Cuộc viếng thăm Cali

Mỹ Hạnh & Lan Thanh
     Paris, 16/09/2008

Nhân dịp Đại Hội Thế Giới Y Nha Dược của Việt Nam Tự Do tổ chức ở San José bốn ngày từ 7 đến 10 tháng 8 năm 2008, ba chị em tôi xin các anh chị em ở gần những vùng chúng tôi đến cho chúng tôi được gặp mặt và hàn huyên.

Mục đích chính là như thế, nhân dịp muốn thưởng thức tài nấu phở của anh Hardjono, viếng nhà mới của Suryadi và Minh Tú, làm quen với Haryanto vì xưa nay “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, và gặp anh Hoàng Nam để được làm quen với chị Murwani Thúy và thấy tận mắt hoa hậu Hartati Tiên Dung.

Nhưng những cuộc gặp gở xảy ra quá sự mong ước của chúng tôi. Đến đâu cũng được anh chị em tiếp đãi nồng hậu, thứ nhất là hai anh Hardjono và Haryanto không nề hà cực nhọc, đướng sá xa xôi, nhịn đói, nhịn khát, nhịn ngủ để đưa chúng tôi đi những chỗ mà các công ty du lịch không đưa đi được.

Sau đây là hành trình của chúng tôi trong những ngày tháng tám khó quên đó:

- 04 tây: Danh, em bà con tôi đưa tôi từ nhà ở Placentia đến nhà chị Tuyết ở Laguna Niguel để rước hai chị đến nhà Suryadi và Minh Tú ở Buena Park ăn trưa. Chụp hình trước nhà chị Tuyết.

 
   
   

Minh Tú trổ tài nấu bún riêu, làm gỏi cuốn, nấu chè; món nào cũng ngon đặc biệt. Lại một phiên chụp hình kỹ niệm.

Trong khi chờ anh chị Hoàng Nam đến thì Suryadi và Minh Tú kể những kinh nghiệm sống của mình và Minh Tú kể những kỹ niệm lúc Ibu Rahayu viếng Việt Nam. Sau đó anh chị Hoàng Nam đến để tập latihan cùng rồi tất cả về nhà anh chị ở Westminter ăn cơm chiều. Trước khi lên đường lại chụp hình.

Tại nhà anh chị Hoàng Nam chúng tôi gặp đủ hai con anh ở nhà, Martono và Hartati. Hoa hậu ở ngoài đẹp hơn trong ảnh và tỏa vẻ thùy mị đoan trang mà tấm ảnh bất động không diễn tả hết được. Sau đó đến phiên chụp hình kỷ niệm.

Xong mọi người vào bàn ăn lẩu thập cẩm, người Nam thì gọi là ăn cù lao. Thật là thịnh soạn và có rất nhiều nấm mà tôi không thấy bao giờ như nấm bào ngư tươi, nấm linh chi rất quí. Anh chị Hoàng Nam kể những chứng nghiệm tâm linh và chị Murwani Thúy kể chuyện nằm mộng khi có thai Hartati. Những chuyện này để anh chị viết kể lại thì hay hơn là tôi. Cũng như những chuyện của Suryadi và Minh Tú, tôi có viết lại cũng không bằng. Trước khi về chúng tôi được thưởng thức tài đánh tây ban cầm của anh Hoàng Nam, hết sức tiếc là ngày giờ eo hẹp nên không được nghe nhiều.

Sau đó Suryadi và Minh Tú đưa chị Tuyết và chị Lan Thanh về Laguna Niguel; vì anh Hoàng Nam tuy ở gần hơn mà không lái xe ban đêm được.

- 5 tây: chị Tuyết và chị Lan Thanh đi với chị Thoa (em chị Tuyết) đến Westminter để làm tóc, cả tôi cũng hẹn đến đó, sau đó qua tiệm Seafood Paradise ăn cơm Tàu. Chị Tuyết mời thêm một người bạn nữa và Suryadi và Minh Tú đến ăn trưa. Chị Tuyết đãi Suryadi và Minh Tú để mừng đám cưới hai người. Đúng tên Seafood của nó, bửa ăn có tôm hùm, cá, tôm, cua xào nấu theo Tàu rất ngon. Khi ra chụp hình kỹ niệm trước tiệm, Minh Tú nói là cách đây hai năm khi mới qua hai người cũng đãi đám cưới ở đây.

