Chữ ký

Margono Lê Văn Tấn
  
07.2007

Trong buổi ra mắt sách, phần không bao giờ thiếu là chữ ký của tác giả lên cuốn sách trình làng. Tặng bạn bè một cuốn sách của người ... khác viết mà mình đọc thấy ưng ý, viết ít chữ thân ái vào đó và cũng không quên chữ ký của mình phía dưới. Từ cái thiệp Giáng Sinh, thiệp Chúc mừng, ... không bao giờ thiếu chữ ký. Tôi cũng không ra ngoại lệ này, nghĩa là có dịp là phóng bút ký loằng ngoằng liền, làm như chữ ký mình ... đẹp lắm. Có một thời lúc còn nhỏ, còn đi kiếm mấy cuốn sách viết về cách ký tên để đọc. Nghiên cứu để ký tên làm sao mà cuộc đời chỉ… lên thôi đừng có... xuống. Nhưng sách dạy là một chuyện còn ký theo tên của mình được như sách chỉ hay không là chuyện khác, nên có lẽ vì vậy mà số người xuống chó thì nhiều hơn lên voi chăng!

Tựu chung tức là ai cũng có chữ ký và khoái ... ký. Tôi chẳng những thế mà còn thích ngắm chữ ký của ngưòi khác, nhất là những người nổi tiếng. Tôi còn nhớ một lần lúc làm việc trong Không Quân, một bữa không còn nhớ vì lý do gì tôi phải lục kiếm một tài liệu quốc cấm cho xếp của tôi. Trong tủ chứa tài liệu mật, tài liệu nào trang bìa cũng đóng chữ "tối mật" đỏ chói. Hồ sơ với chữ ký từ Tư Lệnh, Tư Lệnh Phó, Tham Mưu Trưởng, Tham Mưu phó, tới các quan lớn ở các sư đoàn. Mê quá, tối hôm đó đi trực, tôi lại mang ra xem lại, không phải xem nội dung các tài liệu mà chỉ nghiên cứu từng chữ ký của mấy ông ngồi cao chót vót. Chữ ký của ông nào cũng cứ như rồng bay phượng múa, có lẽ nhờ vậy mà họ mới làm lớn chăng? Thình lình trong chồng hồ sơ tôi giựt mình khi bất ngờ thấy được chữ ký của... "thần tượng" của tôi. Tôi mê ông này không bút mực nào tả hết, suốt cuộc đời chắc chỉ nễ có mỗi ông này mà thôi. Ông là một người văn võ song toàn.

Số là, sau khi đậu tú tài II xong, tôi đi học luyện thi vào trường Cao đẳng Phú Thọ. Ông thầy dạy toán luyện thi là một anh kỹ sư công chánh còn trẻ măng, cựu sinh viên Phú Thọ. Một hôm trong giờ học, 34, 35 năm về trước nên tôi không còn nhớ tại sao „thầy“ không dạy toán mà lại nói chuyện "năm trên". Mấy ông tân sinh viên chúng tôi ngồi nghe hốc cả mồm miệng ra, con ruồi bay vào đậu trong đó chắc cũng không biết.

Thầy kể: Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh cầm đầu một phái đoàn các nhà khoa học hàng đầu của Mỹ quốc sang Nga thuyết trình về Khoa-học Không-gian. Như chưa đủ, ông thầy còn kể thêm: đường quỷ đạo phi thuyền lên không gian là do Nguyễn Xuân Vinh vẽ. Lúc đó tôi chưa biết Nguyễn Xuân Vinh là ai, chỉ biết lòng ngập tràn sung sướng. Trời ơi, kinh quá, dân con rổng cháu tiên sao mà dễ sợ vậy. Dù ông thầy có phịa ra hay thêm mắm dậm muối, bọn chúng tôi lúc ấy không đứa nào đem lòng hoài nghi.

