Minh Hiền Lâm Công Quận
  tạ thế 02.12.2001 Montréal, Canada  
   
     
 
Minh Hiền Lâm Công Quận, KTS Lâm Công Quyền (con ông Quận), Diễm Trang (bà Quận), - . Trước cổng trường Công Binh năm 1972.
 
 
 

Trường Pétrus Ký viết về ông Minh Hiền

 
   

Minh Hiền là bút danh của bác Lâm Công Quận, một trong những cựu học sinh Lycée Pétrus Ký thuộc lớp 1933 – 1937 và cũng là sáng lập viên của hội Ái Hữu Pétrus Ký tại Montréal. Bác Lâm Công Quận đã qua đời hơn sáu năm về trước (vào tháng 12 năm 2001).

Sau khi ra trường Petrus Ký vào năm 1937, bác Quận đã theo học tại Đại Học Luật Khoa Hà Nội vào năm 1938 – 1939. Mặc dầu chưa hoàn tất chương trình học tại Đại Học Luật Khoa, năm 1939, bác đã theo tiếng gọi để trở về Sài Gòn tham gia vào đoàn Thanh Niên Học Sinh, đồng thời làm việc cho Nha Thống Đốc Nam Kỳ. Vào năm 1942, bác được chuyển qua làm việc cho sở Kinh Tế, thuộc phủ Toàn Quyền Đông Dương cho đến 1945.

Năm 1945 bác ra bưng kháng chiến chống Pháp. Năm 1946, bác trở về mở tiệm làm đồ mộc. Từ 1947 đến 1953, bác làm việc cho Quỹ Bù Trừ. Năm 1953, bác được bổ nhiệm Giám Đốc hội Hồng Thập Tự Việt Nam và tiếp tục cho đến 1963. Bác đã đảm trách các chương trình cứu trợ nạn lụt tại Biên Hòa (1953) và miền Trung (1955). Nhưng thành tích đáng nhớ nhất về bác Quận khi bác làm Giám Đốc hội Hồng Thập Tự Việt Nam là việc cứu trợ, tạm cư và định cư cũng như phân phát tặng phẩm do Liên Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế gởi tặng cho gần triệu đồng bào di cư từ Bắc vào Nam trong hai năm 1954 – 1955. Sau khi từ chức Giám Đốc hội Hồng Thập Tự, bác ra làm Giám Đốc Thương Mãi cho hảng VICACO, một trong những công ty hóa chất đầu tiên tại Việt Nam (1963 đến 1977).

Vào năm 1978, bác Quận và gia đình đã vượt biên sang Kuantan, Mã Lai và sau đó sang định cư tại thành phố Montréal, Gia Nã Đại. Tại Montréal, bác Quận đã gia nhập và là thành viên nồng cốt của các hội Tuổi Vàng và Rồng Vàng, Cộng Đồng người Việt tại Montréal, Văn Bút Việt Nam tại Québec và Văn Bút Việt Nam tại Gia Nã Đại. Bác cũng là một trong hai sáng lập viên Trung Tâm Người Việt Tỵ Nạn Cao Niên tại Montréal và là Phó Chủ Tịch hội Thuyền Nhân Cứu Người Vượt Biển của Gia Nã Đại (SOS Boat People Canada).

"Mồng một thì đi tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy"

hay: "Mồng một nhà cha, mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy"

Hai câu ca dao trên phản ánh một nề nếp, lối sống thật đẹp của người Việt qua nhiều thế hệ. Nếp sống ấy đã thành quen thuộc, cha truyền con nối nên nhiều người theo truyền thống của cổ nhân ghi lại trong những câu ca dao này nhưng có khi không hiểu rõ ý nghĩa của nó.

Theo tục lệ xưa, con cái trưởng thành ở riêng hoặc đi làm ăn xa hay đi học xa, mỗi năm nhân dịp Tết Nguyên Đán đều về thăm gia đình. Sáng mồng một, đàn con sẽ đến mừng tuổi cha mẹ và chúc thọ, phước, lộc. Kế đến, người trong gia đình sẽ mang quà đi thăm viếng ông bà và họ hàng phía bên nội. Con cháu chúc thọ ông bà, cha mẹ và ông bà, cha mẹ mừng tuổi đàn con cháu bằng những đồng tiền mới bọc trong giấy hồng điều tượng trưng cho may mắn.

Sang ngày mồng hai Tết, người trong gia đình mang quà đi chúc thọ ông bà và họ hàng phía bên ngoại. Nghi thức cũng tương tự như trên.

Sang đến mồng ba, học trò thường đi thăm viếng thầy cô. Với tinh thần Khổng Mạnh tôn sư trọng đạo, người Việt quan niệm Nhất tự vi sư, bán tự vi sư nghĩa là dạy một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy - để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng trí thức, bằng chữ. Ngày xưa, học trò không phân biệt tuổi tác, chức vị trong xã hội, cứ mồng ba thì đều tụ họp để viếng thăm thầy. Không những chỉ có học trò học chữ đến kính thăm thầy cô dạy chữ mà thầy cô được người Việt mở rộng nghĩa là những bậc có công dạy chữ lẫn dạy nghề, dạy cả những bộ môn nghệ thuật như dạy đàn, dạy hát...

Để bảo tồn truyền thống yêu dấu này, bác Lâm Công Quận đã viết bài "Mùng Ba Tết Thầy" dựa trên câu ca dao trên và đăng trên tạp chí Đi Tới tại Gia Nã Đại vào tháng 9 năm 1995. Khi biết bọn học trò Petrus Ký lớp Petrus Ký 65-72 đang thực hiện tập bài viết Tạ Ơn Thầy, Nhớ Ơn Cô, vợ của bác Lâm Công Quận đã gởi tặng lại bài viết này. Và đây là một đoạn trong "Mùng Ba Tết Thầy", trong ấy có nhắc về buổi ghé thăm hai thầy Trần văn Quế (Giáo Sư Sử Địa) và Trương Hữu Tước (Giáo Sư Lý Hóa) của Petrus Ký, sau tháng 4 năm 1975:

Mùng Ba Tết Thầy

Hồi tưởng lại thời gian 6 năm ở trường tiểu học tỉnh, từ lớp chót đến lớp nhứt, với tuổi ấu thơ, học trò cắp cặp đến trường, ngày hai buổi sáng chiều, tuần lễ năm ngày, suốt niên học chín tháng. Mỗi niên học, chỉ một thầy giáo đảm trách tất cả môn dạy, luôn cả môn thể dục sau giờ tan học chiều.

Với số 50, 60 học trò trong lớp, thầy giáo vẫn biết mặt biết tên từng đứa, biết đứa nào siêng, đứa nào lười, đứa nào nói dối, đứa nào sáng dạ hay tối dạ. Ngoài ra, có khi thầy biết cả cha mẹ, nhà cửa, nghề nghiệp của cha mẹ học trò nữa.

Khi trò lầm lỗi, thầy giáo không ngần ngại áp dụng ngay hình phạt bằng roi, bằng thước bảng, bằng thước gạch khẻ đầu ngón tay chụm lại, cú đầu, quì gối, xích đu nhún v.v. Mỗi thầy có hình phạt khác nhau. Thầy và trò, tuy vậy, rất gần nhau. Học trò, tuy sợ thầy, nhưng vẫn kính nể thầy.

Tết đến đánh dấu nửa niên học. Học trò được phụ huynh khuyến khích đi "mừng tuổi thầy" với chút ít quà cáp, đúng như câu ngạn ngữ: "Mùng một tết cha, mùng ba tết thầy". Đến khi vào trường trung học Petrus Ký, học trò trở nên là học sinh, thầy dạy là giáo sư. Theo thời dụng biểu, mỗi giờ là một môn học. Mỗi môn do một giáo sư chuyên môn đảm trách.

