Roosman Pierre Marti
  1911 - 1989
Paris, Pháp
 
   
 

Tiểu sử Roosman Marti

Laurent Marti

 
Roosman Marti, Giác Nguyên Trần Công Đây, Vũ Huy Minh Châu, -, Hoàn Nguyên Vũ Đình Mẫn, Đỗ Quang Giai (cựu tỉnh trưởng Hải Phòng)  

 

 

Pierre Marti, mà Bapak cho tên Roosman sau này, sanh vào tháng tám năm 1911 ở Besançon. Ông đi Việt Nam lúc 17 tuổi. Ông lưu luyến đặc biệt dân và xứ này.

Ông cưới mẹ chúng tôi, Trịnh Thị Nga, năm 1946. Vào thời này ông đã để ý đến lĩnh vực tâm linh và đã bắt đầu nghiên cứu các tôn giáo. Trong những năm 1950 ông gia nhập hội Thông Thiên Học.

Say mê giáo lý của Phật, ông viết nhiều bài và giảng về Phật giáo, với tên hiệu là Long Tử. Theo bạn đồng môn và là bạn thân là bác Đặng Phác, « Long Tử » có nghĩa là « con, hoặc đệ tử của Long », tên của một Bực Bồ Tát, Long Thọ (ND: Nagarjuna), ngưòi sáng lập Mahayana (ND: Trung Quán Tông), hay phái Đại Thừa.

Vào tháng ba năm 1961, tình cờ ông gặp Ông Fred Tellander, người quốc tịch Thụy Điển, đến du lịch ở Việt Nam. Chuyện ngẫu nhiên là Fred Tellander là hội viên Subud, mà cũng là phụ tá, nên có thể khai mở cho các ông.

Để kể tiếp chuyện, tôi không làm sao hơn được là lập lại những gì ba tôi kể theo ngôn ngữ của thời đó những buổi ban đầu của Subud ở Việt Nam :

« Ngày 17 tháng ba 1961, cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên của chúng tôi giúp tôi biết Subud. Một tháng sau, chúng tôi quyết định thành lập một trung tâm ở Sài Gòn, và Ô. Tellander được gia hạn cho ở thêm ba tháng nữa, với ý định hoàn thành sứ mạng đó. Chúng tôi được hai ông bà Vũ Huy Hiền hợp tác nhanh chóng. Nhóm đầu tiên gồm có 16 ông nhận được sự tiếp giao bắt đầu từ ngày 11 tháng năm 1961,…ngày Phật Đãn…

Ngày 14 tháng 7 khi ông ra đi, sự tận tụy hết lòng của Ô. Tellander đã giúp truyền sự tiếp giao cho 20 người và sự đào tạo…2 phụ tá : Ô. Vũ Huy Hiền và chính tôi, 40 dự bị nữ và 10 dự bị nam đang trong thời kỳ chờ đời…

Sự can thiệp của Ô. Tellander với Bapak, lòng mong muốn chân thành của các dư bị viên và những sự cố gắng của họ được đền đáp ngày 8 tháng tám 1961 : chúng tôi ra phi trường Tân Sơn Nhứt đón hai ông bà DE RUZO, quốc tịch Peru, cả hai đều là Phụ Tá được phép. Trước khi đi Pháp sau sáu tháng ở Jakarta, họ đổi đường ghé Sài Gòn (theo lời yêu cầu của Bapak)…Sự hiện diện của họ mang thêm một sự phát triển mới…Họ rời chúng tôi ngày 22 tháng tám 1951, sau khi truyền sự tiếp giao cho 111 dự bị  nữ và 53 dự bị nam…Một Văn Phòng sáng lập được thành lập với sự họp tác đắc lực của quí ông Nguyễn Văn Cừ, Trần Công Đây, Lê Văn Thuyết…

Mười bốn dự bị Phụ Tá được đệ trình lên Bapak. Ngay từ ngày 30 tháng 11, ba bà trong số dự bị đó : quí bà Trần Công Đây, Nguyển Văn Cừ, Đặng Trinh Kỳ, bắt đầu truyền sự tiếp giao (cho các Bà)…Vào tháng hai 1962, gia nhập vào hai Phụ tá đầu tiên : quí ông Trần Công Đây, Nguyễn Văn Cừ, Đặng Trinh Kỳ, (cho mấy ông).
Ngày 5 tháng 12 năm 1962, các điều lệ của Hội Subud Việt Nam được Chính quyền chuẩn y. Ban Quản Trị Quốc Gia đầu tiên được chọn ngày 28 tháng hai 1962 dưới sự chủ toạ của Ô. Hoàng Đạo Lượng. Trụ sở của Hội được đặt tại số 318/330 đường hẽm Hồng Thập Tự, nhờ lòng hào hiệp của Ô. Huỳnh Trung Lộc và thân mẫu. »

