Hồi ức của một hội viên Nam Dương
về Subud trong thập niên 50

Minh Thần dịch

(Tác giả bài này là Pak Mangoendjaja. Những hồi ức bằng tiếng Nam Dương của ông được dịch ra tiếng Anh và trích dẫn trong cuốn History of Subud của Harlinah Longcroft)

Tôi được Bapak khai mở tháng 10 năm 1947 tại Yogyakarta, trung bộ Java, thì lúc đó đó là thủ đô tạm thời của nước Cộng Hoà Indonesia, còn nhóm Subud thì chưa chính thức được tổ chức. Danh hiệu Subud chưa ai từng biết tới, và tôi chỉ nghe nói tới một vài năm sau đó. Những gì chúng tôi làm chỉ gọi là “latihan” mà tiếng Anh có nghĩa “tập luyện”. Không có những thể thức này nọ, thời kì đợi chờ và sự cho ghi tên tuổi vào sổ sách, hay bất cứ những hoạt động thường có nào của một tổ chức. Nhóm cũng không có bao nhiêu người, mỗi buổi họp không quá 15 người. Có lẽ như vậy thì tốt hơn, vì latihan được tập trong phòng khách của Bapak, không đủ rộng để chửa thêm nhiều người. Do tình hình chính trị giữa Cộng Hoà Indonesia và người Hà Lan, lệnh giới nghiêm được ban hành, chúng tôi đến sớm và tập xong trước giới nghiêm. Nhưng mỗi thứ bảy chúng tôi đến trước giới nghiêm và ở lại suốt đêm.

Điều ấn tượng nhất với tôi là cái latihan đầu tiên của mình được tập trong một không khí yên bình. Chúng tôi nghe Bapak nói chuyện, trong khi chờ đợi tới phiên mình. Những người có mặt không nói gì nhiều. Họ lặng lẽ hút thuốc và nhiều người có vẻ như đang ngủ; điều đó khiến tôi để ý và thấy không mấy thích đáng. Nhưng khi Bapak hỏi họ điều gì đó, họ lập tức trả lời; như vậy thì họ không hoàn toàn đang ngủ. Tôi khổng thể đầy đủ theo dõi sự nói chuyện của Bapak; người hầu như chỉ nói tiếng Java mà tôi không hiểu gì nhiều. Người ta có thể nghĩ rằng là một lãnh tụ tâm linh, người sẽ nói chuyện một cách trang trọng và tôn quý, nhưng thực ra người thường nói đùa, và ăn nói như mọi người. Nói chung, những buổi họp của chúng tôi thiếu những cuộc trò chuyện náo nhiệt, chúng tôi trầm lặng thay vì nói hết chuyện này tới chuyện nọ. Bapak nói rằng khi đi tập latihan, chúng ta nên để lại đằng sau mình những tư tưởng của mình, vì nó có thể ảnh hưởng tới latihan. Thậm chí, sự trò chuyện của những người đang đợi tới phiên tập, cũng có thể có một tác động không thuận lợi cho những người đang tập. Có lẽ vì vậy mà người ta ít trò chuyện mỗi khi họp.

 
   

Thỉnh thoảng Bapak bảo chúng tôi hãy “tiếp nhận” (một từ Bapak dùng cho trắc nghiệm) nhưng vì là mời kẻ mới nhập cuộc trong nhóm, nên tôi thường không cảm thấy gì, và cũng chẳng biết nói gì về tất cả những gì đang xảy ra. Sau này, tôi hiểu được là Bapak đang làm trắc nghiệm với chúng tôi, nhưng hồi đó thì tôi không nắm vững được ý nghĩa của điều đó…

Có lần Bapak hỏi: “Có ai trong các bạn đã từng trông thấy đại dương không có ranh giới (đại dương vô biên)?” Chỉ có một người hiện diện trả lời là có. Theo sự hiểu biết của tôi, điều Bapak muốn nói là một khu vực liên tục và vô biên, nơi con người phải đi qua khi rời bỏ thế gian này. (Năm 1952, một người Hà Lan tôi gặp trong lúc tập latihan, hồi đó tập tại tư gia của chúng tôi, kể lại cho tôi về cái chứng nghiệm của anh trong đó anh trông thấy đại dương đó trong latihan mình. Khi được hỏi trong suốt lúc đó anh có tỉnh táo hay không, anh cho biết so với sự tỉnh tảo lúc latihan, sự tỉnh táo lúc ban ngày thật nhỏ bé và hạn chế. Chẳng hạn, trong sự tỉnh táo ban ngày, chúng ta không thể nhận thức được bất cứ gì sau lưng mình, nhưng trong sự tỉnh táo kia thì không có sự cản trở nào đối với tất cả các phương hướng, anh nói).

