TƯỞNG NHỚ HARYANTO

Hoàn Toàn Phan Tiền Thăng
    31.03.2013

Năm 1967, Hoàn Toàn là một trong 40 sinh viên may mắn trúng tuyển vào trường Đại Học Kiến Trúc tại Saigon.

Tháng 9 năm 1967, sau khi trúng tuyển kỳ thi đậu, Hoàn Toàn đến trường ĐH Kiến Trúc, để ghi danh nhập học. Hoàn Toàn gặp một người trông quen quen (vì nằm mơ thấy) tại văn phòng trường, mới hỏi:

- Trông anh quen quá, tên anh là gì? Anh học năm thứ mấy?

Đó là Haryanto. Haryanto đáp:

- Tôi tên là Trương Trọng Bình, học năm 1966. Tôi vừa học, vừa đi làm nên ít đến trường, dường như tôi chưa gặp anh ở đâu cả. Anh tên gì và học năm thứ mấy?

Hoàn Toàn nói:

- Tôi tên là Phan Tiền Thăng, mới vào trường năm nay. Hân hạnh được biết anh. Sau này thể nào cũng nhờ anh chỉ dẫn.

Haryanto đáp:

- Tôi ít vào trường lắm. Khi nào có dịp gặp lại sẽ nói chuyện với anh nhiều hơn. Chúc anh nhiều may mắn trong việc học tại trường này.

Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Haryanto và Hoàn Toàn.

Sau đó đi học, nhưng Hoàn Toàn ít gặp Haryanto vì Haryanto ít đến trường mà bận đi làm. Hoàn Toàn chỉ gặp và nói chuyện với Haryanto vào tuần lễ cuối tháng khi vẽ bài tại họa thất của trường ĐH Kiến Trúc.

Năm 1969, trong khi đi học tập quân sự tại trung tâm huấn luyện Quang Trung, Hoàn Toàn gặp anh Minh Sư. Lúc ấy anh Minh Sư prihatin (nhịn ăn thứ Hai và thứ Năm) cầu nguyện để có thể giới thiệu đúng người vào Subud. Trong thời gian đó, anh Minh Sư có vài người bạn cùng trường Quốc gia Hành Chánh, anh Minh Sư nghĩ là có thể giới thiệu vào Subud, sau đó không ai vào cả. Tiếp theo, anh Minh Sư có một giấc mơ, thấy Hoàn Toàn trong giấc mơ đó, người mà Minh Sư không hề quen biết. Khi gặp Hoàn Toàn, anh Minh Sư cảm thấy Hoàn Toàn đúng là người sẽ gia nhập Subud. Những tình tiết về sau Hòan Toàn không tiện nói chi tiết trong bài viết này. Rồi anh Minh Sư nói chuyện Subud với Hoàn Toàn.

Tháng 9 năm 1969. Hoàn Toàn được khai mở bởi ông Prio Hartono. Thực ra, trước một ngày ông Prio Hartono đến Hội, Hoàn Toàn đến sơn trụ sở Hội để đón tiếp ông Prio vào ngày mai. vì quá khuya Hoàn Toàn đã ngủ đêm tại phòng latihan nam của Hội ở Saigon. Đêm đó, Hoàn Toàn rung động toàn thân, đã tiếp nhận latihan và đã được Thượng Đế khai mở.

Hoàn Toàn lại gặp Haryanto hằng tháng trong những khi vẽ bài Kiến Trúc tại trường.

Haryanto vừa đi học, vừa làm cho một sở Mỹ. Suốt cuộc đời của Haryanto lúc nào cũng làm việc quần quật, chăm chỉ và rất cẩn thận khi tiêu tiền. Trong đời, anh ấy đã đóng góp một số tài khoản lớn cho Subud quốc tế.

Hoàn Toàn có một giấc mơ. Trong giấc mơ đó, Hoàn Toàn là một đạo sĩ Yoga. Hoàn Toàn ngồi trên một bục giảng thuyết pháp ở giữa rừng, ở dưới bục có nhiều người ngồi nghe. Trong số những người ngồi nghe thuyết pháp có Haryanto và Suryadi Mai Thế Sơn. Lúc ấy Hoàn Toàn đã giới thiệu Suryadi vào Subud rồi. Hoàn Toàn cảm thấy như đã gặp Suryadi và Haryanto trong kiếp trước. Hoàn Toàn tin rằng sẽ có cơ duyên sẽ đưa Haryanto vào Subud.

