Cuộc hành trình về thăm Sư phụ

Aamirudin Nguyễn Như Tuyền
     Úc châu 1991

Có lẽ bản chất của hắn là lè-phè, nên hắn có nick-name là Đại Lãn, bởi vậy hắn chậm chạp hơn người, việc gì cũng phải học lại từ đầu, mỗi việc cứ để đến chân mới chạy, cho nên hắn là người luôn luôn đi chót cả về đời lẫn đạo. Hắn khoái nhàn, việc gì vượt quá tâm trí thì hắn thả nó cho bay đi chỗ khác chơi, khỏi cần suy nghĩ làm chi cho mệt, được cái trời ban cho cái tính:

 
   
   

Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào, cũng chẳng làm sao

Ai có cười thì hắn chỉ cười hề hề cho qua chuyện.

Tuy vậy trong đời hắn vẫn tiếc là không có duyên được gặp Bapak, hắn cứ đinh ninh là thế nào cũng gặp Ngài tại Hội nghị Subud Thế giới kỳ 8 tại Sydney năm 1989. Cho nên, khi đến Úc hắn cứ nằm chờ, như Đại Lãn nằm dưới gốc sung chờ sung rụng. Đến khi nghe Bapak qua đời hắn mới giật mình bủn-rủn tay chân. Ấy vậy mà mãi đến 1000 ngày sau khi Bapak qua đời hắn mới lò dò tìm đường đi thăm mộ Sư-phụ.

Hắn rời Sydney vào 5 giờ chiều ngày 16/3/90 cùng đi với hắn có Stephen Nguyễn, em trai Minh Sư, trên máy bay gặp phái đoàn Úc khoảng 30 người, đến 10 giờ đêm là tới phi trường Jakarta. Trên đường từ phi trường về Visma Subud nhìn quanh cảnh hai bên đường: cũng nhộn nhịp, đông đúc xe cộ, bụi bay, khói xe, … hắn cảm thấy như đang đi về thăm Saigòn quê hương hắn.

Đến Wisma Subud vừa xuống xe gặp Hardjono Maniquant, ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi-tủi, gặp lại nhau 12 năm xa cách. Mừng vì thấy Hardjono vẫn tráng kiện, oai phong, tinh thần vững mạnh như thuở nào. Gặp lại sư-tỷ Mỹ Hạnh, sau gần 20 năm, trông sư-tỷ mặt mày rạng-rỡ đầy ân phước quả thật là con cưng của Sư-phụ có khác. Phái đoàn Việt Nam về dự lễ tất cả 5 người. Mỹ Hạnh, Hardjono, Alfiati Nguyễn, Stephen Nguyễn và hắn. Quả thật là thiếu xót nếu không giới thiệu với các bạn cô Alfiati là em gái của Minh Sư, cô đã từng sống ở Nam Dương cạnh Bapak, cô nói được tiếng Indonesia, cô đã đến đây trước cả tuần lễ và được tháp tùng theo Ibu Rahayu đi về quê nơi sanh đẻ Bapak.

Sau khi làm thủ tục sơ khởi nhập trung tâm, vì các anh chị em trên thế giới đến quá đông, mặc dù đã book trước, Wisma Subud đã hết chỗ nên được xếp về ở Conference center cách Wisma khoảng 4,5 cây số, được cái là ở chung trung-tâm với Hardjono là nhất rồi.

Ngày đại lễ 17-3-1990
Sáng nay dậy sớm, Hardjono dẫn sang Wisma Subud làm thủ tục chính thức ghi tên, ban tổ chức làm việc rất chu đáo, các bữa ăn đều ở căn nhà cũ của Bapak.