Khi cầm sấp hồ sơ mật có chữ ký của ông ở phía dưới, tôi còn kính phục ông hơn, cựu Tư lệnh KQ. Thần tượng của tôi vĩ đại quá. Kiến thức khoa học của ông còn mức nào cao hơn được nữa không? Lấy hai bằng tiến sĩ, một của Pháp và một của Mỹ. Binh nghiệp, ông từng chỉ huy một binh chủng mạnh hàng đầu vùng Đông Nam Á. Tôi định bữa nào đặt mua quyển sách ông viết về Không-gian, tôi tìm thấy trên Amazon; một tài liệu nghiên cứu mà ông cho xuất bản. Gương chăm học của ông ảnh hưởng nhiều vào khoảng thời gian tôi theo học đại học. Hình ảnh chàng sinh viên sĩ quan Không-quân ngồi bên dòng sông Seine thơ mộng, ôn bài cho những kỳ thi trong chương trình kỹ sư Toán trong khi đang theo học khóa phi công, thật không còn gì đẹp hơn.

Nhìn chữ ký của ông tôi thích lắm, muốn mang đi chụp trang có chữ ký này cất giữ, nhưng sợ chẳng may tụi bên "an ninh" biết được, tụi an ninh thì chuyện gì mà không biết, tưởng tôi muốn đánh cắp tài liệu mật, cho ... đi tù thì tiêu đời, nên tôi đành phải để xấp hồ sơ vào tủ khoá lại như cũ.

Hiện nay trong tủ sách gia đình của tôi có hai quyển sách của ông viết. Tôi mua thêm một cuốn tặng đứa con người đàn anh (trên sân cỏ). Đây là lần đầu ngoại lệ, tôi không... ký tên của mình đề tặng vào quyển sách. Chàng thanh niên trẻ tuổi này, đúng là "Tuấn chàng trai nước Việt", là một trong số rất ít người Việt học hành lỗi lạc trên đất nước tôi đang ở. Chàng nuôi mộng một ngày đẹp trời nào đó được vào làm cho cơ quan NASA. Chàng tốt nghiệp tiến sĩ Vật-Lý. Còn tôi, tôi muốn qua quyển sách, cho chàng thanh niên này thấy rằng, cả hai chúng tôi đã hãnh diện được làm người Việt Nam.

Dù thích chữ ký như vậy nhưng trong đời tôi tới giờ phút này, tôi chỉ có 2 lần đi... xin chữ ký, một lần được cho ngay, một lần phải chờ tới... mấy năm sau.

Năm tôi học đệ nhất trường Hồ Ngọc Cẩn, đang học giờ toán của thầy Bùi Khắc Lạc, một ông thầy trẻ chịu chơi giỏi toán thần sầu, nhưng chắc chắn không bao giờ giỏi bằng Nguyễn Xuân Vinh, thì xuất hiện trước cửa lớp 3 nàng tiên áo trắng. Nàng nào cũng đẹp như ... tiên (chẳng biết tiên đẹp ra làm sao!). Mỗi nàng ôm một chồng báo Xuân đi bán. Cứ tưởng các "mợ" bên Lê Văn Duyệt, trường bạn láng giềng, qua dụ khị mua báo, có năm nào mà vắng bóng các nàng đâu. Nhìn lên huy hiệu trường đeo trên áo của mấy nàng, cả xóm ồn ào lên: "Gia Long tụi mầy ơi!". Suốt 7 năm học, năm này là năm cuối của tôi, lần đầu thấy mấy nàng Gia Long. Chắc báo năm đó bán không được ... chạy, nên mấy nàng mới chịu khó lặn lội vào miệt ... khỉ ho cò gáy bên Gia Định này.

Vét hết tiền mua được một cuốn, còn đang lật lật xem mấy nàng viết ra làm sao. Thằng bạn ngồi bên cạnh hỏi: "có chữ ký chưa?" Nó chìa cho tôi coi cuốn của nó, có một chữ ký bay bướm ký trên trang đầu. Nó còn diễn nôm thêm: "được dịp phá em một chút xíu chơi". Tôi gấp tờ giai phẩm lại, nhìn ba em thể như đang chấm thi hoa hậu. Thấy một em hợp nhãn nhất, tôi đi lên đưa cuốn giai phẩm cho em ký, nhưng có lẽ ... rung quá chẳng phát ngôn được câu nào. Cô nàng trước khi ký tên, nhìn tôi mĩm cười một cái (Ôi! nụ cười Bao Tự). Đó là lần đầu tôi xin chữ ký, được cho còn lời ... nụ cười duyên.

