Khả năng chữa bệnh của Latihan

Minh Thần dịch - Subud Voice January 2017

 
 


Vài lời của người dịch
Những bài dưới đây lấy trong Subud Voice January 2017, đặc biệt bài cuối trích trong một đoạn trong bài nói chuyện của Bapak.

Bản thân tôi có thể làm chứng cho khả năng chữa bệnh kì diệu của latihan. Ngay từ lúc còn nhỏ tôi đã bị bệnh tim: lúc ngủ thường bị đau ngực, khó thở, chóng mặt, thân thể cứng đơ không cử động được. Có lần trong lúc đang chạy tôi thấy choáng váng muốn té xỉu. Ban đầu tập latihan, vì tin có lợi cho sức khoẻ, thì chẳng thấy gì đặc biệt, khiến tôi thấy chán muốn bỏ tập. Chỉ 5 hay 6 năm thì chợt có một điều kì diệu xảy ra. Trong lúc đang bị cơn đau tim hành, chợt có tác động của latihan: tôi thấy tim mình nhỏ xíu màu đỏ chung quanh có sự bao bọc của latihan, và điều kì diệu là tôi nhìn thấy cơn đau mình mà không cảm thấy đau đớn! Một lần khác nữa, cơn đau của tôi như trái banh bị xì hơi trước tác động của latihan. Có lần latihan chợt xuất hiện (không do ý muốn) trước lúc cơn đau tim muốn 'quậy.' Có lần thì đó như là một cuộc vật lộn giữa latihan và cơn đau. Với thời gian, những chuyện kì diệu như vậy thường xảy ra, và cho tới nay tôi không biết là đã bao nhiêu lần rồi.

Ban đầu, tôi nghĩ là khỏi cần phải dùng thuốc men và đi khám bệnh: chỉ việc tập latihan là mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nhưng cũng có những lúc mà tôi phải chịu trận vì cơn đau tim mà hoàn toàn không có tác động của latihan. Điều này thì những ai đã lâu năm tập latihan đều biết: không phải mình muốn là có! Chỉ mãi về sau thì tôi mới hiểu được sự thật này là không thể coi thường những điều thông thường có lợi cho sức khoẻ: dùng thuốc men, đi khám bệnh, ăn nhiều rau cải và trái cây, tập thể dục.

Kết quả sự trị bệnh của katihan là hơn 20 năm nay tôi không còn bị tình trạng đáng ngại là trong lúc ngủ mình chợt thấy tim như ngưng đập khiến không cử động được. Nghĩ lại mà thấy phát khiếp: trong lúc đó mình có thể ra đi bất cứ lúc nào! Tôi không phải là may mắn, mà là VÔ CÙNG may mắn, vì duyên phận (hay ân phước?) mình đã đưa đẩy mình theo con đường tu tập của Subud là latihan kedjiwan.

Có một chuyện xảy ra trong đời mình mà tôi không bao giờ quên, vì đó hình như là một điềm báo. Thấy tôi thường than bị bệnh tim, mẹ tôi đến chùa xin Trời Phật cho tôi một lá bùa hộ mệnh. Tôi làm theo lời dặn của bà, và tất nhiên là chẳng có gì xảy ra. Tôi không ngờ sau này ngôi chùa đó là Subud và lá bùa là latihan.

1) Latihan, bệnh tật và sức khoẻ
      (Harris Smart)

Latihan có liên quan gì tới bệnh tật và sức khoẻ?

Vừa rồi tôi có trao đổi thư từ với anh Robert Coker về đề tài đó.

Trong lĩnh vực sự kì diệu
Điều đầu tiên phải nói là đôi khi xảy ra những điều kì diệu trong Subud. Một trường hợp đáng ghi nhớ là lúc gia nhập Subud, cô đào Eva Bartok được chữa lành khỏi chứng ung thư dạ dày, khiến sau đó có thể hạ sinh một đứa bé mạnh khoẻ.

