Chặng đường đời với Mintardjo,
người anh không chỉ đơn thuần trong Subud

Margono Lê Văn Tấn
   13.03.2013

Tôi chỉ thấy anh Mintardjo thấp thoáng đôi lần tại nhà hội. Tôi chưa quen anh bao giờ, cho đến những ngày cuối tháng Tư năm 75 ở nhà hội. Đêm cuối của chúng tôi ở đó, sau khi mấy anh phụ tá và các anh lâu năm trong Subud trắc nghiệm ra đi. Tôi chỉ tham dự latihan, tới lúc đó tôi chưa biết trắc nghiệm như thế nào, tiếp nhận ra sao khi nhận được, nên chỉ ngồi yên ở góc phòng chờ. Tâm trạng trống rỗng, không biết sẽ quyết định như thế nào. [Nhiều năm sau này tôi mới biết là Thiêng Liêng đã cho tôi biết về việc ra đi rồi mà lúc đó tôi không biết. Khoảng thời gian gần đó tôi thường nhìn mẹ, mỗi lần nhìn dáng mẹ, lòng tôi buồn vô hạn, và nghĩ nếu không còn nhìn thấy được mẹ nữa thì bất hạnh biết bao nhiêu. Tôi tưởng Thiêng Liêng báo cho tôi biết là mẹ sắp mất. Đâu ngờ Thiêng Liêng đã chuẩn bị cho tôi một chuyến xa mẹ tôi, xa đúng 19 năm, tới khi mẹ tôi đến Áo thăm tôi]. Sau trắc nghiệm mọi người ngồi lại thành vòng tròn. Anh Mintardjo hỏi từng người đi hay ở. Đó là câu đầu tiên mà anh nói với tôi. Bắt đầu từ đó cuộc đời tôi gắn liền với anh và gia đình anh cho tới lúc chia tay vĩnh viễn trên cõi đời này bây giờ. 

Lần thứ hai anh nói chuyện với tôi cũng là một câu hỏi. Tôi đang ngồi bên vệ đường, nhìn con đường dẫn về quê mẹ ở Mỹ Tho lòng buồn hiu. Trên đường ra đi, xe bị bễ bánh phải dừng lại. Chỉ một đoạn đường ngắn nữa là tới nhà bà ngoại, nhà mấy cậu, mấy dì. Tôi lại sắp đi về phương trời nào đó bỏ hẳn cả quê hương yêu dấu. Anh hỏi tôi: „Em ăn gì chưa?“. Tôi cảm động nhìn anh, anh đúng là người coi sóc chúng tôi trên đường vượt biên này.  

Những ngày đầu ở trại tị nạn tôi cũng không nói chuyện được gì nhiều với anh. Một hôm tôi đang ngồi ngoài cầu tàu (trại tị nạn chúng tôi ở là căn cứ HQ Hoàng gia Thái). Những lúc không có chuyện gì làm, tôi hay ra đây ngồi, nhìn trời nước mênh mông. Thả hồn về quê mẹ. Anh Sĩ (đã mất) lại nói với tôi: „Hai anh em mình vào nói chuyện với anh Vũ, anh ấy đi định cư nơi nào cho hai anh em mình theo cùng. Anh ấy là người tốt, biết thương anh em“. Tôi đi cùng anh Sĩ vào gặp anh. Anh Sĩ nói lại mục đích. Anh nhìn anh Sĩ: „Anh đi với gia đình bên anh đi“. Rồi anh quay sang tôi: „Em đi với anh. Gia đình anh đi đâu em đi đó.“ Tôi tứ cố vô thân, trong Subud lúc đó chỉ biết Hậu, Mão, anh Hướng Thiện, anh Phương và anh Hoàn Toàn. Tôi nhìn anh vô cùng cảm động, người tôi chưa hề quen, chưa biết tôi, lại có thể cho tôi theo cùng. Từ đó khoảng cách giữa anh và tôi thu ngắn lại dần, rồi trở thành tình thân lúc nào không biết.