Một hôm Bapak hỏi tôi: “Khi còn là một đứa bé, bạn đã bệnh tật nhiều. Bapak trông thấy có cái gì như một áp-xe nơi khoé mắt bên phải bạn. Cái đó là gì vậy?” Tôi cho biết là theo mẹ tôi nói thì tôi đã bệnh tật nhiều khi mới sinh ra, và đã có một áp-xe nơi khoé mắt bền phải. Vì trong thôn xã mình không có y sĩ, chính mẹ tôi đã mổ nó với một con dao dùng trong bếp. Tôi kinh ngạc là Bapak có thể trông thấy nó sau biết bao nhiêu năm, tuy bề ngoài không có bất cứ một vết sẹo nào có thể nhìn thấy.

Một buổi họp nọ Bapak không có mặt, và Pak Menggung, con rể Bapak, là người đứng đầu của nhóm. Ông giải thích nhờ latihan cảm xúc chúng ta sẽ trở nên nhạy cảm hơn, và đôi khi chúng ta cảm nhận được cảm xúc của những người khác. Ông cũng nói rằng những cảm xúc của mình có thể truyền đi từ người này tới người khác. Để thấy được bằng chứng, tôi tình nguyện làm trắc nghiệm. Ba lần ông tụng niệm những câu đầu của kinh Quran, và sau mỗi lần tụng niệm ông ngưng lại một lúc không lâu. Sau đó, ông yêu cầu tôi cho biết những gì cảm thấy. Điều kinh ngạc là tôi có thể cảm thấy sự khác biệt giữa mỗi lần, tuy đó là những câu kinh không khác nhau và được tụng niệm y như nhau. Lần thứ nhất tôi cảm thấy vui sướng và mỉm cười; lần thứ hai tôi cảm thấy rất buồn và muốn khóc; nhưng lần tụng niệm thứ ba tôi chẳng cảm thấy gì hết. Pak Menggung giải thích nó như vậy là đúng, và nguyên nhân khiến tôi chẳng cảm thấy gì hết là lần tụng niệm thứ ba đã được truyền đi từ trí óc ông, trong khi tôi tiếp nhận với cảm xúc mình. Điều này có thể ví với một máy thu thanh điều chỉnh theo một tần số khác. Trí óc chỉ có thể nhận được của trí óc, và cảm xúc chỉ có thể tương ứng với cảm xúc.

Trong một buổi họp nọ Bapak nói rằng nhờ latihan chúng ta sẽ có thể làm cho thân thể mình sống lại, vì trong cái tình trạng hiện nay của nó ta có thể nói là nó đã chết. Tất cả các bộ phận của thân thể từ đầu tới chân sẽ được làm cho sống trở lại, khiến chúng tiếp nhận được năng lực của Thượng Đế. Bapak bảo tôi tiếp nhận và nói: “Nếu mắt bạn đã có sự sống, thì làm sao nó lại không hành động được? Tôi nhắm mắt lại và trong một lúc, điều này khiến kinh ngạc, mắt tôi bắt đầu cử động lên trên và xuống dưới, bên phải và trái, trong hốc của nó. Lúc còn đi học, tôi đã biết mắt giữ đúng vị trí của nó nhờ những cơ thịt, và bây giờ thì nó tự ý cử động. Bapak giải thích khi đã có sự sống, mắt sẽ cử động mà không bị dục vọng kiềm chế. Sau này tôi thường có cái chứng nghiệm đó trong latihan mình. Bapak nói tiếp là ngay cả sự hô hấp mình cũng sẽ tự động xảy ra, nhưng tôi không hiểu điều đó có nghĩa gì. Sau khi được yêu cầu tiếp nhận, tôi nhận thấy nhịp độ và vận tốc sự thở ra và hít vào của không khí thay đổi mỗi lúc, lúc sau khác với lúc trước. Sau này, tôi nhận thấy những bộ phận hô hấp của mình tự động tập luyện trong latihan. Trong một latihan khác, tôi có cảm giác là tất cả những lông tóc trên thân thể mình đang dựng đứng và cử động từ phía này qua phía kia, như những thân lúa dưới trận gió. Cái cảm giác đó thực sự tới nỗi tôi biết là mình đang không tưởng tượng, và đó là điều trí óc mình không hiểu thấu được. Theo Bapak, sự hoạt động của cảm xúc hoàn toàn khác với của trí óc, và những gì tôi nghiệm được là có thật, tuy trí óc không giải thích được.

