Tương lai Indonesia

 Minh Thần phiếm luận

 
 


 Tương lai Indonesia quan hệ tới chúng ta, vì nơi đó là cái nôi của Subud.

Indonesia là một đất nước gồm 350 triệu dân, trong đó phân nửa dưới 30 tuổi. Đó cũng là một quốc gia đông tín đồ Hồi giáo nhất trên thế giới, một quốc gia phức tạp là một quần đảo gồm 1800 đảo, chiều dài từ đầu này tới đầu khác là 5000km (tương đương khoảng cách từ London tới Afghanistan) với những nét đa dạng về văn hóa, sắc tộc và ngôn ngữ, những chênh lệch xã hội, như ở Jakarta người ta nghiện Twitter, thì 1/5 dân số lại không có điện để dùng. Nhà báo Elzabeth Pizani nhận xét: ''Sự đa dạng của Indonesia chỉ là về mặt địa lí và văn hóa; có những nhóm người khác nhau đồng thời sinh sống tại những địa điểm khác nhau trong lịch sử. Đi từ Jakarta tới những đảo Maliku thì có vẻ như đi ngược lại thời gian.''

Indonesia cũng từng là nơi Barack Obama đã trải qua thời niên thiếu: mẹ Obama lấy chồng là một công dân Indonesia, hai năm sau đó họ tới định cư tại Jakarta. Obama thố lộ tình cảm mình với đất nước đó: ''Tôi rất có cảm tình với những người ở đó. Mẹ tôi đã từng làm việc tại đó trong một thời gian dài lâu. Những hình ảnh, âm thanh và kí ức, tất cả đều khiến cảm thấy rất quen thuộc.''

Do điều đó mà có một conspiracy theory, một thuyết cho mọi việc xảy ra đều do một âm mưu, Obama thực ra là một người Hồi giáo. Trong Internet có những trang Web nêu ra sự giống nhau như đúc giữa hai khuôn mặt của Barack Obama và Muhammed Pak Subuh của Subud, và do đó người ta kết luận Obama phải là con đẻ của Bapak!

Mặc dù sự phức tạp và những khó khăn đó, kinh tế đã phát triển đáng kể trong những thập niên qua. Bởi Indonesia là một quốc gia đông dân Hồi giáo nhất trên thế giới, nên những hệ quả kinh tế, xã hội và chính trị ở đó không thể không ảnh hưởng tới vận mệnh của thế giới. Carlos Gaston, đại diện của hãng tín dụng BBVA ở Indonesia nhận xét: ''Người ta còn nhận thấy là thiện hạ đã như thế nào thay đổi cách ăn mặc; những người trẻ đã đi vào thị trường, có học vấn khá hơn; họ tạo nên một tầng lớp trung lưu rất năng động, và sự năng động đó sẽ thay đổi đất nước họ''.

Một chút lịch sử
Lịch sử Indonesia có hai nhân vật giữ vai trò chủ đạo: Sukarno và Suharto.

Indonesia trước kia là một thuộc địa của Hà Lan, một quốc gia thành lập mới đây, chỉ mãi tới 1949 mới được độc lập. Sukarno là lãnh tụ phong trào đối kháng chế độ thực dân: năm 1927 ông lập nên đảng Quốc Gia Indonesia, với khẩu hiệu 'một quốc gia, Indonesia; một dân tộc, Indonesia; một ngôn ngữ, Bahasa Indonesia.' Người Hà Lan tất nhiên không ưa thích cái quan niệm đó, nên ông bị bắt giữ, bị tra tấn và cuối cùng bị đày ra Sumatra, nhưng được người Nhật giải cứu khỏi ngục tù khi họ chiếm đóng Indonesia. Người Nhật liên minh với những người quốc gia Indonesia, để dễ dàng thống trị hơn. Hai ngày sau khi Nhật Bản đầu hàng, tháng 8 năm 1945 Sukarno tuyên bố nền độc lập của Indonesia, điều không được sự thừa nhận của nhà chức trách Hà Lan.

