Những hồi ức về cuộc họp Khu Vực Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Palangkaraya, Indonesia: 18 - 24.06.2000

Kurnia Trần Thị Kim Thái

Trong suốt 7 năm học tại trường nữ sinh trung học Gia Long tôi chỉ làm lưu bút có một lần và chị Khánh Minh là bạn của chị tôi đã mở đầu quyển lưu bút cho tôi như thế này: Rồi mai đây làm sao ta không khỏi buồn khi nhớ về ngày cũ, chiếc lá tàn con sóng cuốn vội ra khơi, như kỷ niệm dần dần bị đẩy xô vào một nơi nào đó trong trí nhớ rối ren.

Ôi, sự tàn phá của thời gian thật vô cùng!. Thế nhưng, khi tôi vào Subud tôi đọc thấy trong một bài nói chuyện của Bapak, Bapak nói rằng: Trong Latihan, khi quyền năng của Thượng Đế chạm đến các bộ phận của cơ thể chúng ta và làm cho chúng sống lại, chúng sẽ tự biết phải làm gì ..... như não của chúng ta khi nó trở nên sống động, chúng ta sẽ nhớ lại những gì mà chúng ta tưởng chừng như đã quên mất. Thật may mắn là tôi có được bằng chứng về lời nói này của Bapak.

Vào một ngày của tháng 3.2013 bỗng dưng tôi đến bên kệ sách, và một cách rất tình cờ tôi cầm lấy những tư liệu ít ỏi về Subud mà tôi có được, và trong số tư liệu đó tôi tìm thấy bản tường trình về Hội Nghị Khu Vực Châu Á - Thái Bình Dương mà tôi đã tham dự vào tháng 6 năm 2000 tại Palangka Raya - Nam Dương. Có dịp đọc lại bản viết tay đã được tôi viết cách đây khá lâu, toàn bộ chuyến đi dự Hội Nghị ngày đó với bao hồi ức ngọt ngào với bao hoạt động sôi nổi, đã lần lượt được tái hiện rất rõ nét trong tôi. Vâng quả đúng là như vậy, nhờ có ân huệ Latihan của Thượng Đế mà dấu ấn về chuyến đi dự Hội Nghị ngày ấy tưởng chừng như đã quên lãng nhưng thật ra vẫn mãi đậm nét trong tôi khi tôi nhớ lại....

Ngày Thứ Bảy 17.6.2000

Lúc 10h30' tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất để chuẩn bị đáp chuyến bay của hảng hàng không Singapore Airline bay sang Jakarta. Đúng 12h thì máy bay cất cánh. 13h50' máy bay đáp xuống phi trường Singapore và tôi phải đổi chuyến bay để bay tiếp sang Jakarta. Khu vực hành lang bên trong phi trường của Singapore rất rộng và rất dài, nhìn vào bảng thông báo giờ các chuyến bay trên các máy truyền hình được đặt dọc theo hành lang tôi được biết chuyến bay kế tiếp của tôi khởi hành vào lúc 15h30' và cổng ra nằm gần cuối hành lang. Vì lúc này tôi vẫn chưa biết giờ của Singapore đi trước giờ của VN là 1giờ, cho nên khi nhìn thấy đồng hồ đeo tay chỉ 14h tôi nghĩ mình vẫn còn khá nhiều thời gian nên không cần phải vội vã. Nhưng khi tôi đến được trạm kiểm soát vé để lên máy bay chuyển tiếp, nhìn thấy kim đồng hồ tại đây chỉ 15h15' tôi mới biết suýt nữa thì mình bị trễ chuyến bay!

16h15' phi cơ đáp xuống phi trường Jakarta, sau khi hoàn tất xong một số thủ tục hải quan tôi ra đến bên ngoài đã là 17h chiều. Dù là cổng ra của các chuyến bay quốc tế, nhưng bên ngoài khu vực cách ly của phi trường Jakarta khá là phức tạp vì có rất nhiều những người dẫn mối cho các taxi xé lẻ ( nghĩa là những tài xế taxi không hoạt động dưới cái tên của bất kỳ công ty nào, họ có xe hơi đậu ở bên ngoài phi trường và có người tìm khách cho họ). Khi nhìn thấy tôi đưa dấu hiệu 7 vòng tròn của Subud ra họ biết ngay là tôi đang chờ người đến đón. Thế là có vài người vây quanh tôi, có người đưa thẻ điện thoại cho tôi mượn và ra dấu bảo tôi đi gọi điện thoại ........ nhưng họ có biết đâu trong tay tôi không hề có bất kỳ một số điện thoại hay một địa chỉ nào của Subud!!! Vì ban đầu ông Bardolf tài trợ hai vé đi dự Hội Nghị lần này cho Hùng Minh và chị Halimah Thùy, cuối cùng thì cả hai bị bận nên không đi được và vào vài ngày trước ngày đi tôi được yêu cầu đi thay .... thế là tôi đã quên hỏi Hùng Minh số điện thoại hay địa chỉ của Subud tại Nam Dương!

Nhớ lại kinh nghiệm đi Hội Nghị lần đầu ở Nhật tôi đến một quầy thông tin để nhờ giúp đỡ. Tôi gặp một cô liên lạc ngồi ở đó và nhờ cô ấy gọi điện thoại cho Wisma Subud, nhưng cô ấy trả lời là không biết và từ chối mọi yêu cẩu của tôi. Trời mỗi lúc một tối dần và niềm hy vọng có một ai đó đến đón tôi tại phi trường Jakarta cũng không còn. Rồi bổng nhiên một lời thì thầm hay đúng hơn là một lời cầu nguyện ở bên trong vang lên: "Bapak, nếu không có ai đến đón con, con sẽ không thể đến dự Hội Nghị, con đành ở lại phi trường cho hết đêm nay để sáng mai bay về nhà" (vì vé máy bay của tôi là vé khứ hồi).

