Subud trên đường đến Áo

Minh Thần dịch
nguyên tác Đức ngữ Subudgeschichten của Mursalin Hubert Fiala

 
Mursalin và tác phẩm tại HNTG kỳ 12 ở Innbruck Áo quốc  
   

Tại Coombe Springs

Theo những gì tôi có thể còn nhờ lại được, tôi là một kẻ thích tìm hiểu tâm linh. Trong thời thơ ấu đó chỉ là những gì mình lờ mờ biết được, nhưng kể từ lúc 20 tuổi thì đó là một sự cố ý đi tìm. Lúc 27 tuổi tôi được khai mở, và đó là lúc 4 ngày sau khi tôi lần đầu nghe nói về Subud. John Bennett, một nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tại Coombe Springs, cho tôi miễn phải chờ đợi ba tháng, sau khi tôi khiến ông thông cảm mình, và cũng bởi vì ông cảm thấy sự sốt sắng và tình trạng khẩn cấp của tôi.

Ngay sau khi được khai mở ngày 16 tháng 9 năm 1959, tôi đi vào quán cà-phê, nơi nhiều hội viên Subud thoải mái ngồi cùng nhau, và nói với một vài người rằng lối tu tập Subud này chính là cái tôi luôn mong muốn, rằng 27 năm của đời mình chỉ là chờ đợi lúc này. Tôi hoàn toàn tin tưởng con đường tu tập này là đúng, và cho tới nay vẫn không hề nghi ngờ chút nào.

Cái sức mạnh mà tôi mãnh liệt cảm thấy có thực sự do Thượng Đế hay không, như các phụ tá nói, là điều hồi đó tôi không biết gì. Nhưng chỉ một vài năm sau, trong latihan tôi có một chứng nghiệm về Thượng Đế, và đó là điều khiến tôi không còn nghi ngờ gì được nữa.

Cái chứng nghiệm đó vô cùng giản dị tới nỗi khiến tôi ngạc nhiên về nó cũng như về sự giản dị của nó. Kể từ đó latihan đối với tôi là cách chân thực và tự nhiên thờ Thượng Đế.

Tôi được học bổng của cơ quan Bristisch Council để học về nghề điêu khắc tại Slade School of Fine Art tại University College ở London, và phải rời khỏi nước Anh sau niên khóa, và đó là tháng 6 năm 1959. Vậy tôi không thể dự hội nghị Subud thế giới lần đầu sắp tới tại London. Nhưng thay vì vậy tôi vui mừng vì sẽ quen biết nhóm Subud Wien và rất muốn tìm hiểu Subud ở Áo. Trước khi tôi được khai mở, chính ông John Bennett đã nói với tôi là sau một năm đã có một nhóm Subud ở Wien.

Trước khi về nước, tôi đến văn phòng quốc tế ở Coombe Spring để hỏi địa chỉ của nhóm Wien. Tại đó cô thư kí cho tôi hay: ''Ở Wien chưa có một nhóm nào. Cách đây một năm có một vài người đã có ý định, nhưng rồi họ đã chẳng làm gì hết.'' Bạn có thể hình dung được tôi đã thất vọng như thế nào! Tôi như một đứa bé mà cha mẹ nó nói: ''Hôm nay không có quà Giáng Sinh.''

Nhưng tôi đã vượt qua được cơn sốc của mình, và với sự cương quyết hung tợn của một kẻ đi săn thời tiền sử đã bị bộ lạc bỏ rơi, tôi nói: ''Vậy tôi sẽ lập nên một bộ lạc mới!'' (đúng ra là lập nên một nhóm). ''Oh, that would be fine!'' cô thư kí nói, và tôi liền nói tiếp: ’Tôi có nhiều bạn bè, và tối thiểu chắc chắn sẽ có 20 người muốn biết về Subud’ (điều này sau đó không được như vậy). Bị tôi hối thúc và hỏi thêm, cô thư kí cuối cùng cho tôi địa chỉ của một bà tên Ruth Gruson ở Planegg gần Muenchen, và tôi nghĩ chắc chẳng bao lâu mình biết được ở đó sẽ xảy ra điều gì liên quan tới Subud Áo. Như vậy thì từ Wien Planegg sẽ là nhóm Subud kế tiếp.

Nếu tôi đã không làm phiền cô thư kí với câu hỏi là thực sự không biết chút gì về Subud ở Áo hay sao, thì cô đã không kiếm cái địa chỉ đó, và Subud ở đây sẽ phát triển một cách khác, dù sao thì cũng không được nhanh chóng. Chỉ sau này tôi mới thấy được là các sự việc đã xảy ra qua những điều tình cờ và nhỏ nhặt có ảnh hưởng định đoạt như vậy.

