Nghĩ gì về cái chết

 Minh Thần dịch

Nguyên tác: An Afterthought của Kodrat Mangunbdjaja

Tôi luôn tự hỏi về điều này từ lúc mình được cho hay trước về cái chết của mình: Như thế nào là chết đúng cách theo điều Thượng Đế muốn cho con người?

Mọi người sẽ phải chết, và mỗi người sẽ nghiệm thấy cái chết của chính mình. Tôi biết rằng khi ai đó đang chết, chúng ta không thể yêu cầu kẻ đó kể lại cho những người chung quanh việc mình cảm thấy như thế nào, hay những gì mình trải qua trong lúc nguy kịch đó. Những gì kẻ đó nghiệm thấy trong những giây phút cuối cùng của đời mình sẽ luôn là một bí mật đối với những người khác. Cái chết là một sự huyền bí mà những kẻ còn tại thế sẽ không bao giờ hiểu nổi.

Ngay cả Đức Ki Tô, người ta nói là ông đã chết đi rồi sống lại, cũng đã giữ cái bí mật đó cho chính mình, bởi sách Phúc Âm đã không thuật lại bất cứ gì về những gì ông đã trải qua trong lúc chết, hay trong lúc ông còn nằm trong nấm mồ.

Điều này là hoàn toàn thông thường và đích đáng đối với bản tính con người, nếu các tông đồ đã hỏi ông về chuyện đó, bởi cái chết cũng là một sự huyền bí đối với họ. Tính hiếu kì chắc chắn đã khiến họ phải tìm hiểu chuyện một người đã chính mình trải qua cái chết, như chuyện nhiều người hỏi các phi hành gia đáp xuống mặt trăng về những cảm tưởng và trải nghiệm của họ. Tuy nhiên, chúng ta không thể tìm thấy bất cứ gì thật hệ trọng được thuật lại trong 4 sách Phúc Âm. Các tông đồ đã không muốn hỏi Đức Ki Tô hay ông đã không muốn tiết lộ bất cứ gì về sự huyền bí đó? Chuyện đó cũng là điều kiêng kị đối với các tông đồ? Bởi thiếu thốn những gì được ghi chép lại, nên cái chết luôn là một sự huyền bí đối với hầu hết tất cả chúng ta. Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên là thiên hạ đã đề ra hết thuyết này tới thuyết nọ, thuyết này khó tin hơn thuyết kia, và không ai sẽ biết được sự thật, tuy cái chết là điều mọi người sẽ trải qua.

Truyện 7 người ngủ trong hang động (*) trong 3 thế kỉ được nhắc tới trong kinh Quran, nhưng trong đó cũng không có bất cứ gì rọi chiếu một chút ánh sáng về sự huyền bí đó. (Người ta thường coi truyện đó là thần thoại hay chỉ là huyền thoại). Trong truyện 7 nhân vật đó đã được quyền năng Thượng Đế làm cho tỉnh dậy sau 3 thế kỉ, và họ nói rằng mình cảm thấy như đã chỉ ngủ được vài tiếng đồng hồ. Theo Bapak, bài học của truyện đó là những nhân vật đó không biết và ý thức được họ đã chết, bởi tâm linh họ chưa thức tỉnh.

Có lần Bapak nói với tôi: ''Chúng ta phải sáng suốt chết, nhiều người chết không sáng suốt, thậm chí họ không ý thức được là đã chết.'' Tôi hiểu được do đó điều Bapak muốn nói là sự ý thức của tinh thần, chứ không của trí óc, bởi trí óc sẽ cùng chết với chúng ta. Trí óc không ý thức gì được khi chúng ta ngủ, bởi chúng ta không nhận thức được những gì xảy ra cho mình; điều này rất giống sự hôn mê và điều rất thường xảy ra là lúc mình chết. Dù trí óc còn ý thức được trong những giây phút cuối cùng của đời mình, nhưng trong lúc thực sự chết chúng ta sẽ mất đi cái khả năng đó, và không ý thức được là mình đã chết. Sự ý thức của tâm linh chỉ có thể hiện diện, sau khi tinh thần đã thức tỉnh, khiến cho khi trí óc không còn hoạt động nữa, và tinh thần sẽ thế vào đó.

