara
Ảnh hưởng của nafsu angkar, hay lòng ngạo mạn, là có lối cư xử làm cho mình thích chống chọi, thích tranh cãi. Tóm lại là thích làm cho chung quanh mình bị bất an.

Nafsu Keiginan
Ảnh hưởng của lòng thị hiếu đôi khi có thể tốt khi nó đi chung với nafsu djatmika, bởi khi liên minh với nafsu djatmika,ảnh hưởng của nafsu djatmika có thể làm cho mình có lối cư xử như muốn phụng thờ TĐ, muốn dàn xếp mọi chuyện một cách ôn hòa, muốn giải quyết một cách công bằng, và muốn giúp bất cứ ai nên được giúp. Mặt khác, khi nafsu keinigan liên minh với lòng tham và ngạo mạn, ảnh hưởng của nó có thể làm cho mình có lối cư xử như chỉ mong muốn cho mình có quyền thế, mong muốn cho mình giàu có. Những hành vi đó không tạo nên tình trạng hòa bình.

Nafsu Djatmika
Có ảnh hưởng của nafsu djatmika, của sự minh trí, khi chân tâm khiến mình nhớ tới những bổn phận trong đời, đi tìm vận may và sự an hòa trong đời mà không quên phụng thờ Thượng Đế.

Ngoài ra, còn những nghĩa khác là ý chí và tưởng tượng.

Nafu là ý chí, như trong một bài nói chuyện của Bapak mùng 1 tháng 8 1989:''Những gì các bạn tiếp nhận được trong lối tu tập của latihan kedjiwaan chứng tỏ latihan không do ảnh hưởng của nafsu. Nafsu nghĩa là ý chí, thị hiếu. Nafsu không là lòng kiêu ngạo, tính hung hăng, sự hà hiếp kẻ yếu, sự tức giận vì những chuyện nhỏ nhặt. Không, nafsu nghĩa là ý chí''. Trong bài nói chuyện ngày 27 tháng 7 1979 Bapak giải thích một cách khác: ''Chúng ta cần cái sức mạnh đó, sức mạnh thú vật rất cần cho cuộc sống mình, bởi nó khiến mình có nafsu, ý chí làm việc, sức mạnh làm việc.''

Nafsu là tưởng tượng, như trong bài nói chuyện ngày 8 tháng 11 tại Wisna Subud: ''Nafsu là những tưởng tượng liên tục có trong đầu óc. Liên tục không bao giờ hết hình dung những điều này nọ. Những nafsu đó rất khó tránh khỏi. Hình dung những gì mình muốn, những gì mình sẽ làm. Thực vậy, nếu gạt bỏ nafsu, chúng ta sẽ không thể làm gì trên cái thế gian này, sẽ không có sức mạnh và sự hoạt động trong cuộc sống. Chúng ta sẽ như người chết.''

JIWA

Thường dịch là soul trong tiếng Anh, linh hồn trong tiếng Việt, và không gây gì trở ngại với người đọc. Nhưng cũng nên hiểu theo ý của Bapak, như trong những bài nói chuyện dưới đây:

November 8 1980 Wisma Subud
''Jiwa là nội dung của mỗi người chúng ta. Cái cơ thể mà chúng ta trông thấy, là nơi chứa của nó. Jiwa của người này khác với của người kia. Cái quá trình xảy ra trong latihan là sự phát triển của jiwa. Như Bapak đã nói, jiwa mỗi người không như nhau, bởi có những trình độ hay cấp bậc khác nhau của jiwa. Hiển nhiên sự phát triển đó không tuỳ thuộc khả năng mỗi cá nhân. Bapak hiểu 'khả năng' là sự trong sạch của bản chất. Vậy nên, nếu cá nhân đó tập latiham mà luôn khiến mình bị nhơ nhuốc bởi những gì mình làm, thì sự phát triển của jiwa sẽ không êm xuôi, không tốt đẹp, và sẽ không có tiến bộ.

''Dấu hiệu sự phát triển là sự trọng đại, hay ảnh hưởng, của cái thế gian này bắt đầu yếu dần. Điều Bapak muốn nói là tất cả những gì khiến lòng mình vui sướng. Mình vui sướng vì hiểu được điều này nọ, càng lúc càng nhìn thấu hơn được cái thế gian này, cách nó hoạt động, cách khiến có những gì xảy ra, như thế này hay thế kia. Đó là tất cả những gì khiến lòng mình vui sướng. Tất cả những cái đó càng lúc càng bớt ảnh hưởng tới jiwa. Vậy nên, chúng ta trải qua những thời kì mà không còn hứng thú với những gì làm cho thiên hạ vui sướng. Chẳng như mình khá giả nên có thể ăn những thứ này thứ nọ, nhưng mình lại không muốn ăn chút nào. Chợt nhiên, cuộc sống mình trở nên trống rỗng, mất thú vị.