Vậy tôi rời khỏi London và quyết định sẽ đến München.

Trở về nước với một nhiệm vụ

Tôi cảm thấy mình như một người đi tiên phong có nhiệm vụ đem Subud đến quê hương mình. Đối với điều đó thì tất cả những điều khác không đáng để ý tới. Tiền bạc không là vấn đề khiến tôi phải lo, vì ở Wien tôi có những đồng nghiệp chắc chắn sẽ cho mình làm việc chung; ngoài ra tôi còn để dành được chút tiền nhờ cái học bổng của mình.

Tôi muốn lập nên một nhóm trước hết là vì điều này có lợi cho sự phát triển tâm linh của chính mình, nếu được tập latihan nhóm. Có thể coi là sự ích kỉ tâm linh. Kế đến tôi lấy làm vui mừng có thể giúp cho Subud được truyền bá, vì những gì với mình là kì diệu, tôi cũng hết lòng muốn cho những người khác được như mình. Quan niệm của tôi tự động thay đổi, chẳng bao lâu cái động cơ thứ hai có trọng lượng hơn, và tôi chỉ cảm thấy là mình có trách nhiệm đem Subud đến Áo, hay tối thiểu giúp cho điều đó thực hiện.

Là một kẻ du hành vì Subud, tôi kiếm được địa chỉ ở Planegg. Bà Gruson là một bà lão khả ái, có học thức, và tôi được bà mời ở lại nhà bà ba ngày. Bà kể rất nhiều về Bapak, về ông Bennett và những nhân vật quan trọng khác trong Subud, và về vận mệnh của chính mình. Nhưng với tôi điều đáng chú ý là: bà cho tôi tên tuổi và địa chỉ của bốn người nam đã được khai mở. Ba ở Wien, một ở vùng Salzburg. Ngoài ra còn có tại thành phố Salzburg một nhóm gồm 30 hội viên, 15 nam và 15 nữ.

Tất cả những điều đó người ta đã không biết gì ở Coombe Springs, tuy một người Wien tháng 7 năm 1959 đã được khai mở tại Coombe Springs. Ta không thể trách người Anh, vì họ đã làm những gì có thể làm cho sự phát triển quốc tế của Subud. Kể từ khi Bapak đến thăm Coombe Springs trong năm 1957, Hội Subud bắt đầu bành trướng rất nhanh chóng khắp thế giới (trừ phi tại những nước cộng sản) và trong vòng ba năm có tại nhiều quốc gia những nhóm nho nhỏ mà nói chung thì cho tới nay vẫn còn tồn tại. Đa số những nhóm đó được lập nên bởi những người (như tôi) đã bắt đầu tập ở Anh rồi trở về quê hương, phần nhiều là đã tập ngay trong năm 1957. Điều đó đã xảy ra như làm theo một dự tính có sẵn không do con người.

Vậy Subud đã có ở Áo, và tôi không là hội viên duy nhất và sẽ không phải tập một mình, như mình ban đầu đã nghĩ. Điều đó tất nhiên khiến tôi vui mừng, và nhiệm vụ mình có vẻ sẽ dễ dàng hơn.

Trong ba ngày tôi tập latihan với nhóm Planegg và Muenchen, và đối với mình những điều nghiệm được thì thật kì thú: tôi cảm thấy cái cường độ tâm linh và không khí huynh đệ ở đó cũng y hệt như ở ba nhóm tại London là những nơi tôi ban đầu tập latihan.

Nhà thần bí thân thiện

Từ Muenchen tôi đến nông trại của kĩ sư Huf ở Salzburg, một trong bốn địa chỉ mà bà Ruth đã cho tôi. Nhóm trong thành phố Salzburg tôi không đến thăm, vì bà Ruth cho tôi hay tuy đã tiếp xúc với họ, nhưng họ không muốn liên hệ với người ngoài. Hầu hết đều là những kẻ theo một lối tu gọi là bí truyền, nghĩa là họ theo những giáo lí này nọ và tập luyện những điều như Yoga, thiền định, phép chữa bệnh bằng tâm linh, hay những thứ đại loại như vậy. Latihan của Subud là thứ họ tập thêm.

