Roosdiana Tạ Quảng
 

1934 - 2009
Saigon - Việt Nam

 
   
     
 
 
   

Hoàng Nam viết về Tạ Quảng

Vừa được tin của anh Hướng Thiện báo sáng nay 06.10.2009 là anh Roosdiana Tạ Quảng đã qua đời và đã được hỏa táng.

Cách đây hơn một năm Hoàng Nam đã có dịp gọi về và nói chuyện với anh hơn nửa giờ. Anh là một con người rất tốt, tuy nghèo nhưng rất hào phóng, có công với gia đình Subud Việt Nam rất nhiều trong những ngày Hoàng Nam còn ở Việt Nam.

Anh xem gia đình Subud chính là gia đình của mình.

Anh là một người bạn rất thân với gia đình Hoàng Nam, sát cánh cùng Hoàng Nam cũng như Barata trong mọi việc của gia đình Subud.

Nhiều người thấy anh có vẻ bất bình thường, nhưng thật ra anh là một con người rất vui vẻ và chân tình. Những đêm Quyền Năng trong tháng Ramadhan năm xưa, nhiều hôm anh đã đi xe đạp đến nhà Hoàng Nam lúc đó đã hơn một hai giờ sáng, và anh em cùng nói chuyện với nhau về các chứng nghiệm.

Nay anh đã ra đi sau Ramadhan, để lại nhiều kỷ niệm và tiếc thương đối với gia đình Subud.

Halimah Thùy, Sophia và lần sau cùng ngày 9.9.2009 với Roosdiana

Sáng nay, anh Hoàn Hương chở anh Minh Sư đi thăm một số anh chị lớn tuổi ít khi đi làm latihan chung với mọi người, mới hay anh Roosdiana Tạ Quảng vừa qua đời và được đem đi thiêu đã ba hôm rồi.

Những người chung quanh nói anh Roosiadana bị té đập đầu vào cầu thang chết mấy hôm người ta mới hay biết.

Hồi cuối tháng Ramadhan, hai mẹ con Halimah và Sophia có việc đi ngang qua nhà, cả hai đã ghé thăm bác Quảng theo lời của Sophia.

Chỉ định ghé thăm một chút và vấn an anh Roosdiana rồi đi, nhưng anh Roosdiana rất vui và mời hai mẹ con lên lầu. Anh nói chỉ có người Subud anh mới mời lên lầu.

Nhìn cầu thang lên lầu phủ rêu phong, Halimah rất tiếc cho căn nhà rộng lớn không được sử dụng đúng mức, Halimah đã chụp hình và ghi lại vài tấm, kể cả góc phòng nhỏ, chỗ anh Roosdiana làm latihan. Đồng thời, hai mẹ con cũng chụp hình bác Quảng đứng trước cửa phòng. Không ngờ đây là những tấm hình cuối cùng của anh Roosdiana. (Tấm hình trên)

Lukita và Tạ Quảng bên tách cà phê

Vẫn biết cũng sẽ có ngày này, vậy mà Lukita vẫn bàng hoàng khi nghe tin anh Roosdiana Tạ Quảng ra đi quá đột ngột. Lukita vẫn còn nhớ như in những ngày Lukita về Việt Nam gặp và ngồi uống cà phê với anh, hai anh em tâm sự cả đêm không muốn dứt. Thôi rồi, bây giờ không còn dịp gặp lại anh trên cõi này, cầu xin anh ra đi đến cõi bình yên được nhiều tốt đẹp hơn và hưởng được nhiều ơn phước. Thương tiếc ông anh Cả của Subud Việt Nam, hẹn gặp anh trong Latihan.

Tin của Sophie Liên

Được biết anh Roosdiana có người em gái ở Mỹ về chơi, đã phát hiện anh bị ngã và đưa vào bịnh viện, nhưng sau đó cũng không qua khỏi, anh mất ngày 25.09.2009.  Anh được hỏa thiêu và đem vào chùa.

Tạ Quảng dưới đôi mắt của Aamirudin Tuyền

Roosdiana là con trai duy nhất trong gia đình. Ông cụ thân sinh ra anh đã mất cách đây hàng chục năm. Anh sống một mình trong căn nhà của cha anh để lại.