Lúc ấy, Hoàn Toàn học Dich Lý với bác Hoàn Nguyên Vũ Đình Mẫn. Nhờ latihan, mỗi khi lấy quẻ Dịch Hoàn Toàn thường đoán rât đúng, nhiều khi lấy quẻ Dịch, bác Hoàn Nguyên cũng hỏi Hoàn Toàn đoán quẻ Dịch đó như thế nào. Rồi các Giáo Sư ĐH Kiến Trúc nghe tiếng, thường cho các Thư Ký đến hỏi Hoàn Toàn những câu hỏi liên quan đến các công việc làm ăn của họ.

Khi gặp Haryanto tại trường ĐH KT, tự nhiên hai người nói chuyện rất hợp nhau như đã quen nhau rất lâu rồi. Haryanto mời Hoàn Toàn đến nhà chơi. Nhà Haryanto là cơ sở bưu điện Tân Định. Ba Haryanto là trưởng ty bưu điện Tân Định. Ngoài sự trao đổi về việc học, Hoàn Toàn có nói chuyện Dịch Lý với Haryanto, rồi nói sang chuyện Subud. Haryanto là người rất lý luận, mỗi sự cần phải có chứng minh rõ ràng Haryanto mới tin. Hoàn Toàn giới thiệu Subud với Haryanto từ năm 1969 mãi đến năm 1971 Haryanto mới chịu khai mở.

Haryanto nói vì mến Hoàn Toàn nên đồng ý khai mở, nhưng nếu trong 6 tháng mà Haryanto không nhận thấy gì Haryanto sẽ không tiếp tục theo Subud nữa và Hoàn Toàn cũng đừng buồn. Vì Hoàn Toàn tiếp nhận latihan dễ dàng nên Hoàn Toàn đồng ý và tin rằng thể nào Haryanto cũng tiếp nhận được giống như Hoàn Toàn trong latihan. Lúc ấy Hoàn Toàn đang làm Phó Tổng Thư Ký Hội, nên Hoàn Toàn đã yêu cầu bác Vũ Huy Minh Châu khai mở cho Haryanto. Hoàn Toàn cảm thấy rằng bác Vũ Huy Minh Châu là vị Phụ Tà đầu tiên và kỳ cựu nhất của Subud Việt Nam, chắc khi khai mở Haryanto sẽ dễ dàng tiếp nhận.

Hoàn Toàn cũng dặn Haryanto rất kỷ về việc sửa soạn thân, tâm trước khi khai mở. Sau khi khai mở, Haryanto cho biết không nhận thấy gì rõ ràng cả. Hoàn Toàn đã cầu nguyện rất nhiều để Haryanto có thể tiếp nhận trong latihan, nhưng tháng thứ 6 sắp trôi qua mà Haryanto cũng chưa nhận thấy gì minh bạch cả. Lúc ấy sắp đên tháng nhịn ăn Ramadhan, Hoàn Toàn khuyên Haraynto nên kiên nhẫn và cùng nhịn ăn chung với Hoàn Toàn.

Trong một đêm Quyền Năng tại Hội, Hoàn Toàn thức đêm, ngồi cạnh Haryanto, đang cầu nguyện cho Haryanto, bỗng nhiên một latihan rất mạnh chuyển đến châu thân cả Haryanto và Hoàn Toàn. Lúc ấy Haryanto đã cảm thây một sự rung động rất mạnh mẽ trong cơ thể mà không phải do ý của Haryanto. Haryanto nhận thấy rõ là đã được tiếp xúc với quyền năng của Thượng Đế. Haryanto đồng ý tiếp tục tập latihan và từ đó Haryanto không bao giờ quên không nhịn ăn Ramadhan. Hoàn Toàn rất mừng và cảm tạ Thượng Đế đã ban một chứng nghiệm đặc biệt cho cả hai người trong đêm quyền năng đó.