Người Hà Lan tìm cách lấy lại quyền hành bằng bạo lực. Hậu quả xảy ra điều người Indonesia gọi là 'cách mạng quốc gia,' một cuộc chiến hết sức đẫm máu kéo dài 4 năm, trong đó hơn 100 ngàn người Indonesia và 5000 người lính Hà Lan đã phải bỏ mạng. Cuối cùng năm 1949 người Hà Lan phải công nhận sự độc lập của Indonesia. Nhưng như vậy không có nghĩa là được tự do.

Mười tám năm tiếp theo Sukarno lèo lái Indonesia một cách độc đoán, theo một khuôn mẫu gọi là 'dân chủ chỉ đạo.' Trong thời kỳ đó nhiều điều không tốt đẹp xảy ra: đất nước càng lúc càng nghèo nàn, kinh tế không phát triển được; có nhiều cuộc nội loạn và xung đột: xung đột sắc tộc, xung đột với Mã Lai, sự đòi hỏi được tự trị, đảng Cộng Sản Indonesia thế lực càng lúc càng mạnh vơi sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Cộng. 

Tuy thế, Sukarno không theo hẳn Cộng Sản, mà là theo một chủ nghĩa xã hội, trong đó sự thân cận với Liên Xô và Trung Cộng không là một vấn đề. Điều đó tạo cơ hội cho đảng Cộng Sản Indonesia bằng mọi cách cướp đoạt quyền hành. Năm 1965 một cuộc nội loạn xảy ra trong đó có một số tướng lãnh thân Cộng muốn lật đổ chính quyền, nhưng đã không thành công. Điều đó khiến Cộng Sản bị đàn áp một cách tàn bạo làm cho hàng trăm ngàn người phải thiệt mạng. Nhân dịp đó, tướng Suharto nắm quyền hành với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. 

Những người Tây phương trong Subud có mặt tại nơi đã thuật lại biến cố đó trong hồi kí của họ. Hồi đó Wisma Subud xém bị một nhóm biểu tình tới đập phá, nhưng may nhờ có một hội viên là sĩ quan đã phái lính tới canh gác, nên những chuyện không lành đã tránh được. Theo hồi kí của Abdulla Pope, Bapak có tên trong danh sách những kẻ sẽ bị thanh trừng nếu Cộng Sản thành công. 

Trong 3 thập niên kế tiếp, Suharto cai trị đất nước với một bàn tay thép. Ông đề ra những biện pháp làm cho kinh tế nhanh chóng phát triển, tuy Indonesia vẫn còn là một chế độ độc tài hà khắc với tham nhũng và những cuộc đàn áp chính trị. Cuối thập niên 90 xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ở Á Châu làm kinh tế Indonesia bị suy xụp: trị giá đồng Rupiah mất đi 80% so với đồng Dollar, tình trạng nghèo kém tăng lên gấp bốn. Trước tai họa đó Suharto phải từ chức. 

Sau 50 năm độc lập dưới một chế độ độc tài, Indonesia có cơ hội trở thành một quốc gia với một chế độ dân chủ. Năm 2004 có những cuộc bầu cử tự do. Sau sự ra đi của Suharto, Indonesia trải qua một thời kì chuyển đổi với sự phân quyền, tự do chính trị và một kinh tế mở cửa ra cho thế giới...tuy vẫn còn nhiều hạn chế.

Năm 2014 đương kim tổng thống Joko Widodo thắng cử; ông thường được thân mật gọi là Jokowi và được coi là một Barack Obama của Indonesia. Joko Widodo hứa hẹn sẽ mở rộng tự do, đẩy mạnh đà phát triển của kinh tế là 17% cho mỗi năm, để đặt nền tảng cho Indonesia thành một cường quốc kinh tế và chính trị mạnh nhất của Hồi giáo. Hiện nay người ta đặt nhiều kỳ vọng ở Indonesia là một quốc gia của tương lai.

