Nhớ lại đôi điều về Bapak

Arthur Abdullah Pope viết
    Minh Thần
dịch
     (trích trong Subud Voice số August 2002)

Một số những chuyện của tôi đã có trong cuốn History of Subud tập hai của Harlinah Longcroft, nhưng chuyện sau đây thì tôi chưa kể cho chị. Đây là một trong những chuyện Bapak kể lại cho một vài người tụ tập quanh mình, và những gì đã nói thì không được ghi lại.

Mùa hè năm 1957 trong những ngày tháng đầu tiên của Subud ở Anh, nhiều người chúng tôi sau khi ăn uống xong thường đến ngồi nơi sàn nhà trong phòng khách của Bapak tại cánh tây của Coombe Springs. Trong dịp này anh Christopher Baynes hỏi: “Bapak, tại sao đạo Hindu và đạo Phật coi trọng luân hồi, nhưng Thiên Chúa giáo và Hồi giáo thì không đề cập gì đến?”

Bapak đáp đây là một câu hỏi nghiêm trọng, và bây giờ chưa là lúc để trả lời. Nhưng ông John Bennett lên tiếng: “Bapak, nếu là một câu hỏi nghiêm trọng, thì chúng tôi cần phải biết được giải đáp.”

“Thôi được” Bapak nói. “Bapak sẽ cho các bạn biết. Khi đạo Hindu và đạo Phật là những tôn giáo chánh yếu, luân hồi là chuẩn mực. Nhưng với sự xuất hiện của Đức Ki Tô, thế giới có một xung lực mới, và ta có thể thoát khỏi bánh xe của sự đầu thai trong một đời người. Thế nên, trọng tâm đã thay đổi từ luân hồi tới khái niệm về thiên đàng và kiếp sau.”

Bapak nói tiếp: “Nếu tiếp tục siêng năng tập latihan cho tới lúc mình chết, các bạn sẽ có khả năng thoát khỏi bánh xe của sự đầu thai trong một đời người. Chỉ nhờ một câu nói đơn giản đó của Bapak mà tôi hiểu rõ được toàn bộ lịch sử mới đây của nhân loại, và tôi luôn mang ơn Bapak vì sự giải thích tuyệt diệu đó.

Những nền văn minh lớn bị tiêu diệt

Một dịp khác, lúc đó là trong năm 1964 tại tư gia của vợ chồng Von Bising tại Blonay ở Thuỵ Sĩ, Bapak đang coi truyền hình, cái này thì ở Nam Dương không có, với một vài hội viên Subud.

Bapak liền nói về lịch sử trước đây của nhân loại. Người nói rằng trước đây đã có nhiều nền văn minh lớn, nhưng người ta đã coi thường tâm linh vì sự ám ảnh của vật chất, nên Thượng Đế đã tiêu diệt tất cả bằng cách “thay đổi đài”. Khi nói điều đó, người cử động bàn tay như muốn đổi đài trên truyền hình.

Người nói rằng những kẻ sống sót của những tai hoạ đó đã phải đi lại từ đầu một lần nữa, vì tất cả những kí ức trước kia của họ đã bị xoá bỏ khỏi trí óc, và tất cả những gì họ có chỉ là cái khả năng sinh sản và tìm kiếm thức ăn. Như vậy, nền văn minh hiện nay đã phải một lần nữa bắt đầu lại tất cả.

Bapak tiếp tục nói rằng điều đó có thể xảy ra một lần nữa, nếu nhân loại không đáp ứng cái cơ hội cho mình do sự xuất hiện của Subud. Sau 100 năm hay khoảng đó, nếu chẳng có gì thay đổi, Thượng Đế có thể thấy cần phải “đổi đài”, và đây là cơ hội cuối cùng cho nhân loại.

Lúc đảo chánh

 
1966 - Bapak  
   

Salamah và tôi rất may mắn, vì đã có thể sống gần Bapak trong nhiều năm ở Cilandak. Cái thời gian bi thảm nhất có lẽ là lúc sắp có cuộc đảo chánh năm 1965.

Một hay hai tháng trước vụ đó, buổi tối Bapak ngồi bên ngoài phòng tập latihan cũ, chung quanh mình có một số dân địa phương và những người khách đến thăm, để bàn luận về tình hình thế giới và tình hình ở Nam Dương. Hồi đó Nam Dương là một quốc gia có một đảng cộng sản đông đảo đứng hàng thứ ba trên thế giới, còn tổng thống Sukarno thì khích cộng sản chống lại quân đội và những đảng phái Hồi giáo, trong một thế cân bằng bấp bênh.