Gặp lại Hardjono thôi thì biết bao nhiêu chuyện để nói, để bàn, để ước vọng…

Thanh niên đầu bạc Hardjono Maniquant và "hắn"
 

Đi vòng thăm Wisma Subud khung cảnh thật yên tịnh, nhìn những công trình Bapak để lại cho con cái Ngài, hắn cảm thấy một tội lỗi trào dâng trong lòng hắn, bản tính lề phè của hắn, lo cho chính bản thân hắn còn chưa xong thế mà cứ mộng mơ viễn vông, tâm hồn hắn như muốn chao đi, nước mắt hắn chảy xuống như muốn cầu xin một việc gì?

Chiều nay, đúng 6 giờ sẽ có xe chở tất cả các anh chị em trên khắp thế giới về dự lễ 1000 ngày của Bapak đến Pendojo ở Pamulang, đây là căn nhà mà Bapak đã xây và đã dời về đây ở và Bapak đã sống ở đây vào những ngày cuối cùng. Phải mất 1 giờ xe từ Wisma Subud đến Pamulang. Đường vào nhà Bapak hơi khó đi vì xe bus lớn lại đông nên bị kẹt xe, chúng tôi đến khi trời đã tối hẳn, từng đoàn xe nối đuôi nhau thành một hàng dài.

Từ cổng vào đến nhà Bapak là một thảm cỏ dài, vào đến tiền đường (pendopo) một kiểu kiến trúc tổng hợp Âu-Á, càng nhìn càng thấy lộng lẫy, đèn điện sáng choang, hắn có cảm giác như lạc vào một cung điện nguy nga, rực rỡ. Tiếc rằng vì là trời tối không quan sát hết được vẻ đẹp diệu kỳ của căn nhà.

Mọi người đã đến đông đủ, khoảng trên 2000 người (ngoại quốc khoảng 400 người). Nam bên phải, nữ bên trái, ai nấy đều ăn mặc rất sang trọng.

Đúng 7 giờ sau khi con trai Bapak đại diện gia đình Bapak đọc diễn văn khai mạc và tiểu sử của Bapak, kế đến là lễ nghi theo Hồi giáo, đọc kinh Coran; sau phần đọc kinh là ẩm thực, các phần ăn được phân phát thật dồi dào, không có một ai cảm thấy thiếu thốn, quả thật như một anh chị đã nói: „Mỗi lần đến nhà cha dự lễ không một ai cảm thấy thiếu thốn“. Sau khi mãn ẩm thực, từng đoàn người nối đuôi nhau ký tên vào cuốn Golden-Book và được gia đình Bapak tặng cho mỗi người một cuốn Susila Buhdi Dahrma, kế đến là latihan. Latihan thì khỏi nói thật là tuyệt vời!

Viếng mộ Bapak

Từ sáng tinh sương từng đoàn xe nối đuôi nhau về nghĩa địa thành phố Djakarta. Hàng hàng lớp lớp anh chị em trên khắp thế giới tề tựu về đây, tay mang những bó hoa tươi, muôn màu, kính cẩn đặt lên trên mộ Bapak và gia đình Ngài, họ mang đến đây muôn vàng lòng kính mến, lòng biết ơn, lòng luyến tiếc…

 
   
   

Anh chị em Subud Việt Nam nối đuôi nhau quì lại trước mộ Ngài, ngồi cầu nguyện đến trưa mới về.

Trưa nay có latihan tập thể tại Wisma Subud, latihan thật tuyệt vời.

Sau latihan hắn đang ngồi tịnh tâm trước phòng tập, thật tình cờ do thánh ý của Thiêng-Liêng, hắn gặp lại người anh phụ-tá Nam Dương Susilotono, trước đây là đại tá trong quân đội Indo, đã sang Việt Nam năm 72 trong phái đoàn kiểm soát đình chiến ở Việt Nam, gặp nhau thật bất ngờ, thăm hỏi nhau về bè bạn, người còn người mất, hiện nay anh đã về hưu, đang phục vụ cho Subud Indo.

