Hardjono Franςois Maniquant
  Thanh-Niên-Tóc-Bạc - Con chim đầu đàn của nhóm Thái 29  
   
 

Tưởng nhớ Hardjono Franςois Maniquant
nhân 40 ngày quá vãng

Aamirudin Nguyễn Như Tuyền, Úc châu 12.05.2000

Lần đầu tiên tôi gặp Franςois ở nhà hội, đường Hồng Thập Tự, Saigon, khi đó tôi còn là sinh viên y khoa, cách đây đúng 30 năm. Với vẻ mặt quắc thước, đầu bạc trắng, đôi mắt sáng, giọng nói dõng-dạc.

 
   

Sau khi vào Subud, Franςois luôn luôn có mặt trong tất cả các sinh hoạt của hội Subud với tấm chân tình, lòng hăng hái của một người tìm được một niềm tin, một con đường mà Francois thường tâm sự với tôi:

-„"Moi" đã ao ước và tìm kiếm hơn nữa đời người, nay "moi" mới gặp được. Aaminrudin, biết không, mình chỉ là một người với quá nhiều tội lỗi, với bao hĩ, nộ, ái, ố, thế mà nay được Thượng-Đế Toàn-Năng ban ân huệ để tiếp-nhận được Latihan, mình sung sướng quá Aamirudin ạ ".

Trước 30-4-75, nhờ Franςois có quốc tịch Pháp, nên đã sang Singapore để liên lạc với Bapak để xin Ngài chỉ dẫn, nhờ đó chúng tôi được biết tương lai của VN và số phận của Subud VN.

Tôi nhớ, tôi về Saigon vào sáng 27-4-75 bằng xe cứu thương của bệnh-viện vì Biên-hòa đã giới nghiêm. Tôi gặp Franςois, Franςois đưa tôi đến gặp các anh chị em ở đường Huỳnh Tịnh Của sắp sửa ra phi trường để đi. Sau đó Franςois yêu cầu tôi gánh vác một tay trong việc điều hành các công tác khẩn cấp của Hội để lo cho các anh chị em ra đi.

Tôi cũng còn nhớ rõ, sáng 30-4-75 Franςois là người đầu tiên đến hội báo cho biết DVM đã loan tin đầu hàng, và cũng vào tối hôm đó, chúng tôi khoảng 30 người làm latihan và testing; một số đông các bạn tôi tiếp nhận được là phải đi. Đến khi test xem: ai là người ở lại để lo công việc của hội, thì tôi tiếp nhận rất rõ ràng là tôi phải ở lại để trông coi hội.

Sáng sớm hôm sau 1-5-75 một số các anh chị em rời hội để xuống miền Tây tìm đường ra đi. Còn lại mình tôi ở lại hội. Tôi không hiểu sao nước mắt tôi cứ trào ra, vì tôi cũng muốn đi, nhưng cảm giác sợ hải kinh-hoàng ở bên trong tôi làm tôi dính chặt vào ghế ngồi nhìn các bạn chào từ-giã.

Thế rồi Hội đóng cửa ngưng hoạt động. CS tiếp quản Hội, các anh chị em chúng tôi như chim vở tổ, không biết làm sao để gặp mặt được vì tất cả các hồ-sơ đều đã đốt hết rồi. Nhưng với lòng nhiệt thành cầu nguyện, như một phép lạ, chúng tôi lại tụ tập được với nhau ở chùa Hồi-giáo. Tôi còn nhớ Ramadan năm 75, trong các đêm quyền năng chúng tôi đã tập Latihan ở sân chùa Hồi khoảng 20 người và cũng từ đó nhờ uy tín của Hardjono với chùa Hồi, chúng tôi đã tổ chức các buổi khám bịnh miễn phí cho các tín đồ đạo Hồi ở Saigon và nhờ đó chúng tôi có chỗ tụ tập, tổ chức thành các nhóm nhỏ, ở những vùng khác nhau để tập Latihan.