Tôi biết anh từ khi anh vào hội Subud khoảng 1967, một điều tôi biết rất rõ là anh rất tin Subud, và làm Latihan rất chuyên cần, không có gì làm anh lay chuyển lòng tin. Có lẽ tôi là người mà anh thương và tin cậy nhất,  nhưng cũng là người anh làm khổ nhất bởi vì bất cứ việc gì liên quan đến hội viên hoặc phụ tá Subud là anh thường đến gặp tôi và than phiền, đòi tôi phải giải quyết, nhưng tôi cũng chỉ là một người Subud như bao nhiêu người khác, tôi đâu có thể làm gi hơn.

Tôi còn nhớ vào những ngày sau tháng Tư Đen/75, nhờ anh mà mọi người mới gặp nhau ở chùa Hồi để phân chia thành từng nhóm nhỏ tập latihan.

Mỗi lần tôi về Việt Nam, anh thường đến gặp tôi và tập latihan chung, cùng nhau đi ăn phở  hoặc đi thăm các hội viên.

Năm 2007 khi tôi về Việt Nam anh đang bị bệnh lao, thổ huyết. Tôi bắt anh phải đi bác sĩ chuyên khoa lao để chữa trị. Khi tôi về Việt Nam năm 2008 thì bịnh tình anh đã thuyên giảm.

Anh Roosdiana là người có niềm tin mãnh liệt vào Thượng Đế, vào Subud, anh mất đi là một mất mát lớn cho gia đình Subud Việt Nam chúng ta.

 
 
vài hình ảnh của Roosdiana khi còn sinh thời
     
 

Tưởng Niệm Anh Roosdiana Tạ Quảng

Lukita Tự 4.5.2010

Từ khi anh ra đi, Lukita cảm thấy như mình có một thiếu sót gì đó đối với anh. Cảm giác thiếu sót đó cứ bồi hồi, mỗi khi nhớ đến anh, bao nhiêu chuyện mình đã cùng trải qua với nhau cứ miên man trong lòng mà chưa có dịp nói ra. Thôi thì, xin ông Anh coi bài viết này như một nén hương lòng của thằng em này tưởng nhớ đến Anh, ông Anh Cả của đám em út còn kẹt lại Việt Nam, sau ngày 30 tháng 4.

 
   

Mới ngày nào, khi Lukita rời Việt Nam theo Mẹ đi định cư ở Canada, anh đưa tiễn. Anh, lúc nào cũng vậy, với giọng cười bất hủ: “Ô hô hôôô, A Hahaaaa…” kéo dài thật hào sảng, nói với Lukita: “Chú mày đi…ừm,… “ rồi tự nhiên anh đổi giọng: “ Ô hôhôôô..hồi tao thấy mày lên Chùa (chùa Hồi ở Saigon, nơi anh chị em tụ họp sau ngày 30 tháng 75) xin khai mở, tao tự nhủ thầm :”Mẹ, mặt thằng này mà tu cái nỗi gì, té ra mày cũng cầm cự (trong Subud) được 20 năm rồi à? Ra Hải Ngoại cố gắng đi tập đều nghe thằng em.” Lukita chỉ biết cười trừ, bụng nghĩ, chuyện nhỏ, ở VN khó khăn vô vàn mà mình còn quy tụ để tập đều trên 4 vùng chiến thuật (xạo thôi, Saigon Biên Hòa thì đi bằng xe đạp, sau này có xe gắn máy mới đi tới Vũng Tàu), qua tới Mỹ thì máy bay, tàu bò, xe hơi, cùng lắm là xe bus… đủ cả, mỗi tuần đi tập 2 lần thì nhằm nhò gì. Ai dè, qua được bên này, chạy theo cơm áo, xe hơi, tàu bò, máy bay… đủ cả thiệt, nhưng đào đâu ra thì giờ. Thậm chí khi Lukita mới qua Canada, có các anh chị Hội Viên người Canada tình nguyện tới đưa đón đi tập thật tận tình, mà cũng không sắp xếp được, giờ tập lại tréo ngoe với giờ đi làm, thêm ngôn ngữ bất đồng, người nói tiếng Pháp kẻ nói tiếng Anh cộng thêm “body language” (tức là vận động cả chân tay, đầu mình tòe loe hết). Thế rồi, đành phải tập 1 mình triền miên. Hội Nghị Spokane năm 97, là lần đầu tiên được tập chung với thật đông các Bác và các Anh Chị Em từ khắp nơi trên Thế Giới.