Bapak cho hay khi trí óc ngưng hoạt động trong lúc chết, người chết sẽ không còn dụng cụ nào cho mình để nhớ lại những gì đã trải qua trong đời mình. Điều đó truyện '7 người năm ngủ' đã cho chúng ta thấy. Họ không thể nhớ lại bất cứ gì trong lúc chết, nhưng sau khi được hồi sinh, họ nhớ lại điều đã khiến họ phải tìm nơi ẩn náu trong hang động. Theo Bapak, với những người mà tâm linh đã thức tỉnh, nội cảm (rasa diri) sẽ thế vào chức năng của óc não, khiến họ có thể nhớ lại những gì xảy ra cho mình khi còn sống. Không ai biết được mình sẽ chết như thế nào, hoặc do bệnh tật, tại nạn, hay bất cứ cách nào khác. Cái bí mật đó chỉ Thượng Đế mới biết được. Cách chúng ta chết như thế nào là điều hệ trọng? Điều đó có ảnh hưởng gì tới tình trạng tâm linh mình sau khi mình chết? Khi trông thấy những thân thể nát bét và đầy máu me của những nạn nhận trong một vụ tai nạn lưu thông, chúng ta vô tình mong ước cho mình sẽ không phải chịu một số phận thê lương như vậy. Nếu có thể thì chúng ta ước muốn được chết già trên giường, một cách an bình và không đau đớn, chung quanh mình có những người thương yêu của mình. Một kẻ làm ác sẽ chết thê thảm, và chỉ những kẻ làm thiện sẽ chết yên bình. Cái thuyết đó hoàn toàn thiếu căn cứ, bởi chúng ta có thể thấy Thánh Gandhi, một người chưa từng làm hại đến cả một con ruồi trong đời mình, đã chết bất đắc kì tử...Đức Ki Tô cũng đã chết một cách thê thảm trên cây giá chữ thập, dù đã chưa làm hại bất cứ ai. Nhiều vị ngôn sứ trong Thánh Kinh đã bị người ta giết chết, tuy họ là những sứ giả của Thượng Đế, những người đạt được một tình trạng tâm linh cao quý nhất.

Tôi tình cờ đọc được một bài báo do cô con gái của Staline về những giây phút cuối cùng của đời ông. Bởi sự độc ác của ông, cái chết của ông trông thật khủng khiếp. Cô nói rằng chỉ những người làm thiện sẽ chết yên bình. Cái chết cũng là một sự huyền bí với ngay cả những người nắm giữ những địa vị cao nhất trong Giáo Hội, những người được coi là gần cận với Thượng Đế hơn bất cứ thường nhân nào. Tuy thế, khi đến lúc chết, họ cũng không khác với bất cứ phàm phu tục tử nào; tất cả hình như bị một bi kịch thâm sâu bao trùm, không thể diễn tả nổi. Tôi tình cờ đọc được điều này trong một bài báo về cái chết của Đức giáo hoàng John Paul XXIII: ''Một chiếc đèn giường hướng về phía tường chiếu một ánh sáng mờ nhạt vào giáo hoàng; ông nằm dựa lưng dưới một mặt nạ oxygen. Ông nặng nề thở khò khè, ngực ông hổn hển phồng lên để lấy dưỡng khi, rồi sụp xuống trong một giây phút im lặng, mỗi giây phút hình như là giây phút cuối cùng. Khuôn mặt dưới ánh đèn của ông trông xanh xao, có những vết tích của cơn sốt và sự đau đớn.''

