Ngô Đình Căn

19.. - 1989

mất ngày 23 tháng 10 năm 1989 tại Việt Nam

tốt nghiệp kỹ sư Cầu Cống (công chánh) ở Pháp

được Bapak bổ nhiệm làm phụ tá từ năm 1961, đợt bổ nhiệm phụ tá lần thứ ba của Bapak cho Subud Việt Nam.

 
     


Aamirudin Nguyễn Như Tuyền:
Bác phụ tá Ngô Đình Căn đã thất lộc vào ngày 23-10-1989 lúc 16 giờ.

Bác Căn là một trong những phụ tá đầu tiên của Subud Việt Nam, một vị phụ tá khả kính với tình thần vị tha, hy sinh, tận tụy, ... Bác đã hiến trọn cuộc đời mình trong công cuộc truyền bá Subud. Bác là tấm gương sáng cho toàn thể chúng ta noi theo. Bác ra đi là sự tổn thất lớn cho Subud Việt Nam.

Các bác phụ tá Dương Minh Châu, Trần Nhân Nguyên và các huynh đệ Subud Việt Nam đã thay mặt toàn thể anh chị em Subud Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại đến phúng điếu và đưa linh cữu bác đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Hoàng Nam Hartono Đỗ Đình Hoài:
Bác Ngô Đình Căn sinh năm 190.. và mất năm 1989 thọ hơn 80 tuổi. Bác tốt nghiệp kỹ sư Cầu Cống bên Pháp.

Bác đã khai mở cho Margono Tấn, Hoàng Nam và rất nhiều huynh đệ khác vào Subud.

Sau những năm 1977, tại nhà Bác Dương Minh Châu có tổ chức buổi họp phụ tá nam vào sáng ngày chủ nhật mỗi tháng một lần, vì Bác Căn lớn tuổi nên Hoàng Nam thường đến đón Bác đến nhà Bác Châu, và cùng làm Latihan với các Bác Phụ Tá nam khác.

Bác Căn cũng thường làm Latihan với các hội viên nam tại nhà Anh Nguyễn Hữu Dương trên đường Trương Minh Giảng, và nhà Cô Halimah Thùy trên đường Bà Lê Chân Tân Định.

Bác đã đứng ra làm chủ hôn cho vợ chồng em Tấn (em của cô Sophie Sudharmi Liên) trong gia đình Subud.

Vào những chiều mát trời ngày cuối tuần Bác Căn hay đi xe đạp chung quanh khu Tân Định, nên Bác cũng hay ghé qua nhà Hoàng Nam và mỗi lần đến đều giảng về kinh Phật.(nhà Bác cách nhà Hoàng Nam khoảng gần 500 mét).

Bác thường hay nói câu mà Hoàng Nam vẫn nhớ mãi: " Con kiến cũng có thể thành Phật".

Bác Căn là một con người hiền lành mộc mạc, giọng nói chậm rãi, từ tốn, và lúc nào nụ cười cũng nở trên môi.
Lúc Bác mất tất cả anh chị em huynh đệ Subud đều đến phúng điếu và đưa đám tang của Bác với niềm kính trọng và thương tiếc.

Sudharmi Sophie Trần thị Liên:
Trong gia đình Subud, gia đình chúng tôi rất qúy trọng và thương mến Bác Ngô Đình Căn, một người thật Chân Chất, giản dị và dễ mến như người ruột thịt.

Vì gia đình chúng tôi thật là hữu duyên khi Bác là Người khai mở và chăm sóc cho Murwadi Tấn rất tận tình. Hằng tuần Bác đều đến nhà chúng tôi làm Latihan, thường xuyên có anh Roosdiana Tạ Quãng, Barata Phú, anh Dũng nhà in, Huấn (em của Kim Dung Hồng Hạnh ), Lâm ( em của Xuân Thơ, Xuân Thảo ) và...v.v...

Cứ vào ngày bên Nam đến tập là phía Nam đến sớm để phụ giúp khiêng cái divan to đùng gác dựa vào tường, sau đó là chúng tôi lau dọn...

