Mùng Ba Tết thầy

Minh Hiền Lâm Công Quận

 
   
   

Hồi tưởng lại thời gian 6 năm ở trường tiểu học tỉnh, từ lớp chót đến lớp nhứt, với tuổi ấu thơ, học trò cắp cặp đến trường, ngày hai buổi sáng chiều, tuần lễ năm ngày, suốt niên học chín tháng. Mỗi niên học, chỉ một thầy giáo đảm trách tất cả môn dạy, luôn cả môn thể dục sau giờ tan học chiều.

Với số 50, 60 học trò trong lớp, thầy giáo vẫn biết mặt biết tên từng đứa, biết đứa nào siêng, đứa nào lười, đứa nào nói dối, đứa nào sáng dạ hay tối dạ. Ngoài ra, có khi thầy biết cả cha mẹ, nhà cửa, nghề nghiệp của cha mẹ học trò nữa.

Khi trò lầm lỗi, thầy giáo không ngần ngại áp dụng ngay hình phạt bằng roi, bằng thước bảng, bằng thước gạch khẻ đầu ngón tay chụm lại, cú đầu, quì gối, xích đu nhún v.v. Mỗi thầy có hình phạt khác nhau. Thầy và trò, tuy vậy, rất gần nhau. Học trò, tuy sợ thầy, nhưng vẫn kính nể thầy.

Tết đến đánh dấu nửa niên học. Học trò được phụ huynh khuyến khích đi "mừng tuổi thầy" với chút ít quà cáp, đúng như câu ngạn ngữ: "Mùng một tết cha, mùng ba tết thầy". Đến khi vào trường trung học Petrus Ký, học trò trở nên là học sinh, thầy dạy là giáo sư. Theo thời dụng biểu, mỗi giờ là một môn học. Mỗi môn do một giáo sư chuyên môn đảm trách.

Vào thập niên 20, 30, 40, Hiệu Trưởng, Tổng Giám Thị, Giám Học và một số giáo sư của trường là người Pháp. Ngôn ngữ sử dụng trong lớp là tiếng Pháp. Học sinh thích chọc phá "Giám thị Việt", giữ khoảng cách đối với giáo sư Pháp. Nhưng đối với giáo sư Việt, học sinh luôn luôn kính trọng và giữ lễ độ. Mỗi giáo sư chuyên một môn dạy, giảng nhiều lớp gồm cả trăm học sinh, nên giáo sư xem học sinh nào cũng như nhau. Tiếng chuông báo hiệu mãn giờ giảng là giáo sư rời lớp. Trái lạị, học sinh truyền miệng nhau, biết rõ giáo sư, biết gia thế của giáo sư. Một điều đáng lưu ý là dù bất bình học sinh đến đâu nữa, giáo sư Việt không hề áp dụng kỷ luật là ghi vào sổ, phạt học sinh đến trường vào lớp sáng ngày thứ Năm (consigne). Mặc dầu, bề ngoài giáo sư và học sinh không gần nhau, nhưng trong thâm tâm, học sinh rất trọng giáo sư Việt vì học sinh đã biết suy nghĩ: "Sư (thầy) rồi mới đến Phụ (cha).

Chúng tôi thuộc niên khóa 1933 – 1937 Pétrus Ký.

Sau khi rời trường trung học, sau một thời gian ngắn ngủi bay nhảy ở trường đời, cuộc sống ổn định, hầu hết đã lập gia đình, chúng tôi gom các bạn đồng lớp, rồi nới rộng ra, các bạn đồng khóa (lớp A, B, C, D tổng quát và lớp X thương mãi). Với những buổi họp mặt hàng tháng ở những địa điểm thay đổi, và đến bửa họp Tất Niên mời các giáo sư đã về hưu đến chứng kiến và chủ tọa.

Tháng Tư đen 1975

Trước thời buổi vô cùng khó khăn, xã hội đảo lộn ngửa nghiêng, bạn học cũ chúng tôi tìm gặp lại nhau, để trao đổi tin tức, để nâng đở nhau….

