Header image

vào góc

Margono Lê Văn Tấn, 10.6.2007

 
   

Không biết mọi người thì sao, chứ tôi thì mê truyện chưởng ghê lắm. Hồi nhỏ chỉ đọc qua nhật báo, làm gì có tiền mua sách. Những bộ hay, bộ nào cũng 5, 6 quyển trở lên. Nếu ngày xưa mà tôi quen với anh Hoàn Toàn trước khi vào Subud thì chắc được đọc chùa khỏi tốn tiền. Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch thì nhà Phan Tiền Thăng phải chứa một kho chưởng. Dám chừng được cho luôn mấy bộ đem về nhà cất làm của riêng. Trên nhật báo mỗi ngày chỉ đăng chút chút, lúc nào cũng tới đoạn lâm ly nhất thì ... dừng lại, xin đọc tiếp vào ngày ... mai. Ứa gan. Sau này lớn lên cũng còn mê chưởng, nhưng mê thêm thứ nữa: hồi ký của mấy người nổi tiếng.

Đại đa số những quyển hồi ký tôi đọc qua là mượn của bạn bè, chỉ mua được một cuốn duy nhất: „gia đình Kennedy“. Không phải mua trong nhà sách sang trọng Khai-Trí ở đường Lê-Lợi, mà phía bên kia đường đối diện với nhà sách này. Sách được bày bán ở dưới mấy gốc cây. Nơi dành cho những người nghèo, túng tiền đi bán chữ nghiã thánh hiền (bán sách), cũng may nhờ vậy mấy người nghèo khác mua được „chữ „rẽ đem về. Cũ người mới ta.

Bây giờ tôi bớt thích hồi ký của mấy tay ... trùm ngoại quốc, chỉ thích hồi ký của người mình. Nếu bạn nào có mua mấy quyển loại này mới biết có cuốn bán còn chạy hơn tôm tươi. Mới đọc báo thấy tác giả tổ chức buổi ra mắt sách ở đâu đó bên trời Mỹ, định thủng thỉnh rồi đặt mua. Mấy tháng sau, viết lá thư đặt mua mấy quyển sách, trong đó có cuốn này (cuốn hồi ký của LTB). Nhà sách bảo lựa cuốn sách khác thế cuốn này. Tôi nghĩ chắc nhà sách không ưa tác giả quyển sách. Làm gì có chuyện kỳ lạ, sách chỉ mới ra có mấy tháng mà đã bán sạch. Sách loại này chỉ dành cho những người „bất bình thường“ như tôi đọc. Lần qua Mỹ, tôi rảo hết khu Phước Lộc Thọ, rồi chạy xe dọc dọc theo con đường Bolsa, đường Bolsa lại chẳng có cây dài bóng mát gì cả, nắng chói chang, thấy được nhà sách nào tôi cũng ghé vô. Đúng như lời bà chủ nhà sách Văn Bút, sát bên khu chợ Phước Lộc Thọ: „anh khỏi kiếm làm gì cho mắc công, sách bán hết rồi, đang chờ tái bản“. Tôi không tin. Quả thật, tôi không tìm đâu ra được quyển này khắp vùng Cali.

 
   

Thế nên, tôi nghĩ, thì ra số người mê hồi ký như tôi cũng nhiều. Song song đó, khi vào Subud rồi, thứ tôi mê nhất không phải là những bài „Nói-Chuyện“ của Bapak (vì tôi quá phàm phu tục tử) mà là những bài viết về kinh nghiệm, chứng nghiệm của các cận thần của Bapak, như Sunarto Brodjolukito, Prio Hartono hay Sudarto Martohudojo (hình bên). Mê hết cỡ, đọc quên ăn quên ngủ, y như ngày xưa mê truyện chưởng. Tôi nhớ hình như có một lần tôi đọc được một đoạn mà anh Hướng Thiện Nguyễn Đôn Khoa dịch về ông Hartono (lâu quá không nhớ chắc là ông này hay một trong hai ông còn lại) và những con quỷ. Hấp dẫn còn hơn chuyện ma Cà-rồng hay Quỷ Nhập Tràng của chúng ta. Những cuốn hồi ký Subud, cuốn nào cũng tuyệt cả, đối với tôi.

Số lượng về hồi ký Subud hình như cũng không có bao nhiêu. Đó là nói về người ngoại quốc, còn người mình, không biết có ai biết có người nào đã viết và đã in sách chưa. Tôi chịu, không biết cuốn nào. Có lẽ người mình chịu ảnh hưởng quá nhiều của Nho giáo, Khổng Mạnh, sống quá khiêm cung không thích viết về cái tôi đáng ghét.

Các bậc tiền bối, những người đàn anh đàn chị vĩ đại trong Subud của chúng ta, cuộc đời của họ và Subud chắc là ly kỳ lắm. Đáng tiếc thay họ đã lần lượt ra đi mà không để lại đoạn đời nào của họ cho nhũng người đi sau thưởng lãm. Mới đây Mawardi Hậu có chuyển cho tôi coi một lá thư của Subud Úc gởi cho hội viên, họ muốn sưu tầm chuyện của hội viên về Subud. Đại loại là ... hồi ký về cuộc đời công danh, sự nghiệp, ái tình dính liền với Subud. Tức là họ cũng nhìn ra vấn đề này, cũng hay lắm đó chứ. Anh chị em nào muốn đọc nguyên văn thì bấm vào chỗ này. Các bậc tiền bối trong Subud phần lớn đã không còn nữa, thế hệ kế tiếp cũng chẳng còn ... bao lâu, nếu các đại sư huynh, đại sư tỷ không ghi lại liền bây giờ, thì e rằng ... muộn mất. Đừng nghĩ rằng, lúc nào mình còn ... thoi thóp thở là có thể còn viết được. Lầm chết các đại sư huynh, đại sư tỷ ơi. Cái bộ óc nhỏ xíu của chúng ta, bị thời gian bào mòn lần...“góc nhớ“. Có những chuyện của mình, mình kể cho người khác nghe, họ nhắc lại; cứ tưởng như chuyện của ai.

Hai quyển hồi ký với bản dịch tiếng Việt đã đưa lên góc sách: cuốn của Milles và cuốn của đại sư huynh Vittachi, 2 bản này đểu do Minh Thần dịch. Để mở màn cho góc này, tôi xin trình làng cuốn sách mong mỏng: Cuộc Hành Trình Trong Subud Của Tôi của Sunarto Brodjolukito cũng do Minh Thần dịch.

Vậy thì các anh chị ơi, hãy bắt đầu viết đi, thời gian không dừng lại và chúng ta cũng không phải là thợ sửa đồng hồ, nên cũng không thể nào vặn kim đồng hồ ngược trở lại được đâu.

 
   
  © 2013 góc nhỏ