Và vào những ngày thấy chúng tôi chuẩn bị như thế, Ông Nội tôi thường nhắc Mẹ tôi nấu nuớc pha trà sen ngon đặc biệt để mời Bác, chứ bình thường thì nhà chỉ uống chè tươi thôi. Mỗi khi thấy Bác Căn đến, Mẹ tôi thường reo vui gọi Bác là " Ông Tiên đến".

Mặc dù Bác tuy lớn tuổi, người không to lớn, nhưng trông rất quắc thước, khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, râu lão trắng đẹp như mây. Bác thuờng đi cái xe đạp cà tàng, cũ kỹ và lên xuống xe rất nhanh nhẹn như thanh niên.

Bác cũng hay uống trà nóng và trò chuyện với Ông Nội chúng tôi về Phật Giáo sau khi Latihan xong, nhưng chưa hề gợi ý cho ông Nội chúng tôi vào Subud.

Vài năm sau, Bác hơi yếu, nhưng vẫn luôn đến đúng ngày giờ đều đặn Latihan hằng tuần như đã định, không bỏ sót một ngày nào. Thật là hiếm có!

Có lần Bác đi bộ đến, mọi người đều hỏi thăm; Bác nói: " Dạo này Bác đi xe không vững, hay bị ngã , nên con gái Bác không cho đi xe đạp nữa! Thế là Mẹ tôi đề nghị để Murwadi Tấn đi đón Bác, Bác không chịu, Bác nói Bác thích đi bộ cho khỏe! Nhưng lần nào Bác ra về, Mẹ tôi cũng thường gọi cyclo để đưa Bác về, Bác cũng không ưng.

Sau khoảng thời gian, Bác bảo Murwadi Tấn đến nhà Bác làm Latihan, nhưng Bác nói chỉ một hai anh thôi, vì con gái của Bác không thích đông người!

Bác có nói với tôi: " làm sao cho con gái Bác vào Subud thì Bác rất vui, nhưng Bác cũng nói tất cả là ở cái duyên!". Bác cũng có đưa cho tôi xem những bản thảo Bác viết dày đặc về khoa học và tâm linh theo đường hướng Subud, nhưng lúc đó, thật tình tôi tuy có cầm mà không đọc kỹ lắm, có lẽ tôi không có duyên với, nên sau đó gửi lại cho Bác, Bác cứ bảo tôi giữ lấy, vì Bác chẳng còn sống bao lâu, nhưng tôi cũng tìm cách gửi lại cho con gái Bác.

Sau đó, Ông Nội tôi mất. Murwadi Tấn lập gia đình. Gia đình tôi, Ba Mẹ Tôi đều đồng ý mời Bác Căn làm chủ hôn cho Murwadi Tấn. (Mặc dù cũng có nhiều sự bàn cãi trong những bậc Trưởng Thượng của gia đình) Nhưng Ba Mẹ tôi và Murwadi Tấn đều quyết ý.

Gia đình chúng tôi rất hãnh diện và sung sướng khi được Bác nhận lời làm Chủ Hôn cho Murwadi Tấn, ngay như Ông bạn lớn tuổi từ thưở thiếu thời của Ông Nội chúng tôi cũng rất qúy nể Bác, dù chỉ mới gặp nhau vào ngày sắp xếp để cùng đi đón dâu cho Murwadi Tấn.

Ngày Bác mất, chúng tôi huynh đệ một số vị có đến thăm viếng, nhưng vài vị không đưa Bác đến mộ phần được, vì lúc ấy xe cộ còn hạn chế lắm!

Bác cũng là người khai mở cho Barata Phú và anh Dũng nhà in, là người được các Bác: Bác Căn, Bác Dương Minh Châu, anh Aamirudin và bác François, anh Roosdiana Tạ Quãng cùng tham dự, khai mở vào ngày Chủ Nhật 17/06/1975. Và thật là hi hữu, sau khi khai mở là liền vào dự Mừng Sinh Nhật Bapak (do các huynh đệ phải tổ chức Sinh Nhật Bapak trước 5 ngày, vì ngày thứ Sáu 22.06.1975 là ngày đa số các huynh đệ bận làm việc), ở tại nhà anh Hoàn Hương Tống.

