Quyển hồi ký Subud

Margono Lê Văn Tấn
   ghi lại buổi trà đàm với sư huynh Hoàng Cung và sư huynh Mursalin

Xế trưa ngày 17.01.2014 một cuộc gặp gỡ đã hẹn từ tuần trước tại nhà sư huynh Hoàng Cung.

 
Hoàng Cung, Mursalin và Margono  

Tuần trước tôi đi tập Latihan, vừa vào đến cửa đã thấy anh Mursalin ngồi chờ. Anh điêu khắc gia, phụ tá Subud Áo, trên 80 tuổi này thường tới phòng tập trễ hơn tôi. Hôm đó anh tới sớm, mục đích muốn gặp tôi, vì anh biết tôi tới nhà hội là vào phòng tập ngay. Tôi không bao giờ ngồi phòng ngoài nói chuyện cà kê trước khi tập.

Nhà anh ở rất xa, gần biên giới Tiệp, đường đi cũng khá nguy hiểm nhất là về mùa đông nhiều tuyết. Anh cư ngụ trong khuôn viên một thánh đường, căn phòng nhỏ của nhà thờ nên không tốn kém nhiều. Về phương diện vật chất, anh hầu như không có nhu cầu gì cả. Tôi có thể tượng tượng được: một cái giường, một cái bàn để mấy thứ dụng cụ đục đẻo tượng của anh và một cái radio. Sư huynh Hoàng Cung đã đi thăm anh, cho tôi biết qua cuộc sống hết sức đạm bạc của anh.

Anh đến bắt tay và nói, Minh Thần có nói chuyện với anh về vụ dịch một phần quyển hồi ký anh viết về Con đường dẫn Subud tới Áo. Anh đã đưa cho Minh Thần vài tiêu đề nhờ Minh Thần đánh máy lại sắp bản thảo anh viết tay. Minh Thần gõ giùm, và sau đó dịch sang tiếng Việt, đã đưa lên trên diễn đàn Subud Việt cho những thành viên trên diễn đàn này đọc. Tôi nói ngay, tôi có đọc qua, tôi không ngờ là anh viết quá hay, văn phong rất hấp dẫn. Ngoại trừ những nhân vật thời kỳ đầu của Subud Áo tôi không biết là ai, những người về sau này tôi đều biết, nên càng thu hút tôi hơn. Anh than thở, anh không biết sử dụng máy vi tính, nên bản thảo viết bằng tay và nhờ vài người giúp gõ dùm để sau này đem đi in.

Minh Thần đã giúp anh được 6 tiêu đề. Anh phụ tá Lars hứa đánh máy một số khác và một chị Áo trẻ cũng hứa giúp phần còn lại. Đến nay, ngoại trừ phần của Minh Thần, chưa ai gõ giùm được chữ nào. Tôi lên tiếng ngay, tôi chịu thua không thể giúp anh chuyện này được. Tôi không có thì giờ, cho dù có thì giờ, công việc này tôi cũng không làm nổi. Ngán ngược, nhất là phải gõ bằng 2 ngón tay như tôi, chưa kể là không biết chữ viết của anh tôi có đọc nổi hay không. Người Áo họ có lối viết chữ rất xấu, khác hẳn người Việt mình. Trong gia đình tôi, tôi và vợ tôi viết chữ đẹp hay ít ra là rất dễ nhìn, dễ đọc, còn 2 con tôi, tụi nó học theo lối viết của người Áo, nên nhìn muốn khóc luôn. Hai đứa con thì lại nói ngược lại.  

Anh nghèo quá, nên số tiền bỏ ra nhờ người ta đánh máy chắc là anh không thể làm, rồi sau này phải xuất ra một số tiền lớn để đem đi in và chưa chắc đã thu lại được bao nhiêu. Cuốn sách anh viết rất hay, nhưng chỉ hay với người Subud. Thị trường sách tiếng Đức giới hạn ở 3 nước: Áo, Đức và Thụy sĩ, lại còn rút nhỏ lại trong phạm vi Subud nữa thì bán được bao nhiêu?

 
   

Ngày hôm sau, tôi nói chuyện với sư huynh Hoàng Cung, hỏi xin anh, có cái máy vi tính nào chê mà chưa bỏ để cho anh, để anh tự mình gõ lấy tập bản thảo. Tôi chỉ nhìn có một đoạn ngắn trước mặt, không thấy sự phức tạp của vấn đề. Anh Mursalin là người sống ở thế kỷ này, nhưng là người đầu thai để ở thế kỷ trước. Anh không biết gì về computer, về internet. Anh Hoàng Cung nói ngay, anh tìm cho anh Mursalin một cái laptop không khó, nhưng cái khó là anh này có chịu sử dụng hay không. Anh đã có kinh nghiệm với người anh họ, một luật sư, không biết và cũng không muốn sử dụng máy vi tính. Tất cả mọi chuyện chị vợ phải làm cho chồng. Không cách nào nói để anh thay đổi được.