Thăm viếng Ym Bapak’s Mausuleum
Chương trình hôm nay sẽ đi viếng Cipanas, tất cả khoảng 250 người, từ sáng sớm trời đổ mưa tầm tả, đi mất gần 3 tiếng đồng hồ xe mới tới, cách Djakarta khoảng 110 cây số, nơi đây dự định sẽ dời mộ của Bapak và gia đình Ngài về đây, vì nghe đâu Thị trưởng thành phố sẽ yêu cầu dời nghĩa địa thành phố đi nơi khác và hình như Bapak đã dự trù từ trước, nên ngài đã sử soạn trước tất cả. Đường đi khúc khuỷu quanh co dọc theo các sườn đồi trồng trà. Đi mãi tới trưa mới tới 1 cô nhi viện của Subud Indo tài trợ, dưới sự đóng góp ngân quỷ của Subud quốc tế. Đây cũng là dự án của anh chị em Subud thực hiện từ khi Bapak còn sinh tiền, phái đoàn đã được các em đón chào từ ngoài cổng, đến đây hắn lại nhớ đến saigòn năm xưa, cùng với anh chị em ở quê nhà đi thăm viếng và ủy lạo các em cô nhi ở Xóm mới, Bình dương, Biên hòa.v.v.

Ôi sao! Hình ảnh của các bạn hắn cứ hiện ra trước mắt hắn: nào Phương, Hướng Thiện, Mão, Bình, Thăng cùng các anh chị em Subud Việt Nam tích cực hoạt động xã hội. Hình ảnh hình như mới xảy ra, ấy thế mà đã 20 năm rồi còn gì?

Ăn trưa tại cô nhi viện, xem các em ca hát, múa các điệu múa dân tộc, mãi đến 1 giờ trưa đoàn người mới ra xe đi đến Bapak’s Mausuleum, xe ngừng trước cổng, đi bộ vào khoảng trên 1 cây số, lên đến tận đỉnh của một trong những ngọn núi của Cipanas, quang cảnh chung quanh thật là hùng vĩ, đứng tại nơi đây các bạn có thể nhìn thấy 1 màu xanh của các ngọn núi chập chùng xung quanh. Đoàn người nối đuôi nhau đi đến tận nơi Bapak đã đặt chân móng để chụp hình kỷ niệm. Nơi đây đã dự kiến sẽ xây một ngôi nhà thật lớn trong đó sẽ đặt mộ phần của Bapak và gia đình ngài, cạnh đó sẽ là 1 nhà khách, mai sau các anh chị khắp nơi trên thế giới sẽ qui tụ về đây và nơi này sẽ trở thành Thánh địa của Subud mai sau. Công trình này có thực hiện được hay không cũng tùy thuộc vào sự thành tâm thành ý của anh chị em chúng ta trên toàn thế giới.

Hội nghị vùng Á-Châu
Sáng 30/3/1990 hội nghị vùng Á châu đã được khai mạc dưới sự chủ tọa của Ibu Rahayu, Virindra Vittachi (WSC), Rozack Tatebe (ISC), Muchsin Russ (Asia Zone coordinator). Sau bài diễn văn khai mạc, Ibu Rahayu có cho một bài nói chuyện. Sau đó hội nghị tiếp tục làm việc vào buổi chiều và các ngày kế tiếp. Hôi nghị đã nghe các báo cáo về các hoạt động của các quốc gia trong vùng, tình hình Subud Việt Nam cũng được tường trình trong dịp này. Nhiều dự án xã hội đã và đang thực hiện tại các quốc gia: Indo, Úc, Sri-Lanca. Cũng trong hội nghị này đại sư tỷ Harlinah Longcroft tha thiết kêu gọi các quốc gia đóng góp các tài liệu về lịch sử Subud của quốc gia mình, dưới nhiều hình thức như: hình ảnh, ký sự, báo chí .v.v. Đây là một việc làm cực kỳ quan trọng. Cũng trong dịp này các anh chị em đã đề cữ chị Mỹ Hạnh Lâm Quỳnh Hoa đảm nhận về Archive cho Subud Việt Nam, mặc dù chị rất bận nhiều công việc, cũng tình nguyện đảm nhiệm. Vậy xin tất cả các anh chị em gửi gấp các tài liệu liên quan đến các hoạt động của Subud Việt Nam trước và sau 75 qua Pháp cho chị Mỹ Hạnh, chị sẽ tổng hợp và dịch qua tiếng Anh, sau đó sẽ gửi qua Indonesia cho Harlinah.