Một trường hợp khác đã được chính người trong cuộc thuật lại: việc chị Melinda Lassale được chữa lành khỏi bệnh ung thư máu. Chị đã thuật lại một chứng nghiệm hết sức sâu sắc và khác thường.

Tôi nghe nói tới nhiều trường hợp khác, những gì có thể chính đáng coi là thuộc lĩnh vực sự kì diệu. Trong cuốn Sixteen Step tôi đã thuật lại một trường hợp khiến các y sĩ phải ngạc nhiên của một hội viên mà bệnh mù đã mất hẳn, sau khi nghe những bài nói chuyện của Bapak.

Phối hợp latihan với...
Tuy có rất nhiều chuyện như vậy trong Subud, nhưng những chuyện đáng tin, được dẫn chứng đầy đủ, thì rất hiếm. Trong Subud những chuyện như vậy là thường tình, tuy thế vẫn còn rất hiếm.

Đối với phần đông thiên hạ, sức khoẻ là sự trợ lực của latihan phối hợp với những gì khác giúp ích cho sức khoẻ. Có thể đó là chế độ ăn uống hay tập thể dục. Có thể là Tây y hay những liệu pháp tạp nhạp đã có cơ bản như thuật nắn xương (osteopathy), thiên nhiên liệu pháp (naturopathy) hay liệu pháp vi lượng đồng cân (homeopathy). Gần đây có thêm một số liệu pháp mới mẻ khác nhưng tất cả đều không đáng tin cậy.

Một trường hợp chẳng may xảy ra là có những người trong Subud bị bệnh ung thư. Theo chỗ tôi biết, trong trường hợp đó thì phải phối hợp sự trợ lực của latihan với những gì tân tiến nhất của y khoa.

Cách latihan giúp mình là đôi khi mình được hướng dẫn. Theo tôi biết, có trường hợp một phụ nữ nọ bị ung thư khiến sắp phải chết, nhưng chị đã được latihan hướng dẫn, khiến biết được một chế độ ăn uống rất có lợi cho những ai bị ung thư. Bệnh ung thư chị quả thực đã thuyên giảm, khi chị theo chế độ ăn uống đó.

Nói chung thì latihan có khuynh hướng làm chúng ta quan tâm tới sức khoẻ mình. Như Bapak thường nói, điều phần đông chúng ta đã nghiệm thấy là tối thiểu thì tới một mức độ nào đó, latihan bắt đầu trong cơ thể. Latihan có thể khiến chúng ta nhận thức được cơ thể mình và những thông điệp của nó.

Những thông điệp của cơ thể
Như tất cả chúng ta đã biết, cơ thể thường xuyên gửi tới những thông điệp về tình trạng tráng kiện hay không của chúng ta. Chúng ta khịt mũi hay hắt hơi. Chúng ta bị cảm lạnh. Chúng ta đau buốt một cách đáng ngại nơi gần lá gan. Nếu thận trọng, chúng ta đi coi bác sĩ. Và vân vân.

Tất cả chúng ta đều ý thức được những thông điệp đó là của cơ thể. Cơn đau là một thông điệp và sự báo điềm mạnh nhất. Nếu coi thường nó, chúng ta sẽ làm hại chính mình, và đó là điều chúng ta thường làm. Nhưng đôi khi thông điệp đó trở nên lớn tiếng tới nỗi chúng ta nhận biết được và thấy phải làm điều gì đó.

Tối thiểu là trên lý thuyết, và có lẽ cả trong thực tế trong nhiều trường hợp, tuân theo latihan sẽ khiến chúng ta trở nên nhạy bén hơn đối với những thông điệp của cơ thể. Cơn đau buốt trong ruột là gì? Tôi có thể bị ung thư ruột? Tôi tự hỏi mình không biết có nên đi coi bác sĩ về chuyện đó hay không. Và vân vân.

