Ở cùng cảnh giới

Halimah Bùi Thị Thùy
    04.04.2013

Trưa chủ nhật 17/3/2013, sau xuất latihan thường lệ ở nhà bác Sunarti, anh Hoàn Toàn gửi email báo cho biết là anh Haryanto đang mắc bệnh ung thư phổi ở thời kỳ cuối, chỉ còn sống từ 5 đến 7 ngày. Dù cầu nguyện để xin được qui thuận nhưng H vẫn thấy đau lòng đến mức ngơ ngẩn, người chung quanh có nói cái gì đó, cũng không nghe được bất cứ điều gì. 

Sau đó H đã gửi email thông báo cho một số anh chị em trong nước và ngoài nước, nhất là các điểm làm latihan để mọi người cùng hướng về Thượng Đế cầu nguyện cho anh Haryanto. Một vài anh đã biết tin từ lâu, còn đa số đều sửng sốt như bị sét đánh.

Ngay trưa thứ hai 18/3/2013, lúc 3g30 xế trưa, ở nhóm làm latihan Bàn Cờ, chị Siêu Linh đã báo cho các chị em tĩnh tâm cầu nguyện.

Tối thứ tư 20/3/2013, lúc 8g tối, ở nhóm latihan Tân Định, sau latihan, các anh em đã dự một selamatan đạm bạc để cầu nguyện cho anh Haryanto.

Sáng sớm thứ năm 21/3/2013, lúc 8g sáng ở Việt Nam, anh Hướng Thiện gọi điện cho biết anh Haryanto đã thực sự rời bỏ thế gian này lúc 1g sáng giờ Chicago ngày thứ tư 20/3/2012. Vậy là chúng ta đã vĩnh viễn cách xa người anh em thân yêu, con người đầy đức tin luôn qui phục Allah, một vị phụ tá nhiệt tình đã từng hoạt động không bao giờ mệt mỏi vì anh chị em tâm linh của mình.

Bao nhiêu kỷ niệm ùa về… Chuyện đã xảy ra bao nhiêu năm rồi mà sao cứ tưởng như mới hôm qua hôm kia.

Nhớ hồi 1974, khi anh Haryanto Liêm Khiết và gia đình còn ở bưu điện Tân Định, cả nhà hầu như đều vào Subud. Lúc đó H mới chập chững bước chân học tập qui thuận. Thời kỳ đó, chúng tôi nhẵn mặt nhau nhưng gặp nhau ngoài đường thì … làm lơ. Ở nhà chung với số hội viên 2.000 người, lúc đó chúng tôi chưa biết quí tình huynh đệ tâm linh. Một số người còn không muốn tham dự những sinh hoạt xã hội chung, trong số đó có … H một kẻ hủ lậu, sống khép kín, không thích giao thiệp rộng rãi.

Cho tới tháng 4 năm 1975, nhà chung không còn là mái ấm để chúng tôi có nơi chốn đi về. Tất cả tan tác như chim vỡ tổ. Lúc đó mới thấm thía đau lòng như xé ruột khi trở lại chốn cũ. Thời kỳ đó, chúng tôi đành tổ chức từng nhóm nhỏ, tập latihan tại nhà riêng. Chui nhủi nhưng vẫn lâu lâu đột kích tổ chức một buổi latihan khá đông. Tuy thiếu thốn mọi bề nhưng chúng tôi rất yêu thương nhau.

Năm 1978, khi bác Hardjono Léon Francois Maniquant đi Pháp, rồi qua Áo, anh Haryanto có gửi thư về để thăm hỏi, an ủi và khích lệ tinh thần anh chị em ở quê nhà, ngoài những thùng quà gồm thuốc men, áo quần, học cụ chất chứa tình yêu thương của huynh tỉ ở xa gửi cho anh chị em ở nhà chia sẻ nhau.

Năm 1997, với sự nhất trí của các phụ tá ở Việt Nam và anh chị em ở các nhóm, với sự hỗ trợ của anh Murray Clapham, chị Mỹ Hạnh Delune, anh Aamirudin Tuyền, nhất là sự sát cánh của anh Pollard Blekeley ở Hà Nội thời đó, H đã đi dự HN SBTG ở Spokane, Washington DC.

Linhard Synek (Áo), cháu Ibu Mastuti, Ibu Mastuti, Halimah Thùy, Sutrisna Maniquant, Haryanto Liêm Khiết.
 