Cái địa vị lãnh tụ Giáo Hội Công giáo của ông hình như đã không giúp gì được cho cách ông chết. Có lẽ tất cả những vị tiền nhiệm của ông đều chết y như vậy, không khác với bất cứ thường nhân nào.

Đức Ki Tô cũng đã chết một cách thê thảm. Nhưng cách ông chết không có hệ quả tồi tệ nào cho tình trạng tâm linh của ông. Sự phục sinh và thăng thiên của ông xảy ra sau đó là bằng chứng không chối cãi được về sự tinh khiết tâm linh của ông, cái tâm linh không bị vẩn đục chút nào bởi cách ông chết. Trường hợp Đức Ki Tô và những vị ngôn sứ bị sát hại khác khiến tôi hiểu được rằng có lẽ cách chúng ta chết không hệ trọng, dù do bệnh tật hay do một chuyện nào khác, bởi không liên quan gì tới tình trạng tâm linh mình. Điều hệ trọng nhất là sự hiện diện và hướng dẫn của Thượng Đế trong lúc sống và chết, bởi chỉ có Thượng Đế mới có thể dẫn dắt chúng ta tới nơi chốn cuối cùng của mình.

Nhiều năm trước đây sau khi có một chứng nghiệm bất thường trong latihan, nhà tôi hỏi Bapak về cách nên chết như thế nào. Bapak đáp:''Trong latihan con đang học được cách chết như thế nào. Mỗi lần con quy thuận Thượng Đế, đó là cách con nên chết. Chỉ việc quy thuận Thượng Đế. Nhiều người tập trung nghị lực và ý chí họ trong những giây phút cuối cùng đời họ, đó là cách họ chuẩn bị chết. Với chúng ta như thế thì không đúng, do đó chúng ta phải hoàn toàn quy thuận Thượng Đế.''

Sau khi chúng tôi đến Bandung sinh sống, một hôm nọ nhà tôi đi đến Jakarta vì vài chuyện gia đình, và nhân dịp đó bà tới thăm Ibu ở Cilandak. Hình như Ibu đã biết trước là bà sẽ đến, bởi ngay sau khi bà đến trước mặt Ibu, Ibu hỏi: ''Con đến một mình? Sri (một hội viên Bandung) đâu? Ibu đã kêu con cùng Sri tới đây, nhưng chỉ có con đến.'' Nhà tôi rất ngạc nhiên, bởi bà không nhận được bất cứ tin nào, truyền miệng hay viết tay, từ Ibu. Về phần mình, nhà tôi chẳng có lí do đặc biệt nào để tới thăm Ibu; bà chỉ muốn thăm hỏi Ibu vì lần cuối bà gặp Ibu là cách đây hơn một năm. Việc nhà tôi ước muốn tới thăm Ibu là sự đáp ứng trong tiềm thức với sự kêu gọi của Ibu từ một nơi xa xôi, điều xảy ra nhờ phương tiện tâm linh, chứ không vật chất? Nhà tôi đương nhiên đã nghĩ như vậy, bởi điều đó có thể thấy rõ ở thái độ của Ibu, một thái độ cho thấy Ibu đang luôn chờ đợi mình đến. Nhà tôi rất mong đợi những gì Ibu sẽ cho mình biết, bởi đương nhiên phải có lí do nào đó Ibu mới kêu gọi mình theo một cách huyền bí như vậy. Bà không phải chờ đợi dài lâu, bởi Ibu đột ngột bảo bà đứng tiếp nhận. Trong trạng thái đó, bà nghe thấy Ibu hỏi: ''Tình trạng con sẽ ra sao, nếu Thượng Đế kêu gọi con ngay trong lúc này?'' Đứng trước Ibu, nhà tôi gục xuống sàn nhà, và trong lúc nằm dựa lưng bà chắp tay đặt trên ngực thốt ra nhiều lần câu Allahu Akbar. Sau đó, Ibu nói với nhà tôi rằng cái chứng nghiệm đó cho thấy bà đã có thể quy thuận Thượng Đế ngay cả trong lúc chết. Với một phụ nữ nước ngoài cũng có mặt tại đó, Ibu làm một trắc nghiệm y như vậy. Khi nghe thấy một câu hỏi y như vậy, chị òa khóc một cách không thể kiềm chế. Ibu nói với chị rằng cái thái độ đó cho thấy chị vẫn chưa thể quy thuận Thượng Đế.