 
   
   

Mấy năm sau, ngồi ngoài phi trường Hannover, một tỉnh nằm trên miền Bắc nước Đức. Bàn tôi có anh Liêm Khiết, anh Hoàn Toàn, Margono Dũng và một anh chàng Subud người Nam Dương, tên Latif Talif. Gần đó, sát bên cửa kính nhìn ra phi đạo là Bapak và đoàn tùy tùng ngồi. Chúng tôi được các huynh đệ Subud Đức cho tháp tùng ra phi trường tiễn Bapak trong chuyến qua Đức gặp Bapak của anh em chúng tôi. Ngồi nói chuyện được một lát, thì phe Việt Nam bắt chước mấy người Subud Đức, đi qua xin chữ ký Bapak, anh Sulaiman Đỗ Tấn Sĩ (†), anh Muliono Nguyễn Phan Nho, anh Hoàng Cung Nguyễn Văn Lưu,... Bàn tôi thì Margono Nguyễn Đăng Dũng là ngưởi đi xin chữ ký trước nhất. Anh Liêm Khiết kiếm đâu trong bóp được tấm hình Bapak, cũng chạy qua xin chữ ký. Tôi không còn nhớ anh Hoàn Toàn có làm hay không. Tôi cũng muốn được chữ ký của Bapak, nhưng không biết dùng cái gì để xin. Dũng hay anh Liêm Khiết, lâu quá rồi tôi chẳng còn nhớ, thấy tội nghiệp đưa tôi một tấm hình Bapak. Tôi khoái quá, đứng lên hí hửng định đi qua bàn bên kia xin chữ ký Bapak, thì ... anh chàng Latif Talif ngồi cùng bàn, đưa tay chận lại: „mầy đừng làm phiền Bapak“. Tôi cực chẳng đã phải ngồi xuống, miệng thì cười gượng một cái nhưng trong bụng thì sùng lắm. Nhìn thấy dân Subud khắp nơi có mặt ở đó lên xin chữ ký ào ào, nhìn lại đồng hồ giờ bay cũng sắp tới, tôi sốt ruột quá ngồi đứng không yên, sợ lỡ một dịp may ngàn năm. Tôi rình rình thấy anh chàng Nam Dương đang mãi mê nói chuyện không để ý, tôi đứng lên thật lẹ, nhưng chưa kịp đi, thì bị một bàn tay nắm áo kéo lại. Ngó lại cũng anh chàng kỳ đà... cà chớn Latif Talif, anh ta tỉnh bơ: „đã bảo đừng làm phiền Bapak“. Tôi nhìn anh Liêm Khiết Trương Trọng Bình: “sao hắn không cản ai mà chỉ cản em là làm sao vậy?“. Anh Liêm Khiết: „chắc số bồ không được“.

Tôi đành ngồi xuống mặt mày buồn hiu, anh chàng Nam Dương nói nói cười cười với anh Liêm Khiết, anh Hoàn Toàn và Margono Dũng. Một lát sau Bapak và phái đoàn ra đi, cõi lòng tôi tan nát. Cái anh chàng Latif Talif... mắc dịch này ngồi vô bàn của tôi làm chi vậy hở trời. Thế mà khi chia tay, hắn còn dám theo "thủ tục" ... dân Subud, ôm tôi một cái thật chặt giã từ, còn vòng tay tôi thì ngược lại chỉ... hững hờ.