Càng tập latihan lâu, tôi càng thấy ấn tượng vì sự việc không gì có thể giấu kín được. Ngay cả những điều chỉ có thể giữ cho bản thân mình và chưa từng bàn luận với bất cứ ai cũng được phơi ra ánh sáng. Nhưng nhóm Subud có vẻ như tin cậy Bapak nhiều đến nỗi không ai đã chứng tỏ mình bực bội hay bối rối. Khi ai đó được hỏi điều gì đó có đúng hay không, người đó luôn nhận biết sự việc là vậy và đáp là đúng. Đương sự không tức giận vì những bí mật của mình bị tiết lộ. Chúng tôi hồn nhiên cười và trêu chọc nhau một chút, nhưng chúng tôi biết được mỗi người đều có những yếu kém và thiếu thốn của mình. Chúng tôi hiểu được rằng Bapak đã không giễu cợt mình, mà đã tìm cách giúp đỡ chúng tôi thấy được sự yếu đuối của mình. Chúng tôi ý thức được là trong phong trào tâm linh của mình, điều này sẽ chẳng được gì, nếu tự cho là không biết chút gì về những lỗi lầm của chính mình, và con đường tâm linh của chúng tôi sẽ đem tới nhiều khó khăn và chướng ngại mà chúng tôi phải vượt qua.

Một hôm nọ Bapak bảo một hội viên vẽ những hình về mỗi người chúng tôi trong nhóm. Khi nhìn những hình vẽ trên bảng, tôi thấy nó không giống chút nào những con người. Về mỗi người chúng tôi anh hội viên đó vẽ một lô những thứ như một căn nhà, một thân cây, một con dao .v.v…Bapak giải thích ý nghĩa những hình vẽ đó. Hình như mỗi hình vẽ đều tượng trưng cho tình trạng hiện có của mỗi người được vẽ, về vật chất và tâm linh; về bệnh tật, tài chánh, quan hệ với vợ người đó v.v…Chỉ hình vẽ đầu một con dê với một chuỗi hạt kỳ quặc quanh cổ, Bapak giải thích rằng cái sức mạnh chiếm ưu thế trong đầu đương sự vẫn còn là sức mạnh thú vật, chưa là sức mạnh con người. (Nhân vật được Bapak giải thích như vậy sau này nói, có vẻ như than vãn: “Tôi đã tập latihan hơn 10 năm, nhưng cái đầu mình vẫn còn là đầu một con thú!”

Trong khi đề cập tới một hình vẽ một con dao dùng trong bếp, Bapak giải thích cho một hội viên khác: “Dao dùng trong bếp là thứ đồ dùng người ta không quý như châu báu. Nó chỉ dùng để chặt củi. Người ta không đặt nó trên bàn ăn hay giữ nó trong phòng ngủ. Nơi chốn thích đáng của nó là nhà bếp, và không là chỗ nào khác hơn. Như vậy tức là tuy đã thành thân nhiều năm, nhưng giữa bạn và vợ mình không hề có một quan hệ tâm linh. Bạn không thể trách vợ mình, vì sự phát triển tâm linh của chính mình vẫn còn chưa xong. Nhờ sự phát triển của mình, bạn có thể đưa vợ mình lên một trình độ tâm linh cao hơn.”