Chỉ có hai ông Trương Hữu Tước, Trần văn Quế từ mấy chục năm qua thường gần gũi chúng tôi trong tình "Thầy Trò". Chúng tôi gặp nhau và quyết định đi viếng thăm hai thầy để biết tình trạng và sức khỏe ra sao. Chúng tôi góp được một số tiền đang lưu hành và chọn một ngày trong tháng Chạp năm Ất Mão (cuối tháng Giêng năm 1976) và cử bốn bạn đại diện đi Tết thầy như sách thánh hiền đã dạy.

Giáo sư Trần văn Quế

Chiều ngày đã chọn, chúng tôi đạp xe đến nhà giáo sư Trần văn Quế ở số 132 đường Lý Thái Tổ. Giáo sư Trần văn Quế, tên đạo Huệ Lương, chức vụ Phối sư trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Năm 1940, ông hoạt động trong phong trào khởi nghĩa chống Pháp nên bị bắt và bị tòa án quân sự thực dân kết án 15 năm tù khổ sai và bị đày ra Côn Đảo.

Tháng 3/45, quân đội Nhựt Bổn đảo chính Pháp, ông được trả tự do về Sài Gòn cùng một lượt với ông Phan khắc Sửu và bạn Nguyễn văn Tại. Gia đình ông chỉ có hai ông bà, ở trên một gác cây sàn ván. Trèo lên gác, gõ cửa, ông Quế niềm nở ra tiếp chúng tôi. Phòng khách trống trải, đơn sơ, chỉ có một cái bàn và bốn ghế cây. Trên vách giữa chỉ treo một bức ảnh lớn hình ông Quế bịt khăn đóng đen, áo dài trắng, ngồi bên mặt, đối diện Đức Giáo Hoàng Pie XII (1875 – 1953).

Trong sự xưng hô, chúng tôi gọi ông Quế là thầy và ông gọi chúng tôi là em. Ông Quế tỏ ra rất thân mật với chúng tôi. Ông nói về thời cuộc giống như khi xưa ông giảng bài trong lớp. Không dè dặt, ông phê bình chánh sách cai trị của chế độ mới… Chúng tôi khắc ghi lời nói của ông Quế. Khi từ giả thầy Quế, chúng tôi đặt trên bàn phong bì đựng tiền, và lễ phép thưa là có chút quà mọn "Tết Thầy".

Giáo sư Trương Hữu Tước

Nhà thầy Tước ở góc đường Lý Thái Tổ và Trần Hoàng Quân. Gia đình thầy ở phía sau; đàng trước, trước tháng 4/75, là cửa hàng buôn xe đạp và phụ tùng. Thầy Tước rất hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ. Sự xưng hô vẫn là "thầy, em" như đối với thầy Quế. Thầy Tước tiếp chúng tôi, ngồi quanh một chiếc bàn nhỏ sát vách, ngay trong cửa tiệm trống rỗng, không một chiếc xe. Trong câu chuyện giữa thầy trò, ông Tước than nhỏ với nét lo âu buồn bã:

- "Đến ngày giờ này, chín tháng đã qua mà ngân hàng không mở cửa lại để rút tiền ra chi dụng."

Nhận thấy thầy Tước không theo dõi thời cuộc. Chúng tôi đề nghị với thầy giải pháp đối phó trước tình thế khó khăn là có nhu cầu tới đâu loại bán lần hồi những đồ vật không cần thiết trong nhà như tất cả mọi người.

.. Cũng như đối với thầy Quế, lúc từ giả, chúng tôi cũng trao cho thầy Tước phong bì đựng tiền và thưa thầy đây là chút quà mọn để "Tết Thầy" nhân dịp Tết sắp đến.

Trên đường về, lòng chúng tôi nặng trĩu buồn vì nghĩ không biết với tuổi già sức yếu, hai thầy Quế và Tước làm gì để sống, khi mà hưu bổng bị chế độ mới gạt bỏ. Được biết năm 1978, giáo sư Trần văn Quế qui tiên và được truy phong là Đầu Sư (hàng thứ nhì sau Giáo Tông). Và giáo sư Trương Hữu Tước được con bảo lãnh sang định cư ở California (Mỹ) năm 1987.

Lời chú: Sau khi sang định cư tại Mỹ, giáo sư Trương Hữu Tước cũng đã qui tiên sau đó tại Nam California vào năm 1998.

 
 

 

 
 
  © 2013 Góc Nhỏ