Những ghi nhận từ Hội nghị Vùng Châu Á Thái Bình Dương
tại Osaka (Nhật Bản) - tháng 9 - 1998

Kurnia Trần thị Kim Thái
    9.1998

Hội Nghị Vùng Châu Á Thái Bình Dương được tổ chức tại Osaka - Nhật bản từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 9 năm 1998. Subud Vùng đã tài trợ tất cả chi phí về vé máy bay cũng như ăn ở cho hai đại biểu của Subud VN đến tham dự Hội nghị, và người đứng tên trên thơ mời là chồng của chị Saodah, ông là một doanh nhân có tên tuổi tại Nhật và cũng là một hội viên của Subud Nhật. Bên phía Subud VN đã có một cuộc trắc nghiệm để chọn ra hai đại biểu, và kết quả là Hùng Minh và tôi được chọn.  Để việc xin visa được thuận lợi nên Hùng Minh xin visa trước và đã lên đường sang Nhật cho kịp dự Hội nghị. Còn tôi xin visa sau nên 9h tối ngày 9.9.1998 tôi mới ra phi trường Tân sơn Nhất để đáp chuyến máy bay của hảng hàng không JAL đi Nhật bản. Phi cơ rời Việt Nam vào lúc 11h 25 và đáp xuống phi trường Kansai lúc 6h sáng ( là 4h sáng ở VN ). Tôi là người cuối cùng rời khỏi khu khám xét hành lý tại phi trường vì mấy cây Bon sai mà tôi đem theo, lý do là các hải quan Nhật xem ra có vẻ thích những cây kiểng xinh xinh này. Ra tới nơi chẳng thấy ai đến đón, tôi phải tự an ủi mình là giờ này mọi người chắc hẳn đang bận rộn với các đề tài thảo luận tại Hội Nghị. Tôi cứ chờ mãi đến 12h trưa thì Hùng Minh và một anh Subud người Nhật ra đón. Hùng Minh bảo là hay tin trễ. Về đến khách sạn tôi còn phải chờ thêm một lúc nữa để họ sắp xếp chỗ nghỉ ngơi. Khi đã có phòng tôi chỉ kịp đặt hành lý trong phòng rồi cùng Hùng Minh xuống dùng cơm trưa. Trong nhà hàng của khách sạn chỉ còn hai cô cháu và chúng tôi phải ăn vội để dự cuộc họp đang bắt đầu.

THỨ NĂM 10.9.1998

Vào lúc 2h chiều các đại biểu lại tiếp tục thảo luận về một số vấn đề được nêu ra vào buổi sáng.

Một phụ tá Tân Tây Lan nêu lên vấn đề mixing (pha trộn). Ông Haryono (con trai của Bapak) là PTQT của Vùng đã trả lời: theo lời khuyên của Bapak là không nên pha trộn các lý thuyết hay các cách thực hành tâm linh khác với Latihan do bởi trí óc của con người chúng ta không quên được các lý thuyết hay các cách thực hành này.

Hùng Minh đại diện cho Subud VN đã nêu lên 3 vấn đề với Pak Haryono và Ibu Ismana:

1) Khi Ibu Yati đến thăm VN vào năm 1997, Ibu có chọn ra một số phụ tá mới. Các phụ tá này theo đạo Phật và họ thực hành một số nghi thức của tôn giáo này. Như vậy sự thực hành này có trở ngại gì trong việc tiếp nhận latihan và có ảnh hưởng gì đến nhiệm vụ phụ tá của họ hay không?

Trả lời: đạo Phật, đạo Hồi ... là những tôn giáo còn Subud không là tôn giáo, cho nên không có sự xung đột giữa Subud và các tôn giáo. Nếu các phụ tá thực hành những nghi thức của tôn giáo mình vào những giờ khác với giờ tập latihan thì không có trở ngại gì.

2) Một hội viên Subud tự xét mình có đủ 7 tiêu chuẩn để làm phụ tá và họ mong muốn được trở thành phụ tá thì người này có thể yêu cầu các phụ tá trắc nghiệm cho họ làm dự bị phụ tá không?

Trả lời: người hội viên này có quyền yêu cầu được trắc nghiệm.

3) Khi làm trắc nghiệm, kết quả trắc nghiệm có nhất thiết dựa trên đa số hay không?

Trả lời: Chúng ta không đoan chắc là kết quả dựa trên đa số là đúng hoàn toàn, tuy vậy vẫn nhất thiết lấy theo đa số. Không thể nào có 5 người làm trắc nghiệm với 4 người trả lời là có và một người là không, lại chọn kết quả từ 1 người trả lời không này.