Làm sao tôi quên được những ngày chúa nhật, tôi từ Biên hòa về, cùng với Hardjono đạp xe đạp đi khắp các nhóm để tập Latihan, hoặc khai mở cho hội viên mới, Hardjono từ đó có biệt danh : "ANH BẠN TRẺ ĐẦU BẠC" và hội từ đó dần dần phục sinh lại.

 
 
Anh chị em Subud Pháp tiễn Hardjono Franςois Maniquant

Hardjono được chỉ thị của Bapak rời VN vào năm 1978 sang Pháp. Mãi đến 1990, 12 năm sau, tôi được gặp lại Hardjono trong lễ kỷ-niệm 1000 ngày Bapak qua đời tại Djakarta.

Chúng tôi đã đại diện Subud VN thành-kính đặt vòng hoa trước mộ BAPAK để tỏ lòng tri ân của tất cả các anh chị em Subud VN đã được Bapak luôn luôn thương yêu và cầu nguyện để được Thượng-đế thương xót và ban ân-huệ.

Chúng tôi thức trắng những đêm dài để cùng nhau tâm sự; ôn lại biết bao những kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống ở xứ người; cùng những ước vọng cho tương lai của Subud thế-giới và Subud VN. Làm sao quên được những buổi sáng đến cầu nguyện bên cạnh mộ của Bapak. Đến thăm các Phụ-tá của Bapak như Brojo, Sudarto. Tôi còn nhớ, tôi vui-mừng khôn xiết khi được Sudarto nói, Hardjono đã thanh-lọc xong được cái" trí" rồi. Cùng nhau dự hội nghị zone 1/2. Cùng dự những buổi Latihan tuyệt-vời hoặc tập Latihan "lâu" với nhóm Youth thế-giới.

Sau đó hàng năm tôi đều nhận được thiệp của Hardjono. Tôi còn nhớ Hardjono viết võn-vẹn: " Tôi nhớ bồ lắm "; và đó cũng là lời chia tay sau cùng của Hardjono và tôi. Nhớ tới Hardjono là nhớ tới cái đầu tóc bạc trắng, đôi mắt sáng quắc biểu lộ niềm tin tưởng mãnh liệt vào QUYỀN-NĂNG CỦA THƯỢNG-ĐẾ với tất cả lòng chân thành không gì lay chuyển được.

Tôi tin-tưởng rằng "ÔNG BẠN TRẺ ĐẦU BẠC " của chúng ta bên kia thế-giới đang được Thượng-Đế ban Ân-Huệ.

 

 
 
 

Những kỷ niệm với thanh niên tóc bạc

Margono Lê Văn Tấn

Ở bên Việt Nam tôi chỉ... thấy bác những lần ra hội tập latihan, chưa bao giờ được dịp trò chuyện cùng bác. Nên không biết chàng thanh-niên-tóc-bạc này có máu tếu không thể tưởng. Ở đâu có bác là có tiếng cười. Không biết bác người Phú lang sa, cứ tưởng bác là người ... Ấn. Ông Chà-Và cho vay ăn lời cắt cổ. Ông Chà-Và là danh từ của con nhỏ em của tôi mỗi khi nó đề cập đến bác. Có bác chứng giám, tôi đâu dám đặt tên cho bác như vậy.

 
bữa cháo ... gà anh Liêm-Khiết tiễn bác Hardjono Maniquant về Pháp - Nhà anh Liêm-Khiết ...nghèo, chỉ có chai xì dầu to tổ bố, vậy mà chủ nhà còn cười toe toét, có lẽ khoái chí vì thấy anh Suryadi húp cháo ngon lành, còn mấy người còn lại cười duyên để chụp hình. Hình này chắc Dũng chụp vì phó nhòm Phương cũng đang đứng... cười - 1978  

Bác vừa qua Pháp thì bác sang thăm chúng tôi ngay. Hai lần gặp bác, tôi thích chàng "thanh niên" này lần đầu hơn. Chàng thanh niên lần đầu nghèo tơi tả về tiền bạc, còn ngoài ra thì giàu ... giàu khủng khiếp những thứ khác. Giàu tiếng cười, giàu lòng nhân ái ... bác giàu nhiều thứ quá, tôi không biết đường đâu mà kể.

