Thi đậu vào thiên đàng

Diễm Phúc dịch - Bản tiếng Anh do Minh Thần cung cấp

 
 

Trích từ “Những lời khuyên của M´Bakju Rochanawati” (Subud Canada 1963 -1964)

 
Ibu Rochanawati  

Trên hết mọi sự là thờ phụng Thượng Đế.  M´Bakju Rochanawati không sợ chết hay sợ hãi khi từ bỏ mọi thứ: nhưng M´Bakju sẽ không bao giờ từ bỏ việc thờ phụng Thượng Đế.

Điều quan trọng là các chị em đã sống hạnh phúc trên thế gian này, nếu không chị em sẽ không hạnh phúc sau khi mình qua đời. Ngay cả khi chị em đau bệnh và chị em phải chịu đựng nỗi đau khổ vì bệnh tật đó, chị em phải cảm thấy hạnh phúc trong tâm mình. Khi các chị em bị bệnh, điều đó có nghĩa là Thượng Đế đang trút bỏ những thứ ô uế bên trong chị em ra.

Khi các chị em ở gần Bapak ở đây, có thể các chị em thường cảm thấy giống như “đang rên xiết” hay cảm thấy “bực bội” hoặc “khó chịu”. Đó là do những thứ ô trược chất chứa bên trong chị em đang được tống ra ngoài. Cảm giác khó chịu mà hiện giờ chị em có bắt nguồn từ những ảnh hưởng ở chung quanh mình, và những thứ đó đi vào bên trong chị em và cũng có những thứ ô trược đã có bên trong chị em. Tất cả những thứ dơ bẩn đó tuôn ra ngoài khi chị em ở gần Bapak. Khi chị em buồn khổ mà chị em vẫn thờ phụng Thượng Đế, những nỗi đau khổ đó chỉ giống như những cây kim ở bên ngoài châm chích làm chị em bị đau. Nhưng nếu chị em không thờ phụng Thượng Đế, nỗi đau khổ đó sẽ xâm chiếm cả thể xác lẫn tinh thần của chị em. Do đó, nhờ sự thờ phụng Thượng Đế, chị em có thể luôn được vui sướng, hạnh phúc, ngay cả khi chị em phải chịu đau khổ, bởi vì bên trong chị em khỏe mạnh và hạnh phúc.

Khi ai đó không thích chị em – chẳng có sao cả; nếu ai đó thích và ngưỡng mộ chị em – cứ bình thản, chẳng việc gì cả - điều đó không là vấn đề gì hết. Trên hết mọi sự là thờ phụng Thượng Đế và cầu xin Thượng Đế tha thứ cho chúng ta: Con cầu xin Thượng Đế tha thứ - cầu xin Thượng Đế tha thứ cho con - cầu xin Thượng Đế tha thứ cho con.

Thỉnh thoảng, các chị phụ tá nói với các chị em hội viên về thái độ cần có trong latihan: “Chị em đừng nghĩ ngợi gì hết khi mình tập latihan.” Nhưng khi nói như vậy, chính bản thân các chị phụ tá lại nghĩ ngợi.

Con đường đi lên thiên đàng phải đi xuyên qua địa ngục. (M´Bakju Rochanawati mô tả cách chúng ta phải vượt qua lửa, nước, không khí và ánh sáng.) M´Bakju đã trải qua những điều đó rồi. (M´Bakju mô tả chị phải hòa nhập thành một với lửa, rồi với nước, vì thế chị cảm thấy lửa đó không còn giống như lửa bình thường nữa, và nước đó không còn là giống như nước bình thường nữa.) 

Bây giờ các chị em vẫn còn đang sống trong những năm tháng vàng son của đời mình: cho đến khi chị em được sáu mươi ba tuổi. Hãy sử dụng những năm tháng vàng son này một cách tốt nhất có thể.

Là phụ tá, chị em có thể biết được những bí mật của người khác, hoặc chị em biết được từ bên trong chính mình, chị em tiếp nhận được, hoặc từ bên ngoài khi người ta tâm sự với chị em những chuyện riêng tư của họ. Nhưng một phụ tá không bao giờ được phép thuật lại những bí mật đó cho người khác nghe; mà những điều riêng tư đó cần được giữ kín. Chị em sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thượng Đế về chuyện này. Và các phụ tá cũng không được trắc nghiệm cho người khác trừ khi người đó yêu cầu chị em trắc nghiệm giúp họ.