8h tối các đại biểu rời phòng họp đi ăn cơm chiều, và sau khi ăn xong bên nữ quay trở lại phòng họp để tập latihan. Đây là buổi tập latihan đầu tiên của tôi tại Hội nghị Vùng. Phòng tập latihan thì rộng mà lại ít người đã tạo cho tôi cảm giác thoải mái ngay từ phút đầu. Trong lúc tập latihan văng vẳng bên tai tôi là tiếng hát du dương của các chị mà nghe như là lời kinh cầu nguyện đã tạo nên một cảm giác thanh bình và tĩnh lặng khó tả. Chuyển động của tôi tại buổi tập latihan này cũng khác hẳn với những chuyển động trong những lần tập latihan tại VN, chuyển động thật nhẹ nhàng uyển chuyển. Điều này cho tôi chứng nghiệm về lời Bapak đã nói là trong latihan khi chúng ta thật sự tiếp nhận cử động của chúng ta thật nhẹ nhàng bởi vì cử động này không xuất phát từ ý muốn của chúng ta mà xuất phát từ quyền năng của Thượng Đế đang bao bọc cả bên trong lẫn bên ngoài con người của chúng ta.

THỨ SÁU 11.9.1998

9h sáng cả đoàn ngồi xe buýt đến thăm hai hội viên của Subud Nhật tại nhà của họ cách khách sạn khoảng 30 km. Trên đường đi xe chạy ngang qua hai trạm thu thuế cầu đường và mỗi lần như vậy người tài xế phải nộp khoảng 1.000 Yen (tương đương với 100.000 VNĐ), có lẽ nhờ vậy mà đường xá ở Nhật được giữ gìn tốt chăng?

Một người là nghệ sĩ điêu khắc. Nhà của ông tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ, xe buýt phải chạy trên những con đường ngoằn ngoèo và hẹp trước khi đến được nơi. Trong nhà của ông tôi thấy có rất nhiều pho tượng bằng gỗ trông giống như các pho tượng Pharaon ở Ai Cập được ông khắc từ những khúc gỗ to nhỏ khác nhau. Ngoài ra tôi còn thấy có rất nhiều những lưỡi dao, những cái đục được cắm vào những khúc gỗ tròn nhỏ và rất láng. Có nhìn tận mắt các công trình điêu khắc của người nghệ sĩ này mới thấy được sự sáng tạo tuyệt vời của người nghệ sĩ Subud này.

Còn người thứ hai là một phụ tá quốc gia của Subud Nhật. Ông nguyên là giáo sư của một trường đại học, hiện nay ông không còn giảng dạy nữa mà lui về sống trong một căn nhà nhỏ bằng gỗ mang đậm nét cổ truyền Nhật bản. Nhà của ông tọa lạc trên một vùng đất khá rộng với mặt sau của  căn nhà đối diện với một con đường tráng nhựa, còn phía trước căn nhà có một khoảng sân nhỏ. Đi qua khoảng sân nhỏ này và đối diện với cửa trước của căn nhà là một ngôi đền thờ nhỏ thờ Nữ Thần Mặt Trời là vị nữ thần cổ xưa nhất trong tập tục cổ truyền của người Nhật. Gọi là ngôi đền thờ thật ra chỉ là một ngôi nhà bằng gỗ mộc mạc và đơn sơ với một hàng rào gỗ bên ngoài có treo một quả chuông nhỏ để mỗi khi cầu nguyện thì lắc chuông lên. Phía trước ngôi đền thờ là một hồ nước nhỏ được xây giống như một cái giếng cạn để hứng nước mưa, trên mặt giếng có những cái gáo múc nước bằng gỗ, vì theo tục truyền là bất cứ ai trước khi bước vào đền thờ đều phải rửa tay bằng nước được múc từ giếng lên nhằm gột rửa đi những ô uế bám theo người. Trong không khí tĩnh mịch và trang nghiêm, người phụ tá quốc gia này tìm thấy sự tương thông với Thượng Đế một cách rõ rệt (theo lời kể của chị Saodah cũng là Kimiko Hayashi - PTQT Vùng 1&2).

Sau đó hội Subud Nhật đã mời cả đoàn dùng cơm trưa tại một nhà hàng nhỏ gần đó với một trong hai món tự chọn là cơm cà ri hay cơm chiên.