Thăm các đại sư huynh
Nhờ Hardjono dẫn đường nên được gặp lại Đại huynh Brojo trước, mặc dù rất bận việc, đại huynh luôn luôn niềm nỡ tiếp chuyện và thăm hỏi về Subud Việt Nam. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng đại huynh vẫn còn tráng kiện và vẫn hăng say trong công việc phục vụ Subud, văn phòng của sư huynh ở ngay cạnh Latihan Hall. Đại huynh nói mình tập latihan không những mình được hưởng ân phước mà tổ tiên mình cũng được hưởng nữa, bằng chứng là đại huynh thường gặp mặt tổ tiên của đại huynh luôn.

Hôm sau mặc dù ngã bệnh, hắn cũng cố gắng cùng Hardjono đi thăm đại huynh Sudarto. Đại huynh năm nay cũng đã trên 70 tuổi, trông đại huynh vẫn còn tinh anh hiền hòa. Ngay từ sáng sáng sớm cũng đã có anh chị em Subud đến thăm rồi, cánh cửa nhà đại huynh luôn luôn rộng mở đón tiếp mọi người, đại huynh lúc nào cũng ôn tồn cười nói cho những lời khuyên hữu ích đến mỗi người. Sau một hồi hàn huyên và chụp hình lưu niệm, từ giã đại huynh với bao niềm ưu ái.

Prio Hartono ở Mỹ không về nên không có dịp hội kiến. Đi thăm Susilotomo để chào giã biệt nhưng tiếc không gặp.

Giã từ Sư-Phụ

 
   
   

Sáng nay cùng Hardjono, Ramdan Simpson ra viếng mộ Bapak để từ biệt ngài, để ngày mai về Úc. Hắn quỳ xuống trước mộ Bapak để tạ tội:

- „Bapak ơi! Xin Bapak tha tội cho con, vì với bằng này tuổi đầu vẫn chưa làm được việc gì cho Subud.
Đất nước con vẫn còn đắm chìm trong đêm tối. Dân tộc con vẫn còn chồng chất oán cừu, chia rẽ, nghèo khổ, chưa hồi tỉnh ăn năn, chưa tìm ra lẽ Đạo. Chúng con phân tán trên đất khách quê người, quay cuồng với cuộc sống, chưa làm việc gì cho đại sự. Con quỳ lạy Bapak xin hãy tha tội cho con. Xin Bapak hãy cầu xin Thiêng Liêng Toàn Năng tha thứ tội lỗi cho đất nước con, dân tộc con để:

  • Subud được phát triển.
  • Đất nước con được thanh bình thịnh vượng, không cộng sản.
  • Dân tộc con Phúc lạc.
  • Chúng con được cứu rỗi, thanh lọc để sống một cuộc sống đúng theo Ý-Muốn của Đấng Toàn Năng”.

Thế rồi toàn thân hắn rung lên cầm cập, mắt hắn mờ đi, một hình người hiện ra, hiền từ nhìn hắn với biết bao trìu mến… hắn rũ người gục xuống.

Ngoài kia ánh nắng rạng rỡ rơi xuống, tiếng chim hót líu lo, một luồng gió mát nhẹ nhàng thổi qua, tất cả những ưu tư chất chứa trong tâm hồn hắn từ từ biến mất.

 
 

 

 
 
  © 2013 Góc Nhỏ