Bớt bị căng thẳng
Theo tôi, phần đông thiên hạ chấp nhận điều này là latihan khiến mình cảm thấy bớt bị căng thẳng. Latihan giúp mình ứng phó khá hơn với tình trạng căng thẳng, dạy mình cách trở nên thư thái hơn tới một mức độ nào đó.

Theo tôi, mọi người đều chấp nhận chuyện này là tình trạng căng thẳng tạo cơ hội cho bệnh tật từ cảm hàn cho tới ung thư. Vậy nên, trở nên an vui hơn, không phó mặc cho những cảm xúc tiêu cực như sân si và chán nản, sẽ thuận lợi cho sức khoẻ của thể xác và tinh thần.

Tôi cũng thấy là phần đông chúng ta mong cho latihan khiến mình nói chung trở nên khôn ngoan hơn. Để không thường xuyên lặp lại những lỗi lầm đần độn. Latihan chắc sẽ khiến chúng ta có khả năng định đoạt một cách khá hơn về rất nhiều điều, kể cả sức khoẻ mình.

Latihan chắc sẽ giúp chúng ta từ bỏ được những thói quen có hại, như hút thuốc hay bất cứ điều gì không tốt cho sức khoẻ. Mong cho nó sẽ thúc đẩy tới một mức nào đó nghe theo tiếng nói của nó, để có những quyết định khá hơn về chế độ ăn uống, thể dục và vân vân. Nếu đặc biệt được hướng dẫn và hiểu rõ được, chúng ta có thể thấy mình phải theo một tập quán này thay vì cái khác để có lợi cho sức khoẻ.

Bạn nghĩ thế nào?
Đó chỉ là một vài ý nghĩ về latihan và sức khoẻ. Còn nhiều điều có thể nói nữa. Có vai trò của bệnh tật là người thầy của cuộc sống chúng ta. Xin bạn đọc bài của chị Melinda Lassale, một trường hợp can trường về điều đó. Tôi quen biết một nhân vật nọ bị bệnh AIDS, nhưng anh thường âu yếm gọi căn bệnh mình là 'một người bạn đồng hành.' Tôi thấy như vậy là rất dũng cảm và quy thuận.

Một ý nghĩ cuối cùng: chữ 'thư thái' (relax) tuy rất giản dị nhưng lại là chữ quan trọng nhất trong toàn bộ từ vựng của Subud, đặc biệt khi chúng ta nói tới sức khoẻ.

2) Latihan và thể xác
(Bài của Robert Coker hồi đáp bài của Harris Smart)

Điều tôi muốn hỏi về bài viết của anh là chữ 'thư thái' (relax) của anh – thể xác biết được sự liên quan giữa latihan và cơ thể vật chất. Theo tôi thì sức khoẻ của cơ thể chỉ là một khía cạnh của điều đó. Bapak đã nói về những phần khác nhau của cơ thể trở nên sống động. Vừa rồi tôi tình cờ đọc được điều dưới đây của Bapak.

''Bởi sự sống và chết của con người là trong vòng cơ thể mình. Vậy nên, nếu các bạn không chăm lo cho cơ thể mình từ bên ngoài tới bên trong, và từ bên trong tới bên ngoài, bản ngã các bạn sẽ không đáng gì đối với đôi mắt của con người hay với đôi mắt – quyền năng – của Thượng Đế.''

Trong một đoạn khác một bài nói chuyện ở Calcutta trong năm 1960, Bapak nói: ''Chân tâm con người trở nên sống động, khiến có thể cảm thấy sự khác biệt giữa 'Tôi đi đứng' và 'Tôi được làm cho đi đứng'; 'Tôi nói năng' và 'Tôi được làm cho nói năng'; 'Tôi cảm thấy' và 'Tôi được làm cho cảm thấy'; sự khác biệt giữa 'Tôi nhìn thấy' và 'Tôi được làm cho nhìn thấy'. Các bạn sẽ có thể cảm thấy sự khác biệt giữa hai cái đó. Vậy nên, xin các bạn đừng thắc mắc về công dụng của việc đi đứng, những động tác này nọ và vân vân [trong latihan]. Các bạn cứ việc an tâm là những điều đó có lợi vô cùng cho mình. Nó là như vậy, nhưng các bạn chưa thể biết được tại sao.''