Sau khi ăn xong Suryadi và Minh Tú đưa tất cả đi chợ Phước Lộc Thọ, đưa đến đài Chiến Sĩ Trận Vong và khi về còn ghé tiệm 99 c. Về tập latihan có Leonard là người Mỹ có tuổi vẫn đến thường trực tập latihan mỗi tuần một lần từ ngày Suryadi và Minh Tú dọn về đây. Ăn xong lại uống nước quất muối và ăn chè trước khi về. Suryadi và Minh Tú đưa chị Tuyết và chị Lan Thanh về nhà chị Thoa ở Lake Forest để chị Tuyết lấy xe về Laguna Niguel. Suryadi và Minh Tú đưa tôi về Placentia và ở lại ăn cơm tối với gia đình Danh em tôi. Suryadi và Danh nói chuyện nhận ra những người quen chung học Kiến Trúc.

06 tây: Chị Tuyết, chị Lan Thanh và tôi đi máy bay lên San José. Anh Hardjono và Haryanto đã chờ ở đó và hai anh đưa chúng tôi ra Little Saigon (tên sẽ có) để ăn lẩu cá. Cũng rất ngon nhưng không sánh được với lẩu của chị Murwani. Sau đó về khách sạn ghi tên lấy phòng, vì nhờ một người bạn ghi hộ nên không biết phòng giữ dưới tên nào, mất cả tiếng đồng hồ, sau lấy đại một phòng dưới tên giống của chị Lan Thanh và tôi nhưng khác ngày. Sau khi cất hành lý xong, lại lên xe ra nhà anh Hardjono để Haryanto lấy xe. Chụp hình kỹ niệm nhà thuê của anh Hardjono sắp rời đi, rồi tất cả đi cùng anh Hardjono theo xe Haryanto đi San Leandro thăm nhà Haryanto.

 
   
   

Haryanto đã soạn những chỗ để thăm quan, đường đi, giờ mở cửa, nhưng vì thì giờ eo hẹp nên chỉ đi được những chỗ cần thiết, vì tôi nói thích chuyện chính trị hơn chuyện gì khác, hai anh đưa chúng tôi đi xem vườn Nhật Bổn, nhỏ như một công viên ở Paris, xong đi xem Viện Bảo Tàng kỹ niệm những người vượt biên bằng tàu, nhưng quên không nhớ tại sao chúng tôi không vào chỉ đứng bên ngoài xa xa chụp hình kỹ niệm là mình có đến đó. Hình như là hết giờ mở cửa. Sau đó thì đi thẳng ra San Leandro, leo lên đồi đến một cái nhà rất đẹp, nhìn xuống vịnh San Francisco, Tàu gọi là Cựu Kim Sơn, có nghĩa là Núi Vàng Cũ để kỹ niệm ngày xưa người Trung Hoa đổ xô về đó tìm vàng. Nhà Haryanto to và đẹp lắm, thứ nhất là vị trí thật tốt, tối nhìn xuống vịnh San Francisco thấy ngàn trùng ánh đèn nhấp nhánh như sao trên trời mà mình thì đứng trên vòm trời cao nhìn xuống. Haryanto gọi chị Bích và Maria để hẹn ra tiệm Tàu ăn cơm chiều. Haryanto gọi đủ thứ món gà, cá, thịt, tôm, cua không thiếu thứ chi vì hai người cùng đi làm nên không nấu nướng gì được ở nhà. Ăn xong đã gần 10 tối, hỏi anh Hardjono xem nếu về nhà Haryanto tập latihan rồi về thì có trễ cho anh Hardjono lắm không thì anh nói không hề gì. Vì chị Bích cũng đã được khai mở rồi nên bốn chị em tập latihan cùng. Hai anh tập bên phòng khách nhỏ. Xong ra về mà còn bịn rịn, mấy lần chị Bích hỏi thăm Haryanto quen với ba chị em tôi bao giờ mà có vẻ thân thiết quá vậy, thì tất cả đều cười nói đây là lần đầu tiên gặp tận mặt với nhau, còn thì quen nhau trong latihan từ lâu lắm rồi.