Tính từ ngày Lukita rời VN, 3 năm sau mới gặp được chị Murwani Thúy ở Los Angeles chứ không gặp được anh Hoàng Nam, 12 năm sau mới gặp được Haryanto Lý Tuấn Ba, 14 năm sau mới được gặp Đại Ca Hardjono Mão để mà tập chung.

Riêng anh Hoàng Nam, năm 98, Lukita lần đầu tiên đến Los Angeles, đi nhờ xe thằng em vợ, chẳng biết đường xá ra sao, nó chở cả nhà ra chợ Phước Lộc Thọ, Lukita gọi phone đến nhà anh Hoàng Nam, anh đang đi làm, chỉ có chị Thúy nghe máy, chị mừng quýnh lên, nhờ cậu em chở ra chợ PLT để gặp gia đình Tuhientram. Gặp nhau, chị em mừng mừng tủi tủi được không đầy 20 phút rồi phải chia tay, chị Thúy ấm ức: “hồi ở VN mình khổ vậy mà gặp nhau, tập chung với gặp nhau đều đều, qua bên này sướng gì mà bao nhiêu năm chỉ được gặp nhau có từng ấy phút mà phải chạy như ăn cướp vậy…” nghe thật bùi ngùi. 11 năm sau mới thỏa nguyện, dù cả 2 Anh Em cùng có đến Hội Nghị Spokane, nhưng anh Hoàng Nam đến trước, dự khai mạc, vài ngày sau thì phải về, còn Lukita thì đến sau nên không gặp. Mãi đến năm 2006 Lukita mới lái xe được tới nhà anh Hoàng Nam để tập latihan chung với anh và gặp đủ mặt anh và chị Murwani Thúy. Mấy lúc âm thầm tập 1 mình, Lukita tự rủa thầm mình nợ anh Roosdiana Tạ Quảng lời dặn dò tập đều với anh em rồi, biết bao giờ mới trả được đây?

Riêng anh Hoàng Nam, năm 98, Lukita lần đầu tiên đến Los Angeles, đi nhờ xe thằng em vợ, chẳng biết đường xá ra sao, nó chở cả nhà ra chợ Phước Lộc Thọ, Lukita gọi phone đến nhà anh Hoàng Nam, anh đang đi làm, chỉ có chị Thúy nghe máy, chị mừng quýnh lên, nhờ cậu em chở ra chợ PLT để gặp gia đình Tuhientram. Gặp nhau, chị em mừng mừng tủi tủi được không đầy 20 phút rồi phải chia tay, chị Thúy ấm ức: “hồi ở VN mình khổ vậy mà gặp nhau, tập chung với gặp nhau đều đều, qua bên này sướng gì mà bao nhiêu năm chỉ được gặp nhau có từng ấy phút mà phải chạy như ăn cướp vậy…” nghe thật bùi ngùi. 11 năm sau mới thỏa nguyện, dù cả 2 Anh Em cùng có đến Hội Nghị Spokane, nhưng anh Hoàng Nam đến trước, dự khai mạc, vài ngày sau thì phải về, còn Lukita thì đến sau nên không gặp. Mãi đến năm 2006 Lukita mới lái xe được tới nhà anh Hoàng Nam để tập latihan chung với anh và gặp đủ mặt anh và chị Murwani Thúy. Mấy lúc âm thầm tập 1 mình, Lukita tự rủa thầm mình nợ anh Roosdiana Tạ Quảng lời dặn dò tập đều với anh em rồi, biết bao giờ mới trả được đây?.

 
 
 

Kỷ Niệm Với Anh Roosdiana Tạ Quảng

Lukita Tự 06.06.2010

Dạo sau 75, Trụ Sở Hội đóng cửa, Anh Chị Em Su nhà mình tan tác một ít lâu. Sau cùng một số dắt díu nhau tụ họp trên chùa Hồi Jamia Mosque ở đường Thái Lập Thành, nay bị đổi tên là đường Đông Du.

Chị Halimah Thùy đưa Lukita tới đó để dự bị vài tuần rồi được khai mở vào ngày 14 tháng 12 năm 75. Lần đầu tới chùa, thấy anh Roosdiana Tạ Quảng, Lukita tưởng anh là người Chàm Hồi Giáo vì thấy anh quấn xà rông, hành lễ và ăn ngủ luôn trong Chùa. Sau, nghe anh nói giọng Bắc mới biết mình lầm.