Thời gian qua nhanh quá, bụi thời gian cũng đã lấp dần cái trí nhớ nhỏ nhoi của tôi. Sau tấm hình cũ ngày nào chỉ thấy in 10.1978 của hảng Kodak, nhưng tôi nhớ chắc chắn bác qua chơi với anh em chúng tôi vào mùa hè khoảng tháng 7 hay 8 gì đó, vì có một lần bác và anh Liêm-Khiết đi chơi rồi tiện đường lên đón tôi và Dũng trên hảng Kodak, chúng tôi đang làm hè ở đây.

Mấy bác cháu ngồi nói chuyện mãi mê, khi xuống xe tôi quên câm cái áo khoác. Cái áo khoác thuộc loại ... chiến. Tôi làm gì có tiền mà mua cái áo này. Mấy tháng lao động vinh quang trong hảng cà phê Jacob, hảng cho một loại tiền thưởng, chỉ dùng để mua đồ không đem đổi ra tiền được, nên buộc lòng phải chơi ... sang vớt cái áo dành cho dân nhà giàu. Mấy bác cháu đi một đoạn, lúc ngừng cười với bác, tôi mới hoàn hồn nhớ là đã để cái áo chiến lại trên xe buýt tặng người khác. Anh Liêm Khiết biểu trở lại. Trở lại trạm xe buýt, chúng tôi leo đại lên một chiếc xe buýt, hỏi thằng tài xế, nó lắc đầu: "Có thấy gì đâu". Đâu phải có một chiếc xe của nó chạy trên đoạn đường này. Thôi của Jacob trả lại cho Jacob.

Chàng thanh niên tóc bạc tới Wien lần thứ hai, không còn cái áo jacket cũ kỷ mà là bộ đồ lớn. Bác mập ra, bệ vệ. Lần này thì bác giàu hết mọi thứ, nhưng còn nghèo một thứ: bác chỉ mới gặp Bapak ít lần. Những ngày năm xưa bác, anh Liêm Khiết, Dũng và tôi ngồi chơi cờ tướng gần như suốt đêm đã không còn nữa. Chỉ còn lại mình tôi với bác. Nhưng cờ tướng thì tôi và bác vẫn đánh mỗi ngày, đánh ngay cả trước giờ đi tập latihan hay đi nghe Bapak nói chuyện. Tôi với bác hạp nhau một điểm, bác cháu đánh cờ tướng quên ăn. Bác nói với tôi:

- "Mình người Subud đánh đâu tính ăn thua, nên không sao cả... "

 
bác Hardjono Maniquant đang chiếu tướng, bác ngồi phì phà rung đùi khoái chí. Margono Dũng: cờ đang dở cuộc không còn nước: bí tịt hết đường tiến thoái. Bác đánh trăm trân trăm thắng - 1978  
   

Bapak đến Wien cũng như những chặng du hành của Bapak lần đó ở khắp nơi, Bapak cho biết, Bapak giúp đở những người chưa được khai mở hay còn tiếp nhận yếu ớt. Một lần gặp Bapak mà cả cuộc đời tôi, tôi không bao giờ quên được. Đời sống tâm linh của tôi rẽ qua con đường khác.

