Chung quanh chữ Sufi

 Minh Thần phiếm luận

 
 

Chữ Sufi được dịch ra tiếng Việt là thầy tu Hồi giáo, và chính Bapak cũng đã từng học đạo của một Sufi là sheik Abdurachman. Có nhiều thuyết về từ nguyên của chữ Sufi. Theo một thuyết nọ, tiếng Ả Rập Suf có nghĩa là len, thứ áo mặc bằng len thô của những nhà tu hành Hồi giáo. Theo một thuyết khác, đúng ra là Saf, chứ không là Suf, và Saf có nghĩa là hàng hay dãy, nơi ngồi hàng đầu ở giáo đường trong lúc cầu kinh. Cũng có thể hiểu đó là những kẻ nhiệt thành đi trên con đường của Chân Lí, những kẻ tâm linh tiến bộ, khác với những kẻ tâm linh còn thấp kém. Một thuyết khác nữa cho là đúng ra phải hiểu là suffa mà nghĩa là hiên hè hay hành lang, nơi ra vào giáo đường của Thiên Sứ Muhammed ở Medina. Đó là nơi của những kẻ được gọi là Ahl-i Suffa (những người của hiên hè) nơi tụ họp của những người nghèo tuyệt đối tin tưởng Thượng Đế.

Nhưng theo Hujwiri, một Sufi Ba Tư của thế kỉ 11, gốc của từ ngữ đó là chữ safa nghĩa là tinh khiết, một đức tính mà điển hình là nghi thức tắm gội trước khi làm lễ của người Hồi giáo. Theo một số những nhà bình luận khác thì đúng ra gốc của nó là động từ safwe của tiếng Ả Rập, nghĩa là 'những kẻ được lựa chọn.' Cũng có những người cho là nó liên quan tới chữ sophia của Hy Lạp mà nghĩa là sự minh tuệ.

Hujwiri nói rằng xét về mặt từ nguyên thì khó biết được đâu là hư thực. Nhưng nếu tổng kết tất cả những nghĩa nói trên, người ta cũng có được khái niệm về một sufi. Ông đưa ra một định nghĩa: 'Một sufi là người được thanh lọc bởi tình thương, một người đã từ bỏ tất cả để chìm đắm trong tình thương đối với Thượng Đế.''

Ngoài ra, chúng ta còn nghe nói tới sufism mà tiếng Việt dịch là phái hay thuyết sufi. Gốc của chữ đó là tiếng Ả Rập tasawwuf, nghĩa là huyền bí học hay thần bí học.

 
     
 
  © 2018 Góc Nhỏ