Vào thập niên 20, 30, 40, Hiệu Trưởng, Tổng Giám Thị, Giám Học và một số giáo sư của trường là người Pháp. Ngôn ngữ sử dụng trong lớp là tiếng Pháp. Học sinh thích chọc phá "Giám thị Việt", giữ khoảng cách đối với giáo sư Pháp. Nhưng đối với giáo sư Việt, học sinh luôn luôn kính trọng và giữ lễ độ. Mỗi giáo sư chuyên một môn dạy, giảng nhiều lớp gồm cả trăm học sinh, nên giáo sư xem học sinh nào cũng như nhau. Tiếng chuông báo hiệu mãn giờ giảng là giáo sư rời lớp. Trái lạị, học sinh truyền miệng nhau, biết rõ giáo sư, biết gia thế của giáo sư. Một điều đáng lưu ý là dù bất bình học sinh đến đâu nữa, giáo sư Việt không hề áp dụng kỷ luật là ghi vào sổ, phạt học sinh đến trường vào lớp sáng ngày thứ Năm (consigne). Mặc dầu, bề ngoài giáo sư và học sinh không gần nhau, nhưng trong thâm tâm, học sinh rất trọng giáo sư Việt vì học sinh đã biết suy nghĩ: "Sư (thầy) rồi mới đến Phụ (cha).

Chúng tôi thuộc niên khóa 1933 – 1937 Pétrus Ký.

Sau khi rời trường trung học, sau một thời gian ngắn ngủi bay nhảy ở trường đời, cuộc sống ổn định, hầu hết đã lập gia đình, chúng tôi gom các bạn đồng lớp, rồi nới rộng ra, các bạn đồng khóa (lớp A, B, C, D tổng quát và lớp X thương mãi). Với những buổi họp mặt hàng tháng ở những địa điểm thay đổi, và đến bửa họp Tất Niên mời các giáo sư đã về hưu đến chứng kiến và chủ tọa.

Tháng Tư đen 1975

Trước thời buổi vô cùng khó khăn, xã hội đảo lộn ngửa nghiêng, bạn học cũ chúng tôi tìm gặp lại nhau, để trao đổi tin tức, để nâng đở nhau….

Chỉ có hai ông Trương Hữu Tước, Trần văn Quế từ mấy chục năm qua thường gần gũi chúng tôi trong tình "Thầy Trò". Chúng tôi gặp nhau và quyết định đi viếng thăm hai thầy để biết tình trạng và sức khỏe ra sao. Chúng tôi góp được một số tiền đang lưu hành và chọn một ngày trong tháng Chạp năm Ất Mão (cuối tháng Giêng năm 1976) và cử bốn bạn đại diện đi Tết thầy như sách thánh hiền đã dạy.

Giáo sư Trần văn Quế

Chiều ngày đã chọn, chúng tôi đạp xe đến nhà giáo sư Trần văn Quế ở số 132 đường Lý Thái Tổ. Giáo sư Trần văn Quế, tên đạo Huệ Lương, chức vụ Phối sư trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Năm 1940, ông hoạt động trong phong trào khởi nghĩa chống Pháp nên bị bắt và bị tòa án quân sự thực dân kết án 15 năm tù khổ sai và bị đày ra Côn Đảo.

Tháng 3/45, quân đội Nhựt Bổn đảo chính Pháp, ông được trả tự do về Sài Gòn cùng một lượt với ông Phan khắc Sửu và bạn Nguyễn văn Tại. Gia đình ông chỉ có hai ông bà, ở trên một gác cây sàn ván. Trèo lên gác, gõ cửa, ông Quế niềm nở ra tiếp chúng tôi. Phòng khách trống trải, đơn sơ, chỉ có một cái bàn và bốn ghế cây. Trên vách giữa chỉ treo một bức ảnh lớn hình ông Quế bịt khăn đóng đen, áo dài trắng, ngồi bên mặt, đối diện Đức Giáo Hoàng Pie XII (1875 – 1953).

Trong sự xưng hô, chúng tôi gọi ông Quế là thầy và ông gọi chúng tôi là em. Ông Quế tỏ ra rất thân mật với chúng tôi. Ông nói về thời cuộc giống như khi xưa ông giảng bài trong lớp. Không dè dặt, ông phê bình chánh sách cai trị của chế độ mới… Chúng tôi khắc ghi lời nói của ông Quế. Khi từ giả thầy Quế, chúng tôi đặt trên bàn phong bì đựng tiền, và lễ phép thưa là có chút quà mọn "Tết Thầy".

Giáo sư Trương Hữu Tước

Nhà thầy Tước ở góc đường Lý Thái Tổ và Trần Hoàng Quân. Gia đình thầy ở phía sau; đàng trước, trước tháng 4/75, là cửa hàng buôn xe đạp và phụ tùng. Thầy Tước rất hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ. Sự xưng hô vẫn là "thầy, em" như đối với thầy Quế. Thầy Tước tiếp chúng tôi, ngồi quanh một chiếc bàn nhỏ sát vách, ngay trong cửa tiệm trống rỗng, không một chiếc xe. Trong câu chuyện giữa thầy trò, ông Tước than nhỏ với nét lo âu buồn bã:

- "Đến ngày giờ này, chín tháng đã qua mà ngân hàng không mở cửa lại để rút tiền ra chi dụng."

Nhận thấy thầy Tước không theo dõi thời cuộc. Chúng tôi đề nghị với thầy giải pháp đối phó trước tình thế khó khăn là có nhu cầu tới đâu loại bán lần hồi những đồ vật không cần thiết trong nhà như tất cả mọi người.

.. Cũng như đối với thầy Quế, lúc từ giả, chúng tôi cũng trao cho thầy Tước phong bì đựng tiền và thưa thầy đây là chút quà mọn để "Tết Thầy" nhân dịp Tết sắp đến.

Trên đường về, lòng chúng tôi nặng trĩu buồn vì nghĩ không biết với tuổi già sức yếu, hai thầy Quế và Tước làm gì để sống, khi mà hưu bổng bị chế độ mới gạt bỏ. Được biết năm 1978, giáo sư Trần văn Quế qui tiên và được truy phong là Đầu Sư (hàng thứ nhì sau Giáo Tông). Và giáo sư Trương Hữu Tước được con bảo lãnh sang định cư ở California (Mỹ) năm 1987.

Lời chú: Sau khi sang định cư tại Mỹ, giáo sư Trương Hữu Tước cũng đã qui tiên sau đó tại Nam California vào năm 1998.

Tại Montréal, bác Lâm Công Quận đã cộng tác với nhiều báo và tạp chí như Dân Quyền, Dân Tộc, Nắng Mới, Rồng Vàng, Quốc Gia, Đi Tới, v.v., dưới bút danh Minh Hiền và Quán Phong. Các bài của bác viết đa số chú trọng về phong tục tập quán Việt Nam để giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại hiểu thêm nguồn gốc của ông cha mình.