Tôi chỉ xin kể một chuyện có liên quan đến bác.Tôi còn nhớ bữa nghe Bapak nói chuyện và tập latihan lần chót ở Baden trước khi Bapak đi. Tôi ngồi bên ngoài hàng ghế, bác ngồi kế tôi, cạnh bên bác là chị Daryati Xuân và Dì Tư. Hàng ghế trước có chị Mỹ Hạnh. Cứ mỗi lần Bapak nói là con mắt tôi cứ sụp xuống. Bao nhiêu lần gặp Bapak, tôi chỉ bị buồn ngủ khi gặp Bapak bên Anh. Tôi ngủ hết tất cả những buổi Bapak nói chuyện ở đó, dù trước khi đi nghe tôi đã chuẩn bị thật kỷ. Đó là lần đầu tôi gặp Bapak. Còn những lần sau, ở Áo, Đức, tôi tỉnh như sáo, dù hiểu hay không hiểu những lời Bapak nói.

Tôi véo đùi, ngắt tai thiệt đau để cố gắng tỉnh, nhưng con mắt nặng hơn chì, không cách gì mở lên được. Mỗi lần nhắm mắt lại là tôi thấy, tôi đi ... một nước cờ tướng và đang đấu với bác. Tôi quay sang nhìn bác, xấu hổ quá, nhưng không dám nói thật, chữa thẹn, vì biết bác thấy tôi ngủ gục:

- "Hôm nay sao kỳ quá, cứ ngủ hoài ..."

Bác nói ngay:

-" ... tại chơi cờ tướng chứ tại gì ... từ nay không chơi nữa ... "

Trên đường về, bác nói với tôi:

- "Hardjono ... ngủ từ đầu đến cuối, không làm sao để cho tỉnh ngủ được. Mỗi lần nhắm mắt lại, là thấy một con quỷ khổng lồ đang dùng chổi quét bàn cờ tướng. Nhìn sang bên cạnh thấy Margono cũng ngủ gà ngủ gật còn Daryati thì ngồi nghe tỉnh queo. Từ nay không chơi cờ tướng nữa trước khi đi nghe nói chuyện hay tập latihan ..."

Tôi lúc đó mới dám ... thú thật với bác tại sao tôi ngủ gật.

Khi Bapak lên đường, tôi và bác đi cùng mọi người ra phi trường tiễn chân Ngài. Subud Áo mướn phòng VIP ở phi trường cho Bapak ngồi chờ giờ bay, trước khi Ngài đi. Chúng tôi đứng quanh đó, rồi không biết người nào bắt đầu, chúng tôi sắp hàng một lên chào từ biệt Bapak. Người thì khom xuống, người thì quỳ dưới đất hôn tay Bapak. Đứng chờ tới phiên mình được một lát, bỗng tôi cảm thấy xấu hổ, thấy không xứng đáng được hưởng ân huệ này nữa. Tôi lặng lẽ rời khỏi hàng, đi xuống cuối phòng. Lòng buồn hiu. Tôi thấy bác đang đứng ở đó. Tôi ngạc nhiên hỏi bác:

-"... Sao bác không lên chào từ biệt Bapak..."

Mặt bác buồn hiu:

- "Hardjono không xứng đáng Margono ơi ... "

Tôi muốn ôm bác khóc, vì tôi cũng ở tâm trạng đó:

- "Cháu cũng vậy... "

Hai bác cháu đứng bên nhau, tựa lưng vào tường, lặng lẽ nhìn mọi người lần lượt chào từ biệt Bapak. Thì bỗng nhiên anh chàng người Áo, Machrus Herhacker, đến nhìn bác và tôi hỏi:

- " Hai đứa bây lên chào Bapak chưa? Sao còn đứng đây ... "

Tôi nhìn bác, bác nhìn tôi. Hai bác cháu biết là Thượng đế cho phép lên chào Bapak. Tôi với bác vào hàng, lúc đó chỉ còn chừng 2 hay 3 người nữa là hết. Bác đứng trước tôi, tôi là người sau cùng. Tôi thấy bác sụp xuống, quỳ, đưa tay ra cầm tay Bapak lên hôn. Bapak nhìn bác, nói gì đó với bác mà Sharif Horthy ngồi kế bên nhưng không dịch.

