Varindra Vittachi nói chuyện với giới trẻ
(July 1992 Canada Montreal)

Minh Thần dịch
     

 
   
   

01. Subud Voice số tháng 10.2013

Một hội viên trẻ hỏi Varindra tập latihan có lợi gì.

Đáp lại câu hỏi đó Varindra nói những điều dưới đây:

Sau nhiều năm tập latihan, khi latihan bắt đầu có kết quả, bạn sẽ tự hỏi mình, chẳng hạn: ''Mình được gì trong vòng 3 năm vừa qua? Latihan có lợi cho mình hay không?'' Có thể mất nhiều thời gian để chắc chắn biết được là latihan có lợi, nhưng bạn cũng rõ rệt nhận thấy có điều gì đó đã xảy ra. Tôi lấy một thí dụ. Tôi thường rất sợ phải nói chuyện trước công chúng. Nhưng hiện nay nói chuyện trước 10 hay 20 ngàn người thì chẳng hề hấn gì. Trước kia, trước khi vào Subud, tôi rất sợ phải nói chuyện trước công chúng. Là một nhà báo, tất nhiên tôi phải làm gì đó cho việc đó. Tôi thường viết bài diễn văn của mình, viết từng chữ, rồi học thuộc lòng.

Một buổi tối nọ, lúc tôi vào Subud chưa được bao lâu, tôi thắt cà-vạt để chuẩn bị đi diễn thuyết, một buổi diễn thuyết trọng đại nhất trong đời mình - tôi được mời đi diễn thuyết trong ngày phát bằng cấp của đại học. Tôi đã bị đuổi ra khỏi đại học đó, nhưng những biến cố trong những năm qua đã biến tôi thành một 'cựu sinh viên xuất sắc của đại học.'

Ngay trước lúc tôi bước vào phòng diễn thuyết, bà xã tôi nói: ''Anh chưa chuẩn bị bài diễn thuyết, có đúng không?''

''Chưa, bộ phải vậy sao!''

Khi tới lúc diễn thuyết, tôi đã có một buổi diễn thuyết khá nhất trong đời mình, khi không còn nữa cái gánh nặng trên bả vai của việc muốn mình là tài giỏi, là hay nhất. Tôi không còn quan tâm nữa tới việc người ta có thích những gì mình nói hay không; tôi không cần phải làm cho người ta ngưỡng mộ mình. Điều này thoải mái vô cùng: không bao giờ còn phải lo sợ, hay bất gì như vậy. Đó đích thực là cái bằng chứng đầu tiên về việc latihan có lợi cho mình.

Có chuyện gì khác nào nữa bạn muốn hỏi?

Cháu muốn hỏi bác Varindra về việc bác thấy thế nào về sự thay đổi của Subud, về cái chiều hướng hiện nay. Một vấn đề trọng đại! Một trong những điều khiến cháu lo ngại là tại sao không có những người thuộc giới trẻ vào Subud, ngoài những ai là con cái của những cha mẹ trong Subud?

Tôi vui mừng là bạn đã hỏi chuyện đó. Một vấn đề thật trọng đại, như bạn nói. Cho tôi chút thời gian trả lời câu hỏi đó. Tôi có 5 đứa con; 4 đứa tập latihan. Hai đứa không bao giờ đến hội tập. Chúng không thích tới hội. Tuy thế, chúng vẫn tập latihan. Tôi thấy là Subud đã khiến chúng quả thực khôn ngoan khi tuổi còn nhỏ -trưởng thành nhưng chưa chín chắn.

Một đứa biến thành một kẻ thích tụ tập với những người khác. Hiện nay nó đang trên đà trở thành một nhà báo. Nó thích những buổi lễ của cộng đoàn. Thực vậy, khi còn đi học, nó đã muốn trở thành một mục sư. Tôi không nghe nói tới bất cứ ai, bất cứ một tu sĩ hay nhà tu hành nào thông hiểu Thánh Kinh hơn nó. Nó có cái ý thích đó; nó hiểu được nghĩa lí, trị giá những buổi lễ cộng đoàn.

Nhiều người trong chúng ta không thích có chân trong một hội đoàn. Phải đặc biệt có kinh nghiệm hay nhu cầu mới khiến người ta muốn là thành viên một hội đoàn. Đó là cách Subud phát triển. Nhưng điều bạn muốn hỏi, theo tôi hiểu, là tại sao không có nhiều giới trẻ vào Subud? Một trong những lí do dễ hiểu nhất là quả thực có nhiều giới trẻ không vào Subud: những con cái hội viên Subud không vào Subud. Một trong 5 đứa con tôi, một cậu trai, không đến hội: một bạn trẻ chân thành, 37 tuổi.

Nó cho tôi hay những điều cho thấy tại sao mình không đến. Tôi không dò hỏi, nhưng đôi khi nó cho tôi hay tại sao tránh đến hội. Nó nghĩ là những người bạn của bà mẹ mình, vài người, hơi điên khùng. Họ nói những chuyện võ đoán là giáo điều; họ cho là mình chắc chắn hiểu được những đặc tính của Thượng Đế, là Thượng Đế nói chuyện với họ mỗi ngày. Tất nhiên, bất cứ ai thuộc giới trẻ cũng cho điều đó là nhảm nhí.

Tại sao 2 đứa con kia của tôi tập latihan nhưng lại không tới hội?

Cô con gái tôi, một người trẻ nhất trong Subud, có chuyện rất lộn xộn với người chồng đầu tiên. Nó bị chồng đánh đập, có thể nói là hành hạ. Nó không cho tôi biết chuyện đó. Thay vì vậy, nó đến hội gặp các phụ tá, và họ làm với nó những chuyện như: bạn phải phục tòng chồng mình. Đại loại như vậy. Hậu quả là nó không bao giờ đến hội tập nữa. Nó tự tập latihan. Thượng Đế cho con latihan, nó nói, con tập latihan.