Nếu một người đang chết còn sáng suốt cho tới những giây phút cuối cùng, tôi tự hỏi những ý nghĩ gì là chủ yếu trong đầu óc người đó. Theo những gì tôi biết, trong những hội viên Subud đã chết, không ai đã dùng những giây phút cuối của mình để cầu nguyện. Có lẽ trong lúc khẩn trương đó chúng ta không còn làm chủ được ý chí mình, và những gì chủ yếu trong trí óc mình là những cái có ảnh hưởng lớn mạnh nhất đối với con người mình. Thế nên, nhớ thuộc lòng những câu kinh chắc sẽ không giúp gì được cho người đang chết trong lúc đặc biệt đó của đời mình, bởi trí óc không còn lệ thuộc ý chí nữa. Theo tôi nghĩ thì không có cách nào ảnh hưởng được tới tình trạng một người đang chết. Người Hồi giáo tin rằng đọc một chương đặc biệt của kinh Quran, sura Yasin, thì có thể giúp cho một người đang hấp hối. Theo những gì tôi có thể nhìn thấy với chính mắt mình, tôi nghĩ những việc làm đó hoàn toàn vô ích. Bà mẹ vợ tôi đã bất tỉnh khiến không thể nhận thức được những gì xảy ra chung quanh mình. Một người hàng xóm ngồi gần bà đọc chương đó cho sự ích lợi của bà. Tôi không thể trông thấy bất cứ gì làm thay đổi tình trạng bà do việc làm đó: diện mạo bà không cho thấy bất cứ phản ứng nào. Bà mẹ vợ tôi chưa từng học tiếng Ả Rập, và kinh Quran thì được viết theo cái ngôn ngữ đó. Như vậy thì làm sao có thể mong cho bà hiểu được những gì đọc cho bà nghe? Thế nhưng thiên hạ lại bám vào sự tin tưởng là đọc chương đó hay kinh Quran sẽ có một hiệu quả giúp ích cho người đang chết, tuy lí trí cho biết điều đó khó có thể xảy ra. Đó cũng là trường hợp của cái tập tục đọc thì thầm vào tai người chết những chỉ thị này nọ, vì người ta nghĩ rằng như vậy sẽ giúp cho linh hồn người chết thích đáng trả lời những câu hỏi đặt ra cho mình bởi thiên thần của sự chết. Người chết khó có thể nghe được bất cứ gì, ngay cả những câu thơ của các thánh thư. Theo tôi nghĩ, các tôn giáo khác cũng có những thói tục và việc làm y như vậy, những điều người ta nghĩ sẽ giúp ích cho người chết hay đang chết. Tuy nhiên, chuyện đó có công dụng gì không cho người chết thì không chắc chắn, bởi họ đã nằm ngoài tầm với tới của người sống. Có lẽ đó là những điều có lợi cho người sống, bởi các thân nhân thấy mình được an ủi phần ủi vì đã làm những gì cần phải làm để giúp người chết trong cuộc hành trình cuối cùng của họ.

Kinh Quran có câu: Người sống không thể coi như người chết. Quả thực, Allah khiến cho những ai nghe được theo ý muốn của Allah, nhưng ngươi không thể nghe được những kẻ trong nấm mồ (Al Malaikat:22). Câu thơ đó cho thấy rõ người chết nằm ngoài tầm với tới của người sống.