Bác Quận tham dự Đại Hội Văn Bút Hải Ngoại (1989)

Bác Quận cũng sưu tập và có nhiều tài liệu quý báu về cuộc đời của ông Trương Vĩnh Ký. Trong bài viết " Trương Vĩnh Ký" đăng trong tạp chí Nắng Mới (xuất bản vào tháng 6 năm 1993), Quán Phong Lâm Công Quận đã viết về một công ơn to tác của Trương Vĩnh Ký mà ít ai nhắc đến:

Đối với nhà nông và nhà vườn miền Nam, Trương Vĩnh Ký có một công ơn to tác, mà thuở sinh tiền, chính ông không nghĩ hay ngờ đến. Chỉ vì vào các thập niên đầu thế kỷ 20, sau khi ông tạ thế (1898), các loại cây có trái ăn ngon và lạ do ông du nhập từ hải ngoại mới phát triển mạnh. Hải ngoại đây tức là "Miền Dưới", địa danh do dân chúng miền Nam đặt để chỉ chung các xứ Mã Lai Á, Nam Dương và Đồ Bà (Java).

Nhắc lại năm lên 9 (năm 1846), Trương Vĩnh Ký mồ côi cha, bạn của cha ông – cố đạo Long – thấy khiếu thông minh của ông, giúp gia đình mẹ con ông bằng cách đưa ông đến Chủng Viện Cái Nhum (Vĩnh Long) tiếp tục học chữ quốc ngữ và chữ La Tinh từ 1846 đến 1848, rồi đem lên Pinhalu (Cao Miên) tiếp tục học từ 1848 đến 1851.

Năm 1851, được 15 tuổi, cố đạo Long đưa ông xuất dương du học tại trường đạo Penang, trên đảo Pulau Penang, trong Ấn Độ Dương. Trong thời gian 6 năm, từ 1851 đến 1857, năm ông rời hẳn Penang về Cái Mơn thọ tang mẹ, sau mỗi niên học, ông đáp thuyền về quê thăm gia đình, và mỗi bận, ông không quên mang món ngon vật lạ về biếu mẹ già và bà con trong gia đình.

Món ăn ở quê nhà không có, nhưng ở Penang rất thừa thải là các loại trái cây, vị rất ngon như sầu riêng (gốc ở Nam Dương), chôm chôm tróc (gốc ở Đồ Bà – đảo Java), măng cụt tróc, bòn bon (trái có chùm như trái dâu, vỏ mỏng và mịn, múi ngọt).

Suốt nửa thế kỷ 19, từ ngày Trương Vĩnh Ký mang các loại trái cây ngon, lạ của "Miền Dưới" về, đến hết thế kỷ 19, lảnh thổ của Nam Kỳ lục tỉnh lúc nào cũng không yên, vì sự cấm đạo của vua Tự Đức, vì các cuộc hành quân xâm chiếm của thực dân Pháp, bắt buộc nông dân lúc nào cũng lo mạng sống và lúa thóc, cơm gạo hơn là trồng cây ăn trái. Một mùa lúa chỉ cần có 6 tháng cho việc ruộng nương đồng áng, trái lại sầu riêng, măng cụt đòi hỏi 8 năm mới bắt đầu có trái chiến (đầu tiên của cây). Vì thời cuộc và thời gian nên sự phát triển sầu riêng, măng cụt rất chậm và rất giới hạn trong vùng Cái Mơn và làng xã lân cận. Càng về lâu, càng không ai để tâm đến nguồn gốc các loại cây đặc biệt của "Miền Dưới" do Trương Vĩnh Ký mà có, ngoại trừ một số bô lão tại địa phương truyền miệng nhau.

Chẳng bì, vào năm 1897, với óc thực dân mà sử Pháp có ghi rành rẽ, dược sĩ hải quân Pháp Raoul "lén" mang 2,000 hột cao su, từ Mã Lai Á đến Sài Gòn, trao cho nhà trồng tỉa Berland để trồng thử trong vùng đất đỏ gần Sài Gòn. Đến năm 1905 mới chích mủ lần đầu, được rất nhiều mủ và mủ rất tốt.

Bước vào thế kỷ 20. Phần đông dân ở Cái Mơn trước tiên, rồi quận Chợ Lách, rồi toàn tỉnh Kiến Hòa, giữa 2 mùa cấy gặt và sau mùa gặt, có nhiều thì giờ nhàn rỗi, lo săn sóc vườn tược, đào mương cho nước lưu thong, lấy đất đào lên liếp để trồng cây ăn trái. Đúng ra, vì mức sinh sản cao kéo theo mức sinh sống cao, bắt buộc nông dân phải tìm cách tăng nguồn lợi tức bằng tăng gia diện tích canh tác. Nhìn vào thống kê của Nam Kỳ lục tỉnh là thấy ngay:

Năm 1880 = 1 675 000 dân; 522 000 mẫu ruộng
Năm 1900 = 2 937 000 dân; 1 175 000 mẫu ruộng
Năm 1920 = 3 600 000 dân; 1 850 000 mẫu ruộng
Năm 1930 = 4 500 000 dân; 2 440 000 mẫu ruộng, 85 000 mẫu mía, bắp, dừa, thuốc, đậu, v.v., 87 000 mẫu cây kỹ nghệ (cao su) của các nhà trồng tỉa Pháp.

Trái cây ngon, bán đi, mang lại một lợi tức đáng kể, trong khi công sức làm vườn bỏ ra ít hơn công sức làm ruộng. Do đó, chẳng gì nông dân Cái Mơn và lân cận, mà cả khắp nơi đua nhau phát triển vườn cây ăn trái. Có nhà nông giảm diện tích ruộng để lập vườn và trở thành nhà vườn hay chủ vườn. Nông dân và chủ vườn địa phương Cái Mơn còn có một sáng kiến thu lợi tức khác nữa là ương hạt giống, chiết nhánh trồng cây cho sớm có trái, thay vì 8 năm còn 5 năm, tháp cây cho cây có sức và sống dai. Mỗi cây được bó trong mo cau, bẹ chuối với đất phân. Vào đầu mùa mưa, cây xanh tươi tốt, cao 1 mét 50, họ đem xuống ghe, chèo chở đi bán khắp các tỉnh xa. Do đó, các loại cây có trái ngon nhứt là sầu riêng, măng cụt tràn lan rất nhanh khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Sầu riêng, măng cụt Lái Thiêu, Bún (Thủ Dầu Một), chôm chôm tróc Java, bòn bon ở Xuân Lộc, Long Khánh (Biên Hòa) đều phát xuất từ Cái Mơn, nhưng nguồn gốc thật sự là từ "Miền Dưới" do Trương Vĩnh Ký du nhập vào Nam Kỳ lục tỉnh. Đất vùng Hậu Giang lại không hợp với loại cây ăn trái này.

Từ thập niên 40 của thế kỷ 20 này, dù sầu riêng, măng cụt không cần thiết cho đời sống, như gạo, muối, nhưng lại là một mối lợi to, nên người Hoa ở Chợ Lớn nắm độc quyền, về kinh tế, thương mại, họ có sẳn phương tiện mạnh mẻ về tài chánh, vận chuyển, phân phối nên nhúng tay vào và hưởng lợi trên sức lao động của nông dân Việt Nam. Đương nhiên, họ không biết sầu riêng, măng cụt xuất xứ từ đâu và không biết đó là công ơn của Trương Vĩnh Ký.

Tóm lại, Trương Vĩnh Ký đối với nhà nông và nhứt là nhà vườn Nam Kỳ lục tỉnh, rồi đối với nhà thương mãi người Hoa ở Chợ Lớn có một công ơn to tác mà không hề được ai biết để nhắc nhở, nói chi đến sự ghi ơn.