Và điều kỳ diệu đã thật sự xảy ra. Một quý bà người Nam Dương ra phi trường để đón con gái của bà đi làm việc ở Singapore về thăm gia đình. Bà thấy có nhiều tài xế taxi vây quanh tôi và chỉ thấy tôi nói có mỗi chữ Subud. Vì bà không nói được tiếng Anh nhiều nên bà gọi con trai của bà nói chuyện để xem có giúp được gì cho tôi không. Chàng thanh niên đi cùng với mẹ ra phi trường để đón em gái, đã hỏi tôi đến Nam Dương để làm gì. Tôi trả lời là tôi từ VN đến Nam Dương để dự một Hội nghị của Subud, vì tôi ngỡ là có ai đó đến đón tôi nên tôi không có địa chỉ hay số điện thoại của Subud tại Nam Dương. Chàng trai trẻ nói với tôi là người tài xế của gia đình cậu có lẽ biết địa chỉ của Subud, nhưng trước hết cậu sẽ đưa mẹ và em gái về nhà sau đó sẽ chở tôi đến Wisma Subud. Trên đường về Wisma Subud, chàng thanh niên chỉ cho tôi công ty hàng hải của gia đình cậu nằm kế ngân hàng của Subud được Bapak sáng lập. Với ngôi biệt thự nằm biệt lập trên đồi và công ty hàng hải mà chàng thanh niên vừa chỉ cho tôi thấy, tôi biết gia đình của họ thuộc dòng dõi lâu đời và giàu có tại Nam Dương. Và về sau tôi còn được biết thêm là Wisma Subud cách phi trường Jakarta khoảng 50km, thảo nào mà không có nhiều người ra phi trường Jakarta để đón người thân là vậy.

Tôi về đến Wisma Subud đã là 20h30'. Trước khi để tôi xuống xe chàng thanh niên còn hỏi tôi có đúng là nơi này không, nếu không cậu ta sẽ chở tôi đến tòa lãnh sự quán của VN tại Nam Dương để tôi trú ngụ tại đó cho an toàn chờ đến sáng mai thì bay về VN. Qua cửa kiếng của xe hơi tôi đã nhìn thấy ông Sultan, ông Bardolf và ông Hadrian là ba người mà tôi đều biết trước đó nên tôi rất chắc chắn đúng là nơi này, tôi cám ơn cậu ấy nói lời chào tạm biệt và rời khỏi xe. Cả ba ông gặp tôi đều rất mừng vì họ cứ ngỡ là kỳ này VN không có ai đi dự cuộc họp vì mãi đến tối tôi mới đến. Tôi được thông báo là sáng mai vào lúc 4h sáng tất cả sẽ cùng đi Palangkaraya. Sau đó cả ba ông đi tập latihan để tôi ngồi lại dùng cơm tại quầy bán thức ăn của Guest House là nhà trọ dành cho khách vãng lai đến Wisma Subud. Tôi nói chuyện với một em phục vụ ở đây và được biết Palangka Raya cách đảo Jakarta rất xa nhưng lại không hề nghĩ là xa đến nỗi phải đáp chuyến bay thêm một lần nữa. Indonésia là một nước gồm năm đảo lớn và nhiều đảo nhỏ. Kalimantan là một đảo lớn nằm giữa các đảo kia nên còn có tên gọi là Central Kalimantan và Palangkaraya là một tỉnh nhỏ nằm ở trung tâm đảo Kalimantan.

Ngày Chủ Nhật 18.06.2000

Lúc 4h sáng ông Bardolf và tôi đi taxi ra một phi trường nội địa. Đến nơi tôi gặp ông Sultan, ông Hadrian và một vài hội viên khác đã có mặt rồi. Mỗi ngày chỉ có một chuyến bay từ Jakarta đi Palangkaraya khởi hành lúc 6 giờ sáng. Phi cơ bay khoảng 1 tiếng là tới nơi. Ra đón tại phi trường là Pak Kuswanda và một vài người nữa mà tôi không biết tên. Sau đó mọi người chia nhau lên các chiếc xe Ford để về khách sạn Batu Suli, và ban tổ chức đã có mặt để tiếp đón mọi người. Thật ra một ngày trước đó đã có một số đại biểu đến Palangkaraya và trọ tại khách sạn. Tại bàn tiếp tân mỗi đại biểu khai tên và được phát cho một túi xách được đan bẳng lá có một cuốn sổ tay và một cây viết ở bên trong. Cũng tại đây tôi được ông Sultan giới thiệu tôi với Vaka là người điều phối của ban tổ chức, ông Sultan nói với Vaka là mọi chi phí ăn ở của tôi tại Batu Suli sẽ do Vùng chi trả, Vaka hỏi tôi có vui lòng ở chung phòng với một ai đó không vì hiện nay số phòng trọ gần như đầy hết. Tôi trả lời là có và Vaka đã chia tôi vào ở chung với chị Arifah mà sau này tôi mơi biết chị là thủ quỹ của Vùng 1&2 lúc đó.

Vừa ngay lúc đó các chị tập latihan ở một phòng gần đó bước ra, Vaka giới thiệu tôi với chị Arifah, và tôi chỉ kịp nói với chị vài câu để biết được số phòng của chị vì tôi đã nhìn thấy Ibu Ismana và Ibu Kuswanda mà tôi đã gặp ở Hội Nghị Osaka bên Nhật. Hai Ibu gặp lại tôi rất mừng, tôi chào hai Ibu và kể là tôi suýt bị lạc khi vừa tới phi trường Jakarta may mà sau đó tôi gặp được một quý bà người Nam Dương giúp đỡ. Thế là Ibu Ismana gọi Vaka ra nói gì đó, Vaka vội xin lỗi tôi và hỏi thăm sự tình, Vaka còn khích lệ tôi là vì tôi tốt và hay giúp đỡ người khác nên tôi đã gặp quý bà này. Tôi cảm thấy áy náy quá, tôi không có ý trách ban tổ chức, tôi chỉ muốn kể với Ibu Ismana là tôi thật may mắn khi có thể làm chứng cho lời Bapak đã nói là: Thượng Đế luôn hiện diện trong cuộc sống cùng với con người, và Thượng Đế nghe thấy hết mọi lời cầu xin của chúng ta.