 
   

Hồi đó, ở ngoài hoảng loạn, mà vô Chùa thấy an tịnh làm sao, gặp ông anh Cả Roosdiana này, vì suốt ngày ở trong Chùa nên lúc nào cũng được tiếp nhận latihan thường xuyên, ông phán nhiều câu làm Lukita cũng tá hỏa, tưởng gặp người cõi trên, té ra sau này mới biết, ông anh ở trong Chùa, tiếp nhận nhiều quá, buồn buồn đóng cửa tập latihan liên tu bất tận nên bị crise.

Trên Chùa, lúc cuối năm 75 cũng quy tụ được khá đông anh chị em, Lukita còn nhớ có Bác Francois, tự mệnh danh là “Anh Thanh Niên Đầu Bạc”, anh Aamerudin Tuyền, anh Hoàn Hương Tống, SN Trọng, SN Tiến, anh Phú, sau này có anh Dũng, bạn của anh Phú tới xin khai mở… bên các chị thì ngoài chị Halimah Thùy ra, còn có chị Quý Hương, em anh Phú, chị em Sudharmi, chị em Hồng Trinh, Trang, Bích Thủy, em anh Phương, mẹ con chị Kỳ Lan, chị em chị Siêu Linh, chị Kim Dung và em là cu Huấn … còn nhiều nữa mà Lukita không thể kể hết.

Vì có rất nhiều anh chị em không phải là người Hồi Giáo, nay lại mượn Chùa làm nơi tụ họp nên Bác Francois giới thiệu mọi người với quý vị chức sắc trong Chùa, ai cũng là em vợ của Bác cả. Lukita lúc đó vừa tròn 20, bèn nhập bọn với đám Michou, con Bác Francois, Dharmadi Đông, cùng với anh Phú, anh Dũng, thường xuyên ra chỗ nào có cà phê, thuốc lá phì phèo mà họp. Chỉ tội cho anh Michou, lúc đó mới 17, và Dharmadi Đông, hai cu này không chơi cà phê thuốc lá mà cũng ngồi nhập bọn từ đầu tới cuối. Mà cũng lạ, ngồi uống cà phê, khi chỗ này, khi chỗ khác, có khi chẳng nói năng gì đến chuyện Đạo cả, cũng có khi cả đám ngồi với nhau rất lâu, chẳng ai nói với ai tiếng nào, mà latihan tiếp nhận ào ạt. Thế là cả bọn gọi là cà phê latihan.

Được ít lâu thì anh Roosdiana Quảng nhập bọn, té ra anh cũng thuộc loại ham vui. Đó là đến khi, vì lý do nào đó mà Lukita không biết, anh phải rời Chùa để về nhà ở. Hầu như ngày nào anh cũng tìm đến với đám thanh niên lố nhố của Lukita. Rồi, không biết từ khi nào và do ý kiến của ai, hình như là do ông anh Cả Roosdiana khởi xướng, mà đám lố nhố này xoay ra thành đám thanh niên thiện nguyện, ở đâu có chuyện Quan, Hôn, Tang Tế… khỏi cần nhờ vả, đám thanh niên trẻ này sẵn sàng tới giúp một cách hồn nhiên, tận tình, vô vị lợi. Ở đâu muốn tổ chức Selematan thì khỏi nói, cả đám tới dọn dẹp trang hoàng, bưng bê các thứ, kiêm luôn đàn địch hát hò đủ kiểu, có khi cả đoàn đạp xe đạp thăm anh chị em và tập latihan tận Thủ Đức, Biên Hòa, và đó là chuyện về sau.

Trở lại Chùa, Ramadhan đầu tiên của Lukita, năm 76, tối nào cũng có lễ cầu nguyện xả chay, và sáng sớm ăn Saur rồi Solli Subuh vô chay. Hầu hết anh chị em tham dự nhịn chay, một số còn ở lại ngủ đêm để sáng làm lễ vô chay, nhứt là trong những đêm Quyền Năng. Một số anh chị em nhịn Ramadhan năm đó xin ở lại Chùa để cầu nguyện (phải ghi tên xin phép để công an khu vực không làm khó).

