16 năm trong lâu đài Wendhausen

góc nhỏ: Năm 2008 nhân kỷ niệm 50 năm Subud Đức quốc một loạt bài khắp nơi trên nước Đức viết xoay quanh sự kiện này gửi về đăng trên tờ nội san Info của Subud Đức. Hai bài dưới đây về lâu đài Wendhausen do Margaret Honig và Roswitha Jahn viết. Năm 1976 một số anh chị em nhóm Thái 29 cũng đã qua đây gặp Bapak. Tuy không được ở trong lâu đài, nhưng anh chị em cũng đã ngồi trên các bãi cỏ trong sân lâu đài, trong công viên của lâu đài, cũng chèo ghe vòng quanh các hào nước chung quanh lâu đài, cũng đi qua cây cầu gỗ nối lâu đài và công viên, cũng theo chân Bapak dạo quanh lâu đài, cũng được lên hôn tay Bapak nhân ngày sinh nhật Bapak. Ngày tiễn Bapak lên đường, anh chị em đứng chung quanh Bapak ngoài sân, cùng đứng nhìn một đứa trẻ lên ít tuổi đang đi vòng vòng trước mặt Bapak, Bapak nói: đứa bé đang tập latihan đột phát tự nhiên. Sau hai bài này Góc Nhỏ sẽ đưa lên loạt hình nhóm Thái 29 sang nơi này gặp Bapak.

Margaret Honig

Đầu năm 1969, Lorenz Pless, người làm việc như một nhà nông, được chấp nhận cho vào ở trong lâu đài Wendhausen, anh được cấp cho một căn nhà ở tầng trên của tòa lâu đài. Tầng trệt lâu đài thuộc sở hữu của thành phố Braunschweig, còn bỏ trống chưa có ai ở.

 
   

Nhóm Subud Braunschweig muốn sử dụng tầng này làm nơi gặp gỡ, hội họp. Họ thương lượng với giới hữu trách thành phố, và được chấp thuận cho thuê với giá phải chăng. Chẳng những thế Subud Đức còn được cho biết, có thể họ được cho thuê luôn tầng trên của lâu đài, nếu khi nào những người thuê mướn tầng này dọn đi.

Thế là bắt đầu một thời kỳ bận rộn cho nhóm Subud này, vì hầu như phòng ốc nào trong lâu đài cũng ở trong một tình trạng thê thảm. Tất cả mọi thứ đều phải được đổi mới: đường dây điện, hệ thống sưởi dầu, tường thảm phải sơn quét lại. Nhà bếp, phòng tắm đều cần tân trang lại hết. Mỗi cuối tuần, nhóm này mang cả con cái tề tụ về đó làm việc, họ được cả các nhóm khác hỗ trợ, đôi khi có nhiều người từ nước ngoài tới nữa.

Đầu tiên, hai căn nhà trong lâu đài được hoàn thành trước để làm nơi trú ngụ. Plessen Mühlenbein và Luke dọn đến ở trong căn nhà mà tình trạng hãy còn rất tồi tệ. Reiner và tôi cùng ba đứa con dọn vào ở kế bên. Gia đình chúng tôi bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ ở Wolfsburg, sau khi trắc nghiệm là nên.

Từ bữa điểm tâm đến bữa cơm chiều có thể nói đây là một đại gia đình, hai gia đình chúng tôi quây quần bên nhau trên bàn ăn. Rồi trong năm, thêm vài người độc thân dọn tới ở trong lâu đài hay trong làng, Roberta Pless và tôi nấu ăn luôn cho họ.

Việc tu bổ các phòng ốc lâu đài tiến triển khả quan. Dĩ nhiên cũng có chuyện cầu nhầu, cằn nhằn, những chuyện ma quỷ trong lâu đài, chuyện bậy bạ. Một số người cư ngụ và những người tới làm việc cảm thấy như vậy, nhưng rồi latihan (?) cũng đẩy lui hết mọi sự.

Tháng mười năm 1969, nhóm Braunschweig chúng tôi lần đầu tiên làm Latihan trong lâu đài. Càng lúc càng nhiều người Braunschweig, những gia đình từ các thành phố khác, thậm chí gia đình Ziesels từ Áo cũng dọn vào ở trong làng. Rồi gia đình Hertel cũng vào cư ngụ trong lâu đài, nên chẳng bao lâu lâu đài và công viên đã bao phủ một sinh khí nhộn nhịp. Thật vậy khi chúng tôi mới dọn vào thì công viên này hãy còn hoang dã, bây giờ thì mới đúng nghĩa với tên công viên. Một cây cầu mới bắt ngang qua, một con đường vòng quanh dưới các tàng cây hạt dẽ, đường mòn "Ông già Heinrich" và trên "bãi cỏ Phục Sinh" bên cạnh hai cây sồi lớn mà hằng năm một ngọn lửa ấm cúng vào dịp lễ Phục sinh được đốt lên.