''Nếu cảm thấy như vậy, nếu có cái thái độ đó, thì đó là triệu chứng của jiwa đang bước vào thế giới rohani, bởi cái thế giới jasmani là thế giới của con người. Vậy nên, cảm thấy như vậy là điều đánh dấu sự chuyển tiếp của jiwa từ rohani tới jasmani, từ trình độ thô kệch bất hoàn thiện tới trình độ hoàn thiện và toàn diện của con người. Bởi từ thế giới rohani, cái thế giới vật chất này không còn gì là thú vị nữa. Từ chỗ nhìn của rohani, tất cả những gì trên thế gian này trông như một tuồng kịch. Như đang trong một màn kịch. Các bạn cảm thấy như vậy là ô-kê, nhưng cuối cùng thì các bạn sẽ ra về, sau khi tuồng kịch diễn xong. Do đó người xưa, những người luôn quan tâm tới vấn đề tâm linh, thường nói rằng cuộc sống trên thế gian này như đi thăm một người bạn, một hành trình. Cuối cùng lúc về nhà trở lại, mình có cảm tưởng: ''Để làm gì? Những đua chen, những nỗ lực được những gì tốt đẹp trên thế gian này, tất cả những cái đó để làm gì? Thực vậy, chúng ta phải nhìn nhận là hầu hết những gì xảy ra trên thế gian này đều liên quan tới sự tranh đua về những gì có trên thế gian này: tất cả những tranh cãi, những bàn luận này nọ, những cuộc vận động chính trị, tất cả những cái đó, chẳng hạn, hiện đang xảy ra ở Âu Châu, còn có chiến tranh và vv...

''Nhìn điều đó từ chỗ đứng của tâm linh, ta thấy có vẻ như vô nghĩa. Tuy thế, chúng ta không được phép bỏ bê cái thế gian này, nhưng sự kiện là từ chỗ đứng của rohani, cái đó chẳng có nghĩa gì.''

Los Angeles 30 April 1970
Theo những gì Bapak nghe nói, những vấn đề tâm linh, hay kedjiwan, hay về Thượng Đế, vẫn còn là đề tài tranh luận. Tại sao lại vậy? Đó là vì thiên hạ nghĩ những gì liên quan tới Thượng Đế như những gì thông thường, như những gì có thể nghiên cứu, có thể hiểu được bởi tâm trí. Nhưng cái khoa học của jiwa, hay khoa học của sự sống, là những gì thâm sâu hơn cái thâm sâu nhất, tức là thâm sâu hơn tâm trí.

Hiển nhiên, những gì tâm trí có thể nghiên cứu là cái có thể nghiên cứu bởi nafsu (đam mê của sức mạnh thấp hơn con người), là những gì cùng một loại với nafsu. Vậy, hiển nhiên những gì có thể nghiên cứu là nafsu. Những ai tiếp nhận được khoa học của jiwa, khoa học của sự sống, mà nhờ đó nhân loại hiểu được cuộc sống sau lúc chết, là các thiên sứ...

Ngoài là nơi cư ngụ của jiwa con người, bản ngã con người còn là nơi cư ngụ jiwa sự sống vật chất, jiwa sự sống thực vật, jiwa sự sống thú vật, jiwa sự sống thông thường của con người. Tất nhiên, các bạn không hề nghĩ có điều gì đang xảy ra khi mình nhìn cái gì đó. Thực vậy, các bạn cảm thấy kẻ đang nhìn là chính mình. Nhưng có gì trong cái Tôi đang nhìn đó? Các bạn không biết được. Tại sao có những kẻ mà tâm họ lại muốn giết hại người ta, làm hại đời sống người ta, nhục mạ người ta. Nói tóm lại là lấy đi tự do và độc lập của người ta. Tại sao họ lại làm những chuyện không đúng, cho tới khi trở thành thú vật?

Điều cần thiết là phải thận trọng, khiến biết được đó là nơi cư ngụ của các sức mạnh hạ đẳng mà mình không tránh khỏi. Các bạn không thể tự mình làm mình tránh khỏi. Nếu có thể thì các bạn sẽ không sống được trên thế này.

Woodstock June 25 1981
Khi jiwa hoạt động, óc não sẽ thức tỉnh. Những gì trong óc não không còn là hoạt động của óc não, mà là sự hiểu biết của con người. Sự hiểu biết đó không bị óc não chi phối. Đó là những gì bên ngoài óc não. Óc não là một vật quan trọng – một y sĩ có thể lấy nó ra cất vào một lọ chai. Nhưng sự hiểu biết của con người, sự hiểu biết của jiwa thì không thể đặt vào một lọ chai. Đó là cái các bạn sẽ mang theo, khi rời bỏ cái thế gian này.

Nếu jiwa không có sự sống trong con người mình, tâm trí càng lúc càng trở nên cùn mòn, khiến dần dần thành như sỏi đá. Với thời gian sự hiểu biết của tâm trí càng lúc càng trở nên cứng nhắc, càng lúc càng như sỏi đá. Tới lúc chết, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong thế giới của vật chất.

Tóm lại, những từ jiwa và kedjiwan có thể dịch là linh hồn và tâm linh, còn nafsu thì nên giữ nguyên. Tiếng Anh thường dịch nafsu là passion, như passion mutmainah, tức cái cảm xúc mãnh liệt là tình người, như Ibu đã giải thích (có chỗ Bapak giải thích là lòng kiên nhẫn). Chuyển qua tiếng Việt, người dịch tất phải lúng túng. Thế nào là dục vọng hay đam mê mutmainah?

 
     
 
  © 2018 Góc Nhỏ