Sau chứng nghiệm đặc biệt này, Haryanto hăng say làm việc Hội. Lúc bấy giờ Hoàn Toàn là Phó Tổng Thư Ký Hội, sau đó là Tổng Thư Ký Hội. Hoàn Toàn đề nghị với Hội Đồng Quản Trị để Haryanto làm trưởng Ban Sách báo, từ năm 1972-1974. Và các anh em Kiến Trúc khác cũng vậy: Suryadi Mai Thế Sơn trưởng ban Văn nghệ, Hoàng Nam phó trưởng ban Văn nghệ, Phan Đình Việt trưởng ban Kiến thiêt, Nguyễn văn Lộc phó trưởng ban Kiến thiết, Mawardi Hậu thư ký 2 ..v.v...

Năm 1973, Hoàn Toàn và Haryanto nói chuyện Subud với gia đình Haryanto. Sau đó, bố mẹ và 9 người anh em của Haryanto gia nhập Subud (anh Lâm, Trung, Hòa, Hiếu, Lộc, Thọ, Lan, Liên và Lý). Ba Haryanto, bác Trương Trọng Sơn làm Ủy Viên Kiểm Soát của Hội.

Từ đấy latihan của Haryanto tiến rất nhanh. Khi vẽ bài Kiến Trúc, Haryanto cảm được nội ngã hưỡng dẫn hai bàn tay mình. Haryanto biết trước một số việc sẽ xảy đến cho mình và khi tập gần một huynh đệ đôi khi Haryanto cảm nhận được tình trạng nội ngã cua người đó.

Haryanto tốt nghiệp kiến trúc sư năm 1974, có tên Subud tiếng Việt là Liêm Khiết. Sau đó Haryanto xin tên Subud bằng tiếng Nam Dương, Haryanto có nghĩa là kiên nhẫn. Suốt cuộc đời Haryanto lúc nào cùng cần phải kiên nhẫn cả.

Khi chỉ có hai người, Haryanto thường gọi Hoàn Toàn là sư huynh vì là người vào Subud trước. Khi nghe Haryanto chia sẻ những kinh nghiệm như vậy, Hoàn Toàn mới bảo Haryanto là trước sau gì “sư đệ “cũng sẽ là Phụ Tá, không chừng tâm linh còn vượt cả Huynh này nữa. Cả hai cùng cười vì câu nói vui này.

Tháng 1 năm 1975, HĐPT Việt Nam đã chọn 4 nam Phụ Tá trẻ đó là: Anh Siêu Nhân Trọng, anh Phát Tâm, Haryanto và Hoàn Toàn. Lúc ấy Haryanto mới vào Subud được 4 năm mà đã được chọn làm Phụ Tá, là người trẻ nhất về số năm vào Subud đã làm Phụ Tá. Hoàn Toàn lúc ấy đã vào Subud được 6 năm. Đến tháng 3 năm 1975, Haryanto và Hoàn Toàn nhận được giấy chấp thuận của Bapak và thẻ Phụ Tá cùng một ngày.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhóm 29 anh em rời VN bằng thuyền đến Thái Lan. Cả nhóm chỉ có hai Phụ tá nam là Haryanto và Hoàn Toàn. Trong tuần lễ đi từ Saigon đến Hà Tiên, hai anh em đã phải làm rất nhiều trắc nghiệm để hướng dẫn cuộc hành trình cam go của nhóm. Nhờ ân huệ của Thượng Đế, trắc nghiệm của hai anh em thường giống nhau nên cũng dễ đưa đến những quyêt định chung. Trong chuyến đi tị nạn này, lúc chủ đò đòi tiền sơ phí đưa đi là 1 triệu đồng tiền VN thời bấy giờ, Haryanto đã đóng góp khoảng 7 trăm ngàn đồng, còn lại là tiền của các anh chị em trong nhóm góp lại.

Nhóm Thái 29 đã đến Áo vào tháng 7 năm 1975. Khi ở Áo vì làm việc nhiều quá, Haryanto bị lao phổi, phải vào nhà thương chữa trị 6 tháng. Ở Áo, qua trắc nghiệm, Hoàn Toàn được chọn làm Phụ tá quốc gia của Subud Áo.