Đêm nào cũng vậy, đến khoảng 3 giờ sáng là Bác Francois và anh Roosdiana đi khều từng đứa: Michou, Đông và Lukita dậy để tập latihan du kích, gọi là latihan du kích là vì anh em phải lén chui vô 1 khu có bụi cây um tùm mà tập, không cho người trong Chùa biết, vì dưới mắt họ, đám lu bu nhà mình là em vợ Bác Francois vô tìm hiểu Đạo Hồi, chứ không phải là anh chị em Subud. Bữa nào tập mà có anh SN Trọng thì ớn lắm, vì ảnh hay la um sùm, còn ngoài ra, ai cũng biết thân mà im hơi lặng tiếng để tập. Lạ làm sao, phải bụm miệng để tập lén lút như vậy, mà latihan đã không tả được. Sau suốt mấy ngày đêm Quyền Năng ở luôn trong Chùa, hết Ramadhan, anh em vừa bước ra khỏi cửa, ai cũng cảm thấy có sức mạnh nặng nề đẩy dội ngược lại, và cảm nhận được đó sức mạnh vật chất của Thế Gian ở bên ngoài, y như mình vừa rời khỏi Thiên Đàng để bước ra Thế Gian vậy.

Cà phê muối và nồi cơm thần. Đêm cuối cùng của tháng Ramadhan năm đó, anh Roosdiana kêu Lukita ra nấu cơm cho cả bọn, dặn nấu nhiều nhiều nghe, vì có thể đêm nay anh em đến ở lại đông, cho đủ ăn (mấy ngày trước thì có cơm Chùa khoản đãi rồi nên không cần nấu). Mà trời đất, lúc đó mà anh kiếm đâu ra cái nồi cơm điện bảnh chọe như vậy, vì trước năm 75, đó là đồ hiếm, còn sau 75 thì làm gì có nhập thêm được cái nào?

Xưa nay Lukita từng nấu cơm dã chiến, ngay cả dưới trời mưa tầm tã, che poncho dưới chiến hào nước lấp xấp, nấu bằng thuốc đạn B40 rồi, nhưng chưa lần nào được hân hạnh rớ tới cái nồi cơm điện, vậy mà hỏi ông anh đổ gạo tới đâu, ông nói đổ càng nhiều càng tốt, rồi cắm điện, cơm chín nó tự động tắt. Thế là Lukita đổ đầy gạo rồi đổ nước vô, bấm nút điện, xong.

Tập Latihan xong, anh em vác nồi cơm ra để ăn sáng, thì hỡi ôi, cơm chín nở ra đội cả nắp nồi lên, còn lớp ở dưới sống nhăn. Hết đường chống đỡ, anh em đành phải múc lớp trên ra ăn, đổ thêm nước chờ nắp nồi đội lên thì múc ăn tiếp, chừng nào no thì thôi. Lukita chống chế : “ đây là Allah ban cho chúng ta nồi cơm thần, ăn hoài còn hoài.” Mà thiệt, 1 tuần sau lên Chùa còn nghe anh Roosdiana cằn nhằn: “mày nói mày hướng đạo hạng nhất, nấu cơm có bằng cấp gì mà nấu nồi cơm tao ăn tới giờ chưa hết…” Thì nồi cơm thần mà.

Đêm đó, sau nồi cơm thần thì xảy ra thêm 1 oan trái khác, Lukita lãnh thêm sứ mạng pha cà phê cho mọi người. Pha xong, rót ra ly, mỗi người tự bỏ đường hay sữa cho vừa miệng, anh Michou vô sau, bỏ hết cả phần sữa còn lại mà còn đắng, quay qua hỏi anh Quảng, đường đâu anh? Anh Quảng chỉ lên bàn: “ở đó đó”, anh Michou vác cả hủ đường đi ra vừa nêm vừa nếm. lát sau Bác Francois vô, lấy ly cà phê hỏi đường đâu, anh Quảng cũng chỉ lên bàn, “đó đó” Bác Francois chơi cho một muỗng to tướng, nhấp 1 ngụm khoái trá, rồi phun ra 1 cái ào: “trời ơi, muối” thì ra có 1 hũ đường thì anh Michou đã vác ra ngoài rồi, khi anh Roosdiana chỉ thì bác Francois thấy hũ gì trăng trắng, cho là đường, nên chơi 1 muỗng bự. Sau đêm đó, anh Quảng phải dán miếng giấy ghi rõ Đường và Muối.

