Hussein Rofe

Michael Rogge
   Minh Thần
dịch

 
Bapak và Hussein Rofe  
   

Hiện nay tin Rofe qua đời đã được xác nhận, và đây là lúc chúng ta tạm nghỉ để xét lại vai trò quan trọng mà Rofe đã đóng trong cuộc đời của tất cả chúng ta. Anh và John Bennett là nhũng công cụ được dùng để dem Subud ra ngoài Nam Dương tới Tây phương, tới tất cả chúng ta.

Việc Rofe tiếp xúc được với Subud là kết quả của một lô những ngẫu nhiên đáng kể.

Mọi việc bắt đầu với tình bạn giữa anh và Arnout Gischler, một thanh niên Hà Lan. Cả hai đã đi xe đạp đến nhiều nơi ở Hà Lan sau chiến tranh. Sau này Rofe say mê ngoại ngữ. Được Trời phú cho một bộ óc thông minh, anh nghiên cứu khoa tử vi và coi đó là trò chơi bằng cách đoán ngày sinh tháng đẻ từ tính cách của ai đó. Anh còn nghiên cứu khoa học huyền bí hay nhiều thứ khác nữa. Ngoài ra anh còn thường đến coi ca nhạc tại Royal Albert Hall (anh có thể huýt sáo cho tôi nghe những chủ đề của tất cả các bản nhạc của Beethoven)

Rofe cải đạo thành người Hồi giáo, mặc dù tôi chưa từng thấy anh làm lễ theo Hồi giáo. Bố anh là người Do Thái và mẹ anh là người Bỉ. Họ hốt hoảng khi anh thay đổi tên họ. Rofe tuyệt giao với gia đình, đến Trung Đông dạy học và buôn bán những bản viết tay cổ xưa cho British Museum hay những cơ quan khác. Nhưng theo những gì anh thuật lại trong The Path of Subud anh đã bị trục xuất vì bị tình nghi là một điệp viên của Anh.

Sau khi trở về Anh, anh đến thăm bà mẹ của Gíschler, và nói riêng cho bà hay mình cảm thấy đời mình chẳng có ý nghĩa gì hết. Bà đề nghị là anh đến thăm con trai mình là Arnout đang ở Nam Dương. Arnout đang làm việc cho một công ty hàng hải Hà Lan, và anh có thể giúp Rofe tiếp xúc với những phong trào huyền bí của Java. Một thầy bói ở Paris mà Rofe quen biết vạ thường đến hỏi ý kiến, đã tiên đoán là anh sẽ gặp được sư phụ mình. Tháng 6 năm 1950 anh đến Jakarta và ở nhà Arnout.

Gischler cho tôi hay những hoàn cảnh nào khiến Rofe tiếp xúc được với những đường lối huyền bí của Java sau khi Rofe đến Nam Dương. Anh nói do tình cờ anh quen biết được một vài nhân vật cao cấp của Nam Dương và giới thiệu Rofe với họ. Chỉ những nhân vật cao cấp đó mới có thể cho Rofe những giấy phép cần thiết để đến Yogyakarta -trong lúc dữ dội xảy ra cuộc nổi loạn chống tình trạng đất nước bị người Hà Lan chiếm đóng- vì không có một người nước ngoài nào được phép đến. Là người Anh duy nhất ở Yogyakarta, Rofe phát hiện được Bapak, và nhóm môn đồ nhỏ bé của Bapak sau một vài tháng. Điều lạ lùng là Bapak đã tiên đoán sẽ có một người đàn ông đến là người biết nhiều thứ tiếng: Rofe là một trong những người biết nhiều thứ tiếng lỗi lạc nhất của thế giới, tinh thông hơn ba mươi ngôn ngữ. Có lần anh đã tham dự một cuộc tranh tài để coi ai là người nói được nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới!

Lúc Rofe đến Yogyakarta thì chẳng mấy ai thấy phấn khởi muốn truyền bá latihan ra ngoài những ranh giới của thành phố. Ở Java thì chẳng ai biết tới latihan. Sumarah, một phong trào li tách khỏi Subud, thì lại có nhiều môn đồ hơn. Không đầy một năm trong Subud, Rofe lập nên được một nhóm ở Jakarta. Có sự tham gia của nhiều người nước ngoài.