(Tài liệu về bài viết này do bác gái Lâm Công Quận thân tặng. Thành thật cảm ơn bác đã đóng góp cho tập bài viết. Trường trung học Pétrus Ký)

 
 
 

Những hoạt-động về Văn-Học của Lâm Công Quận

Văn Bút Québec bầu Ban Chấp Hành nhiệm kỳ mới

Bản tin của Làng-Văn số 65 tháng 01.1990:
Văn-Bút Việt-Nam Hải-Ngoại, Trung-Tâm Québec đã họp Đại-Hội Thường-Niên hôm 26.11.1989 để kiểm điểm hoạt động hai năm 1987-1989. Đại-Hội cũng đã bầu ban chấp hành nhiệm-kỳ mới 1989-1991, thành-phần như sau:

- Chủ tịch: Ô. Trang Châu
- PCT Nội-vụ: Ô. Võ Kỳ Điền
- PCT Ngoại-vụ: Ô. Lâm Công Quận
- TTK: Ô. Lưu Nguyễn
- Thủ-quỹ: Cô Viễn Du

Đại-Hội Văn Bút Việt-Nam Hải-Ngoại kỳ III tại Toronto, Gia-nã-đại

Bản tin của Làng Văn số 87 tháng 11.1991: Đại-Hội Văn Bút Việt-Nam Hải-Ngoại kỳ III đã được tổ chức thành-công tại Toronto, Gia-nã-đại vào hai ngày 12 và 13.10.1991 vừa qua, qui tụ khoảng 300 đại-biểu, văn nghệ sĩ và thân hữu về dư.
......

Đúng 4 giờ 30 chiều, Đại Hội-đồng họp xong, trở lại hội trường chính và ban tổ-chức tuyên-bố kết-quả bầu-cử ban chấp-hành mới.

Liên-danh (duy nhất) đã được các đại-biểu bỏ phiếu tín-nhiệm trở thành ban chấp-hành nhiệm-kỳ 91-93, thành phần như sau:

- Chủ tịch: nhà văn Trang Châu (Trung-Tâm Québec, Gia-nã-đại)
- Đệ nhất Phó Chủ tịch: GS Phạm Việt Tuyền (Trung-Tâm Âu-Châu)
- Đệ nhị Phó Chủ-tịch: nhà thơ Trương Anh Thụy (Trung-Tâm Miền Đông, Hoa-Kỳ)
- Tổng Thư-ký: nhà văn Võ KỳĐiền (Trung-Tâm Québec, Gia-nã-đại)
- Thủ-quỹ: nhà văn Quán Phong (Trung-Tâm Québec, Gia-nã-đại) *)

______________
*) bút hiệu Quán Phong từ chữ Quận và chữ Phòng (tên tộc vợ, bà Diễm Trang). Khi ông viết những loại đứng đắn, trang nghiêm thì ký tên Minh Hiền, còn những bài trào phúng, giễu cợt thì đề Quán Phong.

Lá thư Canada: Đại Hội Văn Bút Kỳ 3 - Trà Lũ

bài viết về Đại Hội Văn Bút kỳ 3 của nhà văn Trà Lũ. Bấm vào tựa bài để đọc.

 
 
 

Sỹ Tải Trương Vĩnh Ký
Trên địa hạt "Nhà văn hóa" tiên phong làm báo bằng chữ quốc ngữ viết bằng văn xuôi

Minh Hiền - Outremont 9-1997

Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6 tháng 12 - 1837 (Đinh dậu - Minh Mạng năm thứ 18) và mất ngày 1 tháng 9 - 1898 (Mậu Tuất - Thành Thái năm thứ 10).

Theo phong tục tập quán dân tộc ta, ngành nghề nào cũng có "sư Tổ", chẳng hạn: nghề thợ mộc, thờ Tổ Lỗ Ban, (người nước Lỗ bên Tàu), gánh hát nào cũng có trang đặt trên cao, thờ Tổ để đào kép trước khi ra sân khấu đến trước bàn thờ nghi ngút đèn nhang, chắp tay cúi đầu khấn Tổ, về võ nghệ, trước khi hoa quyền phải vòng tay cung kính bái Tổ.

Chỉ riêng nghề làm báo, chẳng hề có nhà viết báo nào lưu ý biết Tổ nghề mình là ai. Nay, ta thử tìm đến nhà Tiên Phong viết báo bằng chữ "quốc ngữ" và bằng văn xuôi.

1. Tờ Gia Định báo, tờ Công báo

Đây là tờ báo đầu tiên bằng chữ "quốc ngữ", số 1 ra mắt tại Sài Gòn (Nam Kỳ) ngày 16-4-1865.

Phó đề đốc La Gradière, liền sau khi nhậm chức Thống Soái Nam Kỳ (từ 1-5-1863 đến 5-4-1868) chủ trương ra tờ báo bằng tiếng Pháp "Le Courier de Saigon" năm 1863, và 2 năm sau, năm 1865, ra tiếp tờ báo bằng chữ "quốc ngữ", tức là tờ Gia Định báo.

Cũng chính La Gradièrechủ trương đánh chiếm ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên) tháng 6-1867 làm cho khâm sai đại thần Phan Thanh Giản tuẫn tiết.

Ernest Poteau được chỉ định đứng ra trông nom tờ báo, Paulus Huỳnh Tịnh Của đảm trách dịch các nghị định, thông báo của Thống Soái phủ Nam Kỳ từ chữ Pháp ra chữ "quốc ngữ". Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) đạo gốc, rất giỏi chữ Hán và chữ Pháp. Ông giúp việc nhiều năm cho Gia Định báo. Ông là tác giả quyển "Đại Nam Quốc âm Tự Vị" xuất bản năm 1895.

Gia Định báo in bằng chữ "quốc ngữ", 4 trang khổ nhỏ, xuất bản định kỳ, mỗi tháng một số vào ngày 15 giữa tháng. Tờ báo chỉ là một tờ công báo của nhà cầm quyền thực dân Pháp với chủ yếu phổ biến những nghị định và thông báo của Thống Soái phủ.

Mọi phí tổn liên quan đến tờ báo đều do ngân sách của nhà cai trị thực dân Pháp đài thọ. Báo được phát không cho các viên chức tổng và làng xã. Vả lại sự phổ biến tờ báo rất hạn hẹp, chỉ cho người biết đọc chữ "quốc ngữ".

Dưới thời phó đề đốc Bonard (từ 2-9-1857 đến 19-4-1863), năm 1862, trường dạy chữ "quốc ngữ" đầu tiên được mở, có vài khái niệm chữ Pháp và vài môn toán học, không dạy chữ Hán. Cố đạo Legrand de la Liraye tức cố đạo trường đảm nhận chức giám đốc. Ông kiêm nhiệm chức thanh tra bản xứ. Ông giỏi chữ Hán và chữ "quốc ngữ". Thầy giáo là những giáo sĩ và những giáo dân đã biết sẵn chữ "quốc ngữ" và chữ "latinh".

Việc mở trường lúc ban đầu không có hiệu quả bao nhiêu vì học trò không có sách để học và không có văn phẩm để đọc. Tuy nhiên vì chữ "quốc ngữ" rất dễ học và mau thông thạo nên Legrand de la Liraye vẫn tiếp tục cho mở trường.

Năm 1863, chỉ có 1 trường với non 100 học sinh.
Năm 1865, số trường tăng lên 22 và có tất cả 800 học sinh.
Năm 1868, có 56 trường với 1300 học sinh.
Năm 1869, có 104 trường với 3200 học sinh.

Về phần Hán học, vì thực dân Pháp luôn luôn gây hấn để chiếm Nam Kỳ nên khoa thi Hương năm Thìn (1858 - Tự Đức năm thứ 11) tổ chức ở trường Gia Định, và 8 năm sau, khoa thi Hương năm Hợi (1864-Tự Đức năm thứ 17) tức khoa cuối cùng ở Nam Kỳ, dời xuống trường An Giang. Trường Gia Định năm Thìn có 9 Cử nhân trong tổng số 118 khắp Đại Nam. Trường An Giang có 10 Cử nhân trong tổng số 117.