Hoàn Toàn và Haryanto tại London năm 1976
 

Trong thời gian từ 1975-1979, hai anh em ít làm việc chung vì lúc ấy Haryanto làm phụ tá nhóm của nhóm Subud Wien.

Rồi Bapak bổ nhiệm Hoàn Toàn làm Nghị viên tâm linh cho Subud VN ở hải ngoại, hai nhiệm kỳ (1975-1983). Các Phụ Tá quốc tế lại trắc nghiệm để Hoàn Toàn làm chủ tịch ủy ban SD quốc tế lo cho những huynh đệ tị nạn Việt Nam hai nhiệm kỳ (1975-1983). Lúc ấy, Haryanto mới đùa Hoàn Toàn: “Bây giờ Huynh tiến hơn Đệ về tâm linh rồi nhé.”

Năm 1979, Hoàn Toàn và Haryanto đều sang Mỹ để đoàn tụ với gia đinh. Hoàn Toàn đến Connecticut trông nom mẹ. Haryanto về Chicago đoàn tụ với bố mẹ và anh em. Khi sang Mỹ, Haryanto đã đi học trở lại và lấy bằng tương đương về Kiên Trúc Sư.

Từ năm 1979 đến năm 1984, Haryanto làm Phụ Tá cho nhóm Subud Chicago. Từ 1979-1980, Hoàn Toàn làm Phụ Tá cho nhóm Subud Hartford ở Connecticut. 1980-1984, Hoàn Toàn được chọn qua trắc nghiệm làm Phụ Tá vùng miền Đông của Subud Mỹ.

Năm 1984, thật bất ngờ, Haryanto và Hoàn Toàn cùng được chọn làm Phụ Tá quốc gia của Subud Mỹ. Hai anh em đã cùng nhau làm liên tục 2 nhiệm kỳ từ 1984-1991. Trong thời gian này, các Phụ Tá quốc gia khác của Subud Mỹ gọi Haryanto và Hoàn Toàn là cặp bài trùng vì kết quả trắc nghiệm và ý kiến về những vấn đề tâm linh của cả hai thường giống nhau.

Subud Mỹ có trên 2000 hội viên hoạt động, số Phụ Tá hoạt động khoảng 650 ngưới, 38 Phụ Tá Vùng cho 7 vùng và 8 PTQG. Năm 1986 các Phụ Tá quốc gia thay phiên nhau từng cặp (1 nam & 1 nữ) đi thăm các vùng trên nước Mỹ.

Haryanto đi thăm 20 nhóm của vùng California. Hoàn Toàn thăm vùng miên Đông có 13 nhóm. Trong chuyến viếng thăm này, Hoàn Toàn phải giải quyết một vấn đề pha trộn latihan với phương pháp mặc tưởng của Sufi.

Một phần công việc của Phụ Tá quốc gia là trợ giúp các Phụ tá Vùng qua trắc nghiệm khi đi thăm các vùng.

Qua lời khuyên của Ibu, các Phụ Tá khi trắc nghiệm phải trống rỗng, hoàn toàn thoát khỏi tư lợi, lúc ấy nội ngã của người trắc nghiệm sẽ tiêp xúc với quyền năng của Thượng Đế.

Khi đi thăm viếng các vùng, Haryanto đã có thể tiếp nhận cách đặt các câu hỏi một cách rành mạch của các vấn đề và tiếp nhận rõ ràng câu trả lời. Haryanto rất chân thành trong sự giúp đỡ các hội viên khó tiếp nhận latihan sau khi khai mở cũng giống trường hợp của Haryanto lúc mới vào Subud. Trong những chuyến đi này Haryanto khi yên tịnh, tự tiếp nhận được những bài nói chuyện ngắn thích hợp với nhóm đó. Có nhiều huynh đệ nghe cảm động đến ứa nước mắt. Các PTQG Mỹ nhận được nhiều thơ cám ơn và khen ngợi Haryanto của các Phụ Tá thuộc vùng California sau chuyên đi đó.