Đó là những lí do khiến nhiều người không vào Subud. Chúng ta không thể vơ đũa cả nắm: có nhiều phụ tá rất khá.
Tôi mong muốn tất cả những ai gọi mình là phụ tá nên nhớ lại, nhận thức được điều này, như Bapak đã quan niệm, Subud không là một hệ thống cấp bậc, nghĩa là một hệ thống chiều dọc, với phụ tá quốc tế, tiếp theo là phụ tá quốc gia, rồi phụ tá vùng, và cuối cùng là phụ tá nhóm. Không phải là vậy. Đúng ra, đó là việc phân chia, phân chia trách nhiệm theo chiều ngang, với phụ tá nhóm là bác sĩ đa khoa, một người kết giao với những người khác. Điều này là phi lí, nếu nghĩ đó là một hệ thống cấp bậc chiều dọc. Phụ tá nhóm là những phụ tá quan trọng nhất, bởi trên thực tế họ tiếp cận với những cá nhân thay vì với những thể chế.

Sự việc là không ai trong chúng ta, và đây là điều chắc các bạn trẻ ưa thích, có bất cứ quyền hành nào trong Subud. Bapak là một nhà chính trị học đại tài, một nhà chính trị học cấp tiến. Một trong những điều Bapak nói: Subud không là giáo lý, bởi những giáo lý mà chúng ta cần, là của các vị đại thiên sứ. Như tôi đã hiểu theo Bapak, Subud không là giáo lý. Đúng ra, đó là một cách học hỏi rất hay.

Những gì tôi học được từ những giảng giải của Bapak là chúng ta quả thực không có quyền hành, mà chỉ có trọng trách.

Trong 30 năm trong Subud làm chủ tịch WSA tôi chưa từng có bất cứ quyền hành nào. Tôi không thể đuổi bất cứ ai, giáng cấp bất cứ ai. Trong địa vị chủ tịch WSA tôi không có quyền hành. Với các phụ tá thì cũng thế. Không ai trong họ có bất cứ quyền hành nào. Nếu họ quả quyết mình có quyền hành, sự quả quyết đó không đúng.

Tôi đã nói tới hai điều. Tôi nói các phụ tá không có quyền hành, mà chỉ có trách nhiệm. Theo tôi, nếu làm hết trách nhiệm mình, thực sự làm hết trách nhiệm mình, thì tự nhiên có quyền hành. Một người làm hết trách nhiệm mình sẽ có uy tín. Chẳng hạn, tôi là một nhà báo. Khi còn là một nhà báo rất trẻ, tôi thường nói về tự do báo chí, về quyền lợi mình -sự tự do của một nhà báo.

Chỉ mãi sau này tôi mới nhận thấy mình cũng có bổn phận. Tôi có những trách nhiệm của việc mình là một nhà báo, và nếu không làm hết những trách nhiệm đó, tôi không được quyền hưởng sự tự do đó. Nếu có một phụ tá có vẻ như không làm hết trách nhiệm mình, người đó sẽ bị rắc rối nhiều, bởi người đó cho mình có một quyền hành mà mình đã làm mất đi. Trong Subud những trường hợp đó không nên xảy ra.

Chúng ta có thể bàn luận điều đó, trắc nghiệm điều đó, chúng ta có những phương cách giải quyết những chuyện giữa hội viên và phụ tá, giữa phụ tá và phụ tá mà không cần phải dùng tất cả những... [nghe không rõ]. Có những cách làm những chuyện đó mà không làm phật lòng bất cứ ai. Tại sao phải làm phật lòng người ta?

Hỏi: Bác đã nói về con trai bác, trí thông minh của anh khiến anh hoài nghi Subud. Bác đã hỏi tụi cháu đã thay đổi như thế nào. Theo cháu thấy, cái thời đại trong đó phần đông những cha mẹ tụi cháu gia nhập Subud là lúc được tự do hơn, nhưng cái thế hệ hiện nay thì có rất nhiều lô-gích. Điều cháu muốn nói là con người càng hình dung được những đáp án cho các bí ẩn, thì người ta càng khó tin ở Thượng Đế.

Người ta tin ở chính mình hơn ở Thượng Đế. Vậy thì càng có thêm cái lô-gích thì càng bớt đi cái siêu phàm hay thánh thần. Cháu tự hỏi [không nghe rõ] chắc cái thế hệ các tiền bối cần đến sự dẫn dắt tâm linh, nhưng thế hệ tụi cháu hình như không cần đến cái đó.

Varindra: Tôi thấy chúng ta đang đi vào lĩnh vực thần học. Coi xem chúng ta có xử lí được chuyện này hay không. Có thể rất dễ dựng nên một bù nhìn rồi lật đổ nó. Đó là điều mà những kẻ gọi mình khoa học gia đã làm. Họ dựng nên một ông lão râu bạc trên trời rồi lật đổ lão. Tất cả những luận cứ về sự hiện hữu và vô hữu của Thượng Đế là dựng nên một bù nhìn rồi lật đổ nó.

Bapak có lần đã nói chúng ta tìm kiếm Thượng Đế trên mây, chúng ta tìm kiếm Thượng Đế trên đỉnh núi, trong hang động, trong thánh thất, trong chùa Hồi, trong nhà thờ. Chúng ta bận bịu tìm kiếm Thượng Đế đến nỗi khi Thượng Đế đến nhà mình gõ cửa, chúng ta không có mặt ở nhà để đón tiếp Thượng Đế. Bapak cũng nói Thượng Đế gần gũi với chúng ta hơn gân cổ mình.

Cách đây vài năm tôi diễn thuyết tại đại học Oxford. Có mặt cùng tôi là Carl Sagan, nhà thiên văn học trứ danh. Ông đổi chỗ ngồi với một kẻ ngồi gần tôi và nói: ''Tôi chưa từng nghe thấy một nhà báo nào nói chuyện như vậy. Những điều đó là từ đâu?'' Tôi nói: ''Subud''. Ông nói: ''Đó là một phong trào tâm linh?'' Tôi nói: ''Đúng vậy''. Ông nói: ''Tôi chưa từng nghe nói tới''. Tôi đáp: ''Đó là một hội tâm linh nhỏ nhất trên thế giới.''