Tôi thấy cả phái đoàn của Bapak từ các cô cháu gái tới Ibu Rahayu đều chăm chú nhìn bác, gương mặt người nào cũng thật trìu mến với bác.

Khi tôi hôn tay Bapak, tôi nhận được một ân huệ vô thường, nhưng không thể viết ra đây được, vì chỉ cho riêng cá nhân tôi. Nhưng qua đó, tôi đoán biết được, ân huệ dành cho bác còn to lớn đặc biệt hơn nữa, tò mò tôi hỏi bác:

- " ... Bác nhận được gì vậy...?"

Bác nhìn tôi, gương mặt bác sung sướng, hạnh phúc, cảm động quá bác ôm lấy tôi. Hai bác cháu ôm nhau hồi lâu, rồi bác nói:

- "Hardjono lúc đó sợ quá... có biết gì đâu ... "

Tôi hiểu, chứng nghiệm này chỉ dành riêng cho bác.

____________________

11.06.2007: Bác Hardjono ơi, cháu mới nhận được lá thư ngắn của "nữ bác sĩ" hay "cháu Bapak" mà bác thường hay gọi như vậy, gởi cho cháu. Bác ơi, cháu là người hầu bác cờ tướng, người đồng cảnh ngộ với bác hôm đó vậy mà bác có cho cháu biết gì đâu. Hôm nay ở trên đó bác bị một bữa ... nhức đầu.

Cái chứng nghiệm của bác Hardjono tôi nghĩ có lẽ Margono có biết vì bác kể cho nhiều người lắm, Margono có thể kể cho mấy anh chị em khác được: khi bác cúi xuống hôn tay Bapak thì bác thấy bàn tay Bapak đầy ánh sáng, tức là bàn tay bằng ánh sáng, thành ra khi ấy bác đi ra ngoài khóc nức nở tôi thấy mà không hiểu tại sao, tôi đoán là bác có một chứng nghiệm đặc biệt, sau đó thì được biết rõ ràng như thế. Thân mến,

Mỹ Hạnh

 
 
 

Thủ bút của thanh niên tóc bạc

 
 
   

Cergy, ngày 21 September 1984

Margono thân nhớ,

Nhận được thư bồ hồi 11 giờ sáng nay, Hardjono vôi vã trã lời ngay. Theo Hardjono biết hiện nay chỉ có 2 anh em Hoàng Đình Thi & Hoàng Xuân Thơ trại Sikiew bên Thái Lan mà thôi. Kèm theo đây thư số 2 em Thơ gửi "Nữ bác sĩ". Vậy bồ có thể cho các HĐ bên Đức biết địa chỉ của 2 em Thi và Thơ, rồi cầu xin Allah ban Ân Lành hầu 2 em sớm được ra khỏi trại tỵ nạn và được tới định cư tại một xứ tự do và tiếp tục được sùng bái Ngài cùng với Đại Gia Đình Subud chúng ta.

2 vợ chồng anh phụ tá Hưởng Nguyễn Hoài Cận được tới Đức định cư, cho tới nay vẫn chưa liên lạc được với nhóm Subud nào tại Đức. Anh Hưởng rất bối rối, nếu bồ có thể nhờ các phụ tá bên Đức bắt liên lạc với anh Hưởng thì hay lắm đấy. Bồ làm ơn gửi photocopies tất cả các biên bản của nhóm "Thái 29" cho anh Hưởng thì hay vô cùng.

Lâu lắm không gặp các bồ bên Áo, nhớ lắm đấy. Bồ bây giờ chắc đã thành "Sư" trong hàng ngũ cờ tướng, mong ngày gần đây được tái đấu với bồ. Tạm ngưng bút. Cho Hardjono gửi lời chào thân ái tới toàn thể H.Đ thân nhớ tại Áo - Cầu xin Allah ban nhiều Ân Sủng tới các bồ.