Chào hai Ibu xong, tôi đi tìm chị Arifah và gặp được chị ở phòng ăn, chị đưa tôi về phòng vì chị chuẩn bị theo xe đi dạo chơi dọc theo bờ sông cùng với một vài đại biểu khác do hôm nay chúng tôi vẫn còn rảnh. Chị hỏi tôi có muốn đi cùng không, tôi vẫn còn mệt và chưa chuẩn bị gì cả nên tôi đã từ chối. Vào lúc chiều tối tại phòng ăn mọi người được thông báo là bắt đầu từ ngày mai chúng tôi sẽ dùng điểm tâm sáng được chuẩn bị sẵn đặt ở trước khách sạn, đúng 7 giờ lên xe đến nơi họp tại Rungan Sari, Tangkiling.

Ngày Thứ Hai 19.6.2000

 
trước nhà của Ibu Rahayu ở Rungan Sari  
   

Lúc 5 giờ sáng chi Arifah và tôi đều thức giấc, tôi có cảm giác là cả đêm qua mình đã không hề chợp mắt, vì tôi lo là nếu ngủ say mình sẽ thức dậy muộn thế là không theo kịp mọi người đến nơi họp, hơn nữa cũng vì lạ nhà. Dùng điểm tâm sáng xong chúng tôi theo xe đến nơi họp. Rungan Sari cách khách sạn Batu Suli khá xa, phải mất độ một giờ đồng hồ xe chạy mặc dù đường rất vắng, còn dọc hai bên đường là rừng cây um tùm xanh ngắt. Địa điểm họp là một căn nhà có mái nhọn được lợp bằng tôn, tường gạch, sàn gỗ nằm giữa một khoảng đất trống, xa xa chạy theo đường viền tròn bao lấy vùng đất này là nhà của Ibu Rahayu, của Ibu Yati và của một số hội viên khác. Sau đó tôi được biết ngay tại chính nơi họp này sẽ được xây cất lại thành phòng tập Latihan (Latihan Hall) của vùng Rungan Sari này.

Trong nhà ghế đã được xếp ngay ngắn nhưng đa số các đại biểu vẫn còn tụ tập thành từng nhóm đứng rải rác bên ngoài để trao đổi các vấn đề. Một lúc sau thì Ibu Rahayu và Ibu Ismana đến sau đó là Ibu Yati, nhưng vẫn chưa khai mạc Hội Nghị vì còn chờ các viên chức địa phương đến dự. Khoảng hơn 9 giờ sáng thì những người đại diện cho chính quyền đến và buổi lễ khai mạc bắt đầu. Hơn 10 giờ các viên chức ra về và tiếp sau đó là Ibu Rahayu cho bài nói chuyện bằng tiếng Nam Dương và ông Sharif Horthy dịch lại ngay bằng tiếng Anh. Buổi lễ được kết thúc vào lúc gần 12 giờ trưa. Mọi người đứng lên tiễn Ibu Rahayu ra về, còn chúng tôi dùng cơm trưa tại chỗ.

2 giờ trưa cuộc họp lại tiếp tục. Các đại biểu tham dự cuộc họp Vùng chia vào các nhóm để thảo luận về các đề tài khác nhau. Đề tài thảo luận bào gồm:

  • Sự lớn mạnh và trải rộng Subud
  • Văn hóa Subud và các hoạt động lợi ích
  • Susila Dharma
  • Quỹ Subud và Nhà Subud
  • Tuổi trẻ Subud
  • Những hoạt động kinh doanh ở Kalimantan
  • Các hoạt động kinh doanh của Subud
  • Tài chính và Ngân sách

Tôi ở vào nhóm thảo luận về đề tài "Sự lớn mạnh và trải rộng Subud". Trong nhóm gồm có ông Mansur Amir Sultan, Pak Haryono và Ibu Ismana, Ibu Kuswanda, các đại biểu Nhật và các đại biểu Úc. Nhóm thảo luận rất sôi nổi đến 8 giờ tối thì tạm thời dừng lại để ăn cơm tối tại chỗ rồi theo xe về tới khách sạn Batu Suli cũng gần 10 giờ đêm. Mọi người đều mệt nhoài, chị Arifah và tôi vội vã về phòng tắm rửa, thay quần áo, chúng tôi lên giường ngủ thì cũng đã gần 11 giờ đêm.

Những ngày kế tiếp sau đó lịch trình làm việc của chúng tôi như sau: sáng ăn điểm tâm tại khách sạn Batu Suli, đúng 7 giờ xe lăn bánh đưa chúng tôi đến Rungan Sari. Tại đây bên nữ tập latihan trước, xong ra ngoài đi tản bộ trong lúc chờ bên nam tập latihan. Bên nam tập xong là chúng tôi vào họp ngay, thảo luận đến gần 2 giờ trưa là dừng lại để ăn cơm tại chỗ, xong lại tiếp tục thảo luận đến khoảng 8 giờ tối, ăn cơm tối và trở về lại khách sạn.

Ngày Thứ Ba 20.6.2000

Buổi sáng nhóm chúng tôi lại tiếp tục thảo luận về đề tài "Sự lớn mạnh và trải rộng Subud" và ông Mansur Amir Sultan đã nêu tóm tắt những ý chính, đó là:

  1. Đấng Thiêng Liêng muốn Subud trải rộng. Chúng ta phải mở lòng ra để đón nhận những sư chỉ dẫn. Cho đến lúc này chúng ta vẫn đang phát triển những phẩm chất bên trong. Đây là giai đoạn của sự phát triển rộng lớn hơn của Subud trong thế giới này.
  2. Sự lớn mạnh và trải rộng Subud có liên quan đến:
    • Trách nhiệm của từng cá nhân hội viên
    • Sự tự đánh giá bản thân
    • Sự xây dựng cuộc sống  
    • Sự sửa chữa lối sống
    • Hãy để sang một bên những tư lợi
    • Hãy sống hòa hợp
    • Kejiwaan ( Tâm linh )
    • Các cuộc viếng thăm của các phụ tá quốc tế .......