 Lão Ngoan Đồng. Phải nói anh Roosdiana là người chưa hề giận ai, không bao giờ ganh ghét hay nói xấu bất cứ ai. Không riêng gì Lukita mà nhiều người chọc quê anh lắm, nhứt là khi anh bị crise vì tập latihan quá độ nên tiếp nhận sai lầm rồi nói lung tung về nhiều chuyện về Subud nên bị Bác Francois chỉnh và Lukita kê tủ đứng hoài. Có lúc cũng gây cãi hăng lắm, mà rồi sau latihan, đâu cũng vào đó, chẳng ai giận ai. Lukita có nói: “còn tập latihan là còn anh em.” Nụ cười của anh lúc nào cũng hồn nhiên: “Tao chịu chú mày câu nói đó.”  Nay thì nhiều người không nghe lời dạy của Bapak pha trộn tùm lum với latihan, biết nói sao với anh bây giờ?

Ngoài ra, anh còn bị Lukita và đám thanh niên lộn xộn gán ghép anh với mấy chị còn độc thân trong Subud vào lúc đó. Đứa nào cũng nói anh ở không (tức là độc thân chưa vợ) lâu quá coi chừng bịnh, tẩu hỏa nhập ma. Rồi còn quá trớn đến mức có đứa còn đòi đưa anh tới thẩy vô quán bia ôm để gọi là điều hòa âm dương, nhớ lại lúc đó anh cười thấy thương luôn: “Tao thua tụi bay…” Xin nói rõ là tụi này rất phá chấp, miệng nói mà tâm không động, nói vậy chứ không phải vậy, chỉ vì cả đám rất thương ông anh Cả của mình.

Như đã nói ở trên, anh thuộc dạng ham vui, ở đâu cũng hòa đồng với anh em, khoảng cách tuổi tác với anh em hầu như không có. Lúc đó Lukita mới vừa 20, anh lớn hơn tròm trèm 20 tuổi, với anh em khác trong đám thanh niên lộn xộn cũng vậy, mà anh em cũng hòa đồng với nhau như cùng trang lứa.

Nghĩ lại cũng ngộ, Bác Francois gọi anh bằng Bồ, Michou con Bác, gọi anh bằng anh. Bác Francois mệnh danh là Thanh Niên Đầu Bạc, đám lóc chóc cỡ Lukita hồi đó, ai cũng gọi Bác bằng Bác, nhưng gọi qua anh Quảng thì bằng Anh, suy cho cùng, tuổi tác của anh và Bác Francois có chênh lệch bao nhiêu đâu? Tên Bapak đặt cho anh là Roosdiana, mà Bác Lê nhà mình cứ nhứt định gọi là Rosalie, Lukita hay chọc anh bằng chị Rosalie, anh cũng không giận.

Anh coi tiền bạc vật chất là đồ bỏ, rất chí tình với anh em. Trước 75 anh là thầu xây cất nên rất giỏi về sửa chữa mọi việc về nhà cửa. Đến nhà của anh chị em nào thấy có gì hư hỏng là anh tức tốc đạp xe về lấy dụng cụ mang đến sửa, lại còn xuất tiền túi ra mua vật liệu để sửa cho huynh đệ nữa. Trong huynh đệ, ai cần gì là anh sẵn sàng dốc hết túi ra giúp đỡ, không cần ai mang ơn hay đáp trả, khi sạch túi anh cũng chẳng bao giờ than van, lúc nào cũng có thể cất tiếng cười sảng khoái, ung dung tự tại. Chuyện gì anh cũng tìm ra cách để cười cả, Lukita đặt biệt danh cho anh là Lão Ngoan Đồng, anh chỉ cười khà : “Mày…” rồi cười hô hô chấp nhận.

Cháu Sophia Su vừa kể thêm cho Lukita rằng mấy năm trước, Bác Quảng tới nhà thấy Su đang học thi, Bác đạp xe về nhà ở đường Lý Thái Tổ lấy thang, mang trở lại Tân Định để gắn cho Su thêm cái bóng đèn. Bác Quảng mất đi chừng vài ngày, cái bóng đèn cũng tắt theo. Có phải cái bóng đèn cũng thương tiếc Bác Quảng không?