Nên biết, ở Bắc, khoa cuối cùng mở năm 1915 (Duy Tân năm thứ 9) và ở Trung, khóa cuối cùng mở năm 1918 (Khải Định năm thứ 3).

Tuy nhiên, dân chúng vì đã lâu đời tiêm nhiễm Hán học nên vẫn luôn luôn gắn bó với Tam Thiên Tự, Tứ thư, Ngũ kinh và luân lý Khổng Mạnh.

2. Trương Vĩnh Ký trước khi vào nghề làm báo

A. Tham gia sứ bộ đi Âu Châu

Năm 1858, vì mẹ mất, Trương Vĩnh Ký rời hẳn trường đạo ở Pulau Penang, trong Ấn Độ Dương, về quê nhà ở Cái Mơn (Bến Tre).

Năm 1860 (24 tuổi) Giám Mục Sài Gòn Lefèbre biết ông thông thạo Pháp ngữ, tiến cử ông làm thông dịch trong những cuộc tiếp xúc, thương thuyết giữa thực dân Pháp xâm lăng gây hấn với triều đình Huế, vừa yếu kém vừa thiển cận.

Tháng 6-1863, với tư cách thông ngôn, Trương Vĩnh ký tham gia sứ bộ Phan Thanh giản (68 tuổi, chánh sứ), Phạm Phú Thứ (phó sứ) và Nguyễn Khắc Đản (bồi sứ) lãnh sứ mạng sang Aâu Châu (Pháp, Tây Ban Nha) điều đình chuộc ba tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) bị liên quân Pháp Tây Ban Nha đánh chiếm từ 18-2-1859 đến 7-1-1860.

Ngày 13-9-1863, sứ bộ đến Paris.

Ngày 18-9-1863, sứ bộ diện kiến Tổng trưởng ngoại giao Droubin de Lhuys.

Ngày 5-11-1963, sứ bộ vào triều kiến, tại hoàng cung Les Tuileries, Hoàng Đế Pháp Napoléon III và Hoàng Hậu Eugénie, cả triều thần hết sức ngạc nhiên và thán phục sự thông thạo tiếng Pháp của Trương Vĩnh Ký.

Không gặt hái được kết quả nhỏ mọn nào, sứ bộ Đại Nam đành đi Madrid (Tây Ban Nha) cho lấy lệ, rồi trở về nước, đến Huế ngày 11-3-1864.

Trương Vĩnh Ký một mình ở lại Âu Châu, ông được đưa đi viếng nhiều nơi. Đi đến Rome ( Ý Đại Lợi) Trương Vĩnh Ký được Đức Giáo Hoàng Pie IX (1846 - 1871) tiếp kiến ở Điện Vatican.

B. Những điều trông thấy mở rộng thêm kiến thức

Ở kinh đô Paris, Trương Vĩnh Ký được các Tao đàn ân cần đón tiếp, Trong Tao Đàn, có nhiều danh nhân, văn sĩ nổi tiếng tham gia như Victor Hugo, Eùmile Littré, Victor Duruy, Ernest Tenan, Paul Bert...

Suốt thời gian học đạo ở Đại chủng viện dòng tên Pulau Penang (1851-1858 từ 14 đến 22 tuổi) tiếp xúc với thế giới bên ngoài, Trương Vĩnh Ký chỉ trông thấy sự bành trướng của các đế quốc thuộc địa như Anh, Hòa Lan , Pháp... và duy nhất ông thấy phát minh khoa học trong sự di chuyển của hải thuyển bằng máy sử dụng sức nóng của hơi nước.

Tỷ như Anh đã đặt thuộc địa ở Ấn Độ từ 1818, mua Singapore năm 1819 với 60.000 dollars, chiếm bán đảo Mã Lai năm 1824, 1 phần đất Miến Điện năm 1826 và đến Hong Kong năm 1841 và gây ra chiến tranh nha phiến 1840 - 1842 với Trung Quốc.

Nay, trên đất Pháp, Trương Vĩnh Ký thấy tận mắt:

  • Cách mạng kỹ nghệ (xưởng máy đồ sộ, máy móc tối tân)
  • Phát triển kinh tế (đường rầy và toa xe lửa,, ngân hàng tín dụng, nhà buôn đồ sộ)
  • Sản xuất kỹ nghệ với số lượng to.
  • Bành trướng thị trường
  • Truyền thông, tại Paris có tờ la Gaqzette ra đời từ 1631, tờ Journal des Savants (trong Tao Đàn) ra đời năm 1650 báo có đăng cả hình ảnh.
  • Các sĩ quan hải quân và các nhà truyền giáo ở Đại Nam về cung cấp bài vở cho báo chí hoặc liên lạc và trao tài liệu cho nhà báo để viết bài.
  • Như báo đăng các vụ giết đao ở Đại Nam từ 1859 đến 1862 làm cho con chiên cực kỳ xúc động. Có khi báo phóng đại tin tức, như sứ bộ phan Thanh Giản lãnh sứ mạng đến triều đình chuộc 3 tỉnh miền Đông với số bạc 40 triệu nguyên (dollars) mà báo đăng 85 triệu trong khi sứ bộ chưa đặt chân đến bàn hội nghị.

C- Những sự kiện làm thay đổi tầm nhìn của Trương Vĩnh Ký

Giữa lúc ở Nam Ký lục tỉnh khoa thi cử Hán học đã bị bãi bỏ, các cuộc võ trang chống Pháp của nghĩa dõng miền Nam đã lần lượt bị dẹp, và bài thơ chống Pháp của những sĩ phu không gây ảnh hưởng gì.

Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), với lòng yêu nước, vào tháng 4-1861 dâng bản điều trần "hòa từ" cho khâm sai Nguyễn Bá Nghi và ngày 3-4-1863, dâng bản điều trần "thiên hạ đại thế luận" cho phó sứ Phạm Phú Thứ. Nhưng cả hai bản điều trần đều bị bỏ qua không được để ý đến.

Ngay cả chính khâm sai đại thần Phan Thanh Giản khi đi sứ Âu Châu về triều kiến vua, tâu mọi sự, cũng phải làm thơ than,

Than thở

Từ ngày đi sứ Tây Kinh,
Thấy việc Âu Châu phải giựt mình,
Kêu tỉnh đồng bang mau kịp bước,
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin.

Sự kiện chứng tỏ Vua và triều đình chỉ chú tâm "đánh đuổi Tây Dương ra khỏi xứ" và vẫn khư khư áp dụng chính sách bất bang giao, bế quan tỏa cảng và cấm đạo.

Người có lòng yêu nước, có óc thực tiễn, nhìn xa thấy rộng, thông thạo trên 20 sinh ngữ Đông phương và Tây phương, nhận thức vai trò quan trọng của báo chí như Trương Vĩnh Ký sẽ đem mọi sức mình cố gắng vượt qua mọi trở lực để mong thực hiện sự thay đổi văn hóa cơ bản Việt Nam. Ông nghĩ rằng sự phát triển và đại chúng hóa "chữ quốc ngữ" là một điều kiện tiên quyết cho sự tiến bộ để bắt kịp nền văn minh Tây phương.

Do đó, Trương Vĩnh Ký là nhà tiền phong làm báo bằng "chữ quốc ngữ" viết bằng văn xuôi.

3. Gia Định báo, tờ báo thực sự có một phần nhỏ Công báo

Rời Pháp đến đầu hay giữa năm 1865, Trương Vĩnh Ký mới về Sài Gòn.

