Nguyễn Văn Lộc

1913-1990

Tạ thế ngày 19 tháng 9 năm 1990 tại Wien, Áo quốc.

Hưởng thọ 77 tuổi.

Khai mở vào Subud trước năm 1975

 
 

Đôi dòng tưởng nhớ bác Nguyễn Văn Lộc

Margono Lê Văn Tấn, 20.02.2011

Mấy ngày vừa qua cần một ít hình vẽ mực đen trước kia tôi trình bày cho tờ Hoa Sen, một tờ báo của hội Phật giáo tại Áo, ấn hành phát không cho phật tử. Lật lại một chồng báo cũ với bản gốc, tình cờ tôi đọc thấy đoạn tin ngắn chia buồn bác Nguyễn Văn Lộc đăng trên tờ này. Năm 1990, năm bác mất tôi chưa dùng chương trình VNU để làm báo, mà còn dùng chương trình Việt Phan. Chương trình này bỏ dấu cực như lội suối trèo non, nên tôi giao nhiệm vụ nặng nhọc này lại cho xếp nhà, có lẽ vì thế mà tôi quên mất mẫu tin chia buồn này, cho mãi đến hôm nay, gần 21 năm sau ngày bác qua đời. Bác là thân sinh của dược sĩ Hoàng Cung Nguyễn Văn Lưu và Hardjono Nguyễn Văn Mão. Một gia đình gồm toàn những người kỳ cựu trong Subud, nhất là bác Mardi Ning Sih Nguyễn Văn Cừ, hầu hết ai ai trong chúng ta cũng đều biết.

 
   

Khi nhóm Thái 29 còn hoạt động, chúng tôi thường xuyên gởi về bên nhà những hộp quà nho nhỏ, món quà không có giá trị là bao do khoản tiền niên liễm hàng năm chúng tôi góp lại, vì dạo đó anh chị em nhóm Thái 29 đều mới bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống đầy khó khăn nơi xứ lạ quê người. Chúng tôi chỉ gởi về bên nhà tấm lòng của chúng tôi nhớ đến những anh chị em còn ở lại. Trên những hộp quà đề tên người gởi, nay đề tên người này, mai đề tên người kia. Một hộp quà mang tên tôi, tôi nhận được lá thư của anh Hưởng Nguyễn Hoài Cận, người nhận được hộp quà. Anh viết cho tôi một lá thư dài, trong thư anh, về bác Lộc chỉ có một hàng ngắn ngủi: thỉnh thoảng tôi có gặp bác Lộc đạp xe lên chơi. Đoạn ngắn này cho tôi hình dung: bác còng lưng đạp chiếc xe đạp cọc cạch từ Thủ Đức xuống Saigon đi tập latihan với mấy huynh đệ ở đây, dưới ánh nắng chói chang hay dưới những trận mưa rào của bầu trời Saigon, nắng mưa bất chợt mà ngày xưa tôi từng biết qua. Thời xưa đó có một dạo tôi "mát nặng", vì không dám nhận xăng xếp lớn trong sở cho, thay vì đi xe Honda (xe gắn máy) tôi đạp xe đạp đi làm. Từ nhà tôi vào phi trường Tân Sơn Nhất chỉ có vài con dốc nhỏ vậy mà sức trai trẻ ngày xưa của tôi, tôi cũng thấy chới với nhất là dưới những cơn nắng kinh hồn của miền nhiệt đới. Đoạn đường Thủ Đức xuống Saigon và Saigon trở lại Thủ Đức có bao nhiêu con dốc cao, tôi không biết, nhưng biết chắc bác phải xuống xe dắt bộ qua hai lần cầu, cầu Rạch Chiết và cầu sông Đồng Nai, bốn lượt cả đi và về. Đi tập latihan như vầy phải quý latihan biết là dường bao.

Khi hay bác sang Áo đoàn tụ gia đình, tôi đến thăm bác ngay. Thăm người bác thật gân của tôi. Bác là một gương sáng cho tôi noi theo mỗi khi tôi lười đi tập vì ngại mưa, ngại gió, ngại tuyết. May quá có những gương sáng như vậy mà trên 40 năm trong Subud tôi ít bao giờ bỏ tập xuất latihan nào mà không có lý do chính đáng.

Sang bên này cho tới ngày bác mất tôi chỉ gặp bác có hai lần tại nhà hội, có lẽ không khí nhà hội của người Tây phương, cùng một đời sống chụp giựt của họ hoàn toàn khác biệt với bên nhà làm bác lạc lỏng mà không còn muốn đi tập nữa chăng?