Trong những ngày đầu này cũng rất bận rộn với lễ nghi Hồi giáo. Mỗi buổi sáng, các gia đình trong lâu đài Wendhausen, kể cả trẻ con tập họp cầu nguyện, nhịn Ramadan chung. Nhờ thế, đứa con trai của chúng tôi ở lớp một tiểu học, khi được hỏi nó có biết cầu nguyện không, nó đã hãnh diện ngâm một đoạn Fatihah.

Vài năm sau các phòng tầng trên của lâu đài được trả lại, thêm một vài gia đình Subud dọn vào ở. Đại hội trường được làm lại toàn diện. Nghĩa là hai cửa sổ có sẳn trước kia được cho ra tường ngoài. Tường chia đôi phòng được thay thế bằng một cửa lớn hình vòm cung và sàn nhà được lót gỗ. Các đèn trong hội trường là các đèn dành cho các cuộc lễ hội, các màn che tuyệt đẹp vì thế đã cho một ấn tượng hết sức trang nghiêm và được sử dụng làm chỗ tập latihan luôn. Hội trường này cũng là nơi Bapak đã nói chuyện ở Wendhausen.

Đầu tiên, một số lớn dân Subud trong lâu đài vẫn tiếp tục ăn tối chung, sau này một số chị Subud trong làng luân phiên nấu cho khoảng 20 người, để các món ăn được đa dạng hơn. Với trẻ con thật là khó để cho chúng ngồi ở bàn được lâu. Để giữ chúng, Heinz Neumann đã vẽ trên các khăn ăn trải bàn các hình vẽ vui nhộn, chẳng mấy chốc việc này được phổ biến rất rộng rãi và trở thành một truyền thống.

Rồi vì có nhiều chỗ còn trống trong các phòng nên chẳng bao lâu các chỗ này dành cho các cuộc gặp gỡ, hội họp, hội nghị quốc gia. Năm 1971 Hội đồng Quản trị Subud Đức cũng là Hội đồng Subud Quốc tế, ISC, đã đến Wolfsburg và đống đô ở đây 6 năm trong lâu đài này. Khách phương xa tới cũng được cho vào ở, ngay cả đám cưới cũng tổ chức ở đây luôn. Dĩ nhiên là mấy sự kiện như vậy làm cho toàn nhóm rất căng thẳng.

Với nhiều trẻ con sống ở đây, chúng thấy như chúng đang sống trên thiên đường. Trong sân lâu đài có một bãi cát lớn cho chúng vọc cát, công viên là nơi bày các trò chơi khác, hoặc để dựng lều. Có cả một chiếc ghe để chèo vòng quanh các hào nước bao quanh lâu đài, vào mùa đông thì bất kể trẻ già trượt băng trên các hào này trong tiếng nhạc thảnh thót đưa ra từ các song cửa nhà bếp.

Dĩ nhiên, điểm nổi bật là các chuyến thăm viếng của Bapak - ba lần Bapak và đoàn tùy tùng ngụ trong lâu đài. Hai lần sinh nhật Bapak cũng đã tổ chức tại nơi này. Nghĩa là đủ thứ việc chuẩn bị kéo tới cho gia đình chúng tôi, gia đình phải dọn đi, vì có phòng ốc thích hợp phải nhường lại cho Bapak. Phải thú thật rằng, tôi không vui sướng gì khi phải làm việc này, tuy nhiên khi chuyến viếng thăm của Bapak càng lúc càng gần và các phòng ốc được anh chị em trang hoàng lại ấm cúng, dễ thương với các bàn ghế, nệm thảm mới tinh tuyệt đẹp thì lòng tôi có cảm giác biết ơn và như được ân huệ.

Khoảng thập niên 80 thành phố Braunschweig cho biết muốn bán lâu đài và bất động sản này vì Wendhausen bây giờ thuộc về thành phố Helmstedt. Khả năng tài chính để mua lâu đài vượt quá tầm tay Subud Đức. Subud Đức không thể nào hỗ trợ nổi gánh nặng mua lâu đài cũng như giúp sức tu bổ. Vì vậy, trong năm 1985 chúng tôi buồn lòng phải rời lâu đài, mặt khác cũng được an ủi từ lời khuyên của Bapak trong lần thăm cuối của Bapak ở đây, là đừng để con tim quyến luyến mãi cái thời đã qua đi.