Ông nói tiếp: ''Những gì ông nói thật đáng nghe; ông không thể là một người tin ở thuyết hữu thần, ông không thể là một người tin ở Thượng Đế.'' Tôi đáp: ''Tôi biết ông là một người vô thần, ông chắc chắn cái quan điểm vô thần của mình là đúng, nhưng tôi không chắc chắn được về bất cứ gì. Tôi luôn tra hỏi mọi chuyện. Theo tôi, đó là thái độ khoa học: không biết chắc nhưng tra hỏi.''

Ông nhận thấy sự lô-gích của điều đó, bởi tôi đứng trên cái mức độ lô-gích của ông để nói chuyện. Ông hỏi tôi có thích nói chuyện tại lớp học của ông tại Ithaca hay không. Tôi đáp ứng yêu cầu của ông, và ông ngạc nhiên thấy nhiều sinh viên của mình cũng hỏi những điều như các bạn: hiện nay họ là những người có tinh thần cởi mở hơn đối với cái khả năng có một thế giới khác, một thực tại khác, không như thế hệ tôi, cái thế hệ cho là mình biết được đáp án cho mọi chuyện. Như các bạn đã thấy đấy, những gì chúng ta coi là chân lí tuyệt đối của mình đã làm cho cái thế giới này trở nên loạn xị.

Có lần Bapak đã nói với tôi trước khi vũ trụ tạo ra, không có bất cứ gì ngoài sự trống không. Chúng ta không hiểu được sự trống không đó, Bapak nói, vì chưa từng nghiệm thấy được. Bapak nói rằng không có ánh sáng trong sự trống không, bởi không có bóng tối. Chỉ có sự trống không và Thượng Đế. Bapak nói rằng chúng ta không bao giờ hiểu được như thế nào có sự trống không, nhưng lại cũng có cái gì đó.

Thượng Đế tạo ra ánh sáng và làm cho nó thành sự chấn động. Đó là sự chấn động của lúc ban đầu mà chúng ta nhận được trong latihan. Ánh sáng chấn động đó tạo nên những gì là vật chất, thực vật, thú vật và con người. Những chấn động phụ thuộc đó có những chấn động của chính mình.

Latihan tiến bộ, chúng ta có thể nhận biết được sự chấn động nguyên thỉ mà tôi gọi là 'cánh bướm' -những gì nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng. Bởi bao gồm vật chất, cái vật chất của chính trái đất này, nên những chấn động bên ngoài đó tương đối gần gũi hơn, và đó là những chấn động khiến có sân si, ganh ghét và tất cả những dục vọng khác... Nhưng chúng ta cần tới những sức mạnh hạ đẳng đó; bởi nếu thiếu sức mạnh vật chất, chúng ta không thể cử động, chúng ta không thể suy nghĩ, chúng ta không thể làm bất cứ gì. Chúng ta không thể làm thành một cái bàn, vv...

Tất cả những gì latihan làm là sắp xếp lại, sắp xếp trở lại những sức mạnh đó để nó phục vụ con người, thay vì áp đảo con người, sử dụng con người.

Do đó mà tôi cho thiên hạ biết là chúng ta không thể giúp latihan bằng những gì khác mà mình làm.

Theo tôi, có điều quan trọng nên biết này là vừa rồi, cách đây 2 tháng, một vài nhà vật lí thiên văn đã tiết lộ những điều mà báo chí ở Anh quả thực đã hiểu được đó là điều gì quan trọng. Thực vậy, tờ Independent, có lẽ tờ báo tiếng Anh lớn nhất trên thế giới, đã dành nguyên một trang cho điều đó -việc các nhà vật lí thiên văn tìm thấy điều mà họ gọi là 'những gợn sóng lăn tăn', tức là những chấn động theo sau điều họ gọi là 'Vụ Nổ Lớn' (Big Bang). Bapak cũng nói tới một điều y như vậy, điều mà hiện nay các nhà khoa học đã tìm thấy. Thực vậy, các nhà khoa học đã diễn tả như thế nào những 'những gợn sóng lăn tăn' đó đã tạo nên vật chất. Hiện nay thì hình như khoa học và chân lí tâm linh đang xích lại gần nhau.

Hỏi: Điều cháu muốn hỏi là từ nafsu. Có những người nói rằng họ không thích dùng từ đó, bàn về từ đó.

Nafsu nghĩa là sức mạnh hạ đẳng. Các bạn, những ai ở tuổi các bạn, đang bước vào một thế giới Subud rất khác biệt với cái thế giới mà chúng tôi thừa hưởng. Các bạn phải biết rằng chúng tôi sống trong thờ đại của Bapak, thời đại của Pak Subuh, con người bằng xương thịt. Chúng tôi đã may mắn theo nhiều cách.

Có lẽ các bạn sẽ may mắn theo nhiều cách khác. Với chúng tôi Bapak là một thực tại, một thực tại sống động mà chúng tôi thường xuyên gặp. Để tôi nói cho các bạn hay điều đối với tôi là sự thật, điều làm tôi luôn tự hỏi tại sao một kẻ không chút nào là một ông thánh như mình, là một nhà tu hành như mình, lại được sống trong thời đại của Pak Subuh. Đối với tôi, điều đó như là đang sống trên đất nước của Chúa GiêXu, tại nước Palestine của Chúa GiêXu, hay đang sống tại Mecca với Thiên Sứ Muhammed. Với tôi thì như vậy.

02. (11.2013 Subud Voice)

Các bạn đừng quên rằng Bapak là một người Nam Dương, và Bapak tiếp nhận được trong ngôn ngữ mình. Đối với tôi ban đầu đó là một vấn đề, tôi phải nhìn nhận. Có lần tôi đã vô liêm sỉ đề nghị với Bapak: ''Bapak, tại sao ông không học thêm chút tiếng Anh? Như vậy sẽ đỡ hơn nhiều cho chúng tôi.'' (Tôi luôn hỏi những điều ngu dại như vậy). Bapak đáp: ''Được, nhưng như vậy sẽ là sao chép lại.'' Bapak tiếp nhận được trong ngôn ngữ mình, và Bapak không muốn có bất cứ chướng ngại nào cho sự tiếp nhận đó.