Hôm ra phi trường tiễn gia đình Mão sang Cali, Mỹ quốc lập nghiệp. Vợ chồng tôi đưa bác về nhà, trên đường về hai đứa có dịp được nói chuyện nhiều với bác. Bác nói rất nhiều có lẽ để khỏa lấp nỗi buồn xa con.

Trước ngày bác mất ít hôm, một buổi sáng sớm tôi xuống trạm xe điện ngầm đang tất tả đi nhanh cho kịp đổi chuyến khác để đến sở làm, thì thấy bác, bác cũng thấy tôi. Tôi cười hỏi bác, bác đi đâu mà đi sớm vậy. Bác cho biết xuống nhà ông Đỏ, người bạn thân của bác chơi.

Hai bác cháu đứng nói chuyện vãng được một lát. Rồi gương mặt bác lộ vẻ sung sướng, bác cho biết bác sắp đi sang Cali thăm Mão. Tôi mừng cho bác, vậy là bác và Mão lại được gặp nhau.

Nói chuyện thêm một chút nữa, tôi cúi đầu chào bác đi làm, bác đưa tay ra cho tôi bắt, bỗng nhiên bác nói:

- Chắc chẳng bao giờ tôi còn được gặp Mão nữa đâu Tấn. Lần tiễn vừa qua là lần cuối cùng...

Tôi nghe như có luồng điện chạy dọc sống lưng và một cảm giác buồn bã khôn tả xiết kéo đến, hai tay tôi nắm chặt bàn tay gầy guộc của bác, cố nở nụ cười:

- Bác mới nói với cháu, bác sắp đi Cali thăm Mão mà. Bác cho cháu gởi lời thăm hai vợ chồng Mão.

Bác không nói gì nữa hết, tay bác vẫn nắm chặt tay tôi thêm một chút nữa. Gương mặt bác thiệt buồn.

Tôi đứng nhìn bác đi xuống thang máy đường xe điện ngầm cho đến khi không còn thấy dáng bác nữa tôi mới đi. Tôi đâu biết, tôi đang thu hình ảnh sau cùng của bác vào trong tâm tưởng.

Mấy ngày sau tôi được anh Hoàng Cung cho hay bác mất tại nhà vợ chồng người bạn này. Bác đi ngủ và không còn dậy nữa.

Thiêng Liêng Toàn Năng đã cho hai bác cháu có dịp từ giã nhau.

Hai mươi mốt năm trôi qua cuộc đời như gió thoảng, tôi mới có dịp viết được ít hàng nhớ bác.

 
 
   
  Mawardi Trương Trung Hậu & Nguyễn Văn Lộc  
 
 

Hoàng Nam, 10.03.2011

 

Hoàng Nam còn nhớ là khoảng năm 1976, 1977, nhà Anh Dương trên đường Trương Minh Giảng tuần nào cũng có xuất Latihan vào mỗi sáng Chủ Nhật, tuần nào Hoàng Nam cũng gặp Bác Lộc đến tập cả, đúng là Bác đi xe đạp cọc cạch từ Thủ Đúc về Sài gòn để tập Latihan, Hoàng Nam cũng thường nói chuyện với Bác sau mỗi buổi tập, tính Bác rất hiền lành và dể thương lắm.

 
 
 
 
 
 

Thêm một chút về bác Lộc: email của Hardjono Nguyễn Văn Mão tản mạn về "phở" với huynh đệ:

 

25.06.2009 - hhhh....mai mốt kinh tế xuống, mọi người lại chuyển sang ca ngợi tô phở "khổng lồ", mà đã từng bị chê là nước lèo đục như "nước cống", ngay thôi...phở tôi đã bị "đụng chạm" nặng đó, hồi trước tôi nấu phở lúc ở Áo, bị ông già cự nự là nước chả trong tí nào, thế là tôi phải thử lối mới, gọi là "phở sảo", chẳng cần hầm xương xiếc gì cả, chỉ nước và bột ngọt, thịt "gầu" cho vào nổi luộc thật chín lấy ra cắt, (lối này học cuả chị Giao), nấu phở chỉ 30 phút thôi, cứ gia vị thật nhiều, thế là có tô phở trong leo lẻo thợm phức, hhhh...thế nên đã gọi là "phở sảo", nhưng lại được cho là ngon.

Tui ăn phở bằng khứu và vị giác, thêm chút thị giác....hhh...phở chứa trong tô (gần bằng cái thau), không phải bằng thành kiến hay ấn tượng ....mỗi khi đá banh về mà nhìn thấy phở để trong cái tô nhỏ là phát ...ứa gan.