Buổi chiều cùng ngày chị Rosanna Hille, người điều phối các dự án về Susila Dharma đã trình bày trước nhóm của chúng tôi về các hoạt động của Susila Dharma tại Châu Phi và tại một số các nước khác. Chị đã mời chị Sri Duljati lên tường thuật về hoạt động của Susila Dharma tại Nam Dương. Sau đó là Henry Horthy là người điều phối của Hiệp Hội Tuổi Trẻ Subud (Subud Youth Association SYA) đã nêu lên sự hăm hở của tuổi trẻ Subud đối với sự phát triển các vùng đất tại Kalimantan, cũng như những khó khăn trong hoạt động và yêu cầu có được sự động viên cho tuổi trẻ Subud.

Sau khi cuộc thảo luận chấm dứt, vào giờ ăn tôi tìm gặp chị Rosanna Hille để hỏi xem liệu Susila Dharma có thể hoạt động tại VN để giúp cho các hội viên Subud VN không? Chị hỏi tôi Subud VN cần sự giúp đỡ gì từ Susila Dharma và nêu ra một số hoạt động của Susila Dharma tại các nước như:

  • Cho quần áo, lương thực
  • Dạy học
  • Giúp đỡ nơi chốn để tập họp vui chơi, giải trí cuối tuần ....

Tôi nhớ lại lời của ông Bardolf phát biểu trong một phiên họp trước đó thì khó khăn lớn nhất ở VN là vấn đề về ngôn ngữ vì đa số hội viên Subud VN đều không biết ngoại ngữ. Thế là tôi liền đề nghị với chị Rosanna là Susila Dharma có thể gởi tới VN giáo viên để dạy Anh văn cho các hội viên không? Chị bảo chị cần một số thông tin trước khi gửi yêu cầu này lên trang mạng của SD như:

  • Chi phí sinh hoạt ăn ở mỗi tháng tốn bao nhiêu?
  • Dạy học tại đâu và phòng học có thể chứa được bao nhiêu học viên
  • Số học viên đăng ký theo học là bao nhiêu? ......

Tôi hứa với chị là khi về đến VN tôi sẽ nêu vấn đề này trước Ban quản trị, sau đó sẽ gởi thông tin này cho chị.

Ngày Thứ Tư 21.6.2000

Như thường lệ sau khi tập latihan xong chúng tôi tập trung tại phòng họp để nghe trình bày về một đề tài. Người trình bày hôm nay là chị Rohanna Mitchell. Chị Rohanna Mitchell là một trong số các thành viên của Quỹ Muhammad Subuh (MSF), chị nói về việc phân bổ quỹ vào một số các hoạt động của Subud như nhà Subud, các đề án của Tổ chức Nhánh (Wing) ..... Sau đó là anh Sharif Horthy trình bày với nhóm chúng tôi về hoạt động cũng như những khó khăn mà Hội Subud Thế Giới gặp phải trong thời gian anh hiện đang giữ chức vụ là Chủ tịch Hội. Cuộc họp ngưng lại vì đã đến giờ ăn trưa. Tại phòng ăn chị Rohanna Mitchell vẫy tôi lại và nói là chị cần có một buổi nói chuyện với riêng tôi về nhà Subud cho VN. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh dịu dàng của chị khi tôi gặp chị ở Nhật, mặc dù lúc đó tôi vẫn chưa biết chị là một thành viên của MSF. Tôi rất mừng và tạ ơn Thượng Đế vì bài báo cáo của tôi tại Nhật vào năm đó thật sự đã có một âm vang nên đến hôm nay đã gần 2 năm mà Hội Subud Thế Giới vẫn nhớ đến nỗi trăn trở duy nhất của hội viên Subud VN là đã không có nhà Subud trên 20 năm qua. Tôi hẹn với chị là tôi sẽ đến gặp chị tại phòng của chị để bàn tiếp về vấn đề này.

Buổi chiều tất cả chúng tôi đến dự lễ khánh thành nhà Subud ở Palangkaraya. Đó là một căn nhà được làm toàn bằng gỗ với sàn gỗ, vách gỗ, mái lợp tôn được phủ bên ngoài bằng những miếng gỗ mỏng có hình dạng như những viên ngói. Đây là một kiểu nhà đặc trưng của vùng Palangkaraya. Chúng tôi vào bên trong và ngồi tập trung ở dưới sàn dọc theo các bức vách bằng gỗ, còn các hội viên Subud địa phương đứng ở bên ngoài chờ đón tiếp Ibu Rahayu. Khi Ibu Rahayu đến, sau khi đã ngồi vào ghế Ibu nói với các hội viên Subud địa phương đem bánh nước ra mời tất cả chúng tôi trước khi Ibu nói chuyện. Toàn bộ lời Ibu nói được anh Sharif Horthy dịch sang tiếng Anh ngay tại chỗ. Sau đó chúng tôi tập latihan trong căn nhà mới này rồi quay trở về khách sạn.