Đây là một dịp được gặp những rường cột cao niên của Subud: bác Mardi Ning Shi, bác Hardjono Maniquant, bác Minh Hiền, bác Diễm Trang và đặc biệt một thành viên trong nhóm thanh niên thiện nguyện Subud ngày xưa, nay đã bước vào tuổi trung niên: anh Haryanto Liêm Khiết. Dù tóc đã muối tiêu nhưng tâm hồn Haryanto vẫn tươi mát, hồn nhiên và đầy nhiệt tình như một chàng trai mới lớn. Ở anh, chúng ta không thấy dấu hiệu mệt mỏi già nua của tuổi tác. Thấy H anh vui mừng và hết lòng hỗ trợ đàn em trong mọi việc: ghi danh, chọn nhóm dự thính, đi kèm H trong những buổi họp vùng và quốc tế. Ngay cả việc bán phiếu ăn cho người khác giùm H để cả nhóm đi ra ngoài đổi món, không ăn cơm Âu Mỹ mà ăn cơm Thái Lan để đỡ nhớ cơm Việt Nam, anh cũng tự nguyện. Có điều anh cũng đã cằn nhằn chút ít mà miệng cười hề hề: ‘ Mặt như vầy mà đi bán phiếu!’ Cách anh mời mọc người ta mua phiếu cũng thật tức cười: anh đứng dựa người bên phải vào cầu thang, tay trái buông xuôi, ngón cái và ngón trỏ cầm phiếu ăn. Khi gặp đối tượng, anh hất cằm và nhướng mày, hỏi nho nhỏ bằng tiếng Anh: ‘ Muốn ăn trưa hả? Có phiếu nè.’ Lần nào anh cũng thành công xuất sắc mau lẹ.   

Cả nhóm Việt Nam có những buổi sinh hoạt riêng thật đặc biệt và hạnh phúc. Anh chị em ngoại quốc nói đây là ‘nhóm dễ thương nhất’. Tất cả chuyện lớn nhỏ đều ghi dấu ấn sâu đậm trong ký ức chúng tôi về anh Haryanto.

Chúng tôi cũng không thể quên buổi dã ngoại với anh Haryanto, chị Kushima Yến, anh Thường Nhân Quý Hùng, anh Suryadi Sơn, vợ chồng Rashidah và Stephan Solat, Sutrisna Maniquant cùng với Ibu Mastuti và cháu ngoại bà. Băng rừng, xuyên sông, lên núi và tham quan thật nhiều điểm đến thú vị. Hầu như nơi nào anh Haryanto cũng nhiệt tình gợi ý và tận tình hướng dẫn thấu đáo mọi người.

 Anh Haryanto luôn luôn lắng nghe và chia sẻ. Câu chuyện giữa chúng tôi thường xuyên đứt ngang vì anh Haryanto quen biết rất nhiều anh chị em các nước, đủ loại người, nam phụ lão ấu. Hầu hết anh đều nhiệt tình vui vẻ chào mừng bằng cách ôm choàng họ và người anh quen biết cũng ôm hôn anh thắm thiết. Cũng dễ hiểu vì anh Haryanto đã là Phụ tá Quốc gia của Mỹ hai nhiệm kỳ và là KC của Subud Mỹ. Đi bất cứ nơi nào và tiếp xúc với bất cứ ai, anh hết lòng cũng làm tròn bổn phận của mình với cái tâm chân thành đầy tình yêu thương.

Sau HNSBTG, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau qua điện thoại. Anh Hoàn Toàn, anh Hoàng Nam, Murwani Ánh Thúy, Setiawati Ngọc Lan ở Mỹ và anh Siêu Nhân Tiến ở Canada đã gọi điện cho H. Lần nào cũng thật lâu, khoảng hai tiếng. Ai cũng trông ngóng muốn biết về tình hình bà con bên nhà. Người liên lạc nhiều nhất vẫn là anh Haryanto. Dù H ở Mỹ hay qua Canada, anh vẫn gọi điện nói chuyện kể về các chứng nghiệm trong Subud của cá nhân anh và của một số anh chị em. Anh còn kể rất nhiều chuyện về đời thường, hạnh phúc hay đau khổ của người Subud dưới sự hướng dẫn của quyền năng Thượng Đế. Nói bao nhiêu vẫn thấy không đủ, câu chuyện luôn luôn hấp dẫn, lôi cuốn người nghe. Đôi khi có nhiều chuyện không mới lạ nhưng sức thu hút không bao giờ giảm sút.