 
   
 
   

Tôi ước ao có một ngày nào đó tôi được chữ ký của Bapak ký cho, không biết để làm gì, nhưng chắc là hạnh phúc lắm. Tháng nhịn năm 78, tôi ngồi gò vẽ tấm hình Bapak bằng tranh sơn dầu, vẽ mất gần một tháng. Ngắm đi ngắm lại, chính tôi, tôi cũng thấy không ... "cứng", đường cọ không … "mềm". Biết làm sao, TĐ chỉ cho tôi có ngần đó khả năng. Vẽ truyền chân khó lắm, đôi khi xuất thần vẽ một tấm để đời (ít khi lắm), còn thì rất là ... nguy hiểm. Người mẫu cười, mình vẽ thành ... mếu thì chết. Còn có vẽ đẹp hơn người thật thì chắc chắn sẽ được... khen. Vẽ xong tôi không ký tên tôi vào đó, nhưng ký chữ ký của ... Bapak. Anh Mursalin, anh Subud Áo, thấy bức họa của tôi, ngấm một hồi rồi nói: „chữ ký này đâu phải của mày, của Bapak! …vẽ không được hay lắm. Tại sao lại vẽ chữ ký Bapak lên đó?“. Anh Mursalin là một trong những người đàn anh vĩ đại của Subud Áo. Anh là một nhà điêu khắc, có cuộc sống rất thanh bần. Nghề điêu khắc hay hoạ sĩ ở đâu mà không sống đạm bạc, mặc dù anh tốt nghiệp trường Mỹ thuật bên Anh về và anh đi du học với học bỗng. Tôi đáp lời anh bằng nụ cười, chẳng lẽ tôi nói với anh là, tại tôi mong ước có chữ ký của Bapak quá, nên tự ký cho mình.

Khi tôi vẽ cho Mawardi Trương Trung Hậu, bức hoạ nhỏ bằng bút chì, tôi cũng cho chữ ký của Bapak lên đó. Tôi thích chữ ký của Bapak biết là dường bao.

Mấy năm sau, tôi được làm phụ tá. Cầm cái thẻ phụ tá, Bapak ký bằng mực xanh lục ở phía dưới, tôi nhớ tối đêm đó trong căn phòng chỉ có mình tôi (khi đó tôi hãy còn độc thân), tôi sung sướng quá, một chữ ký đáng lý ra tôi cũng được như anh Liêm Khiết hay Margono Dũng từ lâu lắm rồi, nếu không có anh chàng ... huynh đệ Nam Dương ... đáng ghét kia. Nhưng ngay lúc ấy ... tôi bỗng nhớ tới một bài nào đó mà ngày xưa tôi đã đọc qua, đại khái là, Bapak nhiều khi phải cầu xin TĐ mới ký xuống được chữ ký của Bapak để bổ nhiệm người nào đó làm phụ tá. Nụ cười sung sướng thoả mãn trở thành méo xẹo. Chắc chắn tôi cũng nằm trong số những người này.

Ngày nay tôi đã gát thẻ phụ tá không làm nữa, vì ham chơi hơn ... phụ giúp Bapak làm việc; tôi sợ mình không làm tròn nhiệm vụ, tội này còn nặng hơn tội ... không làm. Dù còn làm phụ tá nữa hay không, chữ ký của Bapak ký cho tôi vẫn ở lại bên tôi mãi mãi.

Bên lề bài viết: bức hình vẽ bằng chì, Mawardi Hậu mới scan gởi tặng lại.

Anh chàng Nam Dương, khắc tinh của tôi, ở Đức, có vợ người bản xứ. Anh Liêm Khiết và Margono Dũng đã tạm trú tại nhà anh trong khoảng thời gian qua gặp Bapak. Anh Liêm Khiết cho biết: bà vợ Đức của anh chàng Lalif Talif cũng thuộc loại gái Hà Đông bên mình. Anh chàng Nam Dương này cũng phải ...e dè. Cô nàng than thở với anh Liêm Khiết: "anh biết không, hồi xưa (lúc chưa lấy nhau) đi đâu ảnh cũng đòi đi chung cho bằng được....bây giờ có con rồi, tôi... mập ra, to hơn ảnh, ảnh sợ hết xứng...đôi, nên đi đâu ảnh cũng đì ...xa xa hay là đi một mình..... thiệt là tức.... "

 
 

 

 
 
  © 2007 Góc Nhỏ