3h chiều cả đoàn quay lại khách sạn để chuẩn bị dự cuộc họp của Subud Nhật được tổ chức mỗi tháng một lần, nhưng lần này ngày họp lại rơi đúng vào thời gian có cuộc họp Vùng. Trong lúc chờ để dự cuộc họp vào lúc 6h chiều, tôi và Hùng Minh đến thăm và tặng cho Pak Haryono và Ibu Ismana hai cây bon sai là quà của Subud VN được tôi đem qua, nhưng tiếc là khi lên đến phòng của Pak và Ibu chúng tôi được biết là Ibu vừa mới chợp mắt ngủ, vì chúng tôi không muốn đánh thức Ibu dậy nên chúng tôi không vào phòng mà chỉ gởi quà lại cho Pak Haryono.

 
Saodah  
   

Quay ra vừa định trở xuống để về phòng của mình thì chúng tôi gặp chị Saodah cũng vừa lên đến tầng 4 và định bước vào phòng của chị cách phòng của Ibu không xa. Chúng tôi bước đến chào hỏi chị và được chị mời vào phòng. Tôi nói Hùng Minh trở về phòng lấy hai cây bon sai khác để tặng cho chị, còn tôi ngồi lại trong phòng của chị để chờ Hùng Minh lên. Chỉ độ hai phút sau là Hùng Minh quay lên và chúng tôi ngồi hỏi chuyện chị và được chị kể lý do vì sao chị vào Subud. Chị vào Subud từ năm 1967 và đến năm 1969 chị trở thành phụ tá và chị làm phụ tá quốc tế lần này là lần thứ hai.

6h chiều hội Subud Nhật tổ chức một buổi tiệc long trọng để chào đón Pak Haryono và Ibu Ismana. Bữa tiệc gồm toàn các món các món ăn Nhật đặc biệt là món cá Hồi sống được chị Mỹ Hạnh quảng cáo đây là một món ăn đắt tiền ở Châu Âu, nhưng rất tiếc là cả tôi và Hùng Minh đều không ăn được.

8h tối cả đoàn lên hội trường ở lầu 2. Các hội viên Subud Nhật đề nghị mọi người trong đoàn tự giới thiệu về mình và sau đó họ đưa ra các câu hỏi với Pak Haryono và hai Ibu là Ibu Ismana và Ibu Hartati Kuswanda, cả hai đều là PTQT nhiệm kỳ này. Sợ là nếu tiếp tục cuộc họp với chương trình như thế sẽ trễ giờ tập latihan mất, hơn nữa các hội viên của Subud Nhật cũng vừa mới đến, nên chị Saodah đề nghị mọi người tập latihan trước, còn các vấn đề sẽ được nêu ra trong cuộc họp vào sáng ngày mai.

Thế là hội trường được ngăn ra làm hai để làm phòng tập riêng biệt cho bên nam và bên nữ. Phòng tập của bên nữ chỉ bẳng 1/3 của hội trường, tất cả các ghế ngồi đều được kê sát tường, tất cả các đèn trong phòng đều được bật sáng. So với buổi tập latihan đầu tiên tại Hội nghị Vùng lần này thì buổi tập latihan thứ hai này của tôi càng đặc biệt hơn. Tôi nhận thấy lúc bắt đầu cũng như lúc kết thúc latihan Ibu Ismana không hề nói  "Khởi sự̣ hay Chấm dứt". Trái lại sau khi tịnh tâm xong, để báo hiệu bắt đầu buổi tập latihan Ibu Ismana bước ra đứng giữa phòng và bắt đầu tập latihan của mình, mọi người thấy thế cứ tuần tự bước ra, tất cả đều trong trạng thái thư giãn và bắt đầu tiếp nhận. Thời gian tiếp nhận tùy thuộc vào nội cảm của từng người thành ra Ibu Ismana không hề nói  "chấm dứt" để báo hiệu kết thúc buổi tập. Riêng tôi trong buổi tập latihan này, lần đầu tiên tôi nhận biết khi nào latihan của mình chấm dứt, thế là tôi mở mắt ra và nhìn thấy có vài người đã ngồi vào ghế, những người khác vẫn đang tiếp nhận, còn Ibu Ismana đang đi đi lại lại để quan sát những người đang tập, ngược lại với buổi tập vào sáng hôm sau trong khi đa số mọi người đã ngồi vào ghế còn hai Ibu và chị Saodah và một vài người vẫn còn đang tiếp nhận.

