Varindra nói chuyện tại Anugraha 25.09.87
sau sự tạ thế của Bapak

Minh Thần
    dịch 12.2013 - (Trích trong Subud Voice số 8 November 1987)

Tôi không có ý muốn tỏ vẻ tự phụ, hay biết bất cứ gì về việc Subud sẽ ra sao. Tôi chỉ có thể nói theo cá nhân mình, và do sự đào tạo của mình, tôi nhìn thế giới với tư cách một nhà báo.

Tuần vừa rồi tôi đi đến kết luận là mình phải suy xét lại những sự ưu tiên cho phần còn lại của đời mình. Trước hết là chăm sóc bà vợ đang đau ốm nặng của mình. Bởi lẽ đó tôi đã xa cách các bạn trong 3 năm qua.

Còn một năm nữa là tới Hội Nghị Thế Giới kế tiếp - cái hội nghị đầu tiên thiếu sự hiện diện bằng xương thịt của Bapak. Tuần vừa rồi tôi xin thôi làm việc ở UNO - tuy ở đó còn nhiều việc phải làm. Tôi đã dự tính đi Florence, nhưng bây giờ thì chưa. Tôi phải xin lỗi là không có mặt bên cạnh các bạn được nữa trong một năm qua hay khoảng đó.

 

 
Varindra - 1977 tại Hội nghị Quốc gia Subud Đức  
   

Tôi được tin Bapak qua đời trong một chuyến đi qua những quốc gia Đông Âu, Thổ Nhĩ Kì và Thuỵ Sĩ. Tôi thấy điều này là lí thú: tuy có sự buồn bã thường tình cần phải có, nhưng có một điều rất đáng chú ý cũng đã xảy ra -không ai đã hoang mang. Chúng ta đã học được cách đừng để cho bàn tay Bapak dẫn mình đi mà phải tự mình đi đứng.

Bapak đã mong ước như vậy trong nhiều năm. Trong 15 năm qua căn bệnh tim của Bapak đã khiến mình bắt đầu phải lánh mặt, và Bapak càng trở nên xa cách. Chúng ta tuân theo chỉ thị của Bapak là chỉ đến tìm Bapak khi có vấn đề.

Trong thập niên 60 tại Cilandak, Bapak thường đi xuống từ nhà mình để săn sóc chúng ta hầu như mỗi đêm, nhưng kể từ đó thì không được như vậy nữa. Bapak mong cho chúng ta có thể tự đi đứng được, và tôi biết Bapak còn hiện diện vì người biết rằng chúng ta chưa thể được vậy.

Tôi còn nhớ mình đã lái xe chở Bapak đi khắp New Delhi và hỏi: “Bapak muốn đi đâu?”

- “Bapak muốn đi nơi khác!”

- “Nơi khác là chỗ nào?”

- “Nơi nào đó có cây cỏ”

Nên tôi đem Bapak tới Hội Đánh Gôn, và chúng tôi ngồi dưới một cây soài. Nhưng Bapak đang đứng, và tôi nhận thấy người đang lắc lư, mắt nhắm lại. Không hiểu sao, tôi bắt đầu khóc, và cái khóc của mình như thế nào đó khiến mình khuây khoả. Bapak mở mắt, và nói một cách hơi lúng túng: “À, Bapak sẽ đi nơi khác! Bapak sẽ trở thành một với sự chuyển động của Vũ Trụ, và không muốn trở về. Nhưng Bapak sẽ nhớ tới bạn và trở về một cách không ầm ĩ!”

Tôi nhận thức được là Bapak không muốn ở đây, trừ phi vì chúng ta.

Nhiều năm sau, trước khi có Hội Nghị Thế Giới Toronto, anh Lestari cùng tôi đi Nam Dương, vì Bapak bị bệnh tim. Tôi nhận thấy một chiếc xe lăn nơi một góc trong phòng Bapak, tuy người cố gắng làm ra vẻ mình hoàn toàn mạnh khoẻ. Tôi nói:

- “Bapak không cần phải đi Toronto.”