Có lần ở đó anh kể cho tôi nghe một câu chuyện. Anh với anh Phát Tâm là đôi bạn thân. Anh theo anh Phát Tâm đi coi bói. Anh không tin vào bói toán, chỉ đi theo vì anh Phát Tâm rủ. Ông thầy bói mù coi cho anh Phát Tâm xong, quay sang anh nói, muốn coi cho anh. Anh không muốn và nói thẳng anh không tin. Ông thầy bói vẫn cứ coi. Anh nói với tôi, em coi ông ta nói như vầy làm sao anh tin được. „Anh sắp đi ngoại quốc ở luôn, và đi Âu châu. Anh có tất cả 7 người con“. Anh tiếp lời, anh là lính làm sao đi ngoại quốc ở luôn được, lại đi Âu châu. Nếu có đi thì đi Mỹ thôi. Tới lúc đó anh đã đi Mỹ huấn luyện nhiều lần. Anh tốt nghiệp SQ trường Fort Bening ở Georgia. Anh kết luận: „Ông này nói đúng gần được một nửa rồi (đi ngoại quốc ở luôn, lúc anh kể chúng tôi chưa biết sẽ đi Áo). Để coi nửa sau có đúng không (7 đứa con)“. Đời sống ở Áo cũng đâu dễ dàng gì, 3 đứa con đã là quá mệt, vậy mà tụi nó cứ lần lượt chui ra làm con anh chị. Anh chị cố giữ đến mức nào cũng không xong. Tới đứa thứ bảy thì chị Hartini cho hết đồ con nít không giữ lại nữa để dành cho đứa kế. Ông thầy bói chẳng nói là anh chị chỉ 7 đứa hay sao! Anh nói với tôi, khoa bói toán cũng có gì huyền bí mà mình không hiểu nỗi.

Anh là một họa sĩ, anh tốt nghiệp trường Mỹ thuật Quốc gia. Hành trang vượt biên của anh là một va li nhỏ, ít đồ con nít cho 3 đứa con của anh và bó cọ vẽ. Tôi mê vẽ, nên lúc nào anh nói chuyện về hội họa là tôi ngồi nghe không biết chán. Anh nói có lúc anh vẽ chân dung cho mấy tên lính Mỹ kiếm tiền. Anh chỉ tôi, một ít về kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu. Cách nhìn gương mặt một người kiếm nét đặc biệt của họ để vẽ truyền chân. Anh nói, em chỉ cần biết điểm này là có vẽ các điểm khác không đúng vẫn giống nhân vật mà mình vẽ. Cho tới ngày nay, tôi vẫn ngù ngờ không nhìn nỗi nét nào là nét đặc thù của mỗi người trên gương mặt họ. Khó quá, vì thế mà tranh tôi nhiều khi không giống mấy. Mỗi khi anh nghe tôi nói, em vừa vẽ xong một bức tranh. Anh phóng xe lên nhà tôi ngay. Anh ngồi xem, chỉ những chỗ vẽ chưa tới, chưa đạt.

Anh tâm sự, khi nào anh về hưu, anh sẽ vẽ hết xung quanh các bức tường nhà anh, các chứng nghiệm mà anh có trong đời. Tôi chờ đợi ngày đó, để được nhìn những bức tranh vẽ đẹp thần sầu của anh, nhưng ngày đó không còn nữa. Anh đã về hưu từ lâu, nhưng giòng đời vẫn cuốn anh vào đó, khiến anh không còn thời giờ để làm những điều mà anh ước mong.