Hồi đó chúng tôi thường dùng một vài từ Nam Dương, bởi đó là những từ hữu dụng. Chẳng hạn như từ latihan, điều chỉ có nghĩa là tập luyện. Tôi còn nhớ tới chuyện mình đi đón một vài người Anh tại phi trường Jakarta, để đem họ tới nhà của Bapak. Trên đường họ trông thấy một tòa nhà lớn với hàng chữ Sekola Latihan Polsi. ''Trời ơi'' họ nói ''ở Nam Dương cảnh sát cũng tập latihan!''

Ông Bennett (chúng tôi thường gọi là ông B) là một người tài ba biết nhiều thứ tiếng. Ông học được tiếng Nga trong 2 tuần, và ngay sau đó đã nói chuyện được với sư phụ mình bằng tiếng Nga. Ông cũng học được tiếng Nam Dương trong 2 tuần, và không bao lâu sau đó đã có thể thông dịch cho Bapak khi có những buổi nói chuyện. Ông đã dịch sai nhiều điều. Người ta có thể thông thạo một ngôn ngữ trong hai tuần, nhưng rất dễ dịch sai.

Chẳng hạn, từ Bapak dùng cho phụ tá là berlatihan perantin, nghĩa là trợ tá, hay có thể hiểu là tôi tớ hay người phục vụ. Từ đó đã dịch qua tiếng Anh là helper, sự chuyển đổi ngôn ngữ như vậy không phải là sai, bởi tất nhiên trợ tá là người giúp đỡ. Nhưng cũng có thể hiểu theo nhiều nghĩa: có ai đó cần được giúp đỡ thì mình giúp đỡ. Người mạnh giúp kẻ yếu. Ta có thể giúp ai đó thấp kém hơn mình. Có thể hiểu theo tất cả những nghĩa đó. Thế nên, người ta đã nghĩ những cái đó có cái nghĩa về một hệ thống cấp bậc.

Chẳng hạn như từ 'trắc nghiệm.' Khi thường trắc nghiệm với chúng tôi, Bapak dùng từ 'terima' nghĩa là 'nhận lấy.' Cái nghĩa Nam Dương của từ đó không liên quan chút gì tới từ 'testing' của tiếng Anh. Câu 'cảm ơn' trong tiếng Nam Dương là 'terimah kasih', và dịch nguyên văn là 'nhận lấy sự cảm ơn của tôi.' Chẳng bao lâu, 'trắc nghiệm' đã có cái nghĩa là xem xét. Như xem xét thành tích của ai đó, chẳng hạn.

Tất cả những sự hiểu lầm đó là do dịch không đúng. Chúng ta đã quen dùng những điều dịch sai đó trong hai thế hệ. Tôi không có ý đề nghị thay thế những từ đó; chúng ta chỉ việc hiểu được cái nghĩa đích thực của nó.

Trong những ngày tháng trong Subud đầu tiên của mình, tôi rất hỗn xược với Bapak: coi Bapak là bất cứ ai như mình. Các bạn không thể ngờ được là tôi vô tình đến như vậy! Tôi thường ngồi bên cạnh Bapak hết đêm này qua đêm khác, hút hết điếu thuốc này qua điếu thuốc khác. Nhưng sau một thời gian tôi bắt đầu nhận thấy mọi người đều ngồi đằng sau Bapak, và tôi cũng bắt đầu đoán biết được Bapak có thể là ai.

Có lần tôi hỏi: ‘’Bapak, tôi hiểu được ông đã nói rượu chè là có hại. Rượu chè có gì là tồi bại? (Tôi thường nghiện rượu. Bởi là một nhà báo nên rượu chè quá mức là một căn bệnh nghề nghiệp. Mỗi ngày uống ¼ một chai whiskey là chuẩn mực.)

Bapak nói: "Bạn uống rượu?" Tôi đáp: "Đương nhiên.‘‘ Bapak nói: ‘‘Bạn uống thứ gì?‘‘ Tôi đáp: ‘‘Scoth whiskey.‘‘ ‘‘Bạn thích uống?‘‘ Bapak dò hỏi. ‘‘Thích, rất thích.‘‘ Khi nghe tôi nói như vậy, Bapak không vỗ đầu nói là cái anh chàng này thật đến chán, không xứng đáng với Subud, vân vân...Bapak chỉ chú ý tới người trước mặt mình, cá nhân tôi.

‘‘Bạn uống rất nhiều?“ Bapak hỏi. Tôi nói: ‘’Đương nhiên.‘‘ Bapak nói: "Nhờ Thượng Đế mà có được rượu Scoth whiskey ngon”. Nhưng bạn phải chắc chắn là mình đang uống Scoth, chứ không là Scoth đang uống mình.‘ Kể từ đó tôi nhận thức được, Chúa ơi, đó không chỉ là việc Scoth đang uống mình, mà là ngâm chìm mình.

[Varindra quay qua phía anh hội viên trẻ hỏi mình về từ ‘nafsu‘.]

“Cái nafsu mà bạn nhắc tới: Đáng lí ra chúng ta phải là những con người; đáng lí ra chúng ta phải nắm vững những sức mạnh đó. Nhưng thực tế thì trái ngược hẳn. Vậy nên đó là việc phải biến đổi. Đó là điều latihan có thể sẽ làm được.

Hỏi: “Có thực vậy không là một người nữ phải hỏi một người nam nếu muốn vào Subud? Tại sao?"

Bạn cho tôi sẽ trả lời là "Phải.‘‘ Như thế này, xin cho tôi được cho bạn hay là ở Nam Dương vai trò của người nữ là phải hết sức phục tòng người nam. Người nam nắm quyền, người nam định đoạt. Tôi nghĩ là tình trạng đó cũng có tại vài nơi ở Âu Châu hiện nay. Người nam định đoạt, ngay cả trong nhà, còn phần nhiều những công việc thì do người nữ làm.

Ở Nam Dương những phụ nữ vào Subud mà không xin phép chồng thì sẽ bị rắc rối. Người chồng có một lập trường cứng rắn, ngay cả có thể đem chuyện đó ra tòa lấy cớ là Subud mê hoặc thiên hạ khiến không muốn theo những lề thói quen thuộc.