Lúc đó có vấn đề pha trộn latihan với những phương pháp tâm linh khác, Haryanto đã chia sẻ với Hoàn Toàn:

“ThượngĐế tạo ra vạn vật và vũ trụ. Thượng Đế Vĩnh cửu, bất diệt và bất biến. Quyền năng Thượng Đế bao trùm mọi vật do Thượng Đế tạo ra. Quyền năng của Thượng Đế cao cả nhất mà không phục tùng quyền năng nào. Khi khai mở chúng ta đã tuyên thệ: Tôi tin tưởng vào ThượngĐế Toàn Năng Duy Nhất và chỉ có Ngài là đấng duy nhất. Nếu chúng ta quả thật tiếp nhận được trong latihan, chúng ta không mất thì giờ để tập thêm một phương pháp tâm linh nào cả.

Bapak có sứ mệnh đối với Thượng Đế. Các Phụ Tá phụ giúp Bapak để Bapak có thể hoàn thành sứ mệnh đối với Thượng Đế. Phụ Tá là Phụ Tá của Bapak chứ không phải phụ tá của Thượng Đế. Thượng Đế toàn năng toàn giác, Ngài không cần Phụ Tá. Các Phụ Tá lấy Bapak làm gương. Bapak không pha trộn latihan với những phương pháp tâm linh khác. Các Phụ tá cũng vậy. Tập latihan là tiếp xúc với quyền năng của Thượng Đế. Quyền năng Thượng Đế thời cao cả vĩ đại, vì thế không thể pha trộn latihan với những phương phấp tâm linh khác. Tập pha trộn như thế sẽ không tiến về tâm linh mà còn bị lùi. Vì thế khi các Phụ Tá pha trộn latihan sẽ bị ngưng chức Phụ Tá. Còn hội viên pha trộn, Phụ Tá giải thích sự lợi hại cho hội viên đó biết. Sau đó, tùy họ chọn lựa quyết định của mình. Trong những trường hợp như thế, các Phụ Tá cùng thảo luận để biết vê phương pháp tâm linh đó. Sau đó cùng nhau trắc nghiệm xem nếu người đó tập hai phương pháp cùng một lúc, như thế có phải là pha trộn không? Và tình trạng tâm linh người đó sẽ như thế nào?

Lúc ấy ở VN có nhiều phương pháp tâm linh mới. Qua một số thơ hỏi ý kiến về một số phương pháp tâm linh này.”

Haryanto và Hoàn Toàn đã trắc nghiệm và đã tiếp nhận rằng:

Nếu tập latihan còn tập thêm một số phương pháp tâm linh khác như Nhân Điện của ông Lương Minh Đáng, thiền Vô vi của ông Lương Sĩ Hằng, thiền vô vi Qui Nguyên của Sư Huynh và thiền của bà Thanh Hải Vô Thượng Sư, .v.v.. đều là pha trộn.

Sau này Hoàn Toàn đã được truyền nhân của Nhân Điện Âm dương chu toàn của ông Tư và Việt Giáo bí truyền của Đức Trần Hung Đạo chọn để truyền đạo. Hoàn Toàn đã nói chuyện với Haryanto và cả hai cùng tiếp nhận rằng nếu tập những môn này sẽ là pha trộn trong Subud. Sau đó Hoàn Toàn đã từ chối tập các phương pháp tâm linh nêu trên của các truyền nhân này.

Khi ông Lương Minh Đáng tiên đoán California sẽ bị động đất lớn, có thể sụp đổ xuống biển. Có một số huynh đệ ỏ California hỏi. Haryanto và Hoàn Toàn đã trắc nghiệm và đã trả lời huynh đệ này là sẽ không có gì xảy ra và sau đó đúng như vậy.

Có một thời gian, bác Hoàn Nguyên Vũ Đình Mẫn cũng viết thư hỏi Hoàn Toàn là ông Trần Trường trong Vô Vi của ông Lương Sĩ Hằng có phải là điển của Thượng Đế không? Hoàn Toàn có bàn với Haryanto về câu hỏi này. Cả hai cùng tiếp nhận được là không phải.