Anh Hoàng Cung gọi điện thoại cho anh Mursalin cho biết anh có một laptop cũ không dùng nữa, thâu sẳn chương trình Word và vài thứ cần thiết tặng anh, cũng như sẽ chỉ anh cách sử dụng và lúc nào anh Mursalin cần gì anh cũng rất hân hoan để giúp đở. Đúng như anh Hoàng Cung đã đoán trước, anh đụng phải bức Vạn lý trường thành, không cách gì vượt qua được. Bất cứ anh nói gì anh Mursalin cũng trả lời có một chữ không. Anh gọi cho tôi, nói đã hẹn anh Mursalin tới nhà chơi vào thứ sáu 17.01. anh bảo tôi đến nhà anh luôn. Hai anh em xúm vào thuyết phục anh chàng phụ tá cứng cổ này xem sao.

Thế nên mới có buổi họp mặt bỏ túi này. Nhăm nhi cà phê, trà, ăn bánh và hai anh em bắt đầu tìm cách phá đổ bức tường thành không chịu đụng tới máy computer của anh chàng đưa Subud vào nước Áo này.

 

 
Hoàng Cung đang chỉ cách sử dụng và cách gõ chữ trên word cho Mursalin  

"Tao viết bằng tay nhanh 6 lần hơn đánh máy. Tao đã học 6 tháng cách sử dụng ở nhà Hamid (một phụ tá Áo) và vẫn không thể sử dụng được. Tao vẫn chưa biết mẫu tự nào ở đâu trên bàn phím, tìm ngất ngư. Tao chỉ có 1 quyển sách này nên không cần học thứ quái này làm chi..v.v…"

Tôi không thể nhẫn nại được với một người chỉ lắc đầu, không có một sự cố gắng nào để chứng tỏ là sự việc quá khó, dù tận lực cũng không thể làm được.

Anh Hoàng Cung kinh nghiệm đời hơn, tính tình anh ôn hòa, nhẫn nại hơn. Anh nêu đủ thứ tiện lợi khi mình tự đánh máy lấy, sự tiện lợi của cái laptop. Viết, xóa, thay đổi vị trí chữ câu. Chính anh Mursalin cũng cho biết vài chỗ anh phải bỏ, dập, xóa, viết chồng lên nhau, sợ người khác đánh máy dùm đọc không ra, anh phải viết lại.

Anh Hoàng Cung còn thu sẳn hình ảnh nhóm Việt, Áo vào laptop, những hình ảnh mà anh Mursalin chưa từng được thấy. Anh Mursalin xem rất thích, những tưởng với đủ mọi thứ có thể làm cho anh rung động mà chịu xách cái máy về và mò mẫm ở nhà.

Nước Áo cũng có một câu tương tự như của chúng ta: Vạn sự khởi đầu nan. Không có sự khởi đầu thì làm gì có nan đề được nữa. Anh chỉ thao thao bất tuyệt về quyển sách, say sưa kể về nội dung, về dự tính tương lai của quyển sách. Anh có vẻ lạc quan tin tưởng thị trường sách hay anh không nắm vững vấn đề? Thời bây giờ là thời của internet, thời của Ipad. Trên xe lửa, xe điện, ngồi chờ khám bệnh, ở công viên... mấy quyển sách trên tay đã lần lần biến mất, chỉ còn lại cái Ipad hay các máy tương tự vừa mỏng, nhỏ gọn, chứa không phải 1 quyển sách mà cả ngàn quyển.

Buổi tặng laptop và chỉ cách sử dụng bất thành, 3 anh em chỉ còn ngồi ăn bánh uống nước và nói chuyện quẩn quanh về Subud.

Trước khi anh và tôi từ giã anh Hoàng Cung ra về tới nhà hội tập Latihan, anh nói với chúng tôi, để coi sự việc diễn tiến ra sao (nhờ người đánh máy dùm), lúc đó anh mới quyết định là có lấy cái laptop hay không.

Chính anh còn tự thú, anh rất cứng đầu, anh chỉ làm theo xúc cảm của mình thôi, khi anh nói không là không ai có thể lung lạc quyết định của anh được nữa.  

Thú thật, tôi không thể tưởng tượng nổi vào thời bây giờ mà có người được tặng cho 1 cái laptop ngon lành, được người cho chịu ngồi kiên nhẫn chỉ cách sử dụng, có trở ngại gì cứ gọi, có gì cần cứ ghé qua nhà vừa cà phê, cà pháo vừa được giúp cho, mà vẫn cứ một mực lắc đầu.

Tôi xin cúi đầu bái phục đại sư huynh Hoàng Cung.

Để coi quyển hồi ký này bao giờ được xuất bản và từ đây đến đó anh có chịu thay đổi để hội nhập vào thời đại của vi tính và internet hay không. Hy vọng mọi chuyện được hoàn toàn tốt đẹp về quyển sách hồi ký của một người tiên phong của Subud Áo.

 
 
  © 2014 Góc Nhỏ