Năm 1866, Trương Vĩnh Ký được mời làm giáo sư dạy ở trường thông ngôn.

Đến năm 1869, ngày 6 tháng 9, phó đề đốc G.Ohier, Thống Soái Nam Kỳ, ký nghị định bổ Trương Vĩnh Ký vào chức vụ Chủ nhiệm tờ Gia Định báo có lương.

Cánh cửa đã hé, đúng sở nguyện của Trương Vĩnh Ký là dùng tờ báo làm phương tiện truyền thông với đồng bào nhất là giới bình dân biết "quốc ngữ".

Trương Vĩnh Ký kiêm nhiệm chủ bút.

Huỳnh Tịnh Của, đặt dưới quyền điều khiển của Trương Vĩnh Ký trở thành cộng sự viên của ông.

Từ bước rẽ ngoặt này, kể từ ngày 9-1869, tờ Gia Định báo thay đổi từ hình thức đến nội dung.

Về hình thức, báo bắt đầu xuất bản 1 tháng 2 kỳ, rồi 4 kỳ, mỗi năm gồm 16 hay 20 trang khổ nhỏ. Năm 1872, sau khi Trương Vĩnh Ký thôi không làm chủ nhiệm nữa, báo trở lại thuần túy công báo xuất bản mỗi tháng 2 kỳ.

Về nội dung, báo chia ra 2 phần:

  • Phần công vụ, 4 trang, đăng các nghị định, thông báo của Thống Soái phủ.
  • Phần tạp vụ, 16 trang, rất đa dạng, đăng những bài tiểu luận về lịch sử, thơ phú, truyền thuyết, các tài liệu về văn hóa trở nên rất quan trọng.

Trong bốn năm liên tiếp, từ 1859 đến 1872, với chức chủ nhiệm, Trương Vĩnh Ký khuyến khích và tập luyện các viên chức như là thông ngôn, ký luận, giáo tập (giáo viên dạy học trò nhỏ) viết văn và viết tin tức xảy ra ở địa phương như thông tín viên để đăng vào phần "tạp vụ" của tờ báo. Sự khuyến khích kéo dài này của Trương Vĩnh Ký đến mức làm cho nhà cầm quyến nghi ngại.

Mọi phí tổn liên quan đến tờ báo, Trương Vĩnh Ký không quan tâm đến. Báo được phát không đến các xã, các trường.

° Vài nhận xét liên quan đến tờ báo

Phó đề đốc Roze, thống soái Nam Kỳ nhận xét như sau:

"Tờ báo này (Gia Định báo) có mục đích phổ biến cho dân bản xứ các tin tức đáng cho họ lưu ý và cung cấp cho họ "một số hiểu biết thông thường liên quan đến các vấn đề phát triển nông nghiệp"

Các thanh tra ở mỗi địa phương báo cáo cho biết: "Tờ Gia định báo rất được sự ủng hộ nồng nhiệt của dân chúng, và ở nhiều nơi, các em bé biết "quốc ngữ" đọc to cho ông bà cha me nghe…

Giám đốc Gia Nội Chính cũng báo cáo:

"Quốc ngữ" chỉ có 27 chữ cái và các chữ này giúp cho một người viết ra hàng chục ngàn việc. Một người có thể viết ra bất cứ chữ nào. Nó không giống như chữ Hán. Một người có thể học chữ Hán cho đến già và rồi vẫn gặp những chữ lạ, và không biết những chữ ấy viết ra sao. Còn "quốc ngữ" hoàn toàn không khó. Với vài tháng cố gắng bạn có thể học nó hoàn hảo.

Trong cộng đồng người Pháp tại Nam Kỳ, ý kiến không đồng thuận về giá trị của "quốc ngữ". Nhiều người thích tập trung vào việc dạy người An Nam tiếng Pháp. Ngay cả một số người An Nam có cảm tình với những mục tiêu của nhà cai trị Pháp cũng đã công kích "quốc ngữ" với những lí lẽ khác nhau. Nhiều nhà Nho đã mãnh liệt chống đối với mọi cố gắng du nhập loại chữ cái "kiểu Tây phương" (chữ Latinh) thay thế chữ Hán và chữ Nôm đang được sử dụng.

Chỉ có hai người mà sự nghiệp kết liền với tờ Gia Định báo, đã phát triển đến việc viết "quốc ngữ" và đã chứng minh sự đầy đủ của chữ này để phát biểu mọi ý nghĩ hay ý kiến.

Hai người tiền phong đó là Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của (Paulus) đều là người Nam Kỳ.

Đúng ra là chỉ có Trương Vĩnh Ký hoàn toàn chú trọng đến sự truyền bá chữ "quốc ngữ" để thay thế chữ Hán và chữ Nôm, còn Huỳnh Tịnh Của chỉ đảm nhận ông việc dịch từ chữ pháp ra chữ "quốc ngữ" các công văn và nghị định của Thống Soái phủ.

4. Tờ Thông Loại Khóa Trình (Miscellanée)

Đây là tờ nguyệt san "học báo" do Trương Vĩnh Ký chủ trương và chủ biên.

Đặc biệt lưu ý:

Trang bìa hoàn toàn chữ Hán và chữ Pháp, không một chữ quốc ngữ nào ngoài tên "Trương Vĩnh Ký".

• Chữ Hán to Thông Loại Khóa Trình (có nghĩa là tạp văn)
• Chữ Pháp: Miscellanée (tạp văn)

Ou
Letures instructives
Pour
Les élèves des écoles primaires, communales, cantonales
Et les familles
Par
P, J. B . Trương Vĩnh Ký

Báo không có đại lý ở tỉnh, báo chỉ nhờ đường dây bưu điện; lúc bấy giờ sự vận chuyển trong xứ hầu như bằng đường thủy. Trong một thông cáo đăng trong báo, Trương Vĩnh Ký mời độc giả ở gần nhau họp lại mua một bưu phiếu để đỡ tiền bưu phí. (Như thế, người ta chuyền tay mà đọc một tờ).

Nội dung:

Nguyệt san Thông Loại Khóa Trình chỉ đề cập đến văn hóa Đông phương, văn hóa dân gian, không hề đề cập đến văn hóa Tây phương hay văn học Pháp.

Báo trình bày văn xưa và văn hiện đại, nhân vật lịch sử, luân lý, đạo đức, phong tục, kiến thức phổ thông v.v… Báo cũng có những bài đề cập đến thời cuộc lúc bấy giờ và tác giả có một thái độ rõ rệt theo hay chống cựu trào, tân trào hay theo chống thực dân xâm lược Pháp.

Đến các bài thơ chống Pháp của các sĩ phu ẩn dật, trong dân gian truyền miệng nhau, Trương Vĩnh Ký vẫn cho đăng nhưng không ghi tên tác giả, như:

Bài "Con Rận Thơ" của Cử Phan Văn Trị"

2 câu mở đầu bài của Bùi Hữu Nghĩa:

"Ai khiến thằng tây tới vậy à
Đất nước bỗng chốc nổi phong ba"

Riêng Trương Vĩnh Ký cũng có một bài vè 38 câu chỉ trích chánh sách cai trị hà khắc của thực dân, đăng trong Thông Loại Khóa Trình số 12 tháng 4-1889 tr.9-10:

"Nằm canh điễm mục" (Vè Nằm Dỏ)
"Kể từ có giặc Lang Sa,
Muôn dân thiên hạ nhà nhà đảo điên.
Dân tình ai nấy ưu phiền
Sưu cao thuế nặng quan truyền vô đây"

Chắc chắn nhà cai trị thực dân Pháp thừa biết nhưng im lặng chỉ vì các cuộc võ trang chống pháp của các nghĩa dõng miền Nam còn bị dập tắt hết từ 1872, huống hồ vài câu thơ chửi bới làm gì thay đổi được tình thế hay làm cho dân nổi loạn.