Ông Huf là một người nhỏ con, khoẻ mạnh, khoảng 35 tuổi, khuôn mặt rộng lớn, hiền hậu, thân thiện và dễ tính. Tôi tự giới thiệu mình là một hội viên Subud, và gửi lời chào của bà Gruson. Những lời nói đầu tiên của con người trông có vẻ không tâm linh chút nào đó là: ’Chắc cậu thấy rồi đấy, tôi là một nhà thần bí’. Tôi rất ngạc nhiên, và không đượp dịp nói về Subud, vì ông lập tức kể cho tôi nghe những linh thị của mình: ông trông thấy Thượng Đế trong hình thù của một thanh niên khoẻ mạnh, vô cùng cao lớn, tay áo cuốn lên. Cử động bàn tay mình như để tạo nên toàn bộ một địa phận (hay thế giới) ông nói: ’Ta là Đấng Toàn Năng. Nếu muốn ta sẽ tạo tác’. Với một cử động khác của bàn tay, ông khiến cho vạn vật biến mất và nói: ’Nếu muốn ta sẽ tàn phá.’

Tôi phải nghe một bài hát thiền định thâu thanh, êm dịu và dài lâu, lời hát như thế này: ’Ta là tình thương, ta là an bình, ta là tình thương, ta là an bình...’ Có những chỗ thay đổi đôi chút, nhưng ý nghĩa thì luôn là vậy. Điệu hát đó thuộc bài hát mà xưa kia trẻ con thường hát trong ngày lễ mừng người mẹ: ’Khi con lớn, má ơi, con sẽ làm mọi việc cho má vv...’

Bà mẹ của ông Huf cũng có mặt và kể rằng trước kia con mình là một kẻ thích hưởng lạc, nhưng bây giờ thì chỉ quan tâm tới những chuyện tâm linh. Cách bà nhìn người con trai mình thì thấy bà có vẻ tôn sùng đương sự như một nhà chân tu hay một vị thánh.

Khi tôi có thể đề cập tới Subud, nhà thần bí hiền lương đó cuối cùng nói: ’Chắc cậu đã thấy, Subud với tôi không là gì mới mẻ. Tôi đã lâu năm tu hành và mỗi ngày thiền định tám tiếng. Buổi tối tôi tập thêm một tiếng đồng hồ latihan, cùng với mẹ tôi.’

Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi biết ngay latihan của nhân vật này rất yếu, và chắc chắn mình sẽ không lôi kéo ông được để cùng làm người đi tiên phong. Ông không muốn thuộc một hiệp hội nào, và chỉ muốn đi theo con đường thần bí của mình. Nhưng đến thăm ông cũng không vô ích cho Subud Wien. Ông cho tôi địa chỉ của một bà đồng, lãnh tụ của một nhóm bí truyền mà theo ý kiến ông là một người ’tâm linh rất cao.’ Cụm từ ’tâm linh rất cao’ sau này tôi thường nghe những kẻ theo những lối tu bí truyền nói tới. Họ nói như vậy một cách rất ngây thơ, và có vẻ coi sự phát triển tâm linh như một cuộc tranh đua trong đó ta có thể định được ai là người tiến nhanh hơn hay khá hơn. Điều này đã từng thấy và hiện vẫn còn ở ngay cả những người Subud.

’Nếu cậu muốn lập một nhóm Subud’, ông Huf nói với tôi, ’thì hãy đến thăm bà Bannert. Bả chắc chắn sẽ muốn tìm hiểu, và rất có thể là cậu sẽ tập latihan trong những phòng ở của bà tại đường Webgasse. Ở đó có một phòng mà bả không dùng.’ Đó là đại khái những gì ông nói với tôi, và những điều đó quả thực cũng đã xảy ra. Chín tháng sau, nhóm Subud Wien thành lập lúc đó thuê nơi đó một căn phòng cho latihan.

Một nhóm, cái đó là gì vậy?

Trong khi lấy xe lửa về Wien, tôi vui mừng vì nhiệm vụ sắp tới của mình. Vấn đề Subud càng lúc càng trở nên li kì. Tôi cảm thấy có sự thúc giục lập nên một nhóm. Khi còn là một đứa trẻ 12 tuổi, tôi đã muốn lập nên một đại đoàn thể, nhưng rất tiếc hay nhờ ơn Trời, điều đó đã chẳng đi đến đâu. Sau chiến tranh khi các phong trào thanh niên bị Đức Quốc Xã cấm đoán được tái lập, tôi và em trai mình là những kẻ đã tham gia việc lập nên nhóm hướng đạo sinh tại xứ đạo mình, và hồi đó tôi là một hướng đạo sinh nhiệt thành. Tôi rất thích cái lí tưởng nhân đạo, tính quốc tế và không phân biệt tôn giáo của phong trào đó. Tôi vừa là một kẻ theo chủ nghĩa cá nhân, vừa là một người có tinh thần cộng đồng, và thấy như vậy là dung hoà được. Hồi xưa con người cũng sống theo những nhóm từ 20 đến 50 người liên hệ chặt chẽ với nhau, nhưng tự do của cá nhân cũng được dành cho một phạm vi rộng rãi. Điều này chúng ta biết được từ những dân tộc vẫn còn sống như tổ tiên chúng ta cách đây mấy ngàn năm.