Thêm một vài ý kiến về bài viết của anh:

Như anh nhận xét, latihan bắt đầu trong cơ thể. Tuy đã khiến chúng phải hiểu rõ việc không nên quảng cáo Subud là cách chữa bệnh, nhưng Bapak cũng nhận xét nếu chúng ta thành tâm phó thác cho latihan thì một trong những hiệu quả của nó là khiến cho sức khoẻ trở nên khá hơn.

Như anh nói, những trường hơp lành bệnh (của Eva Bartok và Melinda Lassalle) là những điều thuộc lĩnh vực sự huyền diệu nhưng rất hiếm. Trong vụ này tôi có vài chứng nghiệm hạn chế của cá nhân. Từ lúc còn nhỏ cho tới tuổi 20, tôi luôn cảm thấy yếu mệt và nhanh chóng bị kiệt sức, khi làm bất cứ gì khắt khe với thể xác hay cảm xúc mình.

Một lúc nào đó cuối những năm 1960 và đầu 1970, tôi viết thư cho Bapak về một chuyện gì đó – tôi không còn nhớ được chuyện đó là gì, và không may đã đánh mất bức thư hồi đáp của Bapak. Nhưng tôi còn nhớ lại là điều Bapak trả lời liên quan tới câu hỏi của tôi, và còn có thêm một đoạn trong đó Bapak nói rằng nếu tôi tiếp tục tập latihan, sức khoẻ của tôi sẽ trở nên khá hơn. Dần dần, sự tiên đoán của Bapak trở thành sự thật, và tình trạng yếu mệt của tôi, dù đó là gì đi nữa, đã mất hẳn.

Tôi thấy hình như sức khoẻ của cơ thể có thể ảnh hưởng tới tâm linh. Một điều đáng chú ý về sức khoẻ là nên phân biệt giữa bệnh tật là quá trình của thanh lọc, trong đó việc dùng thuốc men không thích đáng, và điều chúng ta gọi là bệnh tật thông thường.

Trong trường hợp của bệnh tật thông thường thì đôi khi cần phải điều trị, và có những trường hợp có lẽ nên để cho cơ thể tự giải quyết lấy tình trạng đặc biệt của nó. Trong việc này thì có vấn đề là trắc nghiệm có một vai trò gì không.

Tôi nhận thấy nhiều vị phụ tá đã e ngại trắc nghiệm về những câu hỏi liên quan tới sức khoẻ, vì lo sợ như thế nào đó mình phải chịu trách nhiệm. Theo tôi, lo sợ như vậy là không chính đáng, bởi phụ tá không những chỉ nên diễn tả những gì mình tiếp nhận được, mà còn phải làm cho người ta hiểu rõ sựquyết định là tuỳ thuộc hội viên.

3) Ung thư máu, một đặc ân của Thượng Đế
(đã đăng trong Subud News số Sept/Oct 1986)

Melinda  

Tất nhiên chúng tôi phải nhấn mạnh điều này là những chứng nghiệm như vậy không nhất thiết là điều gì thông thường, và Muhammad Subuh, người cha của Subud, luôn khiến phải nhận thức được điều sự lành bệnh của cơ thể không là chủ đích của latihan.

Với tôi bệnh tật là một đặc ân của Thượng Đế.

Trước kia, mọi việc trong đời tôi đều là trọng điểm. Tôi là phụ tá, theo yêu cầu của những người Subud. Nhưng hình như tôi luôn mệt mỏi, cơ thể bị đau đớn, những cơn nôn đau buốt thường khiến tôi thấy khó chịu.