- “Nhưng mọi việc đã sắp xếp xong! Bapak phải đi.”

- “Xin đừng đi. Tôi nhân danh mọi người nói điều này. Đừng đi sau cơn bệnh tim vừa rồi. Thay vì vậy, chúng tôi sẽ tổ chức Hội Nghị ở Cilandak.”

- “Thế thì hãy cảm tạ các anh chị em, nhưng Bapak sẽ đi Toronto. Những gì xảy ra trong cơn bệnh tim của mình là Bapak đã tới ’nơi đó’. ’Họ’ có mặt nơi đó và ’họ’ hỏi Bapak ’Tại sao ông ở đây? Ông nên ở dưới đó!’ Bapak nói ’Làm sao ở đó được với căn bệnh này?’ ’Vì ông là người đã nói với họ về thanh lọc, bổn phận và trách nhiệm. Công việc của ông chưa xong. Ông phải trở về cho tới khi được kêu gọi.’ Vậy Bapak sẽ đi Toronto!”

Tôi hiểu được là Bapak không muốn ở lại, và lấy làm vui mừng là các anh chị em hiện nay cảm thấy họ có thể đi đứng một mình. Bapak đã cho chúng ta cái khuôn khổ của một hiệp hội. Suốt đời mình tôi đã dính líu tới chính trị, nhưng chưa từng biết ai là một ’nghệ sĩ’ chính trị khá hơn của dân chủ.

Làm sao có thể hoàn thành trách nhiệm, nếu thiếu uy quyền? Trong Subud không ai trong chúng ta có bất cứ uy quyền nào, nhưng chúng ta có trách nhiệm.

Subud không là một giáo lý, nhưng trong đó chúng ta lại học hỏi được rất nhiều. Tôi đã học hỏi được nhiều điều về trách nhiệm. Chúng ta mãi mãi không được quên rằng những thể chế của Subud là những dụng cụ cho jiwa và sự phát triển của mình. Đó là những cái cho chúng ta, chứ không ngược lại! Cái hệ thống thư lại là để phục vụ, và không được trở nên trì độn và kênh kiệu. Chúng ta không được quên nội dung của cái khuôn khổ đó, và tại Hội Nghị kế tiếp phải tự hỏi làm thế nào mình có thể chân thành với những nguyên tắc đó.

Ngay lúc ban đầu tôi biết rằng Bapak luôn không chịu cho tôi từ chức. Người biết rằng tôi không có tài tổ chức, nhưng lại cho tôi cầm đầu một tổ chức! Tôi thường nói:

- “Bapak, tôi xin từ chức.”

- “Tại sao? Bạn không lớn tuổi như Bapak!”

- “Chúng ta cần thứ máu trẻ trung...”

- “Có gì không tốt với thứ máu già lão? Bapak sẽ phái cho bạn một đại diện.”

Đây là điều tôi mường tượng về một tương lai thiếu vắng Bapak: tôi chắc chắn như bất cứ ai là Bapak có thể đến nơi chúng ta nhanh chóng hơn trước kia, nếu chúng ta có thể yên tĩnh đến mức ý thức được điều đó. Tư gia của Bapak đã được anh Ramzi Winkler xây cất để tồn tại 500 năm, nhưng Bapak có lần đã nói: “Bapak sẽ không ở nơi đây, Bapak sẽ ở nơi ’bên kia’. Và Bapak sẽ xuống nơi đây để kéo tóc các bạn lên, bộ tóc tâm linh của các bạn!”

