Nhịn ăn ...nhìn từ góc độ y khoa

 Diễm Phúc dịch
(Nguồn: Tạp chí Subud Voice - số 49, phát hành tháng 6 năm 2015)

   
 

 

 

 Emmanuel Elliott đã gửi cho chúng tôi bài báo này được đăng trên nhật báo Anh “The Times” (“Thời báo”) về việc nhịn ăn. Có lẽ việc chia xẻ thông tin này khi gần đến tháng Ramadan thật thú vị. Emmanuel viết...

Tôi đang chia xẻ tập tin đính kèm với mọi người có tên trong danh sách địa chỉ của tôi với hy vọng là quý vị cũng có thể xem xét việc chia xẻ thông tin này với nhiều người hơn nữa. Hàng triệu người trên khắp thế giới cần nghe thông điệp này, thông tin này sẽ cứu sống nhiều người. Nhưng họ sẽ không bao giờ nghe được tin này từ bác sĩ của họ.

Phụ đề của bài báo này là : “Liệu pháp đơn giản và không mất tiền này đã làm thay đổi cuộc đời tôi” và tác giả viết:

“Đây là những khám phá làm xôn xao dư luận. Nếu những khám phá đó là thuốc trị bệnh, nó sẽ là nền tảng cho những công ty tỷ đô-la và người ta sẽ không nói cho hàng triệu người lẽ ra được hưởng lợi từ loại thuốc này biết. Các bác sĩ không thể giới thiệu thuốc này cho người bệnh vì họ cần bằng chứng thử nghiệm trên người trên phạm vi rộng. Các công ty dược phẩm sẽ không tiến hành những thử nghiệm này vì không đủ tiền để thực hiện.”

Nhịn ăn đã giúp tôi cải thiện sức khỏe sau khi điều trị y khoa thất bại

Liệu pháp đơn giản và không mất tiền này đã làm thay đổi cuộc sống của tôi. Liệu pháp này có thể là phương thuốc chữa bách bệnh để làm thay đổi NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia của nước Anh) không? Bài báo này do tác giả Jenni Russell viết trên tờ ‘The Times’ (“Thời Báo” Anh) phát hành ngày 23 tháng 4 năm 2015.

Trong mười tháng cuối cùng của cuộc đời tôi, cuộc sống của tôi đã thay đổi. Tôi đã không viết sách, chuyển nhà, có con, tìm thấy một đức tin hay thay đổi công việc của mình. Thay vì vậy, tôi đã thay đổi từ một người có thể lực kiệt quệ mang căn bệnh nan y suốt đời không thể chữa khỏi, phải duy trì sự sống bằng bốn loại thuốc thì bây giờ trở thành một người năng động khỏe mạnh. Sự khác biệt đáng chú ý này do một liệu pháp đơn giản, không mất tiền và được NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh) giám sát mang lại: đó là nhịn ăn.

 “Tôi không còn gì để mất khi thử nhịn ăn...”

Tôi thử nhịn ăn vì tôi tuyệt vọng rồi. Đã hai mươi năm  từ lúc cơ thể tôi mắc phải chứng bệnh tự miễn dịch nghiêm trọng. Bệnh tình càng trở nên trầm trọng do áp dụng biện pháp hóa trị để điều trị ung thư cách đây năm năm. Tôi được cho biết tôi không thể nào sống sót được nếu không dùng thuốc ức chế miễn dịch; khi tôi cố gắng dùng loại thuốc này, ngay lập tức tôi phải nhập viện cấp cứu và được truyền dịch trong nhiều ngày.

Tôi không thể chịu đựng nổi các loại thuốc steroid, thuốc ức chế miễn dịch phổ biến nhất, vì nó có rất nhiều tác dụng phụ và tôi phải dùng loại thuốc này suốt đời. Bác sĩ tư vấn tận tâm và tận tụy của tôi đã thuyết phục NHS giúp tôi để tôi được cung cấp một loại thuốc tiêm tĩnh mạch trị giá  25 000 bảng Anh một năm do NHS chi trả.

Thậm chí với số tiền thuốc nhiều như vậy cũng không giúp tôi khỏe mạnh. Việc đó chỉ giúp tôi không phải nằm viện. Hơn nữa, loại thuốc này là chất gây ung thư và có những tác dụng phụ của nó. Mùa hè năm ngoái NHS không chi trả cho loại thuốc này nữa, và mặc dù bác sĩ tư vấn của tôi đã quyết tâm tranh đấu để có thêm nhưng cơ hội thành công rất thấp. Tôi cần một liệu pháp thay thế.

Kết quả thật đáng kinh ngạc...

Đó là lúc tôi tình cờ đọc được bài nghiên cứu của Đại học Nam California. Valter Longo, một nhà sinh học lão khoa hàng đầu, người đã nghiên cứu về ảnh hưởng của việc nhịn ăn trên chuột trong 20 năm, đã phát hiện ra rằng nếu chuột bị bỏ đói trong ba ngày, hệ thống miễn dịch của chúng bắt đầu phục hồi.