Nhưng với tôi thì thực sự chỉ có một nhóm duy nhất: đó là toàn thể các hội viên Subud.

Nhà tu hành theo ngộ đạo pháp

Ở Wien tôi đi kiếm địa chỉ thứ hai là cái có điện thoại, gọi điện thoại cho một nhân vật tên là Weiss Varga để hẹn gặp nhau tại một quán cà phê. Người tôi gặp là một thanh niên có học thức, lịch thiệp và nhạy cảm. Sau khi tự giới thiệu, và cũng như trường hợp ông Huf, tôi đã không thể nói gì thêm về Subud, vì người đối thoại với tôi đã lập tức nói về cái thế giới tâm linh của mình, và đó là ngộ đạo pháp (gnosis). Anh nói rằng mình là một nhà tu hành theo ngộ đạo pháp, như cha mình, ông nội và ông cố mình trước đó. Tôi lại lấy làm ngạc nhiên. Vậy thì cái triết học và cũng là một thứ tôn giáo có cách đây 2000 năm đã không bị Thiên Chúa giáo hoàn toàn loại trừ ? Anh xác nhận với tôi là nó đã tồn tại được 2000 năm, nhưng chỉ với một số người không là bao. Tuy biết gnosis là một từ gốc Hy Lạp có nghĩa là kiến thức hay tri thức, nhưng tôi cũng không biết gì nhiều hơn, ngoại trừ theo quan điểm của Thiên Chúa giáo thì đó là dị giáo.

Khi anh giải thích là trong ngộ đạo pháp nhờ trí óc (hay đúng hơn lí trí) ta có thể nhận thức được Thượng Đế, và cái mức độ cao hơn hay cao nhất là sự trực tiếp chứng nghiệm được Thượng Đế, thì tôi liền đem Subud xen vào, và tìm cách thuyết phục anh là nhờ Subud anh có thể nhảy lên một mức độ cao hơn. Nhưng sự nhào lộn tâm linh đó đối với anh quá cực nhọc hay không thể tin được. Anh thoả mãn với ngộ đạo pháp, và hình như có ý lôi kéo tôi theo lối tu đó. Anh không thích tham gia một nhóm Subud, hay tập latihan nhóm, vì những phản ứng mãnh liệt của latihan khiến anh khó chịu. Khi anh được khai mở ở Muenchen, một nhân vật tên là Hubert Winkler (sau này là Ramsi) đã gây ra những gì thật ồn ào.

Tôi tâng bốc Weiss Varga và nói rằng những người có latihan yên lặng là một sự trợ giúp tâm linh cho những kẻ ồn ào như anh chàng Hubert Winkler. Anh trở nên bực bội và băn khoăn nói: ’Được rồi, được rồi, giúp cho người khác, với tôi không thành vấn đề, nhưng như anh đã biết, vấn đề là mình không có thì giờ cho mọi chuyện, mình không có thì giờ cho mọi chuyện!’ Câu nói đáng ngại ’mình không có thì giờ cho mọi chuyện’ đó cho tới nay tôi vẫn còn nghe thấy từng chữ trong tai mình, mỗi khi nghĩ đến chuyện đó, kể cả giọng điệu. Khi sau này tìm đọc nhiều hơn về thuyết ngộ đạo, tôi hiểu được rõ hơn cái phản ứng đó. Nó cho thấy sự khinh ghét của một kẻ thuộc giới quý tộc không coi chức năng giai cấp mình là làm gương mẫu cho xã hội, mà là muốn được độc quyền.

Khi chúng tôi chia tay nhau, anh nói: ’Vậy đó, có một nhóm Subud tôi không thấy hứng thú, nhưng tôi rất mong gặp anh lại, vì anh có một điều mà người ta rất hiếm thấy: anh là một người thấy có thể nói chuyện được với.’ (Có lẽ anh ta đã chưa từ bỏ ý định muốn lôi kéo tôi theo ngộ đạo pháp)

Tôi chỉ lịch sự trả lời để tránh né, và tự nghĩ: ’Thằng cha này mình có thể gạch bỏ khỏi danh sách. Hy vọng với hai người đàn ông còn lại thì sẽ được việc hơn.’

Lời khen của anh không khiến tôi thật vui mừng, vì tôi như một con ong chỉ đi kiếm những loại hoa đặc biệt, và hầu như không nhận thấy những loại khác. Nên tôi tiếp tục bay đi kiếm những thứ hoa mà mật có thể dùng cho tổ ong (cho một nhóm Subud).

 
 
  © 2015 Góc Nhỏ