Về đến nơi tôi vội vã đi tìm gặp chị Rohanna để bàn tiếp về nhà Subud cho VN. Tôi hỏi chị Rohanna Mitchell liệu MSF có thể giúp cho Subud VN một số tiền để mua nhà Subud hay không? Vì nếu cho vay chúng tôi không dám vay do đa số hội viên VN đều lớn tuổi và không có việc làm, thêm vào đó chúng tôi không có một hoạt động kinh doanh nào để tạo ra thu nhập thì lấy đâu ra tiền để hoàn trả lại cho MSF. Chị nói là MSF có thể hoàn toàn cho không một số tiền để mua nhà Subud, nhưng để tránh trường họp đã xảy ra ở Mã Lai là sau khi người chủ tịch của Subud Mã Lai qua đời thì vợ của ông này đã bán căn nhà của hội để làm của riêng do ông chủ tịch đã đứng tên căn nhà dù rằng tiền mua nhà không phải là tiền của ông ấy. Chị bảo tôi khi về VN hãy yêu cầu Ban quản trị VN đi hỏi luật sư xem một tổ chức hay một cá nhân người nước ngoài có thể đứng tên sở hữu đất đai ở VN hay không? Điều này để phòng khi có chuyện gì thì MSF vẫn có thể thu hồi lại của cải.

Ngày Thứ Năm 22.6.2000

 
   
   

Vào ngày lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 99 của Bapak, chúng tôi được thông báo sẽ đến dự lễ đặt viên đá đầu tiên cho việc xây dựng Trung Tâm Muhammad Subuh (Muhammad Subuh Centre) sau này. Từ căn nhà được dùng cho việc hội họp và tập latihan mỗi ngày ở Rungan Sari, chúng tôi đi bộ sâu vào bên trong ngang qua một cây cầu bằng gỗ đến một vùng đất cao. Tại đó một cái lều đã được dựng lên, phìa trước lều là một cái hố nhỏ trông giống như một huyệt mộ đã được đào sẵn. Ibu Rahayu, Ibu Ismana và Pak Haryono đều có mặt. Trước tiên Pak Haryono phát biểu, Pak cho biết một trong những tập tục cổ xưa của người dân địa phương tại đây là trước khi họ xây dựng, họ đều chôn đầu của một con vật có 4 chân trong vùng đất xây cất, và trước đây Bapak có giải thích là vì người dân địa phương tin vào tập tục xưa cho nên chúng ta hãy làm theo tập tục mà họ yêu cầu để họ cảm thấy vui vẻ thoải mái khi làm việc, còn chúng ta là người Subud chúng ta không cần thiết phải làm như thế. Kế đó anh Sharif Horthy và ba người nữa cầm lấy cái đầu con bò đi vòng quanh huyệt 3 lần, xong trao lại cho một anh đã đứng sẵn trong huyệt để người này đặt vào trong huyệt, và lần lượt tất cả những người có mặt ở đó bốc đất thảy vào, thật giống như thể thức chôn một con người vậy! Chúng tôi quay lại căn nhà vẫn hội họp mỗi ngày để dự tiệc.  

Buổi chiều chúng tôi họp ở khách sạn Batu Suli và ông Mansur Amir Sultan tóm lại một số vấn đề đã được thảo luận trong mấy ngày vừa qua. Cũng tại phiên họp này một số đại biểu đã hỏi tôi về tình hình của Subud  VN như số hội viên, thu nhập của hội viên, nhà Subud ..... Phiên họp kết thúc lúc 6 giờ chiều và chúng tôi có nửa giờ đồng hồ để sửa soạn đi dự lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 99 của Bapak tại Rungan Sari.

Khi tôi đến nơi đã nhìn thấy 3 cái lều dựng ở phía trước căn nhà nơi chúng tôi thường họp mỗi ngày, Ibu Rahayu, Ibu Ismana và Pak Haryono đã đến từ lúc nào. Tôi vội vã đi tìm ông Bardolf để hỏi xem tôi sẽ đưa cho ai quà tặng của Subub VN là một bức tranh sơn mài nhân lễ kỷ niệm mừng sinh nhật của Bapak. Ông Bardolf đưa tôi đi gặp ông Muchtar Siregar là chủ tịch của Subud Nam Dương, ông Siregar gởi lời cám ơn Subud VN và xin được mở gói quà ra. Đúng lúc đó anh Sharif Horthy bước ra nói lời mở đầu rồi đến Pak Haryono. Kế đó là ban vũ công với các thiếu nữ rực rỡ trong những chiếc váy cùng những chàng trai trong y phục cổ truyền của người Nam Dương múa những vũ điệu dân tộc trông rất đẹp và lạ mắt. Sau vài điệu múa các vũ công lui vào và tất cả chúng tôi đứng lên đi một vòng vào bên trong ngôi nhà. Ở giữa nhà, đúng hơn là ở giữa phòng họp có kê vài cái bàn, trên bàn có những bó hoa cúc trắng và những chiếc dĩa nhỏ đựng một vài loại bánh, còn hai đầu bàn là những ngọn nến trắng đang cháy lung linh. Khung cảnh trong gian phòng thật đơn sơ, thuần khiết mà lại vô cùng trang trọng khiến tôi cảm thấy xúc động lạ thường, tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh này. Đi qua hết gian phòng là đến phần sau của căn nhà, tại đây một cái bàn dài đã được bày sẵn các thức ăn đặc sản của vùng Palangkaraya như cơm chiên, mì ăn liền xào với rau, gà chiên, gà nướng ....., mọi người cầm lấy một cái dĩa đi vòng quanh bàn và tự do chọn món ăn mà mình thích. Khoảng gần 1 giờ đồng hồ sau chúng tôi lại đi vòng ra phía trước ngôi nhà và ngồi vào những chiếc ghế đặt sẵn trong những cái lều để xem ca múa nhạc truyền thống. Các hội viên Subud lần lượt lên tham gia các tiết mục tùy theo sở trường của mỗi người, cả Ibu Ismana và Pak Haryono cũng lên ca nữa. Chương trình chấm dứt lúc 11 giờ đêm, chúng tôi vội vã theo xe về khách sạn Batu Suli thì cũng vừa đúng 12 giờ đêm.