Khi chia tay nhau thì đã gần 11 giờ khuya, anh Hardjono phải đưa ba chị em chúng tôi về khách sạn rồi mới về nhà, tức cũng phải 1 giờ sáng anh mới lên giường ngủ được. Hẹn nhau ngày hôm sau anh và Haryanto đến đón và đưa một mình tôi đi chơi buổi sáng rồi trưa mới đi tìm chị Tuyết và chị Lan Thanh ở nhà hàng Thành Được để đi chơi tiếp.

07 tây: thường người ta chuộng số 7 và số 9 vì cho đó là những số hên, nhưng phải nói trước là tôi không dè nó là cái ngày mệt nhất cho hai anh Hardjono và Haryanto. Cả hai đến rước tôi ở khách sạn, đưa ra tiệm phở ăn sáng vừa là điểm tâm vừa là ăn trưa lúc 10:30. Phở cũng ngon, nhưng có lẽ không bằng phở của anh Hardjono, vì tôi đòi ăn phở anh nấu, anh không tiện nấu nên đưa đi tiệm ăn thế. Ở đây phải thêm dấu ngoặc, anh Hardjono làm tôi nhớ bà nội tôi khi xưa, lúc tôi đi về quê nội mỗi kỳ hè, ba chị em tôi nằm nói chuyện với nhau, nói gì thì y như rằng ngày hôm sau có những thứ chúng tôi nói đến đêm trước, chúng tôi còn nhỏ không biết gì nên cho là ở nhà bà nội giống ở cõi tiên quá vì chỉ cần nói phớt qua mà có. Anh Hardjono hỏi tôi trước khi qua là tôi muốn gì, tôi nói muốn ăn phở anh nấu, nếu anh ăn chay thì tôi cũng ăn chay, ăn cơm chùa thì tôi cũng ăn, tôi thích chuyện chính trị hơn là đi outlet mua sắm, tôi có hỏi thăm xem có đi latihan ; anh hỏi đùa vậy nếu có biểu tình thì có đi không, hẳn nhiên là tôi đi. Tất cả những thứ này đều được anh Hardjono thực hiện đúng câu “nói gì làm nấy, muốn gì được nấy”, không quản công lao và ngày giờ. Cũng nên nhắc là hai anh hiến cho chúng tôi ba ngày thứ tư, thứ năm và thứ sáu tức là ba ngày làm việc của hai anh. Chúng tôi cũng ý thức những khoảng cách giữa những chỗ mình muốn đi, nhưng bao giờ anh Hardjono cũng nói hoặc gần, tiện, không sao, cho nên chị em chúng tôi để cho hai anh đưa đi khắp nơi.

Vậy sau khi ăn phở rồi hai anh đưa tôi đi hai chợ Việt Nam xem quang cảnh, cũng giống ở Los Angeles nhưng không to bằng, những chỗ đi biểu tình. Đi đến chợ thứ nhì đã bán gần hết cho những người Việt của CP mới gửi qua, tôi không chụp hình những chỗ này. Vì mới ăn phở đó nên tuy là giờ ăn trưa mà không đói để ăn thêm gì. Nếu biết trước có lẽ cả ba cũng tìm chỗ ăn đâu đó.

Gần đến hết giờ ăn trưa thì hai anh chở tôi đến rước chị Tuyết và chị Lan Thanh ở tiệm Thành Được. Tiệm của nghệ sĩ Thành Được nên mới có tên như thế, và dân ở San José khi đãi đằng đều ra đây.

Từ tiệm Thành Được anh Hardjono đưa đi chùa Kim Sơn, tôi không biết là chỉ cách nhà Haryono có 9 km thôi, tức là khá xa. Vì thế mà tôi thấy xe đi hoài không tới, đã vậy còn phải đi đường núi, không phải đi xa lộ mà mình có thể phóng 100, 110 km một giờ.