Chắc chắn sẽ có nhiều người ở lâu đài Wendhausen kể chuyện về những năm họ ở đó. Mỗi người sống ở đó vào thời điểm khác nhau, có những kinh nghiệm cá nhân, cao điểm hay hạ điểm khác nhau. Bây giờ nhìn lại, thời gian sống ở Wendhausen đặc biệt thời gian cho những người sống trong lâu đài, dù là dài hay ngắn, sống gần cận nhau, làm việc chung, gánh vác trách nhiệm, tôi đã học được nhiều điều hay. Không chỉ là việc nấu cơm cho 40 người (lần đầu tiên nấu thất bại, cơm cứng như đá, phải dùng xẻn để phân nhỏ ra...).

Đa tạ ơn trên tôi đã có được nhiều kinh nghiệm và những hiểu biết mà có lẽ nếu không ở trong lâu đài tôi sẽ không thể có, những điều này đã theo tôi và làm vững mạnh cho tôi.

 
 
 

Với Bapak trong lâu đài Wendhausen

Roswitha Jahn

Các chuyến viếng thăm của Bapak ở lâu đài Wendhausen đã cho nhóm chúng tôi một thời kỳ xáo trộn.

Thuở đó tôi với chồng và mấy con không ở trong lâu đài như các gia đình khác, mà ở trong làng Wendhausen. Vì vậy, tôi chỉ ở bên lề các chuyện xảy ra trong các chuyến viếng thăm của Bapak. Phần lớn là tôi ở trong nhà bếp, rửa chén bát quét dọn. Nấu ăn cho Bapak và đoàn tùy tùng thì gia đình Honig đảm nhiệm, họ sống trong lâu đài.

 
   

Khi Bapak đến lâu đài lần đầu tiên, người ta cho tôi biết sẽ chào đón Bapak ở căn phòng màu đỏ. Lúc đó tôi là bà mẹ vô cùng hạnh phúc và rất hãnh diện có đứa con đầu tên Erika, mới vừa được 1 tuổi. Tôi tới phòng này trước nhất, ngồi trên thảm và chờ Bapak.

Bất thình lình Bapak đi vào, Bapak đi ngang qua chỗ tôi, nhưng không nhìn tôi và Bapak đi thẳng ra cửa khác. Tôi thất vọng não nề. Tôi sẽ sung sướng biết bao nếu được chỉ cho Bapak đứa con của tôi.

Từ lúc đó trở đi bên trong tôi có một cảm giác mâu thuẫn nhau. Nhưng với thời gian, tôi đã nghe nhiều buổi nói chuyện của Bapak, nhiều Latihan và trắc nghiệm đã làm biến mất niềm oán giận trong tim của tôi và tôi nhận ra rằng do lòng tôi bị tổn thương.

Năm 1976 Bapak một lần nữa đến thăm chúng tôi ở lâu đài Wendhausen. Chúng tôi tập trung tại hội trường lớn. Bapak muốn nói chuyện với chúng tôi. Vào thời điểm này tôi sắp có đứa con thứ ba, tình trạng trong gia đình tôi rất khó khăn. Tôi ngồi hàng thứ 5, Bapak ngồi phía trên sân khấu trên một cái ghế lớn. Đột nhiên tôi cảm thấy bên trong tôi một latihan mạnh mẽ tới và tôi nói trong tôi: "dạ vâng, dạ vâng, …". Tôi cảm giác Bapak nhìn tôi, nhìn xuống tôi. Thật vậy, Bapak cúi đầu xuống chậm rãi nhìn tôi và thân hình Bapak chuyển động qua lại, như thường khi Bapak trắc nghiệm với chúng tôi. Sự việc này chỉ kéo dài một vài giây, một niềm sung sướng tràn ngập và biết ơn tuôn tràn. Tôi cảm thấy tôi và con tôi được Bapak ban ân huệ.

Cho tới ngày nay, sự kiện này vẫn còn hiển hiện trong tôi, nó làm vững mạnh niềm tin vào latihan và tăng sức mạnh, lòng can đảm cho tôi vào những thời kỳ khó khăn trong đời.

 
     

 

  © 2013 Góc nhỏ