Cũng trong chính buổi tập latihan này một lần nữa tôi chứng nghiệm về lời Bapak đã nói là "Không chạm vào nhau trong Latihan". Thật vậy, buổi tập lần này đông người hơn so với buổi tập đầu tiên thế mà kỳ diệu thay chả một ai trong chúng tôi chạm vào nhau trong lúc tập. Có đôi lúc tôi quỳ xuống và có những cử động của một người đang cầu nguyện và tạ ơn, chiếc váy áo của một người phụ nữ nào đó chạm phớt nhẹ trên mũi của tôi và tôi nghe tiếng hát của bà rất khẽ và cũng rất gần tôi, nhưng lạ thay chẳng bao giờ chúng tôi chạm mạnh vào nhau. Suốt buổi latihan hôm đó, trong phòng tập lúc nào cũng vang lên những lời ca thánh thót, những âm điệu du dương, tất cả những âm thanh đó hòa trộn vào nhau nghe như lời cầu nguyện, lời chúc tụng, lời tạ ơn của mọi dân tộc trên thế giới trước Thượng Đế Toàn Năng. Và cũng do bởi ân huệ của Ngài mà trong chính buổi latihan này tôi đã chứng nghiệm và cảm nhận được điều Bapak luôn luôn nói với toàn thể hội viên Subud là: "Latihan thật sự là sự thờ phụng Thượng Đế của con người".

Sau khi tập latihan xong, Ibu Ismana bảo mọi người tuần tự bước ra đứng thành một vòng tròn nhỏ ở giữa phòng để làm trắc nghiệm, và như vậy bên nữ được chia thành ba nhóm lần lượt nối tiếp nhau ra làm trắc nghiệm. Cách thức trắc nghiệm như sau: Ibu Ismana đưa ra câu hỏi, kế đó chị Saodah dịch lại câu trắc nghiệm bằng tiếng Nhật để các phụ tá đứng trong vòng cùng nghe, nghe xong mọi người nhắm mắt lại, thư giãn và tiếp nhận, còn những người ở bên ngoài vòng tròn chỉ việc tiếp nhận và quan sát người làm trắc nghiệm.

Đến lượt tôi, đây là buổi trắc nghiệm đầu tiên trước một số đông người. Khoảng cách giữa tôi và Ibu Ismana khá rộng nên đôi lần tôi không nghe rõ câu hỏi mà Ibu đưa ra, tôi chỉ biết quy thuận và tiếp nhận. Nhưng thật kỳ diệu thay tôi cảm thấy sự tiếp nhận của tôi đúng với câu hỏi mà Ibu đưa ra. Duy chỉ có câu hỏi cuối cùng tôi vẫn không nghe rõ những gì Ibu nói, tôi quy thuận và đã tiếp nhận một latihan rất mạnh khiến tôi xoay tròn nhiều vòng đến độ tôi ngã bật người ra và nằm thẳng người trên sàn nhà. Lúc đó tôi rất ngại ngùng, từ từ ngồi dậy và lặng lẽ ngồi vào một trong những chiếc ghế được đặt ở xung quanh phòng. Ngồi bên cạnh tôi là chị Rohana, chị là một phụ tá quốc tế ở nhiệm kỳ 1989 - 1993 và nay chị là một ủy viên quản trị của Quỹ Muhammad Subuh, chị đã vỗ nhẹ vào người tôi như để trấn an và khích lệ, và tôi quay sang chị mĩm cười cám ơn về sự vỗ về đó.

