Từ biệt Varindra

Sharifin Gardiner
   Kurnia Trần Thị Kim Thái dịch -
    
Trích trong WSA NEWS trang 5 trong Volume 4 - Number 7 - July 1996

 
Varindra Vittachi tại hội nghị ở New York bắt tay Simon Guerrand. Ed Kerner (góc phải)  
   

Vào buổi chiều tối ngày 12 tháng 6 một buổi selamatan thân mật hay buổi họp mặt hồi tưởng đã được tổ chức để đánh dấu ngày thứ 1.000 kể từ ngày Varindra Vittachi qua đời vào ngày 17.9.1993 và đó cũng là ngày mà người cha quá cố của Simon và Hubert Guerrand Hermes là Jean-Renee ("Raoul") đã qua đời cùng giờ với Varindra. Ông là một nhà doanh nghiệp, người đứng đầu tổ chức kinh doanh Hermes nổi tiếng ở quốc tế, thực sự là người hiểu biết và yêu thích thế giới này. Ông ấy quen biết Varindra và đã được khai mở 3 tháng trước khi mất. Một bữa cơm chiều đặc biệt đã được Simon và người anh em sinh đôi là Hubert lo liệu. Sau đó mọi người cùng nhau tụ tập lại thành vòng tròn. Hai anh em song sinh Guerrand đã nói một cách yêu thương về người cha của họ và sự nối kết của ông ấy với Varindra và nhiều người khác nữa cũng nhắc đến Varindra. Matthew Sullivan là người đang viết về tiểu sử đã nói sau cùng về cuộc đời sự nghiệp ban đầu của Varindra. Còn lời từ biệt cảm động của Sharif Horthy được in lại bên dưới đây:

Ibu Rahayu đã giải thích sự quan trọng của buổi lễ selamatan 1.000 ngày là đánh dấu thời điểm khi mà, nhờ vào Ân huệ của Thượng Đế Toàn Năng, jiwa của một người đã mất cuối cùng có thể giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc đã cột chúng ta với thế giới này và cũng là lúc cho những ai còn ở lại không quá quyến luyến đối với người đã ra đi và có thể nói lời từ biệt sau cùng.

Varindra sinh ngày 22.9.1921 tại Sri Lanka, lúc đó là Ceylon, là một phần của đế chế Anh. Cha của ông là một giáo viên và mẹ của ông là một tín đồ Thiên Chúa giáo đã sinh được 10 người con. Vào tuổi niên thiếu ông có biệt danh là "Tarzie" (Tarzan) do bởi tính gan dạ khi leo cây và những người ngoài Subud đều biết đến ông qua tên gọi này. Ban đầu ông là một nhà báo, một người theo chủ nghĩa Trotsky và là một người theo chủ nghĩa dân tộc Sri Lanka mạnh mẽ và chẳng bao lâu ông có tiếng là một nhà báo dũng cảm, dí dỏm và đả phá những tín ngưỡng cổ xưa hủ lậu khi ông làm chủ bút cho một tờ báo hàng đầu ở Sri Lanka.

Trong khi ông vẫn chủ yếu viết về Châu Á, ông đã từng bước thâm nhập vào ngôn ngữ và văn hóa của nước Anh, hết lòng ca ngợi Shakespeare, ưa thích môn bóng cricket và trò chơi ô chữ của tờ báo Times. Ông là nhà báo hàng đầu ở Châu Á và qua Quỹ báo chí của Châu Á ông trở thành một tiến sĩ của ngành báo chí và là nguồn cảm hứng cho hàng trăm nhà báo trẻ. Trong thập niên 1970 ông sáng lập tờ Asian là tờ báo được phát hành đồng thời tại năm thủ đô của các nước Châu Á. Sau đó ông trở thành một viên chức cao cấp trong Liên Hiệp Quốc (UN), trước tiên trong Chương Trình Dân Số Thế Giới và kế đến là Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), đây là tổ chức của Liên Hiệp Quốc hoạt động vì trẻ em. Tại Liên Hiệp Quốc ông đã dùng những kỹ năng đặc biệt của mình qua việc trao đổi thông tin bằng lời nói và viết, và sự không dung thứ cho chế độ quan liêu của ông đã làm cho những tổ chức nơi ông làm việc ngày càng hoạt động có nhiều hiệu quả hơn và đáp ứng được nhiều hơn những nhu cầu của trẻ em và người nghèo. Trong những năm  cuối cùng của mình, ông đã du hành liên tục và được xem là một chính khách đáng kính ở nhiều nước nơi mà các nhà lãnh đạo đã nhận ra sự thông thái, hiểu biết và lòng thương cảm sâu xa của ông. Ông biết nhiều người nắm vai trò chính trong tình hình của thế giới và đã có một sự hiểu biết đáng kinh ngạc về những quá trình đang xảy ra trên thế giới, và ông yêu thích được chia sẻ sự hiểu biết của mình với những người trong và ngoài Subud qua hình thức truyện kể.   

Trong thập niên năm 1950 Varindra trở thành một người theo phong trào Gurdjieff và điều này đã khiến ông trở thành một trong những nhóm hội viên Subud đầu tiên được thành lập ở Anh vào năm 1957. Bapak đã đề cử ông là chủ tịch của Đại Hội Subud Thế Giới đầu tiên tại Coombe Spring vào năm 1959 và ông vẫn giữ vai trò chủ tịch cho đến Đại Hội Thế Giới gần đây ở Amanecer vào năm 1993, tại đây ông trông có vẻ rất bệnh và đã phát biểu trước Đại Hội và với những người trẻ bằng một giọng nói thì thào. Có lẽ Bapak đã chọn ông vì ông đã kết hợp được ngay trong chính bản thân mình những phẩm chất của phương Đông và phương Tây mà còn vì sự cống hiến của ông cho Bapak về sự hoàn toàn thiếu tham vọng của ông trong Subud, vì sự nhẹ nhàng trong phong cách của ông và vì sự từ chối để cho tổ chức trở nên tồi tệ hay không phát triển được. Trước mỗi Đại Hội Thế Giới, từ Đại Hội Thế Giới lần thứ ba ở Tokyo trở đi ông đều nói trước với tất cả sự chân thành là ông muốn xin từ chức chủ tịch, nhưng mỗi lần như thế Bapak đều đặt ngón tay của Người lên ông và khẩn khoản xin ông hãy tiếp tục. Trong khoảng thời gian từ giữa Đại Hội ở Anugraha và Đại Hội ở Sydney ông đã không hoạt động gì vì ông trở nên lo lắng về cơn bệnh và cuối cùng là sự qua đời của người vợ thứ hai của ông là Lestari, nhưng theo sự trắc nghiệm của mình tại Đại Hội Sydney ông hết lòng đảm nhận vai trò của mình một lần nữa và ông đã nhìn thấy sự ra đời đầy khó khăn của Quỹ Muhammad Subuh (MSF), là điều được dựa trên sự tiếp nhận của ông nhiều năm trước khi Bapak qua đời và ông đã là người ủng hộ mạnh mẽ cho dự án Amanecer.

Những ai trong chúng ta biết rõ về ông đều nhận biết sự yếu đuối của chính bản thân con người ông, nhưng không thể không yêu quý ông. Tại sao vây? Bởi vì chính sự nhiệt tình, lòng thương cảm sâu xa và rộng lớn một cách đặc biệt, cùng với khả năng hoạt động vì tình bạn của ông. Xin cám ơn và chào từ biệt người anh thương mến.

 
 
   

 

  © 2013 Góc Nhỏ