Khi bị bỏ đói, tủy xương buộc phải sinh ra các tế bào gốc, thay thế các đáp ứng miễn dịch bị lỗi bằng một đáp ứng miễn dịch bình thường. Nhịn ăn không liên tục trên sáu tháng giúp cải thiện tình trạng bệnh đều đặn. Như Longo cho biết, liệu pháp này có thể chứng minh hiệu quả rõ rệt đối với bất cứ ai mắc phải chứng bệnh tự miễn dịch hoặc có hệ thống miễn dịch bị suy giảm do lão hóa. Ông ấy cảnh báo rằng không có gì được chứng minh cho đến khi thử nghiệm trên người được thực hiện.

Tôi không có gì để mất khi thử liệu pháp này, ngoại trừ tính khí nóng nảy và trọng lượng cơ thể khá nhẹ của tôi. Tôi bắt đầu đợt nhịn ăn đầu tiên trong chuyến hành trình bằng thuyền trên vùng biển đầy bão tố. Việc nhịn ăn đã được thực hiện dễ dàng hơn rất nhiều bởi thực tế là dù sao đi nữa thì tôi đã mất cảm giác thèm ăn, và tôi không cần phải làm bất cứ điều gì ngoại trừ nằm dài trong khoang ngủ trên thuyền và đọc sách. Tuy nhiên thật nhàm chán vì không có gì để thèm khát ngoài nước nóng, nước lạnh, nước có ga, trà đen, trà xanh, trà bạc hà. Tôi đói cồn cào ruột gan, và đôi lúc chóng mặt, nhưng rồi cảm giác đó cũng qua đi. Tôi kéo dài đợt nhịn ăn này đến hai ngày rưỡi thì nghĩ rằng việc này sẽ chẳng mang lại kết quả gì. Vào ngày thứ tư, tôi thức dậy cảm thấy khỏe khoắn hơn, một cảm giác mà tôi không có được trong nhiều năm qua.

Kể từ đó tôi đã nhịn ăn thêm ba đợt nữa, lần gần đây nhất là nhịn ăn trong bốn ngày. Chuyện đó chẳng vui vẻ gì. Tôi không thể nhịn ăn trong khi đang làm việc hoặc nấu ăn cho người khác. Bạn cần phải được tự do không vướng bận việc gì để nằm xuống nghỉ mệt bất cứ khi nào cơ thể khó chịu của bạn lên tiếng báo động. Bạn cũng cần những thứ giúp bạn quên cơn đói khi bạn nhớ tới nó và ủ rũ mà không có một bữa ăn trước mặt như: sách truyện, phim ảnh, bạn bè, bằng hữu.

Tôi cắt hết mọi thứ thuốc và lần đầu tiên kể từ khi bị bệnh tôi không phải hạn chế sử dụng năng lượng và thời gian của mình. Tôi không thể biết việc này sẽ kéo dài hay không, nhưng tôi đã trở thành một người bình thản và có niềm tin mạnh mẽ vào liệu pháp nhịn ăn này. Gần đây theo lời một bác sĩ, nhịn ăn có thể là liệu pháp trị bách bệnh mà Tây y đã lãng quên.

Trong vài năm gần đây, các nhà nghiên cứu bệnh đái tháo đường đã nhận thấy căn bệnh này có thể được chữa trị bằng chế độ ăn kiêng mỗi ngày tiêu thụ 600 calo trong thời gian tám tuần lễ.  Nghiên cứu của chính Longo trước đó cho thấy nhịn ăn có hiệu quả ngang bằng với liệu pháp hóa trị trong điều trị bệnh ung thư. Kết hợp cả hai liệu pháp, nhịn ăn ngay trước và sau khi hóa trị làm tăng hiệu quả của hóa trị lên đến 40% đồng thời giảm thiểu các tác dụng phụ. Các tế bào ung thư không kháng cự được khi cùng lúc vừa bị đầu độc vừa bị bỏ đói. Trái lại, những tế bào bình thường được bảo vệ bởi vì nhịn ăn đóng hết những con đường đưa độc tố vào cơ thể. Bởi một phần năm số ca tử vong liên quan đến bệnh ung thư là do hậu quả của hóa trị, liệu pháp nhịn ăn này có thể là một bước đột phá lớn.

Đây là những khám phá gây xôn xao dư luận. Nếu những khám phá đó là thuốc trị bệnh, nó sẽ là nền tảng cho những công ty tỷ đô-la và người ta sẽ không nói cho hàng triệu người lẽ ra được hưởng lợi từ loại thuốc này biết. Các bác sĩ không thể giới thiệu những khám phá này cho bệnh nhân vì họ cần bằng chứng thử nghiệm trên người trên phạm vi rộng. Các công ty dược phẩm sẽ  không tiến hành những thử nghiệm này vì không có tiền để thực hiện; thật sự, nếu việc nhịn ăn mang lại kết quả điều trị tích cực, điều đó sẽ triệt tiêu một số thị trường mang lại lợi nhuận lớn nhất cho họ.

Việc này để cho NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh) quyết định. Đây là ưu tiên hàng đầu dành cho bộ trưởng Y tế mới, người có thể tài trợ cho một số thử nghiệm lớn. Hãy đi đến kết luận việc nhịn ăn có thật sự vừa giúp tiết kiệm chi phí điều trị vừa cứu sống bệnh nhân hay không.

 
 
  © 2015 Góc Nhỏ