Nhiệm kỳ PTQG đầu tiên chấm dứt năm 1987, Haryanto và Hoàn Toàn đều đươc tiêp tục lam nhiệm kỳ hai qua trắc nghiêm. Lúc ấy Hội Đồng PTQG có 8 người. 6 người kia đều là những người mới làm lần đầu. Chỉ có Haryanto và Hoàn Toàn đã làm qua một nhiệm kỳ. Khi trắc nghiệm để chọn Nghị Viên Tâm Linh, cả hai anh em đều làm được cả. Nhưng Hoàn Toàn đã làm Nghị viên tâm linh cho Subud VN hai nhiệm kỳ liên tiếp, nên lần này tốt hơn để cho Haryanto làm. Hội Đồng PTQG cũng đồng ý như vậy. Nghị viên tâm linh là người đại diện về tâm linh cho quốc gia đó. Khi ấy Hoàn Toàn mới nói đùa Haryanto: Bây giơ tâm linh của “đệ” lại tiến hơn “huynh” rôi đó.

Haryanto đã chia sẻ lời cầu nguyện hằng ngày của Haryanto với Hoàn Toàn.

- Con luôn đặt trọn niềm tin nơi Thượng Đế. Cầu xin Thượng Đế hãy tha thứ, ban cho Con nội tâm vững mạnh, để không bị sa ngã qua những thử thách, những cám dỗ của những sức mạnh hạ đẳng mà luôn trung thành tin tưởng nơi Ngài.

- Hãy ban ân cho con sinh sống nơi thế gian này với trọn vẹn những đúc tính Susila, Budhi, Dharma với đầy lòng tin tưởng, kiên nhẫn, chân thành, qui thuận và phó thác mọi sự vào ý muốn của Thượng Đế.

- Con sẽ không suy nghĩ, nói hay hành động điều gì xấu, bất lợi cho người khác.

- Con luôn suy nghĩ, nói và hành động hòa nhã và tốt đẹp đối với mọi người.

- Con chỉ là hạt cát trong sa mạc mông mênh do Thượng Đế tạo ra, Con không bao giờ nghĩ là tâm linh Con cao quí hay tiếp nhận hơn người khác.

Năm 1988, anh Haryanto lấy chị Hồng ở Arizona, đến nay có được 4 người con. Ba trai: Long (24), Tâm (21),và Đạt (19) hiện đều đang học Đại Học, và 1 gái: Adalia (10).

Hoàn Toàn có đến Chicago dự đám cưới. Sau này chị Hồng đã gia nhập Subud và có tên Subud là Susilawati.

Năm 1989, khi đi dự Đại Hội vùng Midwest ở Chicago, Hoàn Toàn có lại thăm gia đình Haryanto, lúc ấy Haryanto chưa có con. Hoàn Toàn được hai vợ chông tiếp đón thật nồng hậu. Sau khi chấm dứt nhiệm kỳ thứ hai của PTQG năm 1991, Haryanto trở về làm Phụ Tá nhóm cho nhóm Subud Chicago cho tới năm 2008.

Năm 2004, Haryanto có dịp làm việc tại Washington DC vào những dịp cuối tuần. Những cuối tuần này, Hoản Toàn và anh Quý Hùng đã có dịp gặp mặt, trò truyện thân mật, tập latihan với Haryanto trong suốt năm đó.

Năm 2006, Haryanto và Suharto đến dự Đại hội chung giữa Subud miền Midwest và East hợp lại. Hai anh em đã ở nhà Hoàn Toàn ba ngày. Trong thời gian đó, cả ba anh em và anh Quý Hùng đã có một cuối tuần kỳ diệu với nhau.

Năm 2008, vài lần sau khi đánh răng, Haryanto thấy bật những tia máu, Haryanto đã đi khám nha sĩ. Nha sĩ cho biết răng Haryanto không sao. Haryanto mới đi thử máu và được biết là bị ung thư phổi. Haryanto chữa chạy với bác sĩ nhưng không cho một ai biết cả trừ gia đình.

Cuối năm 2009, Hoàn Toàn rủ Haryanto ra trắc nghiệm làm PTQG nhiệm kỳ ba, nhưng Haryanto cho biết từ đó đến lúc cuối đời Haryanto cũng không ra trắc nghiệm nữa. Hoàn Toàn ra ứng cử PTQG một mình đi.