Có lần Bapak kể cho tôi một chuyện tiếp theo đây. Một nhân vật nọ cho con cái và những người thân nhất của mình hay là mình sắp chết trong một ngày nào đó, và anh mời họ tới nhà mình để gặp nhau lần cuối. Khi đến họ ngạc nhiên thấy anh đi đứng như thường lệ, không đau ốm hay nằm giường. Trông anh hoàn toàn mạnh khỏe, và không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy có điều gì đó không ổn thỏa nơi anh. Anh vui vẻ trò chuyện với họ, và hoàn toàn không có gì trong cách ứng xử và tình trạng thể chất của anh chứng tỏ anh sắp chết.

Trong cái ngày định mệnh đó anh ăn cơm chiều với họ rồi lui vào phòng mình. Không ai được phép đi theo anh. Khoảng giữa đêm, anh xuất hiện một lần nữa trước mặt các con cái để bảo họ đi ngủ, nhưng họ đáp là muốn thức. Anh thay quần đổi áo mặc đồ mới, và khi một người con anh hỏi tại sao lại làm vậy, anh đáp mình chỉ muốn mặc những quần áo sạch sẽ. Kế đến, anh vào phòng ngủ một lần nữa. Sau một tiếng đồng hồ, một người con bước vào phòng coi anh ra sao thì anh đã ra đi. Theo tôi nghĩ, một trạng thái ý thức như vậy chỉ có thể là kết quả một trình độ tâm linh cao. Nhân vật đó biết đích xác lúc mình ra đi khỏi cái thế gian này, y như Đức Ki Tô, theo những gì thuật lại trong Phúc Âm.

Bapak có lần nói với tôi: Nếu tiếp tục tập latihan và khi đến lúc phải ra đi, con sẽ biết được và có thì giờ từ biệt vợ con mình. Tôi mong cho những lời nói của Bapak sẽ là sự thật, khi tới lúc mình phải ra đi.

Trong chuyện Bapak kể có một sự việc bất thường: tôi nghĩ điều này khá kì quái là không người con nào được phép bên cạnh nhân vật sắp chết trong những giây phút cuối cùng đời ông. Thường thường trong những lúc đó người ta muốn có chung quanh mình tất cả các bà con: sự hiện diện của họ là nguồn trợ lực tinh thần cho mình. Tất nhiên nhân vật đó có những lí do chính đáng khi muốn được một mình trong lúc phó thác đời mình cho Thượng Đế. Có lẽ trong lúc đó ông không muốn bị ảnh hưởng bởi tình trạng lo nghĩ và xúc động của những người xung quanh mình, điều có thể tạo nên một hiệu quả ngược chiều cho tình trạng của ông. Tôi nghe nói lúc chữa trị căn bệnh cuối cùng của mình, Ibu không cho phép bất cứ ai trông thấy mình ngoại trừ Bapak. Có lẽ đó cũng là một lí do y như vậy.

Có lần Bapak nói với tôi: ''Nếu vợ con mình lo buồn, điều đó sẽ ảnh hưởng nhiều tới con, và con sẽ không bao giờ đi khỏi cái thế gian này. Nhiều người còn lưu lại cái thế gian này sau khi chết, bởi họ gắn bó với của cải, công việc, gia đình mình vv...'' Rất có thể nhân vật trong chuyện Bapak kể muốn tránh cái khả năng đó bằng cách chết một mình.

Một lần khác Bapak nói: ''Nếu trong những lúc cuối cùng con nghĩ tới vợ con, của cải, thú vui của mình, ngay cả chỉ trong một giây phút. Thậm chí, nếu chỉ trong một giây phút nghĩ tới cái Tôi, con cũng sẽ không thể đi khỏi cái thế gian này. Chúng ta phải tuyệt đối hoàn toàn quy thuận Thượng Đế.'' Nhưng chúng ta không thể muốn mà có được cái trình độ quy thuận cao siêu đó, bởi đó là kết quả của một quá trình tâm linh, sự thanh lọc và phát triển của tinh thần thành linh hồn chân thực của con người.