Nhưng chúng ta không còn cần phải làm như vậy nữa. Chẳng có lí do nào phải làm điều đó nữa. Các bạn phải thay đổi nó, phải tranh đấu để thay đổi. Cho tôi khuyên các bạn điều này: các phải đòi cho bằng được sự hiện diện của mình trong những đoàn đại biểu của Hoa Kỳ và Canada đi dự Hội Nghị. [Cử tọa vỗ tay hoan nghênh]. Chúng ta muốn Subud bành trướng. Các bạn phải làm cho người ta nghe được tiếng nói mình. Các bạn không thể chỉ việc phản đối, ném lựu đạn, hay những gì như vậy. Tôi mong có sự hiện diện của các bạn trong những đoàn đại biểu đi dự Hội Nghị kỳ tới.

Điều tuyệt vời về Subud với tôi là tôi coi các bạn là anh chị em, không là con cháu mình. Thậm chí không có đến ngay cả sự chênh lệch tuổi tác; đương nhiên cũng không có luôn sự chênh lệch tôn giáo, chênh lệch giai cấp, hay bất cứ gì khác. Giữa chúng ta không có những hàng rào quốc gia. Tại sao lại phải có sự chênh lệch tuổi tác? Tại sao giới trẻ trong Subud không thể là hội viên Subud, chỉ vì họ trẻ măng? [Cử tọa vỗ tay hoan nghênh].

Tuần vừa rồi, tôi có mặt tại một buổi Hội Nghị ở Madrid. Cùng có mặt tại đó là Ibu Rahayu, người chị cả của chúng ta, một phụ nữ ít tự phụ nhất trên thế giới, một phụ tá ít tự phụ nhất trên thế giới. Tới lúc có câu hỏi về giới trẻ, bà nói là chúng ta cần phải có những phụ tá trẻ. Các bạn đòi điều này, điều này thì tùy thuộc các bạn: các bạn đòi có những người nói được ngôn ngữ mình. [Có ai đó trong cử tọa đề cập tới việc phải đợi chờ 7 năm mới được làm phụ tá]. Bảy năm thì cũng được. Có sao đâu? Chúng ta vẫn có nhiều phụ tá trẻ hơn hiện nay, ngay cả phải đợi chờ 7 năm. [Vỗ tay hoan nghêng và cười].

Hỏi: Cháu lo ngại về chuyện những gì chúng ta có thể làm để giúp cho Subud, vì cháu thấy có rất ít giới trẻ vào Subud. Nhiều người đang vào Subud, nhưng tất cả đều là những người lớn tuổi, và cháu muốn biết những gì chúng ta có thể làm để giúp cho Subud được truyền bá. Cháu không thể giải thích Subud cho thiên hạ, vì những tập sách nhỏ bé mà chúng ta có đã không viết tường tận về Subud. Cháu muốn biết những gì chúng ta có thể làm để truyền bá Subud.

Thực vậy, chúng ta khó truyền bá được điều gì đó, nếu mình không biết được cái mình đang truyền bá là gì. Điều khiến ngạc nhiên là trong nhiều năm, rất nhiều năm, không ai đã viết được những gì dễ hiểu giải thích về Subud. Thiên hạ thấy khó hiểu quá. Có một người Mỹ, anh John Needlman, viết một cuốn sách tựa đề là The New Religions. Anh viết cuốn đó lúc cuối thập niên 60. Trong đó có một chương về Subud. Theo tôi, đó là sự mô tả hay nhất về Subud mà tôi đã được đọc. Nhưng anh không là hội viên Subud. Tôi quen biết anh, tôi đã trò chuyện với anh, và tôi biết anh không chút nào muốn gia nhập Subud. Nhưng anh nghĩ Subud là cái gì có cơ sở vững chắc, nghiêm túc.

Cách đây vài năm, tôi viết một hồi kí về Subud, cuốn A Memoir of Subud. Đó đúng là một tâm thư cho Bapak. Một ngày trước khi ấn hành sách, chị biên tập viên của nhà xuất bản kêu điện thoại yêu cầu tôi giải thích Subud là gì. Tôi hỏi chị cho tôi thời gian là bao lâu, và chị nói là nửa tiếng đồng hồ. Tôi đã viết một trang giấy giải thích Subud trong nửa tiếng đồng hồ. Đó là tất cả những gì tôi đã làm, theo cách của mình. Chỉ có vậy thôi, viết rõ ràng. [Varindra quay qua phía anh bạn trẻ hỏi mình: “Có lẽ bạn phải giải thích thêm chút ít. Như thế nào thì tôi không biết"].

Ở Úc tôi đã có lần lên đài truyền hình tại Melbourne, và có một phụ nữ của đài Sydney Television phỏng vấn tôi. Cuối cuộc phỏng vấn, cô hỏi tôi (sau khi tối đa thu thập được những gì tôi đã nói): “Ông có chân trong một hội đoàn tâm linh?” Tôi nói: “Có, tôi có chân trong Subud.” “Ông có thể,” cô nói, “cho khán thính giả biết Subud là gì?” Tôi đáp: “Người ta cho cô hai tiếng đồng hồ? Tôi biết cô không được đến hai tiếng đồng hồ. Người ta cho cô hai phút?”

Có thể làm như vậy: nói rõ rệt về Subud trong một thời gian ngắn. Nói Subud là gì đối với mình. Vậy đó, đó là cái thuật nói về Subud. Nói Subud là gì cho mình.

Tôi cho biết mình đã nhận được một sự giao tiếp với Nguồn Đại Sinh Lực, Subud không là một tôn giáo [không nghe rõ]...để tẩy lọc những hành vi của mình. Đó là tất cả những gì thiên hạ cần biết. Chúng ta không cần phải đi vào lĩnh vực thần học về chuyện đó.

03. (12.2013 Subud Voice)

Hỏi: Phần đông bạn bè cháu đều biết về Subud, nhưng hình như không ai muốn nghe cháu nói về Subud vì cháu còn trẻ, trong khi đó thì những người lớn tuổi lại thích nghe nói tới. Khi cháu cho bạn bè mình hay mình có chân trong một phong trào, một đường lối tâm linh, mình đã nhận được Nguồn Đại Sinh Lực, họ nhìn cháu như muốn nói: “Bạn nói chuyện thần tiên gì vậy!”