Có hai câu chuyện mà tôi coi là nòng cốt cuộc đời mình trong nhiều năm: Bapak đã kể cho chúng ta nghe về một căn nhà bị bỏ rơi nọ mà chủ nhân bị nhốt trong một chiếc tủ. Thú vật đi vào, và ’tâm trí’ của căn nhà, đồ đạc trong nhà, rất dơ bẩn. Một hôm có một điều xảy ra: cửa tủ mở ra. Chủ nhân thò đầu ra ngoài, nhưng những gì ngửi và trông thấy khiến ông không muốn bước ra. Nhưng ông cũng biết rằng bổn phận mình là phải ra ngoài để sửa lại căn nhà. Trước hết là cái cơ thể vật chất bên ngoài, mái và tường nhà, rồi những đồ đạc trong nhà. Sau một thời gian ông nhận thức được căn nhà sẽ chẳng bao giờ được sạch sẽ như mong muốn, nếu mình suốt đời sống nơi đây. Đó là lúc bắt đầu của sự minh triết! Nên ông bắt đầu chăm sóc jiwa mình, khiến bên trong và bên ngoài mình luôn được thoải mái.

Tôi còn nhớ tới một thời nọ ở Paris. Có pháo hoa, và Bapak đứng ngoài bao lớn thích thú nhìn. Lúc giữa đêm thì không còn thấy pháo hoa nữa, và tiếp theo là những giây phút thần tiên, khi không chỉ có sự yên lặng mà còn là sự thanh tịnh, điều không ai muốn bị gián đoạn. Điều đó kéo dài khoảng 10 phút, rồi dùng tôi làm trò cười, Bapak nói: “Varindra, bạn hãy nhìn ra bên ngoài, rồi nói với Bapak những gì mình thấy.”

- “Không gian, Bapak!”

- “Đúng vậy, không gian. Có lẽ không là cái không gian mà bạn biết...Chỗ Bapak hiện đang đứng đây, Bapak có thể trông thấy toàn thể vũ trụ, và có thể thấy đó là một guồng máy phức tạp. Không như những thứ máy móc mà bạn biết, nhưng đúng hơn thì đó là một hệ thống điện tử phân bố, hay có lẽ đó là lực trường từ khởi điểm chạy theo vòng tròn, rồi lại trở về khởi điểm.”

- “Bapak, cái khởi điểm đó là gì?”

- “Ồ, khởi điểm của một vòng tròn là gì? Cái sức mạnh đó phát ra ngoài, rồi nơi này và nơi kia nó nóng sáng thành những khối như các tinh tú và hành tinh. Cuối cùng thì những cái đó tự làm mình trở nên tinh tế, rồi nhập vào lực trường để trở về khởi điểm của mình. Và bạn, Varindra, thì đang sống trên một một khối nhỏ bé nhất là Trái Đất, và bạn là một khối có hai chân đi đây đó nói ’Đây là vật sở hữu của tôi!’ Nhưng bạn đang dùng vật đó, hay nó đang dùng mình? Bạn nên làm cho mình thoát khỏi cái khối đó, rồi nhập vào lực trường để trở về khởi điểm!”

Có lần ở Calcutta, tại tư gia của vợ chồng Arnolds, nơi trú ẩn của tôi trong nhiều năm ở Ấn Độ, Bapak kể một câu chuyện chưa từng được ghi lại. Có ai đó hỏi  một trong những điều kì lạ này: “Thế nào là ý nghĩa của sự Phục Sinh?” Bapak có vẻ như không nghe thấy gì. Rồi người nói: “Bạn có một chiếc Mercedes, chiếc đó cũ, đúng không? Vậy muốn nó được tốt lành, bạn đem nó đến một ga-ra, thay đổi thắng, rửa xe lại cho sạch. Xong rồi bạn thấy trên mỗi bộ phận của chiếc xe danh hiệu người làm ra xe. Vậy chiếc xe đã phục sinh. Đức Ki Tô thật cao siêu, là một người được thanh lọc và đã trải qua nhiều điều. Ông còn cần đến cái ’khối’ này để làm gì? Sự đi đứng của ông, cái nghe và cái nhìn của ông đã được thanh lọc. Đó là ý nghĩa của sự Phục Sinh.”

 
 
  © 2013 Góc Nhỏ