Bapak cũng nói: ''Nếu gắn bó với những cái không đáng kể đó, các bạn sẽ quên mất bản ngã mình. Khi sự gắn bó với gia đình và của cải mạnh hơn sự quy thuận Thượng Đế, thì trong lúc chết những gắn bó đó sẽ lôi kéo các bạn xuống dưới, bởi những tính chất chế ngự mình thuộc về cái thế gian này. Nếu các bạn nhượng bộ sự than vãn của tâm cảm và quyền lợi mình thay vì tin yêu Thượng Đế, điều đó sẽ khiến các bạn bị lưu giữ lại cái thế gian này. Nhưng nếu chân chính phó thác cho sự chết, chúng ta sẽ trở về với cái trình độ mà Thượng Đế muốn cho mình.''(Subud News India November 1965). Đức Ki Tô đã chứng tỏ được mình quy thuận hoàn toàn khi trong những lúc cuối cùng ông nói: ''Lạy Cha, con đặt tinh thần con vào tay Cha.'' Khi bị treo trên thập tự giá và phải chịu tình trạng bị ghét bỏ và những cơn đau khủng khiếp nhất, ông không chút nào nghĩ tới bản thân mình, mà chỉ quan tâm tới người khác. Ông không mong cho các kẻ thù mình bị ác nghiệp; trái lại, ông xin Thượng Đế tha thứ cho họ. Đó là bằng chứng không thể bác bỏ về cái linh hồn cao quý của ông.

Chúng ta không dễ gì quy thuận Thượng Đế trong cái tình trạng chưa được thanh lọc hiện nay của mình, và do đó cũng không dễ gì đi khỏi cái thế gian này trong lúc chết. Nếu sự quy thuận tùy thuộc nỗ lực mình, chúng ta không có chút hi vọng nào. Nhưng may cho mình là chúng ta sống trong cái thời kì này, lúc sự minh tuệ của Thượng Đế nhận biết được tình cảnh hiện nay của chúng ta, và Thượng Đế đã trợ giúp chúng ta qua latihan kedjiwaan của Subud. Sự quy thuận Thượng Đế không tự phát mà chỉ xảy ra qua ân huệ Thượng Đế hoạt động nơi chúng ta, khiến chúng ta hoàn toàn quy thuận trong lúc sống cũng như chết.

 
   

Một hôm nọ chúng tôi nhận được tin Ibu đã qua đời một vài ngày sau đám tang, nên chúng tôi đã không thể đi dự. Một vài tuần sau, nhà tôi đến Cilandak và được dịp nói chuyện với Bapak trong nhiều phút. Thật lạ lùng, nhà tôi đã không thấy cần phải chia buồn, như điều từng làm với những người khác. Vẻ mặt của Bapak không chút gì cho thấy là đã đau buồn, và người điềm nhiên nói chuyện, như Ibu vẫn còn đó. Sau này, nhà tôi nói chuyện với một bà bạn sinh sống ở Cilandak, và từ bà bạn này nhà tôi biết được là chẳng cần phải chia buồn, vì không ai đã đau buồn hay thương tiếc. Bởi đã nghe nói tới những chuyện li kì chung quanh những giây phút cuối cùng của Ibu, nên bà muốn nghe chính người bạn đó nói cho mình biết những gì đã thực sự xảy ra, bởi bà bạn đó đã có mặt và chứng kiến lúc Ibu qua đời. Nhưng hồi đó nhà tôi không gặp người phụ nữ đó. Một vài tuần sau khi đến thăm một hội viên đau ốm ở Bandung, nhà tôi tình cờ gặp bà H., bà chị của người hội viên đau ốm. Bà H. có mặt lúc Ibu qua đời và là người bên cạnh Ibu kể từ lúc Ibu đau ốm. Chính bà là người đã có một chứng nghiệm liên quan tới sự ra đi của Ibu khỏi cái thế gian này. Những gì nhà tôi hay biết được từ bà H., một nhân chứng trong những giây phút uy nghi đó, là điều vô cùng ấn tượng khiến hiểu rõ được. Tôi ngần ngại thuật lại mọi việc, những gì nhà tôi hay biết được từ bà H., bởi lo ngại mình thuật lại không chính xác, hay người ta hiểu lầm mình.