Đến nơi khoảng hơn 3 giờ rưởi, đi tới đi lui xem phong cảnh quanh chùa, chụp hình kỹ niệm, định đi về thì có mấy sư cô mời ở lại ăn cơm chiều lúc 5 giờ, vì thấy cũng còn khoảng hơn nửa giờ thì đến bửa nên tất cả nhận lời ở lại ăn cơm chùa. Chắc trong bọn chỉ có một mình anh Hardjono biết ăn cơm chùa thường ngày như thế thì rất là thanh đạm, có thể nói là không đủ dinh dưỡng. Chúng tôi sắp hàng để lấy cơm thì không thấy Haryanto đâu, anh Hardjono phải đi tìm, chùa khá to nên anh đi lâu lắm, thiên hạ vào xong rồi thì mới thấy hai người vào sau cùng, không còn gì ăn mấy. Chỗ này có một chuyện hiểu lầm là thầy trụ trì hỏi chúng tôi định ở lại bao lâu, chị Lan Thanh nhanh nhẩu trả lời vài ngày, thầy nói với mấy sư cô dọn phòng cho chúng tôi, chừng đó mới thấy là mình hiểu lầm, anh Hardjono mới nói không tất cả chỉ ghé thăm chùa rồi về San José lại ngay. Một sư cô nói lại những gì thầy hỏi hồi nảy có lẽ tưởng chị Lan Thanh nói giọng Bắc nên không hiểu thầy nói giọng Trung.

Đây lại xin mở một dâu ngoặc khác. Ai đã có biết San José và San Francisco rồi thì có lẽ lượng được sự xa xôi và thì giờ để đi từ chỗ này đến chỗ kia thì có lẽ sẽ không dám đòi đi đây đi đó, hoặc giảm bớt nhưng chỗ mình muốn đi. Nhưng chúng tôi không biết chi cả, chuyện đáng lẽ phải làm trước khi qua là xin địa chỉ rõ ràng của hai anh để dò đường trên maporama, mà lại làm sau khi về, chỉ với ý định viết thư cám ơn, nhưng tôi chợt nghĩ sao không dò xem những quảng đường đã qua. Vì thế mới thấy công lao của hai anh đối với ba chị em tôi.

Từ chùa Kim Sơn, anh Hardjono lái xuống Palo Alto để đi latihan, đến nơi thì còn thừa thì giờ để chụp hình kỹ niệm trước khi các HV của nhóm đến, họ lại đến vừa sát giờ tập là 8 giờ tối, tĩnh tâm khoảng 5 phút. Xong thì còn chụp hai tấm hình kỹ niệm với mấy bà, xong xuôi ra thì hai anh đã ngồi chờ trong xe. Về đến khách sạn thì cũng 10 giờ tối, ngoài bửa cơm thanh đạm ở chùa từ 5 giờ không ai ăn chi cả, chỗ khách sạn thì đóng cửa, mà nếu có hàng quán ngoài đường thì cũng trễ cho hai anh quá. Haryanto còn phải về nhà anh Hardjono lấy xe rồi mới về nhà, cho nên anh Hardjono cứ dặn đi dặn lại, hôm sau cứ việc ngủ, bao giờ tụi này đến hãy hay. Tối đó có lẽ cũng phải hơn 1 giờ khuya Haryanto mới có thể lên giường được.

 
   
   

08 tây: anh Hardjono đến khách sạn đón ba chị em lúc 9:30 và đưa thẳng đến nhà Haryanto, tất cả lên xe Haryanto trực chỉ San Francisco. Haryanto đưa đi xem thành phố. Đầu tiên là Tòa Thị Sảnh thấy có bao nhiêu là đám cưới, phần nhiều là người Trung Hoa, vì là ngày 8 tháng 8 năm 2008. Đặc biệt đây là thành phố cho phép đám cưới hai người đồng phái nên có vài cặp đàn ông và đàn bà đang chụp hình. Xong đi xem phố Tàu, phố Việt, khi đến đây chị Tuyết nói thôi sẵn ở đây, tuy mới có 12 giờ, thì nên ăn trưa và để chị đãi. Tất cả vào một tiệm Việt Nam và mỗi người gọi cơm món theo ý thích. Vì ăn như thế này nên về sau còn no, không có bụng để ăn món đặc biệt của San Francisco là soughdough, tức là soupe trong ổ bánh mì. Sau đó Haryanto đưa đi xem Lombard Street, cái đường rất đặc biệt là dốc kinh khủng nên họ làm ra ngoằn ngoèo rồi trồng bông hai bên cho đẹp, để đở dốc cho xe dễ xuống. Vì thế mà đường chỉ có một chiều cho xe nhỏ đi thôi, từ trên xuống dưới. Sau khi đứng ở trên chụp hình thì Haryanto đưa xuống phía dưới đường để chụp tiếp. Xe du lịch bị cấm đến gần chỗ này. Haryanto có chỉ cho thấy cái nhà Haryanto ở ngày trước ngay Russian Hill đó. Nhìn ngay xuống đường Lombard và vịnh San Francisco. Lại chụp hình kỹ niệm.

