Nhân duyên vào Subud

Elaine Trần thị Kim Liêng
    (Mỹ Hạnh ghi lại theo lời kể của Elaine - 9.2007 Pháp)

 
Vũ Huy Minh Châu, -, bà Hoàng Đạo Lượng, -, Nguyễn Văn Bính, Laurent Marti, Hoàng Đạo Lượng (chánh Hội Trưởng), Prio, -, Roosman Marti, Elaine Trân Thị Kim Liêng, Sri Mastuti (bà Trần Công Đây), Trần Thị Đương, bà Quách Tòng Đức (Phạm Thị Tài), Trần Đình Thân (ký giả). -.  
   

Chị Elaine Trần Thị Kim Liêng, sanh năm 1934, là con gái một của hai bác Giác Nguyên và cũng là người con duy nhất vào Subud một lượt với hai bác năm 1961, trong khi mấy người con trai không ai vào cả.

Ngày 5 hay 6 tháng 8 năm 1961, chị phải đi ra phi trường Tân Sơn Nhất đón ông bà De Ruzo từ Nam Dương đến, vì chị biết nói tiếng Anh. Chiều ngày 8 tháng 8, cùng với bác gái và mấy bà nữa, chị đến nhà ông Roosman để được khai mở. Lúc ấy không ai giải thích gì mấy về Subud, chị vào vì bác vào. Khi vào phòng, lúc khai mở thay vì nhắm mắt lại theo lời yêu cầu của bà De Ruzo, chị mở mắt ra để nhìn mấy bà chung quanh. Xong xuất đó, bà De Ruzo hỏi thăm mấy bà cảm thấy như thế nào, chị Elaine nói không thấy gì hết, bà De Ruzo nói vì cô mở mắt thì làm sao mà tiếp nhận được. Bà hẹn chị bốn ngày sau trở lại. Chị định bụng cứ mở mắt để xem, nhưng được độ năm phút thì hai mắt chị bị nhắm nghiền lại, không làm sao mở ra nổi và người chị quay vòng tròn càng lúc càng nhanh như cái chong chóng. Sau đó rồi thì chị mới chịu công nhận là có latihan và đi đều cho đến khi đi Pháp. Cho đến lúc sang Pháp chị vẫn còn tên Subud Edi Ning Sih.

Tháng 3 năm 1963, ông Prio Hartono viếng VN, có bà Tư sắp sửa phải đi mổ, ông Prio nói khỏi cần, chỉ cần đến làm latihan hai lần thì sẽ khỏi. Đáng lẽ bà Tư chỉ tập với phụ tá, nhưng Prio biểu chị Elaine vào cùng. Trong latihan chị là người duy nhất đến gần bà Tư và đập thật mạnh vào chỗ phải mổ, với cả hai tay và hết sức lực, trong suốt buổi. Sau xuất latihan, ông Prio biểu chị đi làm latihan để xả và giải thích tại sao. Có bà hỏi ông tại sao lại cho chị vào như vậy, ông nói vì chị là người duy nhất giúp được bà Tư trong lúc tập. Sau lần tập thứ hai thì bà khỏi. Ông Prio nói, ông sẽ gửi tên chị qua Cilandak để xin Bapak bổ nhiệm chị làm phụ tá. Chị không muốn và mấy bà cũng phản đối vì chị còn quá trẻ. Ông Prio nói cần có phụ tá trẻ để nói chuyện với những hội viên trẻ. Để tránh lộn xộn sau này, ông Prio gửi năm tên đề nghị qua cho Bapak và tùy Bapak chọn. Chị là người duy nhất trong danh sách năm tên đó được Bapak chọn làm phụ tá. Chị còn giữ thẻ phụ tá có chữ ký của Bapak, thẻ mang số 122.

Một lần khác, chị và mấy phụ tá tập latihan với một hội viên bị loạn trí. Khi vào latihan, chị đến nắm đầu, chẹn cổ, đè cô này xuống và đánh lên đầu cô đó tuí bụi. Sau đó cô gái trở lại bình thường và hết bệnh luôn. Đầu năm 1964 chị đi Pháp theo lời khuyên của Bapak và đi học thư ký, chứ không phải nghề giữ trẻ con như chị thích.

Năm 1972 lần đầu tiên trong đời, chị đi Cilandak ở hai tháng. Chị được Bapak cho vào gặp riêng, nhưng không cho bác Giác Nguyên vào cùng, tuy chị có xin cho bác.

Sau đó chị nhận được tên Elaine để thế tên Edi Ning Sih, khó dùng ở Pháp.

Chị nhận được nhiều chứng nghiệm và đặc biệt là chị hay nằm mơ thấy Bapak và Ibu Sumari thường xuyên, nhất là những khi chị có chuyện bối rối.

Sau một thời gian dài gián đoạn không đi latihan được vì phải trông nom cho hai bác nhất là bác gái. Khi hai bác qua đời chị cũng còn trù trừ chưa đi tập trở lại, thì chị thấy Ibu Sumari đến bảo chị đi tập trở lại, chị vẫn chưa nhúc nhích; đến lúc Bapak biểu chị, thì chị mới chịu trở lại và tập đều đặn từ mấy tháng nay.

Chị hay cầu Bapak và lần nào cũng được Bapak trả lời nên chị rất tin Bapak.

 
   
  © 2013 góc nhỏ