Varindra: Nếu bạn chưa quên, tôi đã chỉ cho thấy là chúng ta nên cho thiên hạ hay Subud là gì cho mình. Bạn phải dùng cách nói của mình, những gì là ngữ nghĩa của mình, mode nói của mình. Do đó mà tôi đề nghị các bạn trẻ nên dùng những điều tôi giải thích về Subud trong một trang giấy trong cuốn A Memoir of Subud.

Hỏi: Những động tác cháu có trong latihan, nếu cháu nghĩ tới những động tác đó trước khi có, thì những cái đó thực sự do Nguồn Đại Lực?

Varindra: Tại sao bạn không hỏi các phụ tá điều đó? Ý tôi muốn nói đó là một câu hỏi như vậy nên trước hết được giải quyết cùng các phụ tá. Khi lần đầu tiếp nhận được latihan, Bapak khai mở cho 6 người trong các bạn bè mình, những người bạn chí thân. Họ thường cùng nhau tập latihan. Những động tác mình có trong latihan, Bapak dùng những động tác đó để dạy họ, khiến họ làm y hệt những gì Bapak làm. Nhưng rồi Bapak chợt hiểu được: “Vậy chứ, phải để cho họ làm theo cách của họ!”

Khi lần đầu tôi đến Nam Dương trong năm 1957, năm tôi vào Subud, những người bạn Nam Dương thường trải một số chiếu trong phòng tập, và họ nằm trên đó trong lúc latihan, coi đó là một tập tục. Nhưng trong những năm tháng qua, mọi chuyện đã thay đổi, khiến người ta hiện nay làm theo cách của mình.

Điều cốt yếu, như Bapak luôn nói với chúng ta, (và một ông lão như tôi thì cũng luôn thúc giục những người trẻ như các bạn phải để ý tới chuyện đó, chấp nhận điều đó) chỉ là lòng chân thành, chỉ lòng chân thành là đáng kể. Ý tôi muốn nói là theo những gì tầm phào thì được lợi gì, làm như vậy để làm gì?

Tôi còn nhớ tới một lần nọ ở London, tại một buổi latihan tập thể với một nhóm gồm 700 mạng. Tôi đến với Bapak làm thông ngôn cho Bapak, và Bapak bảo tôi nói “Bắt đầu.” Ngay sau khi tôi nói như vậy, một trận cuồng phong những tiếng động xảy ra, đặc biệt của những kẻ luôn đứng phía trước, để Bapak trông thấy được latihan họ. Bapak nói “Xong!” rồi nói “Bapak không muốn thấy cái latihan hôm qua.”

Bapak kể cho chúng tôi một chuyện hết sức ấn tượng mà tôi kể lại cho các bạn, mong rằng nó có thể có ích cho các bạn lúc bắt đầu latihan.

Bapak kể cho chúng tôi tuồng kịch bình dân của Nam Dương, kịch bóng múa rối lấy trong những thần thoại Hindu. Bapak nói rằng cái đầu tiên hiện ra trên mành ảnh kịch bóng múa rối là một bóng hình tam giác. Cái bóng đó có trong 5 hay 6 phút, trong khi các khán thính giả yên lặng chờ đợi. Khi dàn nhạc gamelam bắt đầu réo rắt, những rung động, hình bóng cử động từ phía này qua phía kia, La ilah ha ilallah, La ilah ha ilallah, La ilah ha ilallah, rồi thì kịch bắt đầu diễn.

Chúng ta chờ đợi, chúng ta chờ đợi cho latihan nắm giữ, bắt đầu. Tại sao lại không thể kiên nhẫn và chờ đợi cho tới khi có gì đó xảy ra?

Hỏi: Bác thấy Subud đã thay đổi ra sao sau khi Bapak rời khỏi thế gian này?

Varindra: Tất nhiên, nhiều điều đã thay đổi. Bởi xác thịt Bapak không bên cạnh chúng ta nữa, nên phải có những thay đổi. Cá nhân Bapak là một năng lực trong cuộc sống chúng tôi. Nhưng một vài người chúng tôi, những bạn bè mình và tôi, đã chuẩn bị tinh thần cho việc đó. Để tôi kể cho các bạn chuyện này.

Có lần, bà xã tôi, bả đã qua đời, và tôi sống ở Cilandak. Iram, con trai tôi, hồi đó vẫn còn nhỏ nhưng hiện nay là là một chàng trai vạm vỡ 26 tuổi. Khi bà xã tôi ngủ trưa, nó thường biến mất, và 2 hay 3 lần, sau khi đi tìm nó khắp nơi cư xá của Subud, bả thấy nó trong phòng ngủ của Bapak nằm bên cạnh Bapak lúc ngủ trưa.

Có lần khi nó lại ‘mất tích’, Bapak đem nó ra khỏi phòng ngủ mình, trong khi đang vuốt ve tóc nó. Trao nó lại cho tôi, Bapak nói: "Thằng bé này thật dễ thương, Varindra.” Chúng tôi đáp: “Dễ thương lắm, Bapak, chúng tôi rất hãnh diện có nó.” Bapak nói: “Bạn phải học cách chết đối với nó trước khi nó chết đối với mình.”

Tôi choáng váng mày mặt, bởi tôi thấy hình như Bapak đang nói là nó sắp chết. Nhìn thấy vẻ mặt tôi, Bapak nói: “Không đâu, Bapak không có ý nói như vậy đâu. Tất cả những gì mình yêu thích, bạn phải trải qua cái chết của những cái đó, trước khi nó xảy ra.” Kể từ đó, tôi cố gắng được như vậy với tất cả những gì trong đời sống mình. Latihan giúp tôi được như vậy.

Mỗi lần được tái bổ nhiệm làm chủ tịch WSA, tuy mình đã tìm cách từ nhiệm, tôi thường nói với Bapak: “Tại sao vậy, Bapak? Tại sao không là ai khác? Tôi không có tài quản trị. Tôi không thích những tổ chức này nọ.” Bapak đáp: “Chính bởi vậy mà phải làm [việc Varindra được tái bổ nhiệm] để tối thiểu có cái gì là tổ chức.”