Sau đó thì đi xem Bến Ngư phủ (Fisherman’s Wharf), Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật ở Lyon đang trùng tu nên chỉ đứng bên ngoài chụp hình. Sau đó đi ra cầu Kim Môn (Golden Gate), may quá là không có sương mù nên chụp được nhiều hình ảnh đẹp của cầu. Đến hơn 4 giờ chiều thì phải đi về khách sạn cho kịp Ngày Hội Ngộ các bạn đồng khóa lúc 7 giờ. Chia tay Haryanto ở San Leandro, anh Hardjono lấy xe đưa ba chị em về khách sạn, anh còn tử tế nhắn nếu còn ngày giờ và còn muốn đi đâu thì gọi anh sẽ đưa đi. Nhưng nhìn chương trình thì chỉ còn có ngày` thứ bảy và sáng chủ nhật phải dự đại hội. Đó là chương trình tối thiểu phải dự trong 4 ngày nên đành phải chia tay.

Trong thời gian này thì anh Hardjono cho hay tin buồn mẹ anh Nguyễn Quý Hùng mất, ban đầu đã định đi viếng cụ được ngày chủ chật buổi sáng, nhưng sau vì dời qua thứ hai mà trưa chúa nhật ba chị em tôi phải lên đường đi ra phi trường San Francisco rồi nên đành chịu, chỉ gọi được điện thoại chia buồn cùng anh Quý Hùng thôi.

Thế là hết ba ngày đầy kỹ niệm đẹp với hai anh Hardjono và Haryanto. Nhờ đi chơi ăn uống hàn huyên với nhau trong ba ngày mà thân tình giữa chúng tôi với hai anh càng được khắn khích thêm. Đây là những kỹ niệm đẹp khó quên trong cuộc đời.

Ngày cuối cùng ba chị em tôi gặp lại anh chị em Nam Cali là ngày 19 tây ở nhà Suryadi và Minh Tú để ăn trưa rồi tập latihan chung lần cuối cùng với anh chị Hoàng Nam, hai cháu Martono và Hartati, anh chị Dương và Thi, lần này có Arnaud nên có tất cả 12 người tập một lượt ở nhà Suryadi và Minh Tú (5 nam, 7 nữ). Khi ăn trưa xong thì có cháu Hiếu, con của Minh Tú đi học về nhưng lại đi ngay, đủ thì giờ để chụp một cái hình kỹ niệm. Minh Tú trổ tài nấu mì thập cẫm ngon đặc biệt, cho uống nước quất nữa và ăn chè đậu xanh rất ngon.

Sau đó tôi còn gặp lại Suryadi và Minh Tú ngày 24 trước khi về Pháp. Suryadi và Minh Tú chịu khó đưa tôi và Arnaud đi latihan ở trụ sở của nhóm Los Angeles, cách nhà Suryadi và Minh Tú 52 km, sau latihan lại còn chở tôi đi thăm một bà bạn Subud Mỹ ở Long Beach cách đó 45 km, xong từ nhà bà về nhà Suryadi và Minh Tú 30 km nữa, nhưng thay vì đi về nhà thì hai người lại đưa chúng tôi đi tìm đồ dùng văn phòng … trước khi đi nhà hàng ăn buổi ăn chia tay. Tức là công lao của hai anh chị không kém gì công lao của hai anh Hardjono và Haryanto, tuy không phải nhịn ngủ nhịn ăn nhiều như họ.

Tóm lại:

- Chúng tôi có dịp hiểu nhau và còn mến thương nhau thật sự hơn ngày trước. Cứ thấy chị Bích hỏi mấy chị quen với Haryanto từ bao giờ vậy và Danh, em bà con của tôi cũng tưởng là bác Diễm Trang và tôi quen thân với Suryadi và Minh Tú từ lâu lắm rồi thì cũng biết là tình thân đó như thế nào. Nhân dịp tôi cũng xin chia sẻ với anh chị em một tình cảm đối với anh chị em Subud của mình, là đó là một thân tình thật sự mà Bapak nói nhiều lần là mình thấy thân hơn là với anh chị em ruột thịt mà không có Subud. Tôi có thể làm chứng cho lời nói của Bapak là đúng. Tại sao? Đó là vì em bà con của tôi cũng tử tế không kém mấy anh chị em của mình nhưng trong thân tình đó vẫn như thiếu một cái gì, không có sống động, như không có thực mà chỉ là ảo giác.