Một đêm nọ khu vực của Subud bị một đám người vũ trang xâm nhập, và anh Mark (Erling) Week bị cướp mất một số tiền thật lớn và nhiều của cải.

Sau vụ đó một bức tường được cấp tốc xây cất chung quanh khu vực, và những hội viên Subud thuộc không quân mang vũ khí canh gác trên mái nhà của căn nhà tiếp khách và căn nhà của Bapak.

Một viên đại tá của quân đội cũng phái tới một trung đội binh lính để canh gác nơi ra vào chánh yếu. Một đêm nọ một chiếc xe vận tải chứa đầy những kẻ vũ trang chạy tới gần nơi ra vào để tìm cách xâm nhập vào trong. Họ gặp sự chống đối của viên trung uý có nhiệm vụ canh gác, và phải tránh đi chỗ khác.

Điều may mắn là viên trung uý đã sáng suốt nghi ngờ những kẻ vũ trang sẽ tìm cách đột nhập tại phía sau của khu vực, nên anh đến đứng canh gác tại cổng căn nhà tiếp khách (hồi đó cao hai tầng).

Tất nhiên là vậy, một vài phút sau nhiều đầu người xuất hiện nơi bên trên bức tường đằng sau, bức tường hồi đó xây cất gần phía sau căn nhà tiếp khách. Anh bắn một loạt phát súng tiểu liên trên đầu những kẻ đó, và họ vội vã chuồn mất. Anh đến đó một lần nữa để nhìn qua bên kia tường, và trông thấy khoảng 30 người đang chạy trốn. Lúc đó Salamah và tôi ngủ trong căn phòng gần bên cạnh cổng căn nhà tiếp khách, và các bạn có thể đoán được chúng tôi đã phải đột ngột thức dậy như thế nào.

Sau vụ đó Bapak và một nhóm người phái nam ngồi bên ngoài phòng tập latihan để thức cho tới sáng sớm, và không khí thì thường rất nặng nề. Hồi đó ông Prio Hartono nói với chúng tôi rằng Bapak đã cho ông hay có thể sẽ có hoặc một cuộc chiến nguyên tử giữa Nga và Mỹ, hoặc một cuộc nội chiến ở Nam Dương.

Một buổi tối nọ, anh Mark Week và tôi đến ngồi với Pak Usman nơi cổng nhà của ông, thì Bapak bước vào. Trong khi Usman đi pha một ly cà phê cho Bapak, thì Bapak nói với tôi bằng tiếng Nam Dương: “Hãy nói với Erling (Mark) là anh ấy phải đi Tân Tây Lan hay California để chuẩn bị cho Bapak và 40 gia đình Nam Dương đến đó, nếu sự việc trở nên quá khó khăn ở Nam Dương.”

Kết quả là Mark mua một nông trại 1000 mẫu trên một hòn đảo gần Auckland, Tân Tây Lan, tuy khi mua rồi, cuộc cách mạng của cộng sản đã thất bại ở Nam Dương, và những người xin tỵ nạn thì không bao giờ phải ra đi.

Trong thời kì đó, khi ngồi bên ngoài phòng tập latihan cũ để jaga malam (canh gác ban đêm) Bapak có một khẩu súng lục trên chiếc bàn trước mặt mình, và nói với chúng tôi rằng tuy không được dùng vũ khí để công kích, nhưng điều này là chánh đáng, nếu dùng vũ khí để tự vệ.

Bapak dự tính tổ chức một Asuhan đặc biệt, hay một xêmina để huấn luyện phụ tá tại Wisma Subud giữa tháng 7 năm 1965, nhưng điều đó đã bị Bộ Ngoại Giao cấm cản, một cơ quan bị cộng sản chi phối. Nên Bapak bảo tất cả những khách ngoại quốc trong Subud rời khỏi Nam Dương trong ngày đó.

Như chúng ta đã biết, cuộc đảo chánh xảy ra ngày 30 tháng 9 năm 1965, khi nhiều tướng lãnh cao cấp bị bắt cóc, tra tấn và sát hại. Điều may mắn là một tướng lãnh, tướng Suharto, lúc đó không có mặt ở nhà, nên trốn thoát được, và có thể tụ tập một vài lực lượng của quân đội để bắt giữ những kẻ chủ mưu, rồi dần dần làm chủ được tình hình.

Sau này người ta nhận thấy Bapak và toàn bộ gia đình mình có tên trong danh sách gồm những người sẽ bị cộng sản xử tử. Nên bây giờ khi đến Cilandak, chúng tôi phải cảm tạ Thượng Đế là đã cho Bapak và gia đình tránh được cái kiếp nạn đó trong năm 1965.

 
 
  © 2014 Góc Nhỏ