THỨ BẢY 12.9.1998

Buổi sáng hôm nay giống như thường lệ, sau khi dùng điểm tâm xong mọi người lại lên hội trường để tập latihan và kế đó là làm trắc nghiệm. Lần trắc nghiệm này tôi được chính Ibu Ismana gọi ra để làm trắc nghiệm trước tiên với một số chị của Subud Nhật. Tôi chắc là Ibu cũng biết được tôi không nghe rõ các câu hỏi mà Ibu đưa ra nên Ibu chọn chỗ đứng gần tôi hơn và bắt đầu buổi trắc nghiệm. Cũng như buổi trắc nghiệm hôm qua tôi ở trong trạng thái quy thuận và tiếp nhận. Những lúc tai của tôi nghe thấy tiếng của Ibu nói " hãy tiếp tục " thì cử động của tôi trở nên mạnh mẽ và sự cảm nhận của tôi trở nên rõ rệt hơn. Buổi trắc nghiệm chấm dứt, tôi quay về chỗ ngồi bên cạnh chị Mỹ Hạnh và quan sát nhóm trắc nghiệm thứ hai. Trong nhóm này đa số các chị đều là các phụ tá quốc gia của Úc và Tân Tây Lan, các chị không ai mà không gặp Bapak dưới mười lần, có chị đã từng sống ở Cilandak như chị Rohana. Lần trắc nghiệm này Ibu Ismana bảo chị Rohana đưa ra câu hỏi. Và tôi quan sát thấy cử động của các chị thật nhẹ nhàng, uyển chuyển và dường như mang dáng vẻ giống nhau đó là hai tay dang rộng đưa lên cao, (tôi cảm nhận một điều và sau này xác tín về điều mình đã cảm nhận, hành động đưa hai tay lên cao đó là hành động của một người đang cầu nguyện và đồng thời cũng biểu lộ sự quy thuận của người này trước Đấng Thượng Đế Tối Cao). Sau trắc nghiệm Ibu hỏi từng chị về cảm nhận của họ trước mỗi vấn đề được đưa ra và tôi thấy Ibu gật nhẹ đầu như để xác nhận những gì họ nói là đúng. Những người còn lại tiếp tục bước ra đứng giữa phòng để làm trắc nghiệm.

Thật may cho tôi là chị Rohana quay về chỗ ngồi cạnh tôi, thế là tôi có dịp hỏi chị.

- " Thưa chị, khi chị nhìn một hội viên trong latihan chị có nhận biết là họ tiếp nhận được hay không?"

Chị đáp:

- " Có"

Tôi lại hỏi tiếp:

- " Thế chị nhìn tôi chị có thấy tôi có tiếp nhận hay không?"

Chị đáp:

- " Có" và cho lời giải thích thêm: " Trong latihan chúng ta tiếp nhận một latihan tự do, nghĩa là toàn thể cơ thể của chúng ta tiếp nhận và chuyển động. Nhưng trong trắc nghiệm chúng ta không để latihan tự do xảy ra mà hãy tùy theo câu hỏi trong trắc nghiệm hỏi về một bộ phận nào đó của cơ thể rồi  cảm nhận xem bộ phận này tiếp nhận ra sao".

Tôi trả lời chị:

- " Ồ, đêm qua tôi không nghe rõ câu hỏi của Ibu Ismana nên có lẽ đã không tiếp nhận đúng với câu hỏi".

Chị mĩm cười thông cảm và bảo tôi " không sao đâu".

Khi buổi trắc nghiệm của nhóm thứ ba kết thúc, trong lúc mọi người đang lần lượt đi qua phòng bên cạnh để bắt đầu cuộc họp với Subud Nhật thì Ibu Ismana gọi tôi lại và bảo là chiều nay Ibu muốn gặp riêng tôi. Buổi họp xoay quanh một số vấn đề mà Hội nghị đã bàn trước đó.

2h chiều, sau khi dùng cơm trưa xong tôi và Hùng Minh có dịp nói chuyện với ông Muray là người mà cách đây 2 năm đã từng giữ chức vụ Đại diện của Vùng 1&2 như ông Sultan bây giờ. Nội dung của câu chuyện xoay quanh tình hình của Subud VN, chúng tôi có nói với ông về  một dự án kinh doanh nhỏ của Subud VN là mở một phòng máy vi tính và nhờ ông giúp đỡ. Còn ông nói sau này có thư từ hay sách báo gì của Subud ông sẽ gởi cho Subud VN qua trung gian một người bạn của ông đang hoạt động kinh doanh tại VN. Sau đó chúng tôi kéo nhau ra khu vườn ở bên hông khách sạn để chụp hình lưu niệm với Subud Nhật.