- Những gì những anh chị em Hoàng Nam, Murwani, Suryadi, Minh Tú, Hardjono, Haryanto kể đều đáng được ghi lại và in ra thành sách để cho mọi người đọc, không những bây giờ mà còn cho mai sau. Mỗi người là một quyển tiểu thuyết với những kỹ niệm sống rất đẹp, đầy gian lao, đầy chứng nghiệm mà tôi không thế nào chép lại được. Và tất cả đều rất khiêm tốn, chân thật, chuyên cần tập latihan và hiểu Subud sâu sắc, và chúng tôi rất lấy làm hân hạnh có những anh chi em Subud như thế.

Sau cùng tôi xin thay mặt chị Tuyết và chị Lan Thanh để cám ơn tất cả anh chị em đã cho chúng tôi những ngày hè tuyệt vời và khó quên, công ơn ngàn năm tạc dạ cũng chưa đủ để diễn tả tấm lòng của chúng tôi. Chúng tôi cũng cảm tạ Thượng Đế đã cho chúng tôi những ngày họp mặt tốt đẹp mỹ mãn với tất cả các anh chị em bên Cali.

Nhìn lại những quảng đường mà mọi người phải đưa chúng tôi đi:

Khoảng ngắn nhất là từ nhà anh Suryadi và Minh Tú đến nhà anh Hoàng Nam: 15 km (chưa tới 10 miles), nếu đi không trở ngại thì cũng mất 25 phút vì là đường thành phố.

Quảng đường dài nhất là từ Suryadi và Minh Tú đến nhà chị Tuyết 59 km (khoảng 39 miles), nếu đi xa lộ và không kẹt xe thì cũng mất 45 phút.

Những người phải đưa đi đưa lại là Suryadi với chân bị đạp đinh. Anh Hardjono nhà ở cách khách sạn 19 km (11,6 miles) mà phải đưa đi đưa về.

Từ Haryanto đến anh Hardjono là 46 km (29 miles), thêm 19 km để đến khách sạn.

Từ nhà anh Hardjono đến chùa Kim Sơn là 42 km (26,25 miles), nhưng không có xa lộ mà phải đi đường núi.

Từ Haryanto đến chùa Kim Sơn là 9 km (hơn 5,6 miles) mà Haryanto không về nhà lại đi theo cùng để đi latihan cùng rồi đưa ba chị em về khách sạn sau đó lại theo anh Hardjono về lấy xe mơi về nhà: tức phải đi 35 km + 30 km + 19 km + 46 km buổi chiều ngày 07 tây đó. Mà không phải được đi thẳng một mạch, phải đi tìm đường vào khách sạn bị rào vì hội chợ, ngừng lại hai ba chỗ, cho nên tuy có 130 km mà phải mất cũng phải 3 tiếng đồng hồ, chưa kể có thể vừa mệt vừa đói và buồn ngủ khi lái xe. Cả anh Hardjono cũng mệt và đói y như thế, nhưng cũng không tỏ vẻ mệt nhọc chán nản gì. Những điều này nếu không có Thượng Đế che chở thì không làm sao mà mọi sự đều được tốt đẹp và mọi người được an toàn. Tôi rất phục hai anh.

Và đây là cảm nghĩ cuối cùng: bây giờ mọi người tuy cũng có tuổi hết nhưng hãy còn đủ sức để lập những kỳ công này. Tưởng tượng bên Việt Nam, phải lái xe đi lại với những khoảng cách như từ Saigon đi Tân An hay Mỹ Tho, hoặc bên Pháp đi Meaux hay Fontainebleau. Tôi biết chắc chắn là tôi làm không nỗi vì thế công lao của mấy anh lại càng quí. Và không biết có ai có can đảm để tái diễn sự đưa đón như thế lần nữa với chúng tôi hay với anh chị em khác không? Cho nên tôi nghĩ đấy có thể là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng, và công lao mấy anh lại còn quí hơn vạn lần.

 
     
 
  © 2010 Góc Nhỏ