Đến năm 2010, bệnh Haryanto nặng thêm, Haryanto ốm nhiều chỉ còn da bọc xương. Haryanto đã xin từ nhiệm Phụ Tá tại nhóm Chicago vì nghĩ mình không thể sống lâu nữa. Haryanto đã cho một Phụ Tá thân nhất của Subud Chicago biết và dặn Phụ Tá này đừng cho ai biết cả. Vị Phụ Tá này tập latihan và tiếp nhận phải cho Hoàn Toàn biết để Hoàn Toàn cầu nguyện cho Haryanto. Lúc ấy Hoàn Toàn vừa nhậm chức Phụ Tá quốc gia nhiệm kỳ thứ ba của Subud Mỹ.

Hoàn Toàn cảm nhận được Thượng Đế muốn Hoàn Toàn săn sóc và cầu nguyện cho Haryanto qua Latihan. Hoàn Toàn gọi phone và nói chuyện với Haryanto hơn 2 giờ đồng hồ, cuối cùng Haryanto mới nghẹn ngào cho Hoàn Toàn biết căn bệnh ung thư của Haryanto. Sau dó Hoàn Toàn đã họp với các Phụ tá quốc gia, phụ tá vùng Midwest và East, và 1 Phụ Tá Canada, người đã quen Haryanto nhiều năm, và Suharto Lộc, em trai Haryanto, cũng là Phụ Tá.

Sau dó, các Phụ tá này đã trắc nghiệm và tiếp nhận là nên tập latihan đặc biệt cầu nguyện cho Haryanto. Các Phụ Tá này cũng đồng ý giữ kín chuyện này không cho ai biết cả. Sau đó, các Phụ Tá này cùng với Hoàn Toàn tập latihan đặc biệt cùng với Haryanto bắt đầu tháng 1 năm 2010, mỗi tuần một lần vào đêm thứ Ba.

“Năm 1984, Hoàn Toàn là PTQG của Subud Mỹ, đã có kinh nghiệm tập latihan đặc biệt để cầu nguyện cho một phụ tá bị bệnh ung thư phổi. Người Phụ Tá này lúc đó đã 81 tuổi và là một phụ tá lâu năm. Anh này bị ung thư phổi ỏ tình trạng cuối cùng. Bác sĩ bảo anh ấy chỉ có thể sống thêm 1 tháng. Anh ấy thuộc nhóm Subud New York. Anh tập latihan và cầu nguyện xem Phụ Tá nào có thể tập latihan đặc biệt cho mình. Ở nhóm New York, Hoàn Toàn không hề quen biết anh ấy, anh ấy cũng không biết Hoàn Toàn. Bỗng nhiên trong latihan, anh ấy đọc tên của Hoàn Toàn. Sau khi được người khác giới thiệu với Hoàn Toàn, anh ấy đồng ý trả mọi phí tổn để Hoàn Toàn có thể đi từ Virginia đến North Carolina bằng phi cơ để tập latihan đăc biệt cho anh ấy vào mỗi cuối tuần. Hoàn Toàn đã trắc nghiệm với các PTQG khác và tiếp nhận là nên giúp cho anh ấy. Sau đó, nhờ ân huệ của Thượng Đế, đời sống của anh ấy kéo dài thêm 6 tháng, để được tập thêm Latihan trong lúc anh ấy còn sống. Nhờ ân huệ của Thượng Đế Hoàn Toàn cũng tiếp nhận được ngày anh ấy từ giã cõi đời.”

Những ngày sau đó, Hoàn Toàn thường xuyên nói chuyện điên thoại với Haryanto. Haryanto cho biết đã được nhiều lợi lạc về tâm linh và sức khỏe trong hơn 3 năm qua mà Haryanto tưởng đã chết vào cuối năm 2008.