Trương Vĩnh Ký cũng có một loạt bài biện minh và tán dương Phan Lương Khê (tức Phan Thanh Giản).

Những cộng tác viên của Trương Vĩnh Ký:

  • Thế Tải Trương Minh Ký, môn sinh
  • Nguyễn Khắc Huề, thầy dạy chữ Hán ở Bến Tre
  • Trần Hữu Hạnh, giáo sư dạy ở Collèfe dees Stagiaires
  • Đặng Đức Tuấn, linh mục Bình Định
  • Nguyễn Biển Doan, linh mục Sài Gòn
  • Phan Tuấn, thông phán Quảng Nam
  • Nguyễn Xuân Quờn
  • Lê Ngọc Chất
  • Léon Trương Vĩnh Viết, con trai.

Chín năm sau tờ Thông Loại Khóa Trình, tờ báo thứ hai ở Nam Kỳ lục tỉnh xuất hiện. Đó là tờ Phan Yên báo, tuần báo do Diệp Văn Cương làm chủ nhiệm, ra mắt tháng 12-1898, đến tháng 2-1899, được 7 số thì bị cấm lưu hành. Lý do: báo có tính cách chính trị, công khai chỉ trích chính sách cai trị của thực dân Pháp.

Sang thế kỷ 20, mới xuất hiện tờ tuần báo thứ 3, tờ Nông Cổ Mín Đàm, 8 trang khổ 27x20 cm ra mắt ngày 1-8-1901, do Canavaggio, người Pháp chủ trương sáng lập và Dũ Thúc Lương Khắc Ninh (1862-1942) làm chủ bút.

Tờ tuần báo thứ 4, tờ Lục Tỉnh Tân Văn ra mắt ngày 14-11-1907 do Pierre chủ trương sáng lập và Trần Nhựt Thăng, bút hiệu Đông Sơ (tức Gilbert Trần Chánh Chiếu) (1867-1919) (1)

KẾT LUẬN

Gia Định báo từ khi ra mắt (6-4-1865) chỉ là tờ Công báo 4 trang với mục đích thông báo cho viên chức biết đường lối cai trị của nhà cầm quyền Pháp.

Đến tháng 9-1859, khi Trương Vĩnh Ký lãnh trách nhiệm có lương, Gia Định báo vẫn giữ phần công vụ 4 trang, còn phần tạp vụ 12 hay 14 trang.

Trương Vĩnh Ký lập tức lấy tờ Gia Định báo làm phương tiện truyền thông để gây tinh thần dân tộc bằng cách khuyến khích các viên chức viết văn và viết tin tức như phóng viên tờ báo.

Năm 1888, Trương Vĩnh Ký hoàn toàn chủ trương nguyệt san Thông Loại Khóa Trình, với tiền túi eo hẹp của mình, không có bàn tay nào của thực dân cả. Trương Vĩnh Ký đem hết tài sức để dấn thân vào nghề làm báo.

Uyên bác về ngữ học, thông thạo cả 20 sinh ngữ Đông và Tây phương, đặt nặng tinh thần dân tộc, Trương Vĩnh Ký nhận thấy lối thoát dân tộc là lấy chữ "quốc ngữ" làm phương tiện truyền thông đại chúng hầu mở mang và nâng cao dân trí.

Dù học rộng, hiểu sâu, Trương Vĩnh Ký không tài nào độ được sức phản ứng của các nhà Nho quá thủ cựu, kể cả vua và triều đình Huế quá lâu đời tiêm nhiễm Hán học và khoa cử, không bao giờ chấp nhận loại chữ viết bằng ngòi bút thép với mẫu tự "latinh".

"Thông Loại Khoá Trình không gặp khó khăn về phía cầm quyền mà tự đình bản vì tiêu thụ kém và nợ nhà in.

Tờ Phan Yên báo do Diệp văn Cương chủ trương vừa mới ra thì bị cấm lưu hành ngay.

Hai tờ Nông Cổ Mín Đàm và Lục Tỉnh tân văn do người Pháp chủ trương nên những sự khó khăn xảy ra với nhà cai trị dễ giải quyết ổn thỏa…

Như thế, xuyên qua tờ "Thông Loại Khoá Trình" (Miscellanée), Trương Vĩnh Ký, với tinh thần dân tộc cao độ, là nhà tiền phong làm báo, hay đúng ra là Tổ Sư nghề làm báo bằng chữ "quốc ngữ".

_____________________

(1). Trần Chánh Chiếu bị bắt giam từ tháng 10-1908 đến tháng 4-1909 không phải vì lí do làm báo mà vì lập hội Kín Minh Tân (Phong trào Đông Du). Có tất cả 91 người cùng bị bắt với Trần Chánh Chiếu. Trần Chánh Chiếu được trả tự do là nhờ sự vận động của nhà chí sĩ Luật sư Phan Văn Trường đang ở Pháp và sự can thiệp của chánh phủ Nhật Bổn.

Sách tham khảo:

  • Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam. 1988. Cao Huy Thuần.
  • Làng Hành Thiện và các nhà nho Hành Thiện triều Nguyễn. 1991. Đặng Hữu Thụ.
  • Việt Sử Khảo Luận (tập 6) 1990. Hoàng Cơ Thụy.
  • Những bước đầu của báo chí 1992. Bùi Đức Tịnh.
  • Understanding Việt Nam (chương Confrontation with the West) 1993. Neil L. Samieson. University of California.
  • Trương Vĩnh Ký, nhà văn hóa 1993. Nguyễn văn Trung.
  • Đặc san Pertus Ký Houston 1994.
 
 
 

Huynh đệ Subud viết về Minh Hiền Lâm Công Quận

Liêm Khiết Haryanto Trương Trọng Bình

Thật là buồn khi được tin Bác Minh-Hiền ra đi vĩnh viễn!!!

Khi nhận được tin Liêm Khiết đã cho Hoàn-Toàn và anh Hùng ở Washington DC hay. Buổi chiều hôm thứ ba ngày 11 tháng 12 vừa qua 3 anh em đã đến Hotel của Liêm Khiết ở Washington DC để tập một xuất Latihan cầu nguyện cho Bác Minh-Hiền.

Bác mất đi là một sự mất mát lớn lao cho Subud Việt-Nam. Bác Minh-Hiền đã nêu cho tất cả huynh đệ Subud Việt-Nam một tấm gương mẫu, là một hội viên Subud chân thành, tích cực cả hai phương diện bên trong và bên ngoài.

Lần cuối cùng Liêm Khiết được gặp Bác Minh-Hiền ở kỳ hội nghị Subud thế giới tai Spokane (1997). Nguyện xin Thiêng-Liêng Toàn-Năng ban ân phước và sự hướng dẫn của Ngài đến linh hồn của Bác Minh-Hiền trong thế giới bên kia.

Liêm Khiết cũng xin thành thật gởi lởi chia buồn đến chi Mỹ Hạnh và gia đình.