Ngày Thứ Sáu 23.06.2000

Theo thường lệ bên nữ tập latihan vào lúc 8 giờ sáng sau đó là đến bên nam. Theo chương trình đã hoạch định, hai ngày cuối của cuộc họp được dành cho Kejiwaan. Tại cuộc họp Kejiwaan của bên nữ và trước các phụ tá quốc tế tôi đã nêu lên một số vấn đề do các phụ tá tại VN yêu cầu tôi hỏi:

  • Trường hợp một hội viên trong khi tập latihan đụng mạnh vào những người khác thì phải giải quyết ra sao?

Trả Lời (TL): nếu một hội viên trong khi tập latihan đụng mạnh vào những người khác thì cần tách riêng người này ra để tập chung với các phụ tá cho đến khi người hội viên có cử động nhẹ nhàng.

  • Vì sự va chạm mạnh này nhiều hội viên nghĩ rằng cần phải hé mở mắt khi di chuyển trong latihan để tránh va vào người khác, điều này có đúng không?

TL: Thật ra trong lúc tập latihan hãy nhắm mắt hoàn toàn, điều này sẽ đem lại sự thư giãn thật sự cho người hội viên và nó tỏ cho thấy sự quy thuận và lòng tin nhiều hơn vào Thượng Đế, vì nếu chúng ta thật sự tin vào Ngài và thật sự tiếp nhận được, chúng ta sẽ không bao giờ va vào bất cứ ai cho dù phòng tập có chật hẹp. Ibu Ismana cho lời giải thích thêm là sự việc này đã được nhìn thấy trong các buổi làm trắc nghiệm với Bapak.

  • Một số hội viên Subud muốn theo nhân điện là một pháp môn có thể giúp chữa bệnh, điều này có được không?

TL: Không nên pha trộn Subud với bất kỳ pháp môn nào khác, nếu không thì chính người pha trộn sẽ bị ảnh hưởng. Vào Subud không phải là để chữa bệnh, nếu ai muốn chữa bệnh nhờ vào nhân điện có thể ra khỏi Subud.

  • Một dự bị hội viên có cảm giác muốn chạy nhảy trong lúc ngồi dự bị ở bên ngoài phòng tập latihan, trường họp này phải giải quyết ra sao?

TL: Trường hợp người dự bị hội viên này cần được khai mở ngay không cần chờ cho đủ thời gian dự bị vì người này đã có thể tiếp giao với Nguồn Đại Sinh Lực của quyền năng Thượng Đế.

Khi nghe Ibu Ismana trả lời cho tôi câu hỏi này, một phụ tá quốc tế liền hỏi tôi tại sao lại để người dự bị hội viên này ngồi dự bị bên ngoài phòng tập trong lúc các hội viên khác đang tập latihan? Điều này là không đúng vì người dự bị hội viên có thể nghe thấy những tiếng động hoặc những âm thanh phát ra từ phòng tập làm ảnh hưởng đến họ. Đúng ra người dự bị hội viên đến dự bị sau giờ tập latihan để nghe hai phụ tá (hoặc hơn) nói chuyện, vì thời gian dự bị là thời gian để các phụ tá tiếp xúc, trò chuyện với người dự bị hội viên để hiểu thêm về họ. Và qua giải thích của các phụ tá người dự bị hội viên tìm hiểu về Subud rõ hơn để xác định xem họ có thật sự muốn vào Subud hay không?

Sau đó các phụ tá quốc tế có một số vấn đề cần trắc nghiệm chung với nhau và tôi không tham dự buổi trắc nghiệm này.

Buổi chiều có một nhóm phụ nữ từ Palangkaraya đến, chúng tôi cùng vào phòng tập latihan và Ibu Ismana có ý chỉ cho một nữ phụ tá của nhóm này cách làm trắc nghiệm. Ibu bảo chị phụ tá này đứng ra đặt câu hỏi, tuy vậy Ibu vẫn đứng kế bên chị hướng dẫn chị cách đặt câu hỏi. Khi chị này nêu lên câu hỏi: "Khi đối mặt với những ảnh hưởng xấu chúng ta phải như thế nào?". Vừa nói xong câu hỏi thì chị lăn ra đất khóc nức nở, Ibu vỗ nhẹ vào chị và khuyên lơn. Sau khi chị phụ tá trở nên yên tĩnh hơn, Ibu cho lời giải thích: sở dĩ chị có trạng thái như vừa rồi là vì chị đã để cho các ảnh hưởng xấu đi vào bên trong chị. Trạng thái tốt nhất cho chúng ta lúc đó là hãy có lòng tin hoàn toàn vào Thượng Đế và hãy dâng lên Ngài. Có một điều tôi nhận thấy là trước khi làm trắc nghiệm, mọi người chúng tôi cùng nhau tập latihan khoảng độ 15 phút.

Ngày Thứ Bảy 24.06.2000

Sau khi tập latihan xong, bên nữ làm trắc nghiệm một số vấn đề có liên quan đến vùng Kalimantan có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của Subud? Trắc nghiệm xong chúng tôi di chuyển sang một phòng khác. Tại đây bên nam đã ngồi sẵn ở đó. Đã có sự trao đổi về trải nghiệm tâm linh, một số các phụ tá người Nam Dương đã đưa ra các vấn đề và Pak Haryono cùng Ibu Ismana nói lên kinh nghiệm của mình về các vấn đề được nêu lên.

Buổi chiều tất cả mọi người tập họp lại để dự lễ bế mạc Hội Nghị. Ông Mansur Sultan ngõ lời cám ơn Hội Subud Nam Dương cũng như ban tổ chức đã làm việc không mệt mỏi để giúp cho Hội Nghị được thành công tốt đẹp, và anh Sharif Horthy đã dùng búa gõ xuống mặt bàn ba lần báo hiệu kết thúc Hội Nghị. Tất cả mọi người chúng tôi lưu luyến chào giã biệt nhau vì mai đây mỗi người sẽ trở về đất nước của mình, ngày gặp lại nhau không biết đến bao giờ!