Khi H trở về Việt Nam, đi qua Chicago, anh Haryanto đang đi làm, anh cũng ráng thu xếp để ra phi trường ngồi với H với đủ lời dặn dò hãy giữ vững đức tin nơi Thượng Đế Toàn Năng, hãy áp dụng latihan trong đời sống hằng ngày, hãy cảm nhận latihan trong từng nhịp đập của trái tim…

H về Việt Nam với thật nhiều thử thách. Anh Haryanto tuy ở xa nhưng anh thấu hiểu mọi việc. Anh đã an ủi và khích lệ tinh thần H rất nhiều.

Trước khi có BDT, H đã dịch bài nói chuyện của Bapak hoặc của Ibu Rahayu, gặp vài chỗ gút mắc, H thường cầu cứu với anh Haryanto. Lời lẽ của anh Haryanto mộc mạc, không văn hoa cầu kỳ nhưng anh đã rọi sáng cho H rất nhiều lần để H tìm thấy từ ngữ và cách dịch thật thỏa đáng. Anh đã yêu cầu H đừng cho bất cứ ai biết anh đã hỗ trợ H trong việc dịch thuật. Nhưng làm sao H quên được công khó và tấm lòng chân thành của anh Haryanto đối với mọi người. Anh hỗ trợ H không phải vì cá nhân H mà vì ích lợi chung cho mọi người.     

Anh Haryanto là một người đàn ông của gia đình. Anh không rượu chè, không hút thuốc, không cờ bạc, chỉ biết miệt mài làm việc để chăm sóc cho nhu cầu của vợ con. Hôm gặp H anh Haryanto hãnh diện mở bóp lấy hình ra khoe: ‘ Halimah, lại đây cho xem chị Bình nè, đã chưa!’ Lúc đó, vợ anh chưa vào Subud nhưng anh không bao giờ thúc ép. Anh để chị tự quyết định. Sau này, thấy anh nhịn chay tháng Ramadan, chị xót và cũng thử nhịn vài tiếng rồi một buổi rồi nguyên cả ngày, rồi nhịn cả tháng chay luôn. Sau đó, chị tự nguyện xin được khai mở mà anh Haryanto không hề thuyết phục một lời. Một thời gian sau, chị có tên Subud là Susilawati, là người phụ nữ có tính nết tốt lành đúng ý Thượng Đế Toàn Năng. Chúng tôi quá đỗi ngạc nhiên và vô cùng kính phục anh vì tấm lòng chân thành qui phục Allah.

Năm 2005, chúng tôi có cơ hội gặp lại anh Haryanto lần nữa ở HNSBTG Innsbruck. Chưa tới mười năm mà anh Haryanto trông già đi rất nhiều, nhưng đặc biệt sự tươi mát trong tâm hồn anh vẫn không bao giờ thay đổi, lòng nhiệt tình của anh đối với mọi người vẫn không bao giờ suy giảm, vẫn cái miệng cười phúc hậu dễ mến khiến mọi việc dù có khó khăn căng thẳng thế nào gặp anh cũng thành ra chẳng có gì để lo lắng, cứ bình tĩnh an tịnh mà giải quyết. Cháu Sophia chưa một lần gặp mặt anh, chỉ xem hình chụp tập thể của mọi người mà nói sao bác nầy dễ thương quá mẹ ơi, bác cười thiệt tình trông giống Phật Di Lạc. Thôi để con gọi bác là bác Di Lạc cho dễ nhớ.

Anh Haryanto ở đâu làm gì cũng đem lại an vui cho mọi người. Anh đem tình thương yêu với tất cả nhiệt tình hiến dâng cho đời mà không hề có sự toan tính. Giờ đây anh đã từ bỏ xác thân hư hao tàn tạ này để quay trở về nơi chốn anh đã xuất phát.

Anh Margono nói anh Haryanto ra đi là anh đem đi cả một phần đời của chúng tôi. Đúng thật là như thế vì những kỷ niệm đầy ắp không thể nào xóa nhòa trong ký ức.

Sự cầu nguyện của chúng tôi chỉ là theo truyền thống sau khi một người đã lìa đời. Anh Hướng Thiện nói thực ra khi không còn bị giới hạn vì xác thân bệnh hoạn mệt mỏi thì đó chính là lúc anh Haryanto có thể hỗ trợ về tâm linh cho anh chị em rất nhiều. Chúng tôi tin có điều đó và cũng cầu xin rằng đây chỉ là một sự tạm biệt vì sau này có thể chúng ta cũng sẽ gặp lại nhau ở cùng cảnh giới Thượng Đế Toàn Năng dành cho những người thành tâm sùng bái Ngài.