Sau này anh lập nên những nhóm ở Sumatra. Rồi Rofe liều lĩnh đến Nhật Bản, vì mong rằng có thể làm cho Subud được thế giới biết tới tại một hội nghị tự cho là hội nghị của những tôn giáo trên thế giới. Khi không được phép trở về Nam Dương, anh bị mắc kẹt ở Hong Kong. Tháng chạp năm 1954 tôi gặp anh tại đó trong căn phòng của một khách sạn hạng ba, và đó là kết quả của một bức thư mà tôi viết cho một biên tập viên trong đó tôi đề nghị lập nên một nhóm chuyên tìm hiểu tâm linh. Tôi được khai mở ngay sau đó và nhận thức được liền giá trị của latihan. Trong lúc còn ở đó, Rofe dịch và cho xuất bản lần đầu tiên cuốn Susila Budhi Dharma thành hai phần, từ những phần mà Bapak đều đặn gửi cho anh.

Tháng 5 năm 1955 tôi phải đi khỏi Hong Kong trên đường trở về quê hương, và được Bapak mời đền Jakarta ở một tháng. Hồi đó điều mong ước là Subud sẽ bành trướng ra hải ngoại, nhưng không ai biết được như thế nào. Khi tôi về nước, Bapak muốn tôi hoặc đến Jakarta hoặc đến Singapore để làm nhiệm vụ của một bàn đạp. Khi ngân hàng của tôi có ý định gửi tôi qua Canada làm việc, điều được đề nghị là tôi sẽ mời Prio Hartono tới đó. Tôi nhận thấy ở Âu Châu không ai có vẻ thích thú cái phong trào tâm linh lập dị của Java với những thuyết giảng kì cục. Tôi cũng đã viết thư cho Bennett hay về Subud, nhưng ông không tỏ vẻ thích thú. Tôi không là phụ tá và dứt khoát không thể khai mở cho thiên hạ.

 
Bapak và Rogge  
   

Vậy một lần nữa gánh nặng phải đặt lên vai Rofe để đem Subud từ Hong Kong tới Tây phương. Anh đã có thể cảm kích được một nhóm người ở Síp, như Ronimund von Bissing và Roland Starr, đến nỗi anh được mời đến đó ở. Chẳng bao lâu sau đó anh gặp được John Bennett ở London trong năm 1957. John Bennett liền nhận thức được hiệu quả của latihan. Kể từ đó Bennett coi việc truyền bá Subud khắp thế giới là trách nhiệm của mình, và điều này khiến Rofe bực mình, vì người ta đã khéo léo đẩy anh xuống một địa vị kém quan trọng. Thất vọng Rofe bỏ nước Anh để đến Beirut. Theo sự hối thúc của Ibu anh lấy vợ và có một người con gái, nhưng chẳng bao lâu sau đó đã li dị.

Người ta có thể nói anh là người đã đặt chân trên khắp năm châu bốn biển, bên cạnh mình luôn có một người bạn là anh Riza. Trong thập niên 70 anh mở ở Hong Kong một công ty thông dịch tên là Polyglot, và sau đó giao nó lại cho Riza là người biến nó thành một kinh doanh phát đạt, trong đó có thêm những dịch vụ thông dịch cho các hội nghị.

Tôi thường tự hỏi điều gì sẽ xảy ra, nếu không có Rofe. Subud sẽ vẫn còn là một trong những nhóm người quần tụ bên cạnh một tôn sư tại một xó xỉnh nào đó ở Yogyakarta, như nhiều nhóm khác khắp Java? Ở Nam Dương những phong trào thần bí như Sumarah, Sapta Darma và Pangestu thì có nhiều hội viên hơn, nhưng ở Âu Mỹ thì không ai biết tới.

Sứ mệnh của anh chấm dứt trong thập niên 60. Anh bất bình vì lề lối người ta đối xử với mình trong Subud, và viết về những điều mình nghi ngờ trong cuốn sách thứ nhì là Reflections on Subud. Bapak không mấy hài lòng, và không nhắc tới Rofe trong những hồi tưởng về lịch sử của Subud, nhưng những năm sau đó công lao anh được khen ngợi thích đáng. Một cuốn sách thứ ba sẽ được xuất bản trong một ngày gần đây qua trung gian của Sharif Horthy.

Tôi là một trong số vài người mà Rofe trao đổi thư từ trong những năm vừa qua. Bức thư cuối cùng anh viết cho tôi, từ Singapore, đề ngày 18 tháng Chạp năm 2007. Trong thư anh than phiền là mình thường nôn mửa. Luôn phải ăn uống kiêng cữ, Rofe được 85 tuổi khi anh qua đời.

Tôi luôn tưởng nhớ tới nhân vật vĩ đại đó hiện đang thực hiện một cuộc hành trình đáng kể khác.

 
 

 

 
 
  © 2013 Góc Nhỏ