Joko Widodo một tổng thống giữa hai thế giới 
Quả thực đã có một không khí mới cho đất nước với một ứng cử viên không trong giới quân đội. Face Book, Twitter, YouTube là những mạng xã hội đóng một vai trò trọng yếu khiến Indonesia thành một quốc gia với một kinh tế có khả năng cạnh tranh. Có những biện pháp giảm thiểu hay huỷ bỏ chế độ bao cấp và chi tiêu 40 tỷ Dollar cho sự giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất là sự thiếu thốn một hạ tầng cơ sở. Có những chương trình giảm bớt nền hành chánh thư lại, như những luật lệ buộc một công ty nào muốn mở một cơ sở ở Jakarta thì cần phải được cấp quyền đại lý của địa phương. Nhưng nhiều công ty vẫn còn thuộc nhà nước, nhiều lĩnh vực không được sự tham dự của đầu tư ngoại quốc như xây cất, đóng tàu, hàng không và truyền thông. Chỉ phân nửa dân số là có bảo hiểm y khoa. Đà phát triển chậm chạp hơn ước mong, đầu tư của ngoại quốc đã gia tăng, nhưng mức gia tăng của kinh tế thì không theo kịp. Đó không chỉ là vấn đề khiến Jokowi bị mất chức trong cuộc bầu cử sắp tới, mà còn có sự bộc phát của những phong trào Hồi giáo toàn nguyên(*).

(*) Tiếng Anh là fundamentalist IslamFundamentalism là một phong trào hay thái độ triệt để tuân theo từng câu từng chữ trong những nguyên lý căn bản nào đó.

Những đám mây đen của tương lai 
Indonesia được coi là khuôn mẫu của một quốc gia mà tự do tôn giáo được tôn trọng, thế giới bên ngoài được đón nhận, phụ nữ được tham chính. Jokowi có lần đã tuyên bố: ''Indonesia đứng hàng thứ ba trong số những quốc gia đông dân nhất thế giới. Chúng tôi cũng có một dân số đông đảo nhất theo Hồi giáo. Điều này chứng tỏ chế độ dân chủ và Hồi giáo không đố kỵ nhau.'' Đó là điều tổng thống Joko Widodo muốn thế giới nhìn nhận, và thế giới cũng muốn thấy là như vậy. Thế nhưng... 

Trong những năm qua cơ quan Amnesty International và Human Rights Watch đã lên án những phong trào tôn giáo quá khích. Hội Đồng Ulema, một tổ chức có uy quyền lớn nhất về tôn giáo đã quyết định ủng hộ cái tín điều cho những kẻ không theo Hồi giáo không được giữ những chức vụ chính trị tại những nơi mà đại đa số là người Hồi giáo. Thị trưởng Jakarta, một người Thiên Chúa giáo gốc Hoa thân cận với Jokowi, bị tố cáo là báng bổ xúc phạm Hồi giáo, khi ông nói bóng nói gió là không nên xen lẫn chính trị với tôn giáo. Những thuyết trình của Hồi giáo càng lúc càng trở nên khắt khe: năm 2018 họ đề nghị thay đổi luật hình sự theo đó những quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và giữa những kẻ cùng giới tính sẽ bị trừng trị. Thậm chí họ còn coi sự sống chung giữa những kẻ độc thân là trái với luật pháp. 

Hiện nay Indonesia vẫn còn là một quốc gia tương đối ôn hòa, trong đó đại đa số dân chúng ủng hộ một chế độ dân chủ cởi mở với tự do tín ngưỡng. Nhưng rất có thể trong những cuộc bầu cử trong năm 2019 các đảng phái Hồi giáo sẽ có nhiều triển vọng thắng cử. Nếu những cải cách hiện nay tiếp diễn một cách êm đẹp, thì tới năm 2030 Indonesia sẽ trở thành một thị trường rộng lớn trong đó sự tiêu thụ của giới trung lưu Indonesia sẽ trội hơn của Đức. Nếu phong trào ôn hòa tôn giáo thắng thế, điều này sẽ ảnh hưởng tốt đẹp tới những quốc gia Hồi giáo khác.
Chúng ta mong cho Indonesia sẽ đi theo con đường đó.

 
     
 
  © 2018 Góc Nhỏ