Khi Bapak mất, điều rất may mắn cho chúng ta (tôi đang nói việc này với những bạn trẻ là anh chị em mình) là Bapak đã khôn ngoan nói đi nói lại, mạnh mẽ nói lại nhiều lần là sẽ không có ai kế vị Bapak. Tôi đã nghiên cứu cuộc đời các vị thiên sứ lúc họ sắp mất, những gì xảy ra sau đó. Những cuộc tranh chấp kinh động đã xảy ra trong gia đình họ về việc ai sẽ kế vị. Bapak luôn nói rằng sẽ không có ai kế vị mình. Latihan là cái Bapak truyền lại, ngoài ra chẳng có gì hết.

Latihan sẽ kế vị. Chúng ta rất may mắn có Ibu Rahayu. Siti Rahayu là một tâm hồn rất tươi tắn nhưng lại rất nghiêm khắc về những gì là sự truyền lại của Bapak. Bà sẽ không bao giờ để cho mình bị đầu độc. Bà cự tuyệt tất cả những vụ coi mình là kế vị của Bapak. Nhưng vẫn còn những kẻ tìm cách làm điều đó, tìm cách biến bà thành một uy quyền, điều bà luôn cự tuyệt. Các bạn đừng quên điều này: có lãnh tụ là nhờ có những kẻ tuân theo họ.

Vậy nên, không có vấn đề gì với gia đình Bapak.

Bapak đã cho chúng ta một cái sườn cho tổ chức Subud. Bapak là một người ủng hộ chủ nghĩa hợp hiến thật vĩ đại (great constitutionalist). Bapak rất hiểu được việc sự việc này liên hệ tới sự việc kia.

Hội Nghị ở Sydney tại Úc là Hội Nghị đầu tiên thiếu vắng Bapak. Tôi nghĩ là sẽ chỉ có dăm ba người, dăm ba hội viên Subud. Bởi hội viên đi dự Hội Nghị là vì có Bapak, nên tôi nghĩ cái Hội Nghị này sẽ ảm đạm, rất ảm đạm.

Trái lại, rất nhiều người đã đến, vì họ nôn nóng muốn lãnh trách nhiệm khi Bapak không còn nơi đây nữa. Làm cách nào để cùng nhau tạo nên cho mình một cách sống trong Subud, một cái sườn cho cách sống đó.

Và có nhiều điều đã xảy ra, một vài cơ quan đã thành lập: Hiến Pháp Subud, Hiệp Hội Subud được đang ký, WSC (Hội Đồng Subud Quốc Tế) được thành lập là cơ quan bảo quản các Hội Nghị, những Cánh (Wings) như SDIA. SICA, những ban như Kinh Doanh, Hội Trẻ Subud, cũng thành lập. Các phụ tá cũng tham gia: có Ban Phụ Tá Quốc Tế... Chưa có nhiều thành quả trong 4 năm qua, vì những cơ quan đó chưa hoàn toàn có nội dung.

Chúng tôi đã rất bận rộn soạn thảo cơ cấu những thể chế đó mà chưa chú ý tới phần nội dung... Nhưng đây là điều tôi mong chúng tôi sẽ làm được tại Hội Nghị Thế Giới với Anamacer. Nhưng đã bắt đầu có phần nội dung với Anamacer, bởi có nhiều bạn trẻ đến dự không chỉ với cách tổ chức những cơ cấu và thể chế, mà với những gì họ đã làm, với phần chất lượng…

Câu hỏi của một hội viên trẻ: Trong lúc Hội Nghị này cháu đã nhiều lần trò chuyện với nhiều người về những câu hỏi thích đáng cho trắc nghiệm và sự tiếp nhận. Cháu muốn biết bác thấy thế nào về chuyện những gì là thích đáng.

Để tôi cho bạn biết ý kiến cá nhân tôi. Ý kiến tôi hoàn toàn thiếu thẩm quyền, thiếu cơ sở, trừ phi cho chính tôi. Vậy, xin bạn đừng trích dẫn những gì tôi nói: đó là một điều lệ mới vì Varindra đã nói như vậy.

Các bạn có biết thế nào là một vấn đề tâm linh? [Ai đó trong cử tọa nói ‘Khủng Hoảng”.] Đúng vậy. Khủng hoảng là một vấn đề tâm linh. Bạn nào có ý kiến gì khác? Chắc các bạn muốn biết cuối cùng mình sẽ lên được tầng trời thứ 7 hay thứ 8? Chưa chắc gì tôi sẽ lên được tầng trời thứ nhất, nên tôi không muốn biết tới tầng trời thứ 6 hay thứ 7.

Có một vài “vấn đề tâm linh” linh thiêng. Đi tập hay không đi tập latihan là một vấn đề tâm linh? Những điều chúng ta gọi là vấn đề tâm linh là những gì rất trần tục, của con người.

Tôi còn nhớ tới chuyện có một vị nọ đến gặp các phụ tá, trong đó có tôi, hỏi mình cùng gia đình năm nay có nên đi dụ lịch Bồ Đào Nha hay miền Nam nước Pháp hay không? Tôi nói với vị đó: “Tại sao anh không đi hỏi một đại lý du lịch?” Theo tôi, như vậy là tầm bậy. Tại sao họ phải đem chuyện đó vào lĩnh vực tâm linh?

Tôi nghĩ tới những chuyện về thiếu nhi, về y tế, về giáo dục, những chuyện về latihan, những chuyện, chắc vậy, về mơ ước: với tôi đó là những chuyện có vẻ thích đáng để trắc nghiệm. Theo ý kiến riêng tư, cá nhân tôi, trong Subud chúng ta làm trắc nghiệm quá nhiều.

Chúng ta đã đánh mất cái thói quen tự giải quyết lấy những vấn đề của mình, bằng cách đem vào lĩnh vực tâm linh bằng trắc nghiệm. Tôi chỉ trắc nghiệm khi mình tới một ngã tư, một đường đi nhiều hướng, nơi mình không biết giải quyết ra sao [không biết chọn hướng đi nào].