Khi anh sang Tân Tây Lan, dự ĐHTG, anh mới được Hậu cho biết web Góc Nhỏ. Tôi thì cứ lấy làm lạ, tại sao có người nào ở bên đó lên web tôi đều đều mà lại thường xuyên vào trang vẽ và hình ảnh là nhiều nhất. Tôi đâu nghĩ được là anh. Thôi cũng an ủi cho tôi, mấy bức tranh tôi vẽ sau này đã được anh nhìn qua. Từ ngày anh ở Việt Nam về, anh sống chỉ như chiếc bóng: đến hội tập latihan và về không còn muốn giao tiếp gì với ai nữa. Có lần gần đây sau xuất latihan, gặp được anh, tôi thu hết can đảm nói với anh: „Anh vẽ cho em xin mấy bức đưa lên web. Anh rán cầm cọ lại đi.“ Anh nói, anh bận quá, sẽ cố. Tôi tinh cờ được biết là anh rất bận, có lần tôi gặp anh chị trên chuyến xe đi làm buổi sáng sớm. Anh chị lại nhà đứa con gái trông con dùm cho nó. Ngoài ra, tôi được biết anh đã qua vài cuộc giải phẩu gì đó. Chị len lén anh nói với tôi, nặng lắm em, nhưng không nói rõ gì hơn. Tôi không rõ sức khỏe anh lúc đó như thế nào, cũng không dám hỏi. Một lần nhìn thấy anh chống gậy đi tập latihan, tôi bàng hoàng.

 

Nay thì anh không còn nữa và tôi chỉ có 1 bức vẽ mực „chưa vừa ý“ của anh mà thôi. Đây là bức hình anh định bỏ. Khi xưa thời còn trẻ thỉnh thoảng tôi viết bài gởi đăng báo, đây là một thú vui, và kiếm được tí tiền. Nhuận bút chỉ có 20 USD, nhưng đời sinh viên nghèo, số tiền này cũng là lớn cho tôi thuở đó. Những chuyện tôi viết, tôi thường vẽ kèm 1 tấm hình về nội dung truyện. Mỗi lần được đăng bài, tôi mang tạp chí tới đưa cho anh xem tấm hình vẽ đi kèm với truyện. Tôi luôn nhận được lời chỉ dẫn của anh cho lần vẽ tới. Một hôm, tôi viết truyện về một chàng phi công, coi bộ vẽ không xuễ, tôi tới nhờ anh. Anh nhận lời ngay. Ít hôm sau tôi tới nhà anh, anh lôi từ trong hộc bàn 1 xấp giấy vẽ, có lẽ trên 10 tấm, những tấm anh vẽ mà không hài lòng. Tôi sững sờ, tôi đâu ngờ chỉ 1 tấm hình như vậy mà anh bỏ công ra quá nhiều. Tấm nào cũng đẹp cả. Tấm tôi để theo bài này là tấm chót mà anh vẫn „chê“. Tôi sợ anh bỏ đi thì uổng quá. Anh cho em xin. Anh vẽ cho tôi tấm khác, tấm tôi gởi đi cùng với truyện quả thật đẹp hơn tấm này quá nhiều. Điều tôi đau xót là truyện tôi gởi cùng với tấm vẽ của anh một đi không trở lại. Trong đời viết báo ở hải ngoại, tôi chưa bao giờ bị loại bài nào (không phải tôi viết hay mà vì mấy tạp chí cần bài), vậy mà bài này với công anh vẽ đã đi vào cõi hư vô. Tôi với anh không có duyên văn nghệ. Nay tôi lập web góc nhỏ với trang văn nghệ, đây là mãnh vườn nhỏ của riêng tôi và các huynh đệ yêu nó. Tôi hy vọng ngày nào đó sẽ là nơi tràn ngập tranh của anh. Ngày đó không bao giờ còn tới nữa. Tôi với anh quả thật không có duyên với nhau.

Anh không chỉ có hoa tay để vẽ mà còn khéo tay trong mấy việc khác nữa. Anh may đồ mặc không thua gì các thợ may chuyên nghiệp. Nghề đầu tiên khi anh mới tới Áo là làm thợ may áo da mùa đông cho một hãng của một người Do Thái. Anh đem các da vụn ở đó về, may ráp nối thành các áo khoác hay các găng tay đẹp vô cùng cho gia đình anh và tặng bạn bè. Người lạ nhìn vào tưởng những chỗ ráp nối là tại cái kiểu mà anh cố ý làm, chứ đâu biết vì là da vụn nên phải làm như vậy. Anh may cho tôi một đôi găng tay da thú thứ thiệt. Đám bạn sinh viên của tôi thời đó nhìn cứ tưởng tôi mua ở tiệm. Còn tưởng tôi nghèo mà dám chơi sang. Găng tay da thiệt mắc lắm. Có đứa còn biểu tôi chỉ chỗ để đi mua.