Ngày Chủ Nhật 25.06.2000

Phần lớn những người đến dự Hội Nghị đều đã ra về trong số đó có cả ông Bardolf, một số vẫn còn ỏ lại đến ngày mai trong số đó có tôi do không lấy được vé máy bay. Cả một ngày dài đăng đẳng ở lại Palankaraya tôi cảm thấy buồn vô tả, may mà chị Arifah cũng còn ở lại với tôi nhưng hôm đó chị bị đau chân nên phải nằm trong phòng suốt cả ngày, chỉ có mình tôi đi vơ vẩn trong khách sạn vắng tanh người lại càng cảm thấy buồn hơn. Và rồi tôi gặp Luqman Harris trong khuôn viên  của khách sạn. Luqman là một phụ tá của nước Úc, anh ở cùng đoàn với chị Arifah. Luqman hỏi tôi có muốn đi cùng anh ấy đến thăm những người dân địa phương nơi đây không, tôi gật đầu đồng ý và Luqman mượn xe hơi của một ai đó rồi lái xe đưa tôi và một cậu bé đến thăm vùng Tangkiling. Chúng tôi vào thăm một người dân địa phương, Luqman nói với tôi là đất đai ở đây rất màu mở nhưng người dân địa phương lại không siêng năng trồng trọt. Rồi Luqman đưa tôi đến một quán ăn của người Nam Dương và giới thiệu với tôi là nơi đây bán món cá rất ngon. Tôi rất ít khi ăn món cá chỉ vì tôi sợ cái mùi tanh, thế mà không biết sao hôm đó tôi lại nghe theo lời của Luqman đồng ý gọi món cá. Và tôi thật không hối tiếc chút nào vì sự chọn lựa của mình, mà phải nói trái lại là đằng khác, cá thật thơm ngon và không có chút mùi tanh, tôi tin chắc tôi sẽ không bao giờ quên được hương vị của món cá tại quán ăn này.

Ngày Thứ Hai 26.06.2000

Arifah, Luqman và một số các đại biểu của đoàn Úc và Tân tây Lan rời khách sạn từ lúc còn sáng tinh mơ. Họ sẽ đi thuyền sang một đảo khác của Indonésia, rồi từ đảo này sẽ đi tiếp bằng thuyền về nhà. Sau khi vẫy chào từ biệt các anh chị ấy xong, tôi vào phòng chuẩn bị hành lý để ra sân bay. Trong sân của khách sạn tôi nhìn thấy Pak Haryono và Ibu Ismana và con trai, rồi cả Sharif Horthy và vợ là Tuti và một các anh chị khác đang xếp hành lý lên xe để chuẩn bị ra phi trường. Vaka đến tìm tôi và đưa cho tôi một phong thơ, Vaka nói đây là tiền để tôi thuê phòng khi về đến Wisma Subud, do khi đặt vé máy bay ông Bardolf đã đặt vé về vào ngày 28.6 cho nên tôi phải ở lại Wisma Subud thêm 2 ngày nữa trước khi bay về Sàigòn. Tôi thật sự rất cảm động trước sự chăm sóc chu đáo này, tôi chỉ biết nói cám ơn Vaka.

Trên chuyến bay trở lại Jakarta tôi ngồi kế bên Elios là một hội viên người Brazil. Elios kể với tôi là anh ấy sẽ ở lại Wisma Subud một đêm để sáng mai sẽ cùng với một anh người Ý có nhà trong Wisma Subud đi thăm mộ của Bapak, tôi mừng quá hỏi anh có thể cho tôi đi cùng được không, Elios gật đầu đồng ý. Trong thâm tâm tôi vô cùng cảm tạ Thượng Đế Toàn Năng về sự sắp xếp này, vì đi viếng lăng mộ của Bapak là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến trong chuyến đi này, thế mà Thượng Đế lại ban cho tôi một quà tặng tuyệt vời này.

Về đến Wisma Subud tôi còn đang đứng lớ ngớ ở trong sân thì tôi gặp ngay Sara là một hội viên Nhật tôi gặp ở Hội Nghị tại Palangkaraya. Sara hỏi tôi cần gì, tôi nói tôi muốn gặp ban quản lý Guest House để thuê phòng trước khi quay về VN. Sara dẫn tôi đến gặp chị quản lý. Không biết chị quản lý và Sara có nói gì trước không mà khi gặp tôi chị nói là tôi hãy ở chung phòng với Sara để đỡ tốn tiền thuê phòng. Rồi tôi nói với chị là tôi muốn có vài tấm hình của Bapak, thế là chị đưa tôi đến thư viện để chọn hình mà tôi thích. Hình nào của Bapak tôi cũng thích hết, tuy vậy cuối cùng tôi vẫn chọn được 2 hình cỡ lớn và vài hình cỡ nhỏ.

Sau khi gởi tiền hình cho chị quản lý, tôi chào chị và cùng Sara quay về phòng của cô ấy ở lầu 3. Tôi để hành lý trong phòng của Sara xong vội đi tìm nhà của anh người Ý mà sáng mai Elios và tôi sẽ đi cùng với anh ấy đến viếng lăng của Bapak. Tôi tìm thấy nhà của anh ấy không khó và anh hẹn tôi ngày mai lúc 4 giờ sáng có mặt ở trước nhà của anh ấy rồi cùng đi.

Trở về phòng của Sara tôi và Sara có cuôc nói chuyện lý thú. Sara kể cho tôi nghe là cô ấy làm việc ở Nhật 6 tháng, sau đó sang sống ở Wisma Subud 6 tháng. Còn tôi kể cho cô ấy nghe là tôi suýt bị lạc ở phi trường Jakarta do không biết đường đi, nên lần này đến ngày về tôi thật không biết tính thế nào để ra phi trường Jakarta đây. Cô ấy nói từ Wisma tôi có thể đi xe buýt ra phi trường cho đỡ tốn kém, tôi nói tôi không biết đường đi và cũng không biết nói tiếng Nam Dương. Tôi vẫn nhớ mãi lời cô ấy đã nói với tôi lúc đó: "YOU MUST GO", tôi hiểu cô ấy muốn nói là TÔI PHẢI ĐI ĐƯỢC. Tôi nhìn Sara và thật lòng rất ngưỡng mộ cô gái trẻ này. Sara chỉ độ 20 - 22 tuổi, trông bên ngoài rất dịu dàng nhưng lại có tính cách mạnh mẽ và có một cuộc sống tự lập nhất là khi cô đã đến sống tại một đất nước hoàn toàn xa lạ này!