M´Bakju đơn độc một mình trong việc thờ phụng Thượng Đế. M´Bakju sẽ từ bỏ mọi thứ và mọi người nếu cần, nhưng không bao giờ từ bỏ việc thờ phụng Thượng Đế của mình. Họ có thể tước đoạt của M´Bakju mọi thứ nhưng không ai có thể tước đoạt được sự thờ phụng Thượng Đế của M´Bakju; và trong việc thờ phụng Thượng Đế, M´Bakju chỉ đơn độc một mình.

M´Bakju không được phép quá gần gũi với người khác, ngay cả với các con của mình cũng không được quá gần gũi, thân thiết. Đôi khi, M´Bakju thấy các con của mình rất cần đến mẹ, nhưng M´Bakju không được quá gần gũi, thân mật với chúng, chỉ vì M´Bakju không được phép thân thiết với bất cứ ai khác. Cho dù gần gũi với các con của mình hay người khác thì cũng không được. M´Bakju cũng không được phép gần gũi, thân thiết với các chị em ở đây, để khi chúng ta từ biệt nhau, chuyện đó sẽ không quá khó khăn cho chúng ta. Thờ phụng Thượng Đế là ưu tiên hàng đầu.

Chị em phải kiểm soát và khống chế được những ham muốn của mình và đừng để những ham muốn đó thống trị chị em. Nhưng đối với đa số mọi người, những ham muốn của họ điều khiển họ.

Chị em phải thờ phụng Thượng Đế trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện, cho dù lúc chị em vui hay buồn. Chị em phải thờ phụng Thượng Đế trong mọi điều kiện, thờ phụng một cách chân thành, thờ phụng 100%.

M´Bakju (nói với các nữ hội viên sau khi tập latihan về tầm quan trọng của việc đừng lo sợ mà hãy thờ phụng Thượng Đế): Thượng Đế sẽ che chở cho các chị em nếu chị em quy thuận 100%. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các chị em có thể sẽ sinh con trong tương lai vì đứa con sẽ bị ảnh hưởng nếu người mẹ lo sợ. (Trong số những ví dụ khác nhau, M´Bakju đưa ra ví dụ này: ai không sợ bệnh lao phổi sẽ không bị lây bệnh lao phổi khi người đó sống giữa những người bị bệnh lao phổi, nhưng người nào sợ bệnh lao phổi sẽ bị lây bệnh lao phổi.) Vì thế, sự lây bệnh này đi đôi với nỗi sợ căn bệnh đó. Chị em sợ điều gì thì điều đó có thể xâm nhập vào trong chị em. Vì thế, chị em không được sợ hãi, mà phải quy thuận Thượng Đế, rồi Thượng Đế sẽ che chở cho chị em.

Mỗi ngày, chị em phải quan sát chính mình và không được nói xấu người khác hay chỉ trích họ hoặc ganh tỵ hay bực tức hoặc ngồi lê đôi mách tán gẫu hay soi mói những chuyện không liên quan gì đến mình. Nếu chị em thực hành được như thế, tự giám sát mình mỗi ngày thì khi đó chị em sẽ xây dựng được một nhân cách tốt. Nếu chị em thực hành được như vậy và không cho phép những ham muốn của mình thống lĩnh, mà tu sửa bản thân mình như những điều M’bakju vừa nói, điều đó cũng giống như một sự trai giới bên trong. Chị em phải làm chủ những ham muốn của mình, và đừng để những ham muốn của chị em làm chủ chị em.

Chị em phải yêu thương chính mình. Nếu chị em yêu thương bản thân mình, chị em sẽ không sẵn sàng làm cho mình ô uế và chị em sẽ không làm những chuyện như M’bakju đã nói ở trên, chẳng hạn như nói về người khác. Trước tiên, chị em nên yêu thương Thượng Đế, kế đến là yêu thương chính mình, sau đó là chồng mình và gia đình của mình.