Chẳng bao lâu sau, anh vào làm được trong cơ quan Liên Hiệp Quốc. Đúng nghể, nơi đây anh được dịp mỗi ngày nói tiếng Anh, khỏi phải học và nói tiếng Đức, một thứ tiếng quá khó khăn với anh. Anh là cựu trung úy QLVNCH, dạy Anh văn trường sinh ngữ quân đội.

Cũng vì anh không chịu học tiếng Đức, hay chỉ học qua loa đủ nghe hiểu và nói đại khái mà một lần anh nhờ tôi. Em đi họp phụ huynh dùm anh. Tôi nghe ớn quá, lúc đó chưa vợ con gì hết có làm phụ huynh bao giờ đâu, nhưng cũng phải rán gồng mình đi thế anh. Bà giáo sư hướng dẫn lớp thằng con lớn của anh, nhìn tôi bã hỏi: „Anh chắc không phải ba thằng Dzuy, trông anh còn trẻ quá!“. Tôi: „Dạ, tôi chỉ là em. Anh tôi bận việc không đi được“. Sau buổi họp, xuống đến sân trường tình cờ tôi thấy Sutadi (Dzuy). Hai chú cháu cười cười với nhau, dĩ nhiên nó biết tại sao tôi có mặt trong trường. Tôi dọa: „Rán học nhe con, bà giáo sư mà mắng vốn cái gì là con chết".

khóa huấn luyện Anh ngữ

 

Thời còn đi học, những buổi nghe giãng về sớm mà buổi chiều có xuất latihan tôi luôn luôn đến nhà anh. Nhà anh ở gần nhà hội. Nhà tôi ở quá xa, gần giáp ranh thành phố. Tới nhà anh, tôi được những bữa ăn ngon của chị, đùa vui với mấy đứa con anh chị, rồi chiều đi hội tập latihan với anh chị. Khoảng thời gian này thiệt là hạnh phúc, tự nhiên một người con bà phước như tôi lại có một mái ấm gia đình để đi về.

Có một thời kỳ không biết sao tôi cần và thèm latihan quá, phải tập 3 lần mới cảm thấy đủ. Tôi lại không tập ở nhà được, dù lúc đó tôi còn độc thân. Tôi đã thử vài lần tập ở nhà. Latihan chỉ ít phút và cũng không nhận rõ ràng. Tôi đến hội tập thêm xuất thứ ba. Một hôm một phụ tá Áo lại nói với tôi. Mày chỉ được tập latihan ở hội 2 lần thôi, lần thứ 3 phải tập ở nhà. Tôi biết điều này chứ đâu phải không. Tôi năn nỉ xin cho tôi tập ở hội, có lẽ tôi cần xuất thứ 3 này một thời gian ngắn thôi. Không được, phải tập ở nhà. Tôi chán nản: „Tại sao các phụ tá tụi bây không lo coi mấy hội viên không đi tập, khuyên họ nên đi tập lại, còn tao đang cần tập, đừng làm tao chán mà bỏ tập luôn“. Tôi không được tập chung với nhóm lần tập thứ 3 mà phải sang tập phòng bên cạnh, như kiểu tập riêng tại nhà. Tụi Áo áp dụng kỷ luật hơn cả quân đội nữa. Hai người bỏ phòng tập chung qua tập với tôi phòng bên cạnh là anh Mintardjo và anh Farlan Carré (một phụ tá người Pháp, anh đã qua đời năm 2012). Vậy mà vẫn chưa yên, Hội đồng Phụ tá Áo họp lại đưa việc này ra thảo luận. Không hiểu buổi họp đó ra sao, kết quả trắc nghiệm như thế nào, sau đó họ không còn ngăn cấm tôi tập chung nữa. Tôi mang ơn anh Mintardjo và anh Farlan, cả hai anh nay đều không còn nữa.