Ngày Thứ Ba 27.6.2000

Đêm hôm trước tôi nói với Sara là sáng mai tôi sẽ đi sớm vào lúc 4 giờ sáng, có lẽ tôi sẽ không gọi cô ấy thức dậy để cài cửa cho tôi vì sợ làm mất giấc ngủ của cô ấy. Cả đêm tôi ngủ chập chờn vì lúc nào cũng sợ ngủ quên sẽ bị lỡ chuyến đi. Khi tôi ra ngoài phòng của Sara và đi đến nhà của anh người Ý thì taxi đã chờ ở đó rồi. Cả ba người chúng tôi lên xe.

Nơi đặt thi hài của Bapak là ở một vùng đồi núi, cách Wisma Subud khoảng độ 200 km, nếu không có người biết rành đường đi tôi nghĩ tự mình tôi khó lòng đến được nơi đây. Đến cổng, chúng tôi còn phải tiếp tục trèo lên những bậc thang và cứ bước đi như thế một khoảng đường khá dài để vào được bên trong. Đi được nửa đường thì tôi dừng lại và ngắm nhìn chung quanh. Khung cảnh thật vô cùng thanh tịnh và đẹp rực rỡ trong ánh ban mai và tôi biết chắc cả đời tôi sẽ không bao giờ quên được nơi chốn này.

Cuối con đường là lăng mộ có kính bao bọc chung quanh. Thi hài của Bapak được đặt ở chính giữa lăng, còn chung quanh là mộ của mẹ Bapak và các ngôi mộ của các Ibu là vợ của Bapak, tôi cũng nhìn thấy mộ của Ibu Rochanawati là con gái của Ibu Sumari. Vì tôi có dịch quyển "Lời khuyên và Sự hướng dẫn của Bapak dành cho các phụ tá", trong đó có trích đoạn lời của Ibu Rochanawati được tôi dịch là " Những lời vàng ngọc của Rochanawati", nên tôi có biết Ibu và rất quý mến bà dù tôi chưa hề được gặp bà.

Cả ba chúng tôi quỳ lạy trước lăng của Bapak, rồi bỗng dưng tôi khóc nức nở, có thể nói là khóc như chưa bao giờ được khóc, tôi cứ nói thầm ở bên trong là "Bapak thật là không công bằng khi Bapak đã không để con được gặp Bapak dù chỉ một lần tại thế gian này". Các anh thấy tôi khóc quá nên đứng lên sang một bên, tôi thấy vậy cũng ngưng khóc dù vẫn còn ấm ức ở bên trong. Con mắt hãy còn đỏ và sưng vì vừa mới khóc xong, vậy mà tôi vẫn nhờ các anh chụp cho tôi một tấm hình trước mộ của Bapak! Tôi nghĩ nếu tôi có thể tôi nhin thấy được Bapak có lẽ tôi sẽ thấy Bapak đang cười vì cái tính trẻ con ở nơi tôi.

Trên đường rời lăng của Bapak để quay về Wisma Subud, tôi nói với anh người Ý là sáng mai gọi hộ tôi một chiếc taxi giống chiếc này để đưa tôi ra phi trường Jakarta quay về VN. Anh nói anh có số điện thoại của hảng taxi này và hỏi tôi giờ để xe đến đón tôi. Xe ngừng ở Wisma để anh người Ý và tôi xuống, sau đó chạy tiếp đưa Elios ra phi trường. Trước khi xuống xe tôi cám ơn Elios và chào từ biệt anh ấy.

Vì số tiền Nam Dương mà Vaka đưa tôi hãy còn, nên buổi chiều tôi nhờ Sara dẫn tôi đến một siêu thị để mua một cái gì đó. Cuối cùng tôi chẳng chọn được gì ngoài những thanh chocolate ngon tuyệt...

Ngày Thứ Tư 28.06.2000

8 giờ sáng tôi hãy còn ở trong phòng của Sara nói chuyện, nhưng khi nhìn qua cửa sổ tôi thấy taxi đến, thế là tôi vội vã đi xuống và Sara theo sau. Xe chờ tôi ở phía trước Guest House. Khi nhìn thấy chiếc taxi tôi nghĩ có lẽ Sara hơi ngạc nhiên vì tôi chọn đi taxi chứ không đi xe buýt như cô ấy đề nghị. Trước khi bước vào trong xe tôi ôm chầm lấy Sara mà trong lòng dạt dào sự yêu mến cô gái trẻ này. Ngồi trong xe tôi còn ngoáy đầu lại vẫy tay chào Sara như vẫy tay chào tạm biệt Wisma Subud là nơi ghi dấu ấn về Bapak, một Sứ Giả của Thượng Đế đã từng sống tại thế gian này. 

Về đến nhà và khi ngồi nhớ lại để viết kể về chuyến đi dự Hội Nghị Vùng, tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì có bao giờ tôi nghĩ là mình có thể có một chuyến đi tuyệt vời đến thế, nếu như không phải chính Thượng Đế đã định dành riêng ban tặng cho tôi? Tôi chỉ biết cầu nguyện cảm tạ: "Lạy Thượng Đế, con muôn vàn cảm tạ Ngài về những hồng ân Ngài đã ban tặng cho con, con xin Ngài luôn dẫn dắt con trong cuộc sống để con biết sống xứng đáng với những ân huệ Ngài ban tặng cho con. Amen". 

 
     
 

chương trình hội nghị

 
 
   
   
 
   
 
  xem hình hội nghị Vùng 2000