Với riêng tôi chuyện Ibu qua đời rất có ý nghĩa, bởi tôi đã chờ đợi nhiều năm để nghe người ta nói tới cái biến cố đó, một trường hợp về sự chết đúng cách. Sự qua đời của Ibu biểu hiện qua nhiều sự cố. Trước hết là sự linh thị của bà H. lúc Ibu mất. Bà H. thấy được tình trạng tâm linh đích thực và cao đẹp của Ibu, điều khác hẳn với cái phong thái thể chất và trần gian của Ibu. Kế đến là cuộc trò chuyện cuối cùng của Ibu với Bapak, việc Ibu từ biệt Bapak và việc Bapak hướng dẫn Ibu khi Ibu đi khỏi cái thế gian này. Không có gì là đau buồn, sầu muộn, vậy nên cũng không có gì phải sợ hãi những gì mình không thể hiểu biết, chỉ có sự thật này là sự hoàn toàn quy thuận ý Thượng Đế. Điều đó khiến tôi nhận thức được chỉ có ân tứ và tình thương của Thượng Đế mới có thể khiến chúng ta sống đúng cách và kết cuộc là chết đúng cách. Những tập tục và lề thói tôn giáo chẳng giúp được gì, như việc đọc những câu thơ của kinh Quran cho những người chết không hiểu tiếng Ả Rập. Điều quan trọng là sự hướng dẫn của Thượng Đế hiện diện trong lúc sống cũng như chết.

Trường hợp của Ibu khiến tôi hiểu được rõ hơn những gì Bapak muốn nói, khi người nói rằng chúng ta phải sáng suốt chết. Điều này chỉ có thể xảy ra, nếu linh hồn chúng ta đã thức tỉnh và phát triển tới cái khả năng tối đa của nó, nhờ quyền năng Thượng Đế mà chúng ta tiếp nhận qua latihan kedjiwaan, trong lúc mình còn trên thế gian này. Tuy tôi không thể mong mình sẽ qua đời như Ibu, nhưng mỗi người chúng ta có thể tiếp nhận tùy theo tình trạng riêng biệt và tâm linh của mình. Hiện nay chúng ta được ban cho sự tiếp nhận cách chết chính đáng qua latihan kedjiwaan Subud, bởi Subud đến cái thế gian này để giúp con người sống và chết theo ý Thượng Đế. Mong Thượng Đế sẽ ban cho chúng ta ân huệ và tình thương khiến chúng ta được quyền năng Ngài hướng dẫn qua sự sống và chết tới nơi chốn đích của chúng ta.

Về cái chết một ngày nào đó sẽ đến với mình, tôi chỉ có thể cầu xin như thiên sứ Muhammed: ''Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho những tội lỗi của chúng con, làm giảm bớt những hành vi tồi bại của chúng con, và cho chúng con được chết cái chết của kẻ ngay thẳng.'' (Al Imram:193)

____________

(*) Truyện 7 người nằm ngủ, Les Sept Dormants d'Ephese hay The Seven Sleepers of Ephesus đã xuất hiện từ thế kỉ 5 và 6 trong tác phẩm của những thầy tu Thiên Chúa giáo ở Âu Châu thuật lại sự tử đạo của những người được Giáo Hội đưa lên hàng thánh.