Năm 1983 Bapak đến Anh, những anh chị em có đủ điều kiện đều chuẩn bị sang Anh gặp Bapak. Anh rủ tôi đi cùng, anh dự trù lái xe xuyên qua Đức, tới Pháp rồi đi tàu sang Anh thay vì đi phi cơ. Anh tính tiết kiệm tiền và tới Anh có phương tiện di chuyển. Tôi không đi mặc dù muốn lắm. Trước mắt tôi là những ngày bấp bênh trong cuộc sống, tôi sắp ra trường, không biết có việc làm không. Anh nói với tôi, em đi với anh chẳng phải tốn bao nhiêu đâu. Tôi buồn lắm, nhưng đành từ chối. Còn chẳng bao lâu tới ngày lên đường, anh té gãy tay. Anh thay cái bóng đèn hư cho sở, đây là tai nạn lao động, anh được bồi thường. Nhưng với cánh tay băng bột thì làm sao lái xe đi Anh được và vì sẽ lảnh tiền bồi thường tai nạn nghề nghiệp nên anh phải đi tái khám đúng hạn kỳ bác sĩ quyết định. Chuyến đi Anh bất thành.

Bất ngờ chúng tôi hay được tin vui, Bapak sau khi ở Anh sẽ ghé qua vài nước ở Âu châu. Bapak tới Đức, nước giáp ranh với Áo. Anh, anh Hoàng Cung và tôi lên đường sang Hamburg, miền Bắc nước Đức gặp Bapak. Đường cũng không gần gì, xa thăm thẳm. Xe còn trống 2 chỗ cho thêm hai hội viên nữ Áo tháp tùng. Trên xe ngoại trừ tôi là chưa biết lái xe, còn ai cũng là những người lái xe cừ khôi, nhưng anh nhất định không cho ai đụng tới tay lái. Anh không tin tài lái xe của ai hết. Lên xe tôi tựa đầu vào ghế làm một giấc. Anh Hoàng Cung kêu tôi dậy, chỉ tôi, anh lái xe mà lâu lâu phải lắc đầu vài lần cho … tỉnh ngủ. Anh Hoàng Cung và tôi hết hồn từng chập.

Chuyến đi Hamburg 1983 - người tài xế của Bapak ở Đức, Mintardjo, Hoàng Cung, Margono Tấn
 

 

Ba anh em tụi tôi những ngày ở Đức ngủ trong phòng tập latihan ở Hamburg. Ở chung vừa vui lại chẳng tốn kém chi nhiều, tiền trọ trả cho chị hội này bao nhiêu tùy hỉ. Hai cô Áo mỗi người ở nhà một hội viên Đức. Thấy 3 anh em ở như vậy vui quá, lại được ở ngay trung tâm thành phố, tha hồ đi ngắm phố, nên ôm đồ ra ở với mấy anh em tụi tôi. Chuyến đi này ba anh em quen anh chị Tiến Quý, gặp lại được chị bác sĩ Utami Tuyết.

Tôi nhớ trong một căn nhà nhỏ của Subud Hamburg, Bapak ngồi trên ghế, chúng tôi ngồi trên thảm quanh Bapak, sát cạnh chân Ngài. Bapak ngó lên cái gì đó trên trần nhà mà bây giờ tôi quên mất, Bapak nói: „Lần trước Bapak tới đây chưa có cái này“. Anh chị em Subud Đức reo vui: „Bapak nhớ dai quá“. Một chị ngồi gần ba anh em chúng tôi, nói nho nhỏ. „Ở bên Anh đông quá, không tới gần Bapak được. Ở đây thiệt là hạnh phúc được ngồi bên Bapak“. Tôi nhìn Bapak lòng tràn ngập hạnh phúc, cảm tạ Thiêng Liêng cho tôi có được ngày này, còn anh chắc cũng không còn buồn đã không đi được Anh.   