Năm 97, Lukita về Việt Nam, gặp anh vẫn đạp cái xe lọc cọc. Xót xa, Lukita cự anh, vì sao anh có 1 cái nhà lầu đúc, mặt tiền ở đường Lý Thái Tổ, nếu bán ra, anh tiêu thoải mái đến cuối đời cũng không hết, sao phải ôm nó mãi để sống thiếu thốn như vậy? Anh vẫn cười hiền hòa: “Tao mong có một ngày, tao có tiền sửa sang lại để làm phòng tập latihan cho anh em.” Đại Ca, là người có cái Tâm rộng lượng, như người Tàu hay nói: “Tài cố, tài xấm cố,” Anh Roosdiana Tạ Quảng của chúng ta là như vậy đó.

Ôi, anh Quảng ơi, anh ra đi mang một giấc mộng không thành, mà đã sao? Em nay cũng có nhà riêng, cũng sắp xếp được cái phòng để anh em tới tập latihan, mà rồi mấy năm qua cũng chỉ có anh Mão và Tuấn Ba tới tập được có 1 lần, có hơn gì anh đâu?  Nhà anh hồi trước chưa sửa sang gì, quét dọn sơ sài là mình cũng có thể tập chung với nhau bao nhiêu lần rồi mà. Và bây giờ thì anh cũng có thể đi ta bà, tập chung với tất cả anh em trên Thế Giới vậy, chẳng hơn là khi xưa anh em mình phải đạp xe cả ngày loanh quanh Saigon, Thủ Đức, Biên Hòa, rồi Vũng Tàu để tập chung với anh em sao?

Kỷ niệm với anh còn nhiều, không biết kể bao giờ mới hết, 20 năm chia ngọt sẻ bùi với anh, tuy không phải là 1 thời gian ngắn, nhưng cái tình và công đức của Anh đối với anh em, còn nhiều hơn thế nữa, Lukita không làm sao kể hết được.

 

 
 
 

 

trích một vài đoạn trong

 

4/9/1980 Thư của Purwani (Trần Thị Lan): ... Nhịn được đến đêm thứ 21 thì anh Quảng gặp rắc rối vù tu luôn trong xà lim, đến bây giờ vẫn chưa ra để gặp anh em.

31/10/80. Nguyễn Gương viết: ... từ hôm giữa Ramadhan tới nay còn phải học chưa biết chừng nào mãn khóa, khóa học thì cũng tầm thường thôi, nhưng đối với Roosdiana có lẽ là hữu ích.

26/4/82 - Đào Vũ Hạc: ... cháu vẫn thường gặp chú Quảng, anh Hoàng Nam, BS Tuyền, bác Châu, anh Hưởng... Nhiều lúc đi lãnh quà của hội gửi cho, gặp các bác cũng đi lãnh, rất vui...

 
 
 

trích một đoạn trong

Một Thoáng - Cảnh Cũ Người Xưa

Tản Mạn

........ Roosdiana, trước 75, hiếm khi nói chuyện cùng anh, chỉ sau khi học tập về, hay ghé nhà anh tập, nhứt là thời gian anh Cận còn ở lại sắp di trú Đức. Người tầm thước, đen, chắc nịt, ăn nói nhẹ nhàng theo kiểu khéo làm vừa lòng khách hàng. Hào phóng, là anh cả khi nhóm Sai Gòn cùng lên xe đi thăm hai nhóm B.Hòa, luôn luôn chi tiền cà-fê cho tất cả, ai cũng dùng đen, đá chanh, chỉ riêng Tự cà-fe sữa đá mắc gấp đôi? Nhưng anh cũng có thể là nguyên nhân xảy ra khiếu nại, than phiền tùm lùm, với huynh đệ bên ngoài, xảy ra sau này và kéo dài hơn năm cho đến lúc một nhóm Biên Hòa rút lui mất tăm, (nghe anh Đốc chích nói một lần?). Thường thấy ngồi dùng điểm tâm khi thì hủ tíu Nam vang-Trần Qúy Cáp nổi tiếng, lúc nhà bán bánh mì Hòa Mã, hai chỗ này gần nhà người viết. Dĩ nhiên, món ăn toàn là thịt heo, trong lúc anh cả thuần thành tín đồ Hồi, một kiểu Tế điên hòa thượng?

.......

 
© 2011 Góc Nhỏ