Tháng 10 năm 2011, đáp lời mời của phụ Tá nhóm Subud Chicago, Hoàn Toàn và ba PTQG đã đến thăm Subud Chicago để trắc nghiệm cùng các Phụ Tá Vùng Midwest và các phụ tá Chicago một số vấn đề nan giải. Hoàn Toàn có cơ hội gặp lại Haryanto tại đây. Haryanto trông rất ốm, đầu rụng tóc, phải đội tóc giả. Hai anh em ôm nhau, mừng mừng tủi tủi, hàn huyên tâm sự với nhau.

Đầu năm 2013, Haryanto có gọi phone tâm sự với Hoàn Toàn. Haraynto nói: "Đệ nay đã 65 tuổi rồi, nếu có chết cũng không phải là chết yểu. Về vấn đề thế gian, học hành cũng tốt nghiệp Kiến Trúc Sư, có gia đình, sự nghiệp, có con cái, có tài sản. Về phần tâm linh đã làm Phụ Tá quốc gia 2 lần, Phụ Tá hoạt động 35 năm. Cũng đã từng làm trong ban Quản trị. Phục vụ nhiều năm cho các huynh đệ. Suốt cuộc đời chỉ tin vào Thượng Đế, chỉ tập latihan mà không pha trộn thêm một phương pháp tâm linh nào cả. Khi biết mình bị ung thư phổi, lúc nào Đệ cũng lo sửa soạn thân tâm, qui thuận và phó thác mọi sự theo ý muôn của Thương Đế“.

Haryanto nói chắc hai anh em mình có duyên với nhau trong kiếp trước. Haryanto cám ơn Hoàn Toàn đã giới thiệu Subud cho Haryanto. Hai anh em có dịp học chung, đi tị nạn bằng thuyền chung với nhau, làm việc Subud chung với nhau trong Subud, suốt 45 năm qua. Hoàn Toàn lại lo lắng tổ chức tập latihan cầu nguyện cho Haryanto suốt hơn 3 năm. Haryanto cảm thấy mình sẽ không ở thế gian lâu nữa. Có thể Haryanto sẽ đi bất thình lình, khi Hoàn Toàn biết Haryanto có thể đã ra người thiên cổ. Nên nay Haryanto cám ơn trước. Hoàn Toàn nghe xong, rất là cảm động, nước mắt tự nhiên cứ rơi ra.

Đến tháng 3, trong 1 xuất tập latihan cầu nguyện cho Haryanto, Hoàn Toàn tiếp nhận được Haryanto sắp rời thế gian và Thượng Đế cũng cho Hoàn Toàn biết ngày Haryanto sẽ từ giã cõi đời. Hoàn Toàn kiểm lại với cháu Thanh Lan về tình trạng sức khỏe của Haryanto. Hoàn Toàn cảm thấy không cần dấu tin này nữa, vì khi Haryanto còn sống mà nhận được nhưng latihan cầu nguyện sẽ tốt hơn là sau khi đã chết. Hoàn Toàn đã thông báo cho các anh chị em cầu nguyện cho Haryanto ở VN và các nước trên thế giới. Riêng ở Mỹ, các Phụ Tá quốc gia, Phụ tá vùng, Phụ tá nhóm thay phiên tập latihan hằng ngày cho Haryanto đến khi Haryanto mất.

“Haryanto ơi,” Đệ “ đã xuống thế gian này, đã sống trọn vẹn với những đức tính Susila, Budhi, Dharma, với niềm tin trọn vẹn, lòng kiên nhẫn, chân thành, qui thuận và phó thác mọi sự vào ý muốn của Thượng Đế. Bây giờ Đệ đã ra đi, tiếp tục tập latihan nơi thế giới khác gần cận với Thượng Đế. Hoàn Toàn cầu xin Thượng Đế ban ân, và dẫn dắt Đệ. Nếu Đệ có điều gì khuyên bảo nhắn nhủ Huynh hãy báo qua tâm linh cho Huynh biết.”

Gặp nhau kiếp trước bao tình
Kiếp này đồng cảm, tu hành cùng nhau
Thương người huynh đệ chân thành
Một lòng kiên nhẫn, một đời thuận qui
Bao nhiêu thử thách cam go
Niềm tin Thượng Đế chăng hề lạt phai
Tiễn chân nội cảm nguyện cầu
Theo chân Thượng Đế, linh hồn thảnh thơi