Thời tôi làm phụ tá nhóm Wien, phụ tá lúc đó chỉ có anh Mintardjo (anh làm phụ tá trước tôi) và Johannes (người Áo). Tập latihan 2 lần thường lệ, rồi latihan phụ tá, latihan với Hội đồng Quản trị, chưa kể latihan đặc biệt cho hội viên, latihan đi xa tập cho các hội viên sống cô lập. Sau xuất tập latihan, nhiều khi phải ở lại trắc nghiệm giúp hội viên. Tôi ngất ngư vì không có thời giờ, còn anh cái gì dính đến Subud là làm, mấy chuyện khác dẹp hết ra một bên. Anh xã thân vì Subud. Những lần đi xa, tiền xăng nhớt lúc đầu anh không chịu lấy, anh muốn chịu một mình. Chẳng có bao nhiêu, việc Subud mà. Subud Áo nghèo lắm, dù vậy họ cũng có quỹ riêng dành cho phụ tá. Ba đứa tụi tôi không đứa nào đụng tới quỹ này trong bất kỳ chuyện gì. Anh nghèo, anh chỉ là một nhân viên bình thường làm cho cơ quan Liên Hiệp Quốc, lương anh đâu có bao nhiêu, thêm một đàn con 7 đứa. Vậy mà nói mãi anh mới chịu cho chúng tôi chia tiền với anh. Tôi không bao giờ quên được những chuyến đi xa đó, chúng tôi đem đến cho các hội viên sống cô lập thật sự một niềm vui. Việc làm này là do anh đề nghị.

Gia đình anh là gia đình duy nhất trong nhóm Thái 29, có con vào Subud. Năm trong số 7 người con. Anh là trưởng nhóm Thái 29 nhiệm kỳ đầu tiên.

Những năm gần cuối đời, những lần vắng bóng anh trong phòng tập, rồi sau đó bỗng thấy được hình anh ngồi đâu đó với anh chị em bên Việt Nam, tôi cứ ngỡ là anh lại về Việt Nam. Tôi đâu biết anh bị bệnh, qua vài cuộc giải phẩu. Một lần vắng mặt anh quá lâu, gần 3 tháng. Sau lần về Việt Nam làm ăn thất bại, tôi biết anh không về Việt Nam và ở lâu như vậy nữa. Một hôm tôi vào phòng tập đang tịnh tâm mà cứ nghĩ đến anh mãi. Tôi đứng dậy ra khỏi phòng, thấy chị Liên Hồng (em chị Lan Thanh), tôi hỏi chị. Anh Mintardjo đâu sao lâu quá em không thấy. Chị cho biết anh bị bệnh. Sau đó, tôi gọi lại chị Hartini hỏi thăm. Anh mới qua một cuộc giải phẩu, còn yếu chưa đi tập latihan được. Anh Raimund, một phụ tá Áo, tuần nào cũng tập latihan với anh qua điện thoại. Ngay cả khi anh Raimund đi công cán ở ngoại quốc. Sau đó anh Mintardjo đi tập lại thường xuyên, latihan của anh mạnh mẽ như xưa.

Giữa tháng hai, tôi với anh Liêm Khiết email qua lại, bàn luận về cái "lạnh" cho anh Hoàng Nam, người Cali ở vùng nắng ấm quanh năm nghe. Tới giờ đi tập latihan. Tôi viết. "Bây giờ em phải đi tập latihan. 50 phút nữa thì bắt đầu xuất latihan tại Áo, anh Hoàng Nam có tập latihan thì tập chơi cho vui. Bên này còn lạnh quá … ". Anh Hoàng Nam viết lại liền: "OK, bây giờ còn kịp, anh tập Latihan ngay, sẽ nói chuyện sau". Sau xuất latihan về, tôi "báo cáo" Subud Việt có những ai tập hôm đó cho anh biết. Anh Mintardjo vắng mặt. Tuần sau nữa cũng chỉ có mình tôi và anh Hoàng Nam, người ở phương trời xa.