Hoàng Nam Hartono Đỗ Đình Hoài

Chị Mỹ Hạnh thân mến,

Nghe tin Bác mất, và Bác Mardi Ning Sih cũng mất cách một hai ngày sau đó. Tôi đã tập latihan cầu nguyện Ba Chị và Bác Mardi Ning Sih. Trong Latihan tôi cảm thấy thật là sung sướng vô bờ, người bay bỗng, và nhẹ nhàng vô cùng, như đang sống trên Thiêng Đường vậy. Sau buổi latihan cầu nguyện này, cảm giác vui sướng, nhẹ nhàng vẫn còn kéo dài mãi. Tôi cảm nhận ngay là linh hồn của Ba Chị và Bác Mardi Ning Sih đã được Thiêng Liêng đón nhận. Chắc chắn là như vậy.

Tôi đã kể cho Harjono Mão nghe từ lâu rồi. Vì Harjono Mão là cháu Bác Mardi Ning Sih. Bây giờ mới nhớ đến việc này nên kể đến Chị. Trong cuộc đời của tôi, tôi đã nhận rất nhiều ân huệ nhiệm mầu mà Thiêng Liêng đã ban cho tôi cũng như gia đình của tôi. Những việc này xảy đến thật là bình thường, mãi về sau, trong một giây phút nào đó, tự nhiên trong tâm bật ra câu trả lời : Đó là Ân Huệ của Thiêng Liêng, ban cho ngoài sự mong cầu của mình. Và tôi cũng hoàn toàn tin tưởng là tập đều latihan, sống một cuộc đời tốt lành thì cuối cùng lúc ra đi cũng sẽ được như thế. Đó là những gì tôi muốn chia sẻ với Chị.

Thân mến

 

 
 
 

 

trích một vài đoạn trong

Tin Tức Subud Việt Nam Hải Ngoại

tờ báo do Aamirudin Nguyễn Như Tuyền chủ biên - để ở góc Tài liệu

Số 2: Dư âm SWC 08 tại Úc châu: Ngay sau khi ở hội nghị về phái đoàn Canada đã thuyết trình cho tât cả anh chị em Subud Canada về các hoạt động và các thành quả đã đạt được. Sau đây là những nhận xét của Subud Quebec về anh chị em Subud Việt Nam:

Rene Grad (phụ tá quốc gia): "Minh Hiền ngâm thơ hay quá, khán thính giả tán thưởng. Về Canada, hãy ngâm thơ cho anh chị em Subud Canada thưởng thức".

Số 3: Lá thư của Minh Hiền Lâm Công Quận gửi cho Aamirudin Nguyễn Như Tuyền.

Ban Biên Tập Tin Tức Subud Việt Nam Hải Ngoại thân mến,

Lật đật chúng mình gặp nhau ở Syney đến nay đã đúng một năm. Biết bao biến đổi đã xảy ra trong thế giới Cộng sản, sẽ ảnh hưởng đến chế độ hiện hữu ở Việt Nam.

Sau đây là các tin về Subud mà "BBT TT SUBUD VNHN" có thể đăng vào bản tin:

Trong dịp Tết Nguyên đán này Subud Vancouver (Canada) có gửi trợ giúp anh chị em Subud bên nhà 300 CNS, Hai Bác thêm 60 CNS để được chẳn 300 USD. Tiền đã chuyển 2 tháng nay rồi, nhưng chưa được báo tin chia ra làm sao. Chắc anh chị em đợi gần Tết mới chia.

Trong quyển "8 th Subud World Congress" (bản phúc trình bên Nhật) nơi trang 69 có ghi các phái đoàn tham dự, mà đại biểu của Việt Nam là: Minh Hiền Lâm, Mintardjo Vũ và Aamirudin Nguyễn. Bác rất hài lòng, ít ra cũng phải thế vì phái đoàn Việt Nam rất hùng hậu, hai bác đã vào dân Canadiens, khởi hành từ Canada, dân Canadiens đều biết hai bác, nhưng hai bác vẫn quyết định là đi dưới lá cờ Việt Nam vì trái tim và giòng máu của mình là Việt Nam. Có quốc gia không có người đi dự (như Cuba) mà nhờ người ghi cho có tên cũng được trong bảng danh sách. Nơi trang 117 về Susila Dharma cũng có đề cập tới tình hình đau khổ của 150 anh chị em bên nhà, luôn luôn có khát vọng xuất ngoại.

Bác Ngô Đình Căn đã tạ thế vào ngày 23/10/89.

Bác Trần Nhân Nguyên đã có giấy xuât cảnh đoàn tụ với con gái ở Úc.

Bác vừa lãnh điều hành "Ủy Ban Bảo Trợ Ngưởi Tỵ Nạn" của cộng đồng người Việt Quốc gia vùng Montréal.

Hai bác Sudarsi và Hartono Nguyễn Đình Thí vẫn ở địa chỉ:

3904 Spyglass road Oklahoma City
OK 73120 USA

Trước thềm năm mới hai bác chân thành cầu nguyện cho tất cả anh chị em Subud Việt Nam trên toàn thế giới được hưởng nhiều Ân huệ của Thiêng Liêng.

Minh Hiền Lâm.

Số 4:

Thư tín

Chúng cháu đã nhận được thư và sách của bác gửi cho, chúng cháu xin thành thật cảm phục Bác, tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn nhiệt tình, hăng say hoạt động, đây cũng là tấm gương cho chúng cháu noi theo.

Ngay khi ở hội nghị về cháu đã viết tin tức Subud Việt Nam đăng trong Subud Journal ở Nhật.

Cuốn Vietnam Vietnam chúng cháu đang chuyền tay nhau đọc, cuốn Vers La Liberté hay quá, từ lâu cháu không đọc tiếng Pháp nay đọc lại thấy thích thú vô cùng. Xin vảm ơn hai Bác.

Tin Canada:

Hai Bác Minh Hiền và Diễm Trang vẫn luôn hướng về Việt Nam giúp đở anh chị em ở quê nhà. Bác đã gửi về Việt Nam 300 USD.

Khi được tin bác Phan và chị Phạm Thị Lương Hằng đã định cư tại Texas, Bác đã viết thư giới thiệu với Subud Texas.

Ngoài các công tác Subud Bác Mình Hiền hiện là phó chủ tịch SOS Boat People Canada, đảm trách công tác bảo lãnh đống bào tỵ nạn ở các trại tỵ nạn Đông Nam Á. Bác còn là phó Chủ tịch Văn Bút Hải ngoại trung tâm Québec (Pen Club).

Tác phẩm Vietnam Vietnam của Bác viết bằng Việt ngữ và Pháp ngữ, đây là một công trình sáng tạo rất quí giá, nhằm mục đích cho người ngoại quốc biết một cách xác thực về tình hình Việt Nam sau 75, bản chất và những sai lầm của chủ nghĩa cộng sản và những lý do tại sao người Việt phải bỏ nước ra đi. Ngoài ra Bác còn giúp Pen Club dịch các tác phẩm văn học Việt Nam hải ngoại ra Pháp ngữ.

 

 

 
 
 

trích một đoạn trong

Phở Cao Vân Một Góc Nhỏ Saigon

Lukita Tự

........

Tập Latihan thì phải phân tán mỏng ra từng nhóm nhỏ 3 hoặc 4 người. Địa điểm tập lúc đó có nhà Bác Lê, nhà Bác Quận, nhà chị Halimah Thùy và Lukita, sau này còn có thêm nhà anh Hoàng Nam, Bác Chí và nhiều nhà khác nữa. Lúc đầu ai nấy đều sợ nhà cầm quyền Cộng Sản nên đi tập rất cẩn thận, ngó trước ngó sau, đi vô và ra từng người một để hàng xóm không để ý. Lâu ngày đâm lờn mặt, tổ chức cả Selematan ăn mừng, Selematan vô Ramadhan, xả Ramadhan tùm lum, có lần tụ họp cả 80 mạng.

.......

 
© 2011 góc nhỏ