Cho một người khác nữa Bapak giải thích: “Hình vẽ một con gà con tượng trưng cho quan hệ của bạn với vợ mình. Gà con dùng để làm gì? Chẳng được gì hết; nó không thể đẻ trứng, và thực tế thì cũng chẳng có gì có thể làm được, ngoài việc dùng nó là một con vật được cưng chiều. Trong tiếng Java, người vợ được gọi là ’garwa’, nguyên văn nghĩa là ’phân nửa linh hồn người đàn ông’. Điều đó chỉ có thể thực sự là vậy, nếu cả đôi bên đều đã đạt tới một trình độ tâm linh trong đó họ có linh hồn con người; nếu không thì sẽ không thể có sự kết hợp tâm linh. Có những dụng ngữ khác cho một người vợ trong tiếng Java là ’rencang wingking’ (tức là người giúp việc trong nhà) và ’sémah’ (tức là người bạn thân trong nhà). Theo quan điểm tâm linh, đối với nhiều người vợ họ chỉ là điều được ngụ ý trong những dụng ngữ đó.” (Nhân vật được Bapak đề cập tới nói rằng Bapak đã nhận xét đúng, và anh cảm thấy y như vậy đối với vợ mình. Anh đã cưới cách đây chưa đầy một năm một phụ nữ trẻ hơn mình, một kẻ có thể coi là con gái mình).

Khi tới phiên mình, tôi hồi hộp mong rằng sẽ không có bất cứ gì có thể khiến mình bối rối. Theo sự nhận xét của tôi, những hình vẽ trên bảng đen là một lô những thứ không liên hệ gì nhau. Có hình vẽ một ngọn núi với mặt trời mọc trên đỉnh núi; hai thân cây nhỏ bé, một đầu người còn phôi thai, thiếu tai, mắt và những bộ phận khác; một mặt trăng lưỡi liềm và một con gà trống. Bapak giải thích: “Ngọn núi có ý nghĩa tổ tiên bạn thuộc giới quý tộc của đất nước; rất có thể họ là hậu duệ của những vua chúa cách đây nhiều năm. Sự kiện đó được con gà trống xác định, một hình tượng cho biết bản chất bạn có một vài đức tính liên quan tới dòng dõi mình. Mặt trời mọc ngay trên đỉnh núi là hình tượng cho ánh sáng, và ánh sáng là hình tượng của thông tin và kiến thức. Điều này nghĩa là một ngày nào đó bạn sẽ được Thượng Đế soi sáng cho. Hai thân cây tượng trưng cho hai đứa con bạn (hồi đó chúng tôi chỉ có hai đứa con). Bạn thấy được nội dung tâm hồn chúng vẫn còn là sức mạnh thực vật, chúng chưa có linh hồn con người. Nhìn vào tình trạng tâm linh mình, bạn sẽ thấy điều đó không thể nào khác được. Linh hồn bạn chỉ trong trạng thái phôi thai, vì vẫn còn một cái đầu chưa hoàn toàn hình thành. Vẫn chưa có những bộ phận khác của thân thể bạn. Thế nên, bạn không thể sinh ra những đứa con tâm linh tiến bộ hơn và có linh hồn con người. Khi các con bạn sinh ra, tình trạng tâm linh bạn chưa được phát triển, và chúng sinh ra qua nafsu bạn. Hiện nay về mặt tâm linh bạn đang bắt đầu phát triển và còn trong trạng thái phôi thai. Mặt trăng là hình tượng của hạnh phúc, và hạnh phúc bạn là trong tâm can mình, và tâm can bạn là trong người vợ mình. Tức là bạn chỉ cảm thấy an bình khi vợ mình hiện diện. Nếu thiếu vắng vợ mình, bạn cảm thấy không yên. Nhưng ngay sau khi thấy vợ mình, bạn cảm thấy yên bình trở lại. Vị trí của mặt trăng phía trước cái đầu còn phôi thai cho thấy vợ bạn có ảnh hưởng rất lớn tới bạn. Điều này thì bạn không nhận thấy, chính vợ bạn mới là người làm cho gia đình bạn vào khuôn phép, chứ không là bạn.”

Sau khi tập latihan xong về nhà, tôi cho bà xã mình hay về những sự giải thích của Bapak và hỏi bà điều này có đúng không: việc bà ảnh hưởng tới tôi và luôn làm theo ý mình. Tôi hơi phật ý vì cho tới nay tôi vẫn tự coi mình mới là người chủ nhà.

Bà không chối cãi điều đó, mà chỉ mỉm cười và đáp rằng đó là bí mật của một phụ nữ.

 
 
  © 2014 Góc Nhỏ