Truyện xảy ra giửa thế kỉ 3 dưới thời hoàng đế La Mã Dece trong đó Thiên Chúa giáo bị đàn áp. Không chịu bỏ đạo, 7 thanh niên Thiên Chúa giáo phân phát của cải cho người nghèo rồi chạy trốn vào một hang động trên núi Celion. Họ cảm thấy buồn ngủ, trong lúc binh lính của hoàng đế tìm thấy nơi ẩn trốn của họ và quyết định bít kín lối ra vào để vĩnh viễn nhốt họ. Họ chỉ thức dậy và được tìm thấy, khi chủ nhân của khu đất có hang động phá vỡ lối ra vào của hang động để làm nơi trú ẩn cho gia súc mình. Bảy người đã ngủ trong đó trông vẫn còn trẻ trung, và hình như chỉ đã ngủ qua một ngày. Một người trong họ trở về Ephese để kiếm thức ăn, và kinh ngạc nhận thấy những giáo đường lộng lẫy cùng với vẻ mặt ngạc nhiên của những kẻ bán hàng, khi anh đưa cho họ những đồng tiền có hình của hoàng đế Dece. Hay tin đó, vị giám mục của địa phận cùng với hoàng đế và hoàng hậu đến hang động để chứng kiến phép mầu. Sau khi kể cho giám mục nghe điều mình đã trải qua, 7 người đó liền nằm ngủ trở lại trong hang động là nơi an táng của họ. Theo những bản khác của truyện, họ đã sau đó đi khắp nơi rao truyền tin về phép mầu sự phục sinh của xác thịt, trước khi trở về hang động để vĩnh viễn nằm ngủ.

Truyện cũng được thuật lại trong Sura 18 của kinh Quran với tựa đề là Al-Kahf (hang động). Theo người Hồi giáo, cái Sura đó được khải thị cho thiên sứ Muhammed, khi những người Do Thái giáo ở Medina thách thức ông kể đúng lại những gì đã xảy ra trong hang động. Những nét chánh yếu trong truyện của kinh Quran tương đương với của những tác giả Thiên Chúa giáo. Nhưng một câu trong kinh Quran cho hay chỉ Thượng Đế biết được có bao nhiêu người nằm ngủ cùng với 'một số nhân vật khác' mà theo những nhà bình luận kinh là những người đã đạt tới một trình độ tâm linh thâm sâu (Hiểu theo những giảng giải của Bapak, đó là những người đạt được trình độ hakekat). Ngoài ra còn có sự hiện diện của một con chó tên là Qitmir mà truyền thống coi là một trong 3 con thú được lên thiên đàng. Kinh Quran còn chính xác cho biết những người trong hang động đã nằm ngủ được 309 năm âm lịch, tương đương với 300 năm dương lịch.

Trong Thiên Chúa giáo cũng như Hồi giáo, truyện 7 người nằm ngủ trong hang động biểu hiện tinh thần bất khuất không chối bỏ đạo của tín đồ dù bị đàn áp. Đức tin tuyệt đối ở Thượng Đế, và sự phó thác cho Thượng Đế của tín đồ làm động lòng thương của Thượng Đế khiến xảy ra phép mầu là sự phục sinh của xác thịt. Đặc biệt trong những thuyết thần bí của phái Sufi, truyện đó là biểu tượng sự trung thành của người yêu (Thượng Đế) đối với người được yêu (con người). Hang động là biểu tượng của sự cần thiết phải chối bỏ cái thế giới trần tục khiến chính mình bị chết để thực hiện sự hồi sinh của tâm linh. Giấc ngủ tượng trưng cho sự nằm ngủ của ngũ quan khiến bị chìm đắm trong thế giới vật chất để giác quan tâm linh thức tỉnh khiến ý thức được những chân lí tâm linh không thể nhận thấy trong tình trạng tỉnh ngủ.

Hiện nay hang động được cả người Thiên Chúa lẫn Hồi giáo coi là thánh địa, một nơi hành hương được nhiều người coi là nơi gặp gỡ giữa hai tôn giáo lớn đó. Theo một truyền thống của Thiên Chúa giáo, đó cũng là nơi an táng Đức Mẹ.

 
     
 
  © 2016 Góc Nhỏ