Ghi chú: Laurent Marti là con trai ông Pierre Marti

 
 
 

Roosman Marti

Mỹ Hạnh

Roosman (khiêm tốn) là tên Bapak cho ông Pierre Marti, người Thụy Sĩ nhưng sinh và chết ở Pháp (29/08/1911 ở Besançon -  21/05/1989 ở Paris ). Ông đến Việt Nam sinh sống từ năm 17 tuổi. Nước Việt Nam mà ông yêu mến đến nỗi học nói tiếng Việt trôi chảy và cưới vợ Việt Nam, bà Trịnh Thị Nga năm 1946. Và trên hết mọi sự là nhờ ông mà Subud đến Saigon qua cuộc gặp gỡ tình cờ với ông Fred Tellander, một hội viên Thụy Điển ghé Sài Gòn đầu năm 1961. Ông Fred Tellander nhờ một người bạn chung giới thiệu cho ông Roosman để ông giúp xin gia hạn hộ khán.

 
Vũ Huy Minh Châu, -, bà Hoàng Đạo Lượng, -, Nguyễn Văn Bính, Laurent Marti, Hoàng Đạo Lượng (chánh Hội Trưởng), Prio, -, Roosman Marti, Elaine, Sri Mastuti (bà Trần Công Đây), Trần Thị Đương, bà Quách Tòng Đức (Phạm Thị Tài), Trần Đình Thân (ký giả). -.  
   

Chuyện ông Roosman vào Subud rất là hi hữu và như có sắp đặt. Roosman vốn thích tìm hiểu các chuyện tâm linh và say mê giáo lý các đạo, vào Thông Thiên Học khoảng năm 1950, theo Phật Giáo và viết sách về đạo Phật với bút hiệu là Long Tử (con của Bồ Tát Long Thọ, phái Đại Thừa). Ông cũng theo tập yoga, và trong thời gian ông Fred Tellander cư ngụ với ông ở Saigon, hai người đi tập yoga, nói chuyện với nhau hết đêm này qua đêm kia về những chuyện tâm linh. Ngay đêm đầu tiên ở trọ, hai ông đã nói nhiều chuyện về tôn giáo và tâm linh, và câu chuyện dần dà đưa đến Subud. Giới trí thức Sài Gòn lúc ấy đã biết đến Subud qua Paris Match, số  tường thuật sự lành bệnh huyền diệu của Eva Bartok nhờ một Guru Á Châu và có rất nhiều người muốn biết và gia nhập. Nên khi ông Fred Tellander hỏi ông Roosman còn biết ai muốn vào Subud nữa không thì ông Roosman giới thiệu thêm nhiều bạn bè trong giới trí thức Sài gòn để ông khai mở, trong đó có ông Vũ Huy Hiền mà Bapak cho tên là Minh Châu.

Hộ khán được gia hạn 3 tháng. Ngày 11 tháng 5 năm 1961 (gần ngày Phật Đản), ông Fred Tellander khai mở cho ông Roosman và ông Minh Châu cùng vài người nữa. Lịch sử của Subud Việt Nam bắt đầu với ngày khai mở của ông Roosman Pierre Marti và ông Minh Châu Vũ Huy Hiền và tám người bạn (trong số này có bác Giác Nguyên, bác Đặng Phác, ông Nguyễn Văn Cừ, ông Vũ Đình Mẫn). Ngày 14 tháng 7 năm 1961, ông Fred Tellander về nước sau khi đã khai mở cho 16 ông và bổ hai phụ tá là ông Roosman và ông Minh Châu. Ông viết thơ tường trình cho Bapak về chuyện này và cho biết có rất nhiều ông và nhiều bà đang ngồi dự bị. Bapak phái ông bà Daniel De Ruzo, người Peru trên đường về Nam Mỹ ghé Sài Gòn và từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 8 năm đó, ông bà mở cho thêm khoảng vài ba mươi ông và ba bốn mươi bà, trong đó có gia đình bác Đặng Phác (bác Srigati, chị Minh Hằng, chị Hiền Thanh, chị Lan Thanh mang số 31 và chị Liên Hồng).