Khi trở vào bên trong Ibu Ismana gọi tôi theo Ibu lên lầu 2, đồng thời Ibu cũng gọi Ibu Hartati Kuswanda và chị Saodah lên cùng. Khi đã vào phòng, Ibu Ismana bảo với tôi là Ibu sẽ đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm về các bộ phận của cơ thể, còn tôi khi nghe xong từng câu hỏi hãy cảm nhận xem bộ phận này tiếp nhận ra sao và cuộc trắc nghiệm được tiến hành. Trong các câu hỏi mà Ibu đưa ra tôi đặc biệt thích thú với câu hỏi : "Khi chúng ta hát thì như thế nào?" Trong suốt ngần ấy năm tập latihan tại VN tôi chưa từng bao giờ hát trong latihan. Vậy mà sau khi vừa nghe xong câu hỏi này của Ibu, thật lạ lùng thay cổ họng của tôi bắt đầu chuyển động và phát ra âm thanh và tôi nhớ rất rõ tôi đã hát lên câu "I will see you". Vẫn còn trong trạng thái tiếp nhận tôi lại nghe tiếng của Ibu vang lên : "hãy hát to lên", kỳ diệu thay đang phát ra âm thanh rất khẽ cổ họng của tôi bỗng chuyển động mạnh hơn và tôi bật ra lời ca với một âm điệu lớn hơn, đồng thời toàn thân tôi có những cử động uyển chuyển trong dáng vẻ của một người vừa hát vừa múa. Một lần nữa, tôi được chứng nghiệm điều mà Bapak thường nói đến là: "sự tỉnh thức trong latihan". Tôi đã hiểu rằng trong latihan chúng ta tiếp nhận và chúng ta hoàn toàn có ý thức về sự tiếp nhận này. Và rồi Ibu Ismana nói "chấm dứt" cho câu trắc nghiệm vừa hỏi, và Ibu lại đưa ra một câu trắc nghiệm khác cho tôi là: "Khi đối mặt với những xung đột của các hội viên tôi phải như thế nào?" Tôi lại trong trạng thái tiếp nhận và có cử động vuốt ngực và Ibu Ismana nói chấm dứt. Sau đó Ibu giải thích với tôi về cử động vừa rồi của tôi cho câu trắc nghiệm sau cuối này. Ibu nói thay vì có cử động đưa hai tay lên cao có nghĩa là tôi dâng tất cả lên cho Thượng Đế và tôi quy thuận, nhưng  tôi lại vuốt ngực có nghĩa là tôi có một trái tim nhạy cảm và lưu giữ lại những dấu ấn, như thế sẽ không tốt cho tôi. Ibu Hartati nhìn tôi dịu dàng và bảo tôi có điều gì muốn nói thì hãy nói ra. Tôi thưa : "khi Ibu Ismana hỏi câu trắc nghiệm cuối này, tôi vuốt ngực và cảm nhận rõ rệt là khi đối mặt với một tình huống như thế tôi phải bình tĩnh và tĩnh lặng". Ibu Ismana xác nhận cảm nhận của tôi là đúng vì Ibu cũng có tiếp nhận giống như thế. Chị Saodah bảo tôi hãy kể cho Ibu nghe về tình hình của Subud VN hiện nay, tôi đã chậm rãi kể lại tất cả những gì tôi nhìn thấy và Ibu bảo tôi thảo nào khi trắc nghiệm với tôi Ibu cảm nhận bên trong của tôi có những xung động và giờ đây sau khi nghe tôi nói Ibu hiểu đó là sự thất vọng nơi tôi.  Rồi Ibu Ismana nói : đúng ra khi tiến hành làm trắc nghiệm cho riêng mình tôi, Ibu có ý muốn chọn tôi làm phụ tá, nhưng qua những gì Ibu tiếp nhận và hiểu được thì thời gian này quả là chưa thích hợp, chưa đúng lúc để trao cho tôi nhiệm vụ này và Ibu sẽ để tôi làm dự bị phụ tá trong 2 tháng. Tôi thật cảm phục Ibu Ismana và Ibu Hartati đã đem lại niềm tin tưởng cho tôi vì hai Ibu nhìn nhận một người nào đó không qua dáng vẻ bên ngoài mà bằng sự cảm nhận xuất phát từ nơi thâm sâu bên trong.

CHỦ NHẬT 13.9.1998

Sau xuất tập latihan vào buổi sáng tôi chỉ còn vừa đủ thởi gian để chào tạm biệt hai Ibu và các phụ tá Nhật trước lúc lên đường ra phi trường trở về VN. Trong giây phút ngắn ngủi đó Ibu Ismana và Ibu Hartati ôm chầm lấy tôi và tôi cảm nhận được lòng thương mến sâu xa mà cả hai Ibu dành cho tôi.

Con cảm tạ Thượng Đế Toàn Năng về tất cả ân huệ mà Ngài đã ban cho con, nhất là ân huệ được sống gần gũi với những anh chị em Subud tại Hội Nghị Vùng lần này, đó là những người đã chứng nghiệm một cách sâu sắc về tình yêu và quyền năng của Ngài. Con cầu xin Ngài ban ân huệ này cho tất cả các anh chị em Subud tại Việt Nam.