Tưởng nhớ anh Mintardjo

Mawardi Trương Trung Hậu, 07.03.2013

Từ khi hoạt động ở hội (xã hội, sách báo,…) tôi được dịp gặp nhiều Huynh Đệ nhưng tôi không rõ quen biết anh Mintardjo từ thuở nào, chỉ nhớ đến dấp dáng của anh: to lớn, chững chạc, bắt tay như ‘lính’,…

Rồi biến cố ‘tháng Tư 1975’ xảy đến, khi chương trình di tản của hội coi như chấm dứt (sau khi TT Dương văn Minh tuyên bố  trên radio đầu hàng vô điều kiện) và những người còn lại ở hội tìm cách nào đó để vượt biên. Tôi không nhớ rõ anh Mintardjo bắt đầu làm trưởng nhóm từ lúc này hay trước đó nữa và tôi được giao phó làm thư ký ‘bất đắc dỉ’ của nhóm.

Trong công việc anh biểu gì tôi làm nấy và dường như không có dịp tán gẩu...

Mintardjo & Mawardi Trương Trung Hậu
 

 Từ khi lên Trung học, phải chọn môn sinh ngữ. Má tôi nói nếu tôi chọn Pháp văn bà còn có thể giúp tôi chút đỉnh còn như Anh văn thì bà bù trất, do đó tôi chọn Pháp văn. Tôi rất thích học sinh ngữ vì nghĩ đó là cách để mở rộng tầm mắt, kiến thức. Tôi cố gắng nhiều (về văn phạm, ngữ vựng,…) nên kết quả trong lớp luôn trên trung bình (điểm từ 14-16/20). Nhưng tôi có nỗi khổ tâm riêng: không nghe và nói được tiếng Pháp. Có lần theo lời khuyên của bạn bè tôi đến Hội văn hóa Pháp để xem phim (không có phụ đề Việt ngữ). Kết quả càng buồn thêm vì không hiểu gì cả…

Bắt đầu lớp đệ tam tôi có thêm Anh văn là sinh ngữ thứ hai. Niềm vui trở lại vì lúc đó Anh văn rất thịnh hành. Học trong lớp rất trôi chảy nhưng rồi vấn đề vẫn vậy: tôi vẫn không nghe và nói được tiếng Anh. Thời đó có nhiều người Mỹ đến nhà tôi (vì anh em bà con đi lính, dẫn bạn Mỹ về nhà). Tôi còn nhớ tôi chỉ có thể nói và hiểu được 1, 2 câu chào hỏi rồi tịt luôn. Nỗi buồn càng thêm dai dứt …

Tôi ghi tên học Hội Việt Mỹ, lên lớp đều đều nhưng kết quả khi giao du với người ngoại quốc vẫn không thay đổi. Đến lớp 11 một hôm tôi chờ các bạn trong lớp ra về, tôi xin phép thầy tôi hỏi vì sao với bao nhiêu công khó nhọc tôi vẫn không nói và hiểu được tiếng Anh. Thầy cười thông cảm và giải thích bởi vì tôi học ngoại ngữ mà trong đầu tôi toàn tiếng Việt. Theo ý thầy khi học ngoại ngữ tất cả giác quan chỉ nên tập trung vào ngôn ngữ ấy mà thôi, nghĩa là tôi phải sống ở nước ngoài, nếu có thể được. Từ đó ước mộng đi du học lại càng gia tăng, tự túc thì không có khả năng chỉ còn mơ đến học bỗng thôi…

Trong trại tỵ nạn ở Songkhla tôi được dịp chứng kiến anh Mintardjo đối thoại với người ngoại quốc, phục anh lắm và khi biết được anh dạy Anh ngữ trong quân đội, hèn chi. Và một dịp nào đó tôi bày tỏ tâm sự về ngoại ngữ của tôi, anh khuyên tôi nên học theo lối quân đội Mỹ, mặc dù ngôn từ rất đơn giản nhưng cứ đọc đi đọc lại, không cần thiết phải hiểu văn phạm, phải đọc to và cả nguyên câu không đứt đoạn. Tôi rất khích động về lời giải thích của anh và hiểu vì sao anh Hiếu của tôi, rớt tú tài phải đi lính hải quân. Trong những năm Mỹ rút lui, bàn giao với QĐVNCH, anh Hiếu có về Saigon học tiếng Mỹ và tôi thường tò mò xem sách của anh học có những gì. Tôi thường lật quyển sách dầy cộm của anh từ đầu đến cuối mà chẳng thấy có gì mà tôi không hiểu, dễ quá. Thế rồi chỉ vài tháng sau anh đi Mỹ huấn thụ rồi về, tôi phục quá cứ tưởng rằng vì anh có cơ hội đi ngoại quốc, bắt buộc phải xài tiếng Mỹ…

Khi sang Áo với bao nỗi u hoài tôi không quên coi đây là cơ hội ‘du học’ hiếm có. Những tháng đầu ở trại tỵ nạn ở Mödling có lớp học tiếng Đức, Subud Áo có tặng nhóm 1 băng cassette đàm thoại tiếng Đức, huynh đệ trong nhóm sang ra để học thêm. Riêng tôi để áp dụng nguyên tắc anh Mintardjo chỉ, khi sang băng sau mỗi câu đàm thoại tôi để ngắt khoảng 1 khúc băng trống khá dài, để khi nghe đến khúc này tôi ráng lặp lại y chang. Lúc đầu khó khăn, chưa đọc xong câu tới lại đến… nhưng rồi cũng quen.

Đó là cách tôi học tiếng Đức, đã giúp tôi rất nhiều trên những ngày tháng lặn lội nơi xứ người. Một chữ cũng thầy, ngoài tình Huynh Đệ Subud tôi mang ơn này đối với anh Mintardjo, nay có dịp để nói lên lòng cảm phục của tôi đối với anh.

Em xin được chia sẻ tâm tình này với chị Hartini và gia đình.

Cầu chúc anh được về với Đấng Thiêng Liêng như anh hằng mơ ước. Amen!

Em Mawardi Hậu

lá thư về bài viết trên: Tấn thân, Tâm thần thật lung tung (nghe tin anh mất) nên hôm nay vào sở mà có làm được gì đâu, nên tôi viết vài hàng tưởng nhớ anh Mintardjo. Bạn bồ, Hậu.