Xuất latihan hôm thứ Sáu, trước ba ngày anh Mintardjo qua đời. Khi vào phòng tập, thói quen tôi thường làm là nhìn vào chiếc ghế anh vẫn thường ngồi. Vắng bóng anh, chẳng hiểu sao lòng tôi chợt buồn man mác, dù thường khi anh đến hội sau tôi và chiếc ghế thường vẫn trống khi tôi vào phòng tập. Đang tập latihan, bỗng tôi nghe tiếng anh đi ngang. Anh kêu Thượng Đế như thường lệ. Tôi mở mắt ra nhìn. Latihan anh mạnh mẽ như mọi lần. Xong latihan, tôi ra về, tới cửa phòng tập, đúng lúc anh đi qua đó, anh vẫn còn tiếp tục tập xuất latihan... cuối cùng trên dương thế. Tôi nhìn anh. Tôi đâu biết, tôi sẽ chia tay anh vĩnh viễn.

Lá thư tôi viết cho anh Hoàng Nam, sau xuất latihan hôm đó và đang luận về chữ "thức" với anh ấy và anh Liêm Khiết (từ một câu nói mà anh Hoàng Cung nói với tôi khi xưa: "Đời người ngắn quá, ngủ nhiều mất hết thời gian để sống"): "Hôm qua (bên Áo) anh Hoàng Nam có tập latihan không? Việt Nam bên nam đủ mặt: anh Vũ, Trọng và em. Áo cũng khá đông, 15, 16 người. Thấy được anh Vũ mừng quá. Anh ấy vắng 2 tuần rồi, sợ anh ấy lại bị bệnh gì nặng nữa. Thời gian còn lại của mấy anh em chẳng còn bao nhiêu nữa để… thức. Rồi thì người nào cũng sẽ ngủ một giấc dài: ngủ giấc ngàn thu". Anh Hoàng Nam viết lại: "Có, sáng thứ sáu hôm nay (bên Cali) anh có tập Latihan xuất 10 giờ, cùng thời gian với bên em. Cho anh gửi lời hỏi thăm chúc sức khỏe đến Anh Mintardjo Vũ và gia đình".

Ba ngày sau anh Mintardjo mất.

Anh Hoàng Nam, tôi và Simon Trọng đã tiễn anh Mintardjo lên đường với xuất tập latihan chung với anh, cùng với nhiều huynh đệ Áo, trong đó có anh phụ tá Raimund (một tiến sĩ làm trong cơ quan năng lượng), người đã tập không biết bao nhiêu xuất latihan đặc biệt giúp anh Mintardjo. Người, anh Mintardjo vô cùng kính nể và thương mến.

Margono, Raimund

Anh mất trưa thứ Hai, tối thứ Ba có xuất latihan đặc biệt, cầu nguyện cho linh hồn anh, được rất đông huynh đệ đến tập. Sau xuất latihan bình thường, con rể anh xin mọi người cho anh ấy đọc một đoạn kinh cầu nguyện. Trước khi đọc kinh, anh hướng về chúng tôi, xin huynh đệ hãy tha thứ cho anh Mintardjo mọi lỗi lầm khi còn sinh thời anh Mintardjo đã vấp phải. Nhân vô thập toàn. Đoạn kinh tiếng Ả Rập thật hay. Rồi chúng tôi tập latihan cho anh.

Nghe nguồn tin không chính thức, chị Hartini chỉ muốn tổ chức lễ an táng trong vòng gia đình và cho người Subud thôi. Tôi gọi điện thoại hỏi xin chị cho vợ tôi (chưa là hội viên Subud) được tham dự. Hai đứa tôi lần đầu tiên đi dự một đám tang của người Hồi giáo. Một đám táng quá đơn giản, không có cả kinh cầu nguyện.

Điểm đặc biệt là anh chị em nhóm Thái 29 còn định cư ở Áo đều có mặt. Anh Hoàng Cung, Mintarti Gái, Minh Thần và tôi. Chúng tôi đi với anh một đoạn đường chót.

Buổi tối thứ Sáu hôm đó, sau xuất latihan thường lệ tại nhà hội Subud Wien, gia đình anh làm Selamatan tạ ơn những người đi tiễn anh. Con rể anh đọc 4 đoạn kinh cầu nguyện trước khi vào tiệc.

Cầu xin Thiêng Liêng Toàn Năng thương xót đón rước linh hồn anh. Cảm tạ Thiêng Liêng Toàn Năng đã cho tôi được sống với anh một đoạn đường dài trong đời.