Thân

Hardjono

___________________________

Wien, 26.9.1984

Bác Hardjono thương kính,

Nhận được thư bác ngày hôm qua. Cám ơn bác nhiều. Trong khoảng thời gian gần đây, cháu liên lạc với anh Hưởng ở Đức tương đối rất thường, ngày hôm trước cũng vừa thư cho anh ấy. Anh ấy có gởi cho cháu 1 lá thư của em Thơ, lá thư này là lá thư kể rõ vụ em Chi bị bắt cóc. Lá thư làm cháu bị mất ngủ 2 đêm liền. Cháu chụp xong và cũng đã gởi hoàn lại anh ấy bản chánh.

Riêng trường hợp anh Hưởng, cháu có cho anh ấy địa chỉ anh chị Tiến & Quý ở Hamburg để anh ấy liên lạc, tìm chi hội mà tập latihan. Không biết đến nay anh ấy đã liên lạc chưa. Tuy nhiên lời bác cũng chí lý, cháu sẽ thư cho Subud Đức để họ liên lạc với anh ấy, có lẽ thế thì tiện hơn. Sợ anh ấy ngại vấn đề trở ngại ngoại ngữ nên chưa dám "trình diện".

Còn vấn đề gửi biên bản tài liệu nhóm Thái 29 thì chắc ... không dám bác ơi. Mấy năm qua cháu không làm gì cả, mang tội quá. Năm ngoái (83), cháu có đi Hamburg gặp Bapak (sau khi ở Đức Bapak sang Paris), ở đó cháu gặp anh chị Tiến & Quý, Chị BS Tuyết (anh là Siêu Nhân Trọng). Anh chị Tiến & Quý muốn vào nhóm, cháu hứa gởi cho anh chị ấy tài liệu về nhóm; 1 năm qua cháu cũng chưa làm. Không hiểu dạo này người ngợm của cháu nó ra làm sao ấy bác ơi. Định bữa nào chỉnh đốn hàng ngũ hoạt động lại.

Nghe nói dạo này việc gởi đồ cũng gây phiền toái cho người nhận quá. Bác có ý kiến gì chăng? Nhóm còn 1 số tiền không lớn lắm nhưng cũng đủ để làm được vài chuyện cho bên nhà. Nếu bác có biết gì thêm xin cho tụi cháu biết với.

Năm trước cũng định đi Anh gặp bác, nhớ bác ghê. Có được xem hình của bác, bác trông càng lúc càng "thanh niên" ra.

Cháu mà ở gần bác, chắc bác cháu mình đánh cờ tướng suốt ngày cuối tuần. Dạo này cháu cũng ít đánh lắm, có ra quân trận nào cũng vát cờ chạy dài. Về nhà ngẫm nghĩ lại: không hiểu dạo này đánh xuống dốc hay là tụi bạn đánh càng ngày càng hay. Mà chắc là cả 2 lý do quá bác ơi.

Thôi vài hàng thăm bác, hi vọng sẽ có dịp thù tiếp bác vài bàn để học thêm mấy chiêu mới.

Kính thăm gia đình bác. Gởi lời thăm "cháu Bapak".

kính thư

Margono

TB: đã chụp lại bức thư của em Thơ, xin gởi hoàn lại bác.

 
 
 

 

 
   

Cergy, ngày 3 November 1984

Margono thân nhớ,

Xin tôn vinh Allah toàn Năng đã che chở gia đình Aamirudin thoát khỏi VN tới trại tỵ nạn ở Indonesia an toàn. Chiều thứ tư 31.10.84 Mỹ hạnh nhận được thư đã phone ngay cho Hardjono báo tin mừng và đã hồi âm ngay cho Tuyền. Tối hôm sau gặp tại trụ sở đã trao một số photocopies nhờ chuyển tới các HĐ VN ở hải ngoại hầu liên lạc gấp với Aamirudin.

Bồ vui lòng báo cho toàn thể H.Đ nhóm "Thái 29" còn lại ở Áo, và gửi cho Hardjono 1 bộ photocopies tất cả các biên bản nhóm- Merci bồ nhiều.