Barata Phú kể vớí tôi là Barata Phú nhớ hoài câu Bác nói như thuộc nằm lòng, sau khi khai mở và mỗi lần Latihan, Bác thường bảo: "Các cậu mới được khai mở, các cậu như con cua vừa lột vỏ, các cậu không nên đến chỗ tụ tập đông người: nghĩa địa, nhà thương , chợ búa, trường học, đền miễu v.v..... trong sáu tháng đầu, các cậu nên nhớ giữ mình cho tốt."

Và Barata Phú nói, mỗi lần gặp Bác, Bác thường khuyên bảo như con của Bác, dặn dò đủ thứ... Anh Dũng nhà in rất tếu, đôi lúc cũng đùa vui nói: " Bác coi tụi mình cứ như vừa mới sanh ra". Nhắc đến và hồi tưởng đến Bác, lòng tôi nao nao xúc động nhớ ngày nào Bác thường đến nhà, với hình ảnh Bác hiển hiện trước mặt thật thân thương khôn xiết biết bao.

Margono Lê Văn Tấn:
10.04.2011 - Hai người mà cả cuộc đời tôi không bao giờ quên được ơn sâu. Thầy Hoàn Nguyên Vũ Đình Mẫn đã dẫn tôi tới cánh cổng Subud, bác Ngô Đình Căn mở cửa cổng, dắt tôi đi vào. Cả hai người đều đã qui tiên. ý tưởng lập một trang tưởng nhớ bác Ngô Đình Căn vị phụ tá khai mở tôi đã thôi thúc tôi từ khi có trang nhà này.

Nhưng muốn thiết lập trang tưởng nhớ ít nhất cũng phải có vài điểm cần thiết: tấm hình, ngày sanh, ngày mất. Tôi không có hình ảnh nào của bác. Tấm hình lại là điểm quan trọng nhất, người ta vẫn thường nói: một tấm hình nói nhiều hơn vạn chữ viết. Tôi viết lá thư xin hình bác gởi lên diễn đàn Subud, ít lâu sau được một tấm hình chị Sudharmi Liên gởi cho (tấm ảnh trên trang này), nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện: ít nhất phải biết năm mất của bác. Tôi nhớ tôi có đọc ở đâu đó một bản tin bên nhà báo khi bác qua đời. Lục lại hết một số ít điện thư tôi còn giử một số thư tôi nhận ngày xưa, chẳng có thư, email nào viết về việc bác được Thiêng Liêng gọi về. Thôi thì đành chờ vậy.

Nhân bài anh Hoàng Nam mới đây viết về bác Dương Minh Châu có tên bác Căn, tôi thư cho anh nhờ anh viết ít hàng về bác, tôi tin là đã đến lúc tôi thực hiện được điều tôi hằng mong ước bấy lâu nay. Nhận được thư anh Hoàng Nam thấy năm sanh và năm mất của bác anh bỏ trống, chưa biết tính sao, thì bỗng nhiên tôi chợt nhớ ra (cái trí nhớ của tôi bây giờ thiệt là quá tệ) có rất nhiều tin tức ngày xưa của Subud Việt Nam nằm trên tờ Tin Tức của anh Aamirudin Nguyễn Như Tuyền. Quả thật tin bác mất nằm ở nơi đây, chỉ còn biết cảm tạ Thiêng Liêng Toàn Năng.

Tôi ra đi hành trang chỉ có một bộ đồ dính trên người và ít giấy tờ tùy thân không ngờ là trong mớ giấy tờ đó lại có tấm thẻ hội viên Subud. Trên tấm thẻ, hai chữ ký, hai thủ bút của hai cây cổ thụ của Subud: bác Minh Châu Vũ Huy Hiền và bác Ngô Đình Căn. Có thứ hạnh phúc nào hơn thế nữa không!

đọc thêm: nhân duyên vào Subud.

Hội viên số 613: nhận xét thay đổi con người sau 3 năm vào Subud

 
© 2011 góc nhỏ