Những áp lực và đòi hỏi của gia đình và những người khác phần nhiều là do lỗi tôi, bởi tôi không bao giờ có thể nói là không thể làm được. Làm nhiều việc quá thì sẽ chẳng làm được gì, nên cuối cùng tôi cầu xin cho mình chẳng còn phải làm bất cứ gì. Tôi không thể tự mình không cho phép mình làm gì, kể cả ông chồng luôn săn sóc và thương yêu tôi.

Chúng tôi có 7 đứa con, nhưng tôi bị chứng sa ruột (hernia) trong những lúc mang thai vừa qua. Tôi phải mổ vì chứng sa ruột để ngăn chặn căn bệnh đó. Trong lúc mổ bác sĩ nhận thấy tình trạng máu tôi có vấn đề nên phải khám nghiệm. Đó là ung thư máu.

Vẫn còn mơ mơ màng màng vì bị mổ, tôi được đem tới một bệnh viện sâu thẳm nơi thôn dã, nơi chỉ có âm thanh của bò và chim trĩ.

Ngày tháng trôi qua, tôi chẳng làm bất cứ gì, và cũng không ham muốn gì thêm. Tôi ngủ ngày ngủ đêm, phó mặc cho số phận, rồi lại ngủ tiếp. Ngày biến thành tuần, và tôi không còn ham muốn bất cứ gì, chỉ muốn có mình tôi để ngủ. Leonard, ông chồng tôi, đến rồi lại đi, nhưng tôi chẳng muốn gì hết và cũng không thấy thiếu bất cứ gì.

Hình như tôi đang ở một nơi vô định, lơ lửng chỗ này, chỗ kia, chỗ không biết là nơi nào. Thậm chí tôi cũng không hiểu được tại sao mình không muốn về nhà với gia đình và bạn bè yêu quý của mình. Nhưng tôi không ham muốn bất cứ gì. Tôi chỉ làm những gì mà các nhân viên ở bệnh viện bảo mình làm, một cách thờ ơ, làm tất cả những gì mà họ muốn.

Những ngọn lửa chung quanh
Sau nhiều tuần trong một trạng thái hoàn toàn thụ động, tôi thấy mình đang nằm trên một chiếc giường xoa bóp, chỉ có mình tôi, người đàn ông xoa bóp đã ra ngoài phòng trong một lúc. Yên tịnh và không ngạc nhiên, tôi có thể thấy chung quanh mình những ngọn lửa nhỏ bé chung quanh bàn. Chung quanh tôi là những ngọn lửa. Tôi không sợ hãi, chỉ hơi kinh ngạc.

Tôi nhìn kĩ. Những ngọn lửa trở nên to lớn thành màu vàng, màu da cam, càng lúc càng to lớn cho tới khi thành màu đỏ và trắng khắp nơi chung quanh tôi. Phía trên đầu mình tôi trông thấy những màu tía và xanh lam sáng chói.

Tôi còn kinh ngạc hơn nữa khi nghe thấy một tiếng nói sâu thẳm, dũng mạnh, từ một nơi nào đó: ''Cầu chúc cho căn bệnh trong máu của Melinda được lọc sạch.'' Một cách chậm chạp, các ngọn lửa yếu dần, và tôi cảm thấy sự dâng trào của latihan xuyên qua cơ thể mình. Tôi ca hát – một cách càng lúc càng lớn tiếng. Tôi ca hát và ca hát hát.

Sau một lúc hình như rất lâu, điều đó tự động ngưng lại. Tôi đứng dậy, trở về phòng mình rồi ngủ thiếp.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy cảm thấy trong sáng và rực rỡ, như có gì đã hoàn toàn thay đổi. Tôi tràn đầy nhựa sống: tôi muốn sống! Khi gặp bác sĩ vài tiếng đồng hồ sau đó, tôi nói cho ông hay điều đó; ông cười rồi nói tôi đã tốn rất nhiều thời gian để quyết định sống. Nhưng bây giờ thì tôi đã quyết định, hay ai đó đã quyết định cho mình, nên ông có thể làm cho cơ thể rất yếu sức của tôi được khoẻ khoắn thêm.