Lúc đầu thì mọi người tập latihan ở nhà ông Roosman, nhưng sau thì số hội viên tăng lên rất nhanh, mọi người chia nhau tìm chỗ và sau hai ba lần đổi chỗ, một người hội viên Pháp hiến cho gian nhà ở đường hẻm Hồng Thập Tự (cho đến năm 1975 thì bị chính quyền tịch thu). Số hội viên lúc cuối 1969 đã lên đến gần 2000 người. đứng hàng thứ tư sau Nam Dương, Anh, Mỹ trước cả Đức.

Ông Roosman viết một quyển giải thích về Subud « Subud là gì ? » mà không có ấn hành, bản viết tay vẫn còn do một trong 4 người con của ông giữ.

Ông Roosman cho tiền in ra rất nhiều những tin tức, bài vở về Subud lúc ấy và sau là Nội San Subud cho đến khi ông về Pháp. Quyển « Tìm hiểu Subud » hoàn toàn do bác Đặng Phác viết, nhưng do ông Roosman thúc đẩy và góp ý cùng cho tiền in ra nên bác Đặng Phác để kèm tên ông Roosman.

Ông Roosman rất tận tụy với Subud và tiếp tục giúp đỡ nếu không bằng tiền bạc thì bằng công sức, như việc mỗi tuần ông đến đưa hai bác Đặng Phác đi tập latihan, chở Robert Milles ở Fontainebleau, cách Paris 70 km và thường khi về thì hay bị kẹt xe cả tiếng đồng hồ trong suốt cả năm 79 - 80. Chính trong thời gian này mà tôi được nghe ông kể chuyện đời ông.

Ông cũng phải trả giá khá đắc cho việc đi tìm chân lý. Ông vừa kể vừa cười là ông tập khổ hạnh 3 năm hơn, trước khi vào Subud, nên vợ ông lúc ấy còn trẻ không chịu được mà bỏ ông. Ông cũng kể những chứng nghiệm Subud đầu tiên trong gia đình, làm mấy người con lúc ấy hãy còn nhỏ chưa đến tuổi khai mở nhưng đều hào hứng nói sau này lớn lên con sẽ vào Subud. Cho nên ngày nay mấy người con đó, tức anh Laurent, Laksar và chị Melisenda đều chuyên cần tập latihan và cũng giúp nhiều cho Subud. Ông cũng kể cho hai bác Đặng Phác nghe tại sao ông không đồng ý với Bapak về chuyện Bapak lo kinh doanh (điều này rất hạp ý hai bác Đặng Phác). Lúc còn ở Sài Gòn, ông thường có dịp về Pháp hoặc đi Cilandak bằng máy bay hạng nhất. Ông gửi tiền đều đều hằng tháng cho ba ông tông đồ của Bapak là Sudharto, Brodjo và Prio Hartono, nhưng lại từ chối không góp tiền để mua xe Mercedes và bộ đèn chùm treo trần nhà cho Ibu.

Khi về Pháp ông mở một tiệm giặt ủi sống với vợ sau và hai người con sau, không ai vào Subud.

Ông rất tốt và không muốn làm phiền ai. Lúc ấy ông không có xe đi latihan thì xa, khi về thường nhờ tôi đưa dùm một đoạn, nhưng đi từ chỗ xuống xe về đến nhà cũng mất khoảng 20 phút đi bộ. Lúc ấy, tôi mới vừa biết lái, không biết đường, đi ban đêm hơn 9 giờ rưởi tối, nên khi ông nói để ông xuống đi bộ, thì tôi để ông xuống mà không nghĩ là đi bộ 20, 30 phút thì đi xe có mất bao nhiêu thì giờ đâu, mãi về sau khi ông đã quá vãng rồi tôi mới biết quãng đường mà ông phải đi để về nhà đối với một người trên 70 thì không còn gần nữa, lại mùa lạnh và trời tối. Tôi cứ ân hận mãi.

 
 
  Những bước đầu trên đường Subud - Pierre Marti viết (bấm vào tựa bài để đọc)  
© 2011 góc nhỏ