Tạm biệt - cầu xin Allah ban nhiều ân lành tới tất cả các H.Đ thương nhớ.

thân

Hardjono

TB: Hardjono cũng đã gửi 7 photocopies tới Haryanto Liêm Khiết rồi.

 

 
 
 

trích một đoạn trong

Phở Cao Vân Một Góc Nhỏ Saigon

Lukita Tự

........

Thuở đó, Trụ Sở Hội đã bị Cộng Sản tịch thu nên đám được khai mở sau này như chúng tôi là Haryanto Lý Tuấn Ba, Đông, Michou v.v. đều không biết trụ sở mà chỉ biết chiều chiều ra chùa Hồi ở đường Thái Lập Thành để gặp nhau, thường thì ở đến khuya mới đạp xe đạp hay đi bộ về nhà. Thế rồi chùa Hồi trở thành gần như trụ sở không chính thức của Subud từ hồi nào không biết. Có mặt thường xuyên là Bác François Maniquant, anh Tạ Quảng, anh Hoàn Hương Tống, Michou, Lukita, chị Halimah Thùy, chị Sudharmi và các em Hoa, Lan, Tấn. Chủ Nhật thì có anh Aamirudin Tuyền tới mở phòng khám bệnh miễn phí ở đó. Anh Hưởng Nguyễn Hoài Cận sau khi mãn tù cải tạo về, hay các anh chị em ở xa, hay mất liên lạc sau 30/4 cũng đến chùa Hồi để liên lạc trở lại. Riêng anh Roosdiana Tạ Quảng thì quấn sà rông ở luôn trong chùa.

.......

Tập xong rủ nhau đi ăn, khi thì phở Cao Vân, khi thì đồ chay hẻm Công Lý, có khi chỉ là một chầu nước mía hay chè Tân Định, lúc đầu thì do chàng thanh niên đầu bạc, biệt hiệu của Bác François Maniquant, bao. Sau thì ai có tiền thì đứng ra mời và bao thầu. Riêng Lukita có chứng nghiệm rất nhiều lần mỗi khi mời và đãi huynh đệ xong, thì y như rằng hôm sau trúng mánh. He! Đừng có ai hiểu lầm là Lukita này lợi dụng anh em để cầu mánh nhe, mình phải thành tâm muốn đãi anh chị em thì mới được lộc chứ không phải có tính toán mà được đâu. Thêm nữa, là mỗi khi huynh đệ tỷ muội mình gặp nhau đông chừng nào thì latihan được tiếp nhận nhiều chừng nấy. Rồi thì đám thanh niên như anh Roosdiana Quảng, anh Dũng, anh Barata Phú, anh Đông... và Lukita xé lẻ ra đi uống café, để bác thanh niên đầu bạc đi ăn với quý bà quý cô. Ngồi uống café cả ngày, có khi chẳng ai nói với ai lời nào, vậy mà latihan tiếp nhận được thật là kinh khủng, anh Quảng thường xuyên bị crise, ngồi cười hoài.

.....

 

 
 
 

trích một đoạn trong

Một thoáng cảnh cũ người xưa

Tản Mạn

.........