Chị em phải biết ơn Thượng Đế vì những nỗi đau khổ mà chị em phải chịu đựng bởi vì điều đó có nghĩa là những gì ô trược ở bên trong chính chúng ta và từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên chúng ta truyền lại đang được tống ra ngoài. Thà rằng bị bệnh và đau khổ khi còn sống ở thế gian này còn tốt hơn là phải chịu cảnh đó ở thế giới bên kia. Mỗi phần trong con người chúng ta sẽ được thanh lọc để trở nên tinh sạch. Chúng ta lúc nào cũng làm cho bản thân mình ô uế vì gây ra những tội lỗi do vô ý hoặc gây ra những tội lỗi rồi không thể nào dừng lại được (chẳng hạn như nói về người khác, ghét người khác, ghen tuông, ganh tỵ, v.v..).

Các chị em phải ý thức được những tội lỗi của mình. Sự đau khổ và bệnh tật khiến cho chị em ý thức được những tội lỗi của mình. M´Bakju không sợ chết nhưng M’bakju muốn chết vào lúc thích hợp khi tất cả những tội lỗi của M´Bakju được tha thứ hết. Trước khi chị em chết, chị em phải một mình đến với Thượng Đế.

M´Bakju không quan tâm đến những chuyện người ta nói về mình; trên hết mọi sự là thờ phụng Thượng Đế. Tính kiên nhẫn là chìa khóa mở cửa thiên đàng. Nếu không có lòng kiên nhẫn, chị em không thể tiến bộ được.

Nếu chị em cảm thấy lo lắng hay đau lòng vì người khác, hay hài lòng vì được người ta ngưỡng mộ mình, hoặc tức giận ai đó, hay đau buồn, những điều này sẽ ăn sâu vào trong tim của chị em và tạo ra những tổn thương. Nhưng để vào được thiên đàng, chị em cần phải có một trái tim trong sạch, trọn lành. Vì thế, khi ai đó làm chị em đau lòng, hãy bỏ qua chuyện đó – bỏ qua chuyện đó đi, tha thứ cho họ - bỏ qua điều đó và quên nó đi. Đừng để điều đó đi vào bên trong chị em; hãy để nó bên ngoài thôi. Bên trong chị em chỉ có vui sướng, hạnh phúc, thờ phụng Thượng Đế và những điều phiền toái đó không thể chạm đến được. M´Bakju lúc nào cũng vui sướng, hạnh phúc và cầu nguyện trong tâm mình: cầu xin Thượng Đế tha thứ cho con, cầu xin Thượng Đế tha thứ cho con.

Và khi người ta đến, mang theo những nỗi lo âu, ưu phiền, chuyện đó không làm cho M´Bakju yếu đuối vì M´Bakju luôn luôn cầu nguyện Thượng Đế trong lòng mình, và vì thế lúc nào cũng vui sướng, hạnh phúc. Các chị em phải đạt được đến đó.

Để thi đậu vào thiên đàng, lúc nào chị em cũng phải hạnh phúc. Chị em không thể vào được thiên đàng khi tim mình đầy vết thương. Nếu ai đó làm chị em đau lòng, hãy tha thứ cho họ và quên chuyện đó đi.  Đừng để những tổn thương về mặt tinh thần đó ăn sâu vào bên trong chị em và đọng lại ở đó mãi với chị em.

___________________

Chú thích của người dịch: Từ “M’bakju” trong tiếng Indonesia nghĩa là “chị cả” (theo cách gọi của người Việt ở miền Bắc) hay “chị hai” (theo miền Nam) hay người chị lớn nhất trong gia đình. Có lẽ, trong buổi nói chuyện này, Ibu Rochanawati đang nói với các nữ hội viên Subud nhỏ tuổi hơn mình. Trong văn hóa Java của Indonesia, người ta cũng xưng hô theo vai thứ và tuổi tác như ở Việt Nam, cho dù người đang giao tiếp với mình không có mối liên hệ bà con, họ hàng, nhưng vẫn gọi là anh, chị, em, cháu, cô, chú, bác, ông bà... Khi Bapak tái hôn với Ibu Sumari, người vợ thứ hai của Bapak, bốn người con của Bapak với người vợ quá cố đầu tiên và hai người con của Ibu Sumari gộp lại thành một gia đình có sáu người con, trong đó Rochanawati lớn tuổi nhất nên là chị cả.

 

 
     
 
  © 2017 Góc Nhỏ