Tôi nhắc cho các bạn nhớ lại chuyện con lừa của Balaam. Balaam là nhân vật trong Thánh Kinh lấy dây cột con lừa mình lại giữa hai đống cỏ khô ngon lành ngang nhau. Con lừa không biết giải quyết ra sao giữa hai đống đó, và hậu quả là nó chết vì đói. Theo tôi, dùng latihan trong trắc nghiệm sẽ tiêu hao rất nhiều khí ốc-tan mạnh, và trắc nghiệm nên được dùng một cách hết sức tiết kiệm.

Hỏi: Cháu chỉ tò mò muốn biết điều người ta nói là chúng ta đã lựa chọn cha mẹ mình. Cháu chỉ tò mò muốn biết sự hướng dẫn đó do đâu, những gì xảy ra trước khi chúng ta sinh ra.

Varindra: Điều tôi chỉ có thể nói là mình biết rất ít về chuyện đó. Nhưng dù sao tôi cũng phải nói vài điều. Tôi nghĩ điều có lợi nhất cho chúng ta là việc đó, đúng ra thì có lợi cho sự hiểu biết của chúng ta.

(Anh bạn trẻ đặt câu hỏi đó nói xen vào: Cháu nghĩ việc đó là may rủi. Mình lọt ra nơi chốn này. Mình có mặt nơi đây. Trời ơi, hay quá!)

Varindra: Tôi cũng thấy thật sung sướng như vậy. Tôi đã có những bố mẹ tuyệt vời nhất đời.

Điều Bapak nói với chúng ta là giây phút trọng đại nhất cho chúng ta là giây phút thụ thai, giây phút là tinh dịch lúc thụ thai, giây phút mình thụ thai trong bụng mẹ -không là ngày tháng mình sinh ra. Tâm trạng bố mẹ mình lúc mình thụ thai trong bụng mẹ là điều rất trọng đại. Tôi chắc chắn điều đó là sự thật.

Hiện nay khoa sinh vật học đã xác nhận điều đó. Có nghĩa là sau lúc thụ thai có tất cả những gì là sự sống. 80% những gì là mình được ấn định trong lúc đó. 80% những gì là của mình được ấn định trong lúc thụ thai trong bụng mẹ.

[ Không nghe rõ những gì anh bạn trẻ đặt câu hỏi trên muốn hỏi. Đại khái đó là chuyện 20% kia thì ra sao].

Varindra: Môi trường, giáo dục, giáo dục không đúng cách, những bạn bè đồi bại, trường học đồi bại, giáo viên đồi bại…

Đấy, chúng ta có thể làm gì được? Chẳng làm được bất cứ gì về tình trạng bố mẹ mình lúc đó. Những gì có thể là quan sát bản thân mình, lúc các bạn làm chuyện đó. Thế nên, Bapak luôn bảo chúng ta là đừng làm latihan trước lúc làm tình, chỉ việc yên tịnh.

Vậy nên, ta không chỉ làm tình vì được dịp -điều hầu như lúc nào cũng xảy ra. Hoặc mình trong một tình trạng bị kích thích, vì đã nhìn thấy điều gì đó, xem một phim hay điều gì như vậy. Mình hơi bị kích thích, hơi thấy ngứa -một cơn ngứa thần kinh. Đó là nafsu. Làm sao khiến cho những cái đó trở nên yên lặng trước khi làm tình [không nghe rõ].

Một đứa con trai tôi đã phải sống trong một tình trạng căng thẳng thần kinh, một cuộc sống thần kinh rất bị căng thẳng trong những năm tháng đầu tiên cuộc đời nó. Nó mang trong lòng một cơn thịnh nộ, một cơn thịnh nộ kinh khủng trong lòng. Tôi biết được tại sao lại vậy, bởi lúc bà xã tôi mang thai tình trạng vợ chồng tôi bị nát bét. Bả mang trong lòng cơn thịnh nộ đó.

Các bạn là những cha mẹ tương lai sẽ bước vào cái thế giới điên loạn này; điều có lợi cho các bạn là đừng quên những gì Bapak nói về điều đó. Đó không là những lời nói của một thầy tu, không là những lời nói rụt rè, những lời nói làm vừa lòng. Đó là cái thực tại.

Hỏi: Vậy, khi được khai mở điều đó cũng tương tự được sinh ra? Mẹ cháu nói khi được khai mở, bả đã được sinh ra. Cháu chỉ muốn biết đối với bác thì cũng y như vậy?

Varindra: Bạn sinh ra trong Subud? Tôi không biết bà mẹ bạn dùng những ngữ nghĩa gì khi bả nói mình được sinh ra sau khi được khai mở. Tuy thế, tôi cũng hiểu được đại khái bả muốn nói gì, bởi quả thực đó như là một dịp may thứ hai. Chắc bạn còn nhớ điều Chúa GiêXu đã nói: nếu không được tái sinh thì sẽ không thể vào thiên đàng. Mình được nâng cấp, một sự nâng cấp trong lòng. Bạn có lợi thế là sinh ra từ những cha mẹ đã vào Subud. Nhưng cái đó phải được nuôi dưỡng, cái đặc ân bạn nhận được lúc sinh ra phải được nuôi dưỡng.

Đôi khi tốt hơn là được khai mở sau khi đã học hành xong. Có lần tôi hỏi Bapak bởi hiện nay chúng ta dọn dẹp được nhà cửa trong lòng mình, tại sao Bapak lại không khai mở cho con cái tôi, khiến chúng không phải thu lượm những rác rưởi để rồi đem vung truyền?

Bapak đáp khai mở cho con gái tôi thì sẽ không sao. Nó là một đứa bé. Nó sẽ trực tiếp tiếp nhận được và tất cả những gì nó muốn làm là nói “Allah Akbar”. Thật tuyệt vời cho đời sống tâm linh nó nhưng hư hại cho đời sống này. Thiên hạ sẽ nghĩ nó bị say thuốc, nó gàn dở. Bởi sẽ không có gì trong lòng nó chống cự lại, không có gì rắn chắc.
 
     
 
  © 2016 Góc Nhỏ