Nhà bác François Maniquant (Ma ni quên, nếu đọc nhanh thì ra âm này), quí vị nhớ ra hồi thời Tây đó, muốn xe chạy thì phải có tay quay, đút tay quay vào ngay trước đầu xe, thợ máy ta thì hay nói tiếng Tây cho ra vẻ mình cũng xổ pha lang xa loạn xạ như ai thay cho xổ nho chùm, gọi là tay quay ma ni quên (tiếng Tây viết ra sao Đại tỉ). Nhớ vào trại mấy tay sĩ quan ta cũng thường nói tiếng Tây, thì có tay chọc quê: Ê! “toa” (mầy) biết không, “toa” nhớ hông, có lần “toa (là mầy)” đi xe lửa, “toa (mầy)”ngồi trong toa (toa xe) “moi (tao)” ngồi trên đầu toa (toa xe) “moi (tao)” ị, tiểu lên đầu “toa (mầy)”, nhớ chuyện đó hông? Đọc lại lần nữa chơi! Nhà thì ở tận trong Chợ Lớn đường Trần hưng Đạo, phòng tập, lên lầu phía sau, ít người thôi, phải đạp xe cở bốn năm cây số mới tới, thường có Tuấn-Luật sư, có gia đình rồi, nữ thì chỉ có Halimah, vậy thôi; bác François, Tuấn không nói làm chi (tay này lẩm rẩm mà đánh chết voi, hắn cua Lan em Liên hồi nào người viết không ngờ luôn), còn lại thì thành Nhứt Âm Nhứt Dương Song Bích hợp chưởng, người viết và Halimah đó. Duyên số sao nói được?

Sau khi latihan thì dùng trái dừa ướp lạnh, vì phía trước nhà bán cà fê sinh tố do bác gái phụ trách, thỉnh thoảng được thêm dưỡng chất bằng mấy cuốn chả giò nhân gà, bác trai kiêng thịt heo, viết tới đây mà thấy rõ nào trái dừa lạnh, nào chả giò ngã màu vàng xậm, dòn tan, nhân thật khéo rất vừa ăn, vị ngọt của thịt gà kèm theo dòn dòn của nấm mèo mộc nhỉ cùng củ sắn, tí cay cay của tiêu, thèm quá bác François à! Bác Francois, người tầm thước nói tiếng Việt ngầu lắm, mà ngộ nha, tên của bác đọc theo âm Việt hay lắm,,,, xoa có nghỉa là xòa trong xuề xòa nghĩa người có tánh chín bỏ làm mười, hiền như cục đất, ma-ni, nếu lên giọng là ma ní, nhớ hông, người mình gọi mấy ông Ấn ở chùa Ấn Độ là chà dzà ma ní cóc keng, mà bên trong đền thờ rất nhiều các vị Thần, nào đèn đỏ, hương trầm bay tỏa tấp vào mặt mấy ông chà dzà trên trán một dấu son đỏ lè, đúng chỉ là mờ nhân ảnh như Hàn Mặc Tử (1912-1940) gọi tên trong bài Đây Thôn Vỹ Dạ.

Đền Ấn thờ thần khách vào xem.
Ở đây um khói mờ nhân ảnh.
Mặt người đen quá nhìn không ra.
Đố ai nhìn được mặt chà dzà? (ở trong đền này)

(thơ bắt chước thơ họ Hàn, con cháu xin cụ Hàn đừng quở trách)     

Bác François tương tự, vì da bác không trắng như Tây; còn quant, đọc là căng, da bác căng màu ong mật; sự trùng hợp lạ lùng?

Và đền Ấn trấn toàn chỗ độc tức là khu mắc tiền, mấy con đường như Pasteur gần xe nước mía Viễn Đông, nơi hội tụ nam sinh, nữ sinh của nhiều trường trong Saigon. Địa điểm này nổi danh là nhờ khi ép cây mía họ bỏ thêm cam hay chanh. Xem nào, tay cầm ly nước mía lạnh, vừa uống vừa thưởng thức mùi thơm chanh dìu dịu, tới cổ họng nghe lịm mát cả người mà không thấy gắt cần cổ; ối chào! Đả khát làm sao, lại còn lén nghía mấy em nữ sinh đôi má đỏ hồng vì mới bước xuống xế đạp trên từng cây số tắm mình trong cái nắng chang chang, dừng lại, ghé ngang qua đây; chưa hết, kế bên có một xe và là xe duy nhất bán bò bía ăn từng cuốn nhỏ nong nóng chấm với nước tương ngọt, hòa cái béo đậu phộng và tí ớt cay cay ngon khỏi chê, giờ nhắc còn nhớ thèm nhỏ dãi!

 
© 2011 Góc Nhỏ