Ông hiểu được, còn tôi thì cảm thấy đây là lần đầu tiên mình mạnh khoẻ sau không biết đã bao nhiêu năm. Mọi người trong bệnh viện đều nhận thấy có gì đó đã thay đổi, và đến lúc tôi được đầy đủ điều trị với xoa bóp, thể dục và vân vân, tôi có thể cảm thấy mọi người đều giúp đỡ mình để tình trạng mình trở nên khá hơn.

Tôi về nhà; vì biết tôi ao ước muốn về nên bác sĩ không tìm cách ngăn cản tôi, tuy tôi rất gầy ốm, yếu mệt, có thể bị nguy hại vì bất cứ gì hay bất cứ ai đến gần mình. Tôi cảm thấy mình trong suốt rất nhạy cảm, nhưng rất sống động.

Tôi biết là mình sẽ còn sống. Tôi hứa với bác sĩ là ở nhà mình sẽ tuân theo những điều khắt khe này trong một năm: tập thể dục, tắm nước nóng và lạnh, mỗi ngày nghỉ ngơi 2 lần, đi ngủ lúc 9 giờ và theo một chế độ ăn uống khắt khe.

Chế độ ăn uống được Bapak coi là thích đáng, khi tôi hỏi người. Chỉ ăn trái cây và rau cải tươi, được ăn chút cá. Ngoài ra, không được dùng bất cứ gì khác: thịt, rượu, cà phê, ngay cả trà. Đó không là dễ dàng cho tôi nếu phải sắp xếp mọi chuyện, nhưng 7 đứa con chúng tôi thật tuyệt vời, còn các bạn bè thì đều là những người tốt muốn giúp đỡ mình. Anh Leonard có thể có mặt tại 5 nơi chốn trong một lúc để duy trì kinh doanh của anh. Tôi dần dần thấy cơ thể mình trở nên mạnh khoẻ.

Tôi cảm thấy trong sáng và nhẹ nhõm, luôn luôn vui sướng! Nhiều điều đã mất hẳn: những trải nghiệm lúc còn trẻ, những thắc mắc, những lo lắng và những gì sai quấy. Tôi cảm thấy như mình được lấy đi khỏi một gánh nặng kinh khiếp; tôi cảm thấy mình được tự do vô cùng.

Về điều đó thì tôi phải tạ ơn Thượng Đế, bởi ung thư máu là một ân phước, cách khiến tôi đến được một nơi chốn nào đó trong chính mình, nơi để sống từ đó.

4) Sẽ không chết nếu Thượng Đế không cho phép
     (London, 8 October 1983)

Khi còn ở Anh và sắp qua Đức, Bapak chợt bị cơn đau tim. Bapak bảo Sharif đo nhịp tim cho mình. 100...[Bapak hỏi Sharif] bao nhiêu? 140 mỗi phút. Một bác sĩ đến khám nghiệm cho Bapak, nói là Bapak nên vào bệnh viện. Bapak nói: ''Nếu phải vào thì Bapak sẽ vào. Nhưng không có gì phải lo lắng. Sẽ chẳng có gì ngay sau đó.''

Bapak yên tịnh cầu xin Thượng Đế: ''Thượng Đế sẽ bại vong vì một căn bệnh? Căn bệnh này không thể loại trừ? Thượng Đế không thể ngăn nó lại, vì mình còn những chuyện phải làm? Nhưng nếu phải là vậy thì cứ để mặc cho Thượng Đế.''

Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ – may mà có một bác sĩ người Anh đích thân tới coi – nhịp tim Bapak tụt xuống [Bapak hỏi Sharif] bao nhiêu? 60, trước đó là 85. Nó tụt xuống, có đúng không? Nên Bapak không phải vào bệnh viện mà có thể tới Đức. Chuyến đi đó sẽ không phải hoãn lại một ngày.

Khi Bapak tới Đức thì chẳng có gì đáng ngại, tuy đã ở đó khoảng 5 ngày. Ở đó lạnh hơn đây. Khi trở về, Bapak ghé qua Pháp...[Bapak hỏi Sharif] có đúng vậy không? Ở Paris Bapak bị một cơn đau tim khác, nhưng lần đó là 160, chứ không là 140 – có phải thế không? 160 mỗi phút. Bác sĩ không hiểu ất giáp gì. Ông mời một bác sĩ chuyên khoa tim đến. Ông đó đến khám nghiệm cho Bapak. Nhịp tim là 85, rồi 80, rồi 58, rồi lại 160: ''Điều này rất trầm trọng, Bapak phải vào bệnh viện ngay.''

Bapak nhận thức được nếu vào bệnh viện thì có lẽ phải mất nửa tháng nữa mới trở về Anh được. [Bapak cười khúc khích nói]: ''Xin Chúa cho con có thể tới Paris, tới Pháp, để đáp ứng yêu cầu của hội viên Pháp.'' Bác sĩ ra về, Sharif đo nhịp tim cho Bapak; nó là 76, áp suất máu là 120 trên một con số nào đó. Chủ nhà cũng là một bác sĩ, một bác sĩ đa khoa. Ông nói: ''Bapak không cần phải kêu bác sĩ đến – Bapak không cần phải làm vậy, hoàn toàn không cần.'' Tại sao ông ấy lại nói như vậy? Đó là vì những gì vừa xảy ra. Chính ông ấy đã thấy là nhịp tim vừa rồi là 160, và áp suất máu là 120 trên một con số nào đó. Trường hợp đó là một thí dụ cho các bạn.

Vậy nên, dù có gì xảy ra đi nữa, các bạn phải tin cậy Thượng Đế. Dù đó là bất cứ gì; nếu chưa tới lúc, các bạn sẽ không chết. Một trường hợp tương tự đã xảy ra ở Indonesia. Đúng vậy, bác sĩ nói là Bapak sẽ không còn sống được bao lâu. Ngay cả Leonore, một hội viên Subud, cũng nói: ''Tình trạng Bapak sẽ khá hơn, nếu sống ở Âu Châu, Bapak có thể sống lâu hơn.''

Bapak nói: ''Bapak không thể làm như vậy. Đời mình ngắn hay dài, điều đó Thượng Đế khiến cho xảy ra.''

Với các y sĩ thì chúng ta phải nghe theo những gì họ nói, nhưng đừng tin 100% đó là những gì sẽ xảy ra.

Bapak đặc biệt nói điều này cho những ai đang sống trong một viện dưỡng lão, để họ không nên lo lắng. Dù căn bệnh của họ không chữa trị nổi, nhưng nếu Thượng Đế không cho phép, họ sẽ không chết.

Có một trường hợp khác của một hội viên từ Mexico tên là Hosana Baron. Bác sĩ nói với chị: ''Bà chỉ còn sống được 3 tháng nữa.'' Chị vội vã đến Cilandak.

''Bapak, tôi chỉ còn sống được 3 tháng. Tôi phải làm gì đây?''

''Ai nói vậy?''

''Bác sĩ.''

''Bác sĩ chỉ là một con người, không phải vậy sao, chỉ là một con người. Bởi chỉ là một con người nên những gì ông nói thì không chắc chắn. Hãy tin cậy Thượng Đế. Hãy mạnh dạn lên.''

Bapak làm một trắc nghiệm với chị. Kết quả là 'không sao.'

''Chỉ việc tin cậy và có đức tin.''

Một hay hai đêm sau, chị bắt đầu chảy máu miệng và mũi, bởi bị ung thư phổi. Hiện nay chị đã bình phục và vẫn còn sống. Khi nào chị đến Indonesia. Bapak đã quên. Có lẽ cách